Thứ gọi là ‘dân chủ’ của phương Tây qua cái nhìn của Vladimir Putin

Tất cả các lựa chọn và hình thức dân chủ khác đều bị họ từ chối một cách ngạo mạn bằng những tuyên bố cứng rắn nhất. Cách hành xử này của họ đã từng được áp dụng từ rất lâu trước đây, kể từ thời thuộc địa: trừ bản thân họ ra, còn tất cả những người khác đều bị họ coi là hạng hai…

Mô hình dân chủ tự do của phương Tây qua cái nhìn của Putin

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Câu lạc bộ Valdai lần thứ XIX, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra nhận định về mô hình dân chủ tự do của Phương Tây:

Các nhà tư tưởng và chính trị gia Phương Tây trong nhiều năm luôn nói và khẳng định với toàn thế giới rằng: không có phương án nào thay thế nền dân chủ. Trên thực tế, họ đang nói về mô hình dân chủ tự do của Phương Tây. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: tất cả các lựa chọn và hình thức dân chủ khác đều bị họ từ chối một cách ngạo mạn bằng những tuyên bố cứng rắn nhất. Cách hành xử này của họ đã từng được áp dụng từ rất lâu trước đây, kể từ thời thuộc địa: trừ bản thân họ ra, còn tất cả những người khác đều bị họ coi là hạng hai. Tình hình này vẫn tiếp diễn trong nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay. Nhưng giờ đây, phần lớn cộng đồng thế giới đòi hỏi dân chủ trong các vấn đề quốc tế và không chấp nhận bất kỳ hình thức chuyên chế nào của các quốc gia hoặc nhóm quốc gia riêng lẻ. Đòi hỏi này là gì, nếu không phải là áp dụng trực tiếp các nguyên tắc dân chủ ở cấp độ quan hệ quốc tế?

Còn quan điểm của Phương Tây “văn minh” – tôi phải đặt cụm từ này trong dấu trong ngoặc kép, là gì? Nếu là dân chủ, thì lẽ ra các quý vị nên hoan nghênh khát vọng tự do tự nhiên như vậy của hàng tỷ con người. Nhưng không! Phương Tây gọi đó là “sự phá hoại trật tự” dựa trên luật lệ tự do. Thế rồi họ phát động chiến tranh kinh tế và thương mại, trừng phạt, tẩy chay, cách mạng màu, chuẩn bị và tiến hành đủ loại đảo chính những ai “phá hoại trật tự”.

Một trong số những cuộc đảo chính đó đã dẫn đến hậu quả bi thảm ở Ukraina vào năm 2014. Họ ủng hộ cuộc đảo chính đó, thậm chí còn cho biết đã chi bao nhiêu tiền cho cuộc đảo chính này. Họ không hề ngại ngùng khi nói ra hành động trơ trẽn như vậy. Họ ngang nhiên sát hại tướng Soleimani của Iran. Họ có thể có thái độ đối xử với Soleimani thế nào tùy thích, nhưng ông ta là quan chức của một quốc gia! Họ sát hại tướng Soleimani trên lãnh thổ của một nước thứ ba và ngang nhiên nói: vâng, chúng tôi đã giết ông ta. Điều này có nghĩa là gì? Chúng ta đang sống ở đâu vậy?

Theo thói quen, Washington tiếp tục gọi trật tự thế giới kiểu Mỹ hiện nay là tự do, nhưng trên thực tế, hàng ngày cái “trật tự” đáng nghi ngờ này đang nhân bản sự hỗn loạn và ngày càng trở nên không thể chấp nhận được ngay cả đối với chính các nước Phương Tây, không thể chấp nhận được đối với những nỗ lực muốn thể hiện tính độc lập, tự chủ. Mọi nỗ lực muốn độc lập, tự chủ đều bị họ dập tắt ngay lập tức và bị họ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt và chống lại ngay cả các đồng minh của họ mà không chút do dự! Còn các đồng minh lại cúi đầu và chấp nhận mọi thứ.

Thí dụ, các đề xuất hồi tháng 7 của các nghị sĩ Hungary xác nhận trong Hiệp ước EU cam kết đối với các giá trị và văn hóa Cơ đốc giáo Châu Âu đã bị coi là không phải là sự bất đồng quan điểm của một nhóm người mà là hành động thù địch có tính phá hoại trực tiếp. Chuyện này là gì vậy? Nên hiểu điều đó có nghĩa thế nào? Rõ ràng, có một số người thích đề xuất đó, có một số người thì không.

Ở nước Nga chúng tôi, sau hàng nghìn năm, đã hình thành và phát triển một nền văn hóa tương tác độc đáo giữa tất cả các tôn giáo trên thế giới. Không cần phải hủy bỏ bất cứ tôn giáo nào, dù đó là giá trị Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái Giáo. Ở đất nước chúng tôi còn có những tôn giáo khác trên thế giới. Cần tôn trọng lẫn nhau. Ở một số vùng của đất nước chúng tôi mà tôi được chứng kiến trực tiếp, mọi người cùng nhau kỷ niệm các ngày lễ của Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Do Thái Giáo. Mọi người hân hoan làm điều đó, chúc mừng nhau và vui vẻ cùng nhau.

Không hề phóng đại khi nói rằng, tất cả tình hình này không phải là cuộc khủng hoảng hệ thống mà là cuộc khủng hoảng học thuyết về mô hình trật tự thế giới theo chủ nghĩa tân tự do Mỹ. Họ chỉ đơn thuần là không đưa ra được ý tưởng sáng tạo và phát triển tích cực nào cho thế giới, ngoại trừ việc duy trì sự thống trị của họ. Tôi tin chắc rằng nền dân chủ thực sự trong một thế giới đa cực trước hết phải tạo khả năng cho bất kỳ quốc gia nào – tôi muốn nhấn mạnh điều này, cho bất kỳ xã hội nào và bất kỳ nền văn minh nào lựa chọn con đường riêng của mình cũng như hệ thống chính trị xã hội của riêng mình. Nếu Hoa Kỳ, các quốc gia EU có quyền như vậy, thì tất nhiên, các quốc gia Châu Á, các quốc gia Hồi giáo, các quốc gia quân chủ ở Vịnh Ba Tư và các quốc gia ở các lục địa khác cũng có quyền đó. Dĩ nhiên, nước Nga chúng tôi cũng có quyền đó và sẽ không ai có thể ra lệnh cho người dân của chúng tôi chọn loại xã hội nào và nên xây dựng xã hội đó theo những nguyên tắc nào.

Mối đe dọa trực tiếp đối với sự độc quyền về chính trị, kinh tế, ý thức hệ của Phương Tây là các mô hình xã hội thay thế có hiệu quả hơn đang hình thành trên thế giới, tôi muốn nhấn mạnh điều này: hiệu quả hơn, tốt đẹp hơn, hấp dẫn hơn những mô hình hiện có. Những mô hình như vậy chắc chắn sẽ phát triển và đó là điều tất yếu. Chính các nhà khoa học và chuyên gia chính trị Mỹ cũng đã viết về điều đó. Thực tế là chính phủ vẫn chưa lắng nghe họ mặc dù chính phủ không thể không nhìn thấy những ý tưởng này được thể hiện trên các trang của các tạp chí khoa học chính trị và trong các cuộc thảo luận.

Sự phát triển phải đồng hành với cuộc đối thoại của các nền văn minh dựa trên các giá trị tinh thần-đạo đức. Đúng vậy, các nền văn minh khác nhau có cách hiểu khác nhau về con người, về bản chất của con người, thường chỉ là sự khác nhau bề ngoài, nhưng mọi người đều nhận thấy phẩm giá cao thượng nhất và bản chất tinh thần của con người. Và điều cực kỳ quan trọng là phải có một nền tảng chung, mà trên nền tảng đó chúng ta chắc chắn có thể xây dựng và cần phải xây dựng tương lai của chúng ta.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM

Tags: , , ,