⠀
Tham nhũng bắt đầu từ đâu?
“Cô bảo, về nói với mẹ đừng có hoa quả, quà cáp gì, cứ phong bì cho gọn con nhé” – có lần, đứa cháu tôi nói với cả nhà.
Tôi vẫn tự hỏi, cái gốc tham nhũng trong xã hội ta là từ đâu? Dột từ nóc, từ lãnh đạo cấp cao biến chất hay từ môi trường với một thể chế dễ tạo ra tham nhũng? Hay một phần xuất phát từ ngay trong giáo dục gia đình? Nếu chỉ tập trung vào những vụ án điểm để “đốt lò” đã đủ để chống tham nhũng hay chưa?
Chưa chào đời, bố mẹ đứa trẻ đã phải “chạy” để nó được ra đời tại một nhà hộ sinh tử tế. Đứa bé lên ba, muốn vào trường mầm non tốt cũng có giá theo nhiều “kênh” quan hệ khác nhau. Vào trường rồi, bố mẹ phải luôn có quà cho mọi dịp “đáng nhớ”. Cứ thế, hành trang “phong bì” của bố mẹ theo con suốt các năm học tiểu học tới trung học.
Và rồi nếu em nào vào được đại học, lỡ có học kém hoặc muốn điểm tốt hơn thì việc “chạy thầy” cũng đã thành lệ. Ra trường rồi, nếu xin vào cơ quan nhà nước cũng đều có giá tùy thuộc công việc có “thơm” không. Quá trình đầu tư tiếp theo này hết sức dài hạn mà không theo chuẩn mực nào. Chạy thi công chức, đua quan hệ, tham gia vào dường dây của anh này, chị kia, cố sao làm “đệ” cho ai đó…
Nhưng đã “đầu tư” thì phải có “hoàn vốn”. Làm sao có thể hoàn vốn với lương ba cọc, ba đồng trong khung biên chế nhà nước? Khi đã leo lên đến một vị trí nào đó, việc vừa phải lo “đầu tư” tiếp, vừa lo “hoàn vốn” để tiếp tục cuộc đua là một quá trình không ngừng nghỉ. Vòng tròn lặp lại. Cứ thế, trong một môi trường đầy rẫy các nhà “đầu tư” như vậy thì câu chuyện tham nhũng có hệ thống là tất yếu.
Tại một hội nghị cuối năm 2018 với một số lãnh đạo chính phủ cấp cao, tôi được một vị tâm sự rằng đối mặt lớn nhất hiện nay của chính phủ không phải thiếu ngân sách mà chính là sự yếu kém của hàng ngũ quan chức, công chức thực thi. Một đội ngũ công chức khổng lồ về số lượng song chất lượng đa phần còn yếu kém đã làm trì trệ công tác vận hành đất nước. Không dễ để giảm số lượng công chức khi họ đã được “đầu tư” cả một quá trình dài hạn như trên. Cũng không dễ nâng cao chất lượng bộ máy đó bởi kiến thức và kinh nghiệm của nhiều người có được nhờ “chạy thầy” trên giảng đường hay “chạy quan hệ” trong quá trình công tác.
Năm 1990, tôi đặt chân đến Ba Lan trong nhiệm kỳ công tác 5 năm của mình. Nạn tham nhũng khi đó hoành hành nghiêm trọng. Cảnh đút lót cho giới chức diễn ra ở mọi chỗ, mọi nơi. Việc hoạnh họe vòi vĩnh tràn lan ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Doanh nghiệp, cán bộ hải quan, thuế mặc cả công khai để ăn chia tiền thuế nhập khẩu. Thậm chí có những lô hàng, hải quan khoán gọn với chủ hàng nên nhà nước không thu được đồng thuế nào. Ra đường thì cảnh sát giao thông “làm luật” trực tiếp với người vi phạm để đút tiền vào túi. Một lần, tôi và anh bạn đang lái xe thì cảnh sát chặn lại. Anh cảnh sát yêu cầu chi riêng cho anh ta 50 zloty. Anh bạn tôi chỉ có tờ 200 zloty, định đi đổi thì tay cảnh sát vui vẻ bảo cứ đưa đây và trả lại tiền thối.
Nhưng chỉ 5 năm sau, tôi quay lại Ba Lan, gặp người năm xưa bị cảnh sát giao thông phạt. Anh kể, chính quyền và cảnh sát Ba Lan đã có những biện pháp mạnh tay đối với tệ nạn hối lộ. Họ tinh giản bộ máy ở mức tối thiểu, sau đó tăng lương để đảm bảo mức sống cho cảnh sát viên. Cùng với đó là chế tài hà khắc. Nếu phát hiện nhận hối lộ thì cảnh sát và người đưa hối lộ nhận ngay án 3 năm tù. Bản thân viên cảnh sát sau đó bị đuổi khỏi ngành và sau này không được nhận lương hưu. Cái giá phải trả cho việc nhận hối lộ vặt là quá đắt so với số tiền 50 – 100 zloty, khoảng 300.000 đến 600.000 đồng, nên hầu như chẳng cảnh sát nào hay người vi phạm liều mạng. So sánh với Việt Nam, cách đây vài năm, còn có thiếu tướng công an tuyên bố rằng “nhận dăm ba chục, vài trăm không nên coi là tham nhũng”.
Một trong những thành công của Chính phủ Ba Lan trong công tác chống tham nhũng là sự hiệu quả của Cơ quan trung ương chống tham nhũng CBA. Quyền hạn của CBA vô cùng lớn, thậm chí họ có cả những quyền mà một số nước EU cấm, như quyền gài bẫy tham nhũng. Chính sách này có thể gây tranh cãi dưới góc độ dân chủ, nhưng rất hiệu quả cho công tác chống tham nhũng. Một loạt vụ gài bẫy của CBA thành công, đưa số lượng không nhỏ quan chức vào chốn lao tù, nhận mức án cao.
Nhà cầm quyền cũng đưa giáo dục chống tham nhũng trở thành môn học trong trường. Học sinh đều được giáo dục rằng đưa và nhận hối lộ là tội phạm nghiêm trọng, xấu xa. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2017, Ba Lan xếp hạng 36, Việt Nam xếp hạng 107 trong 180 nước.
Tôi không nghĩ rằng nước ta không biết cách ngăn chặn tham nhũng, vấn đề là chúng ta có vượt qua được những “lợi ích nhóm, lợi ích ngành” để mạnh dạn đưa các biện pháp mạnh, áp dụng sâu rộng trong đời sống kinh tế xã hội.
Năm 2018 để lại dấu ấn đậm nét với chiến dịch diệt tham nhũng của Đảng và Chính phủ đã tiêu diệt các “con sâu” tiêu cực trong bộ máy chính quyền. Chiến dịch có thể diệt được sâu chúa lẫn sâu thường, sâu bé. Nhưng cũng làm nhiều sâu chui lại vào vỏ, nép mình chờ thời, có cơ hội lại vươn ra hút máu. Vì vậy, muốn tiêu diệt tất cả, cần một môi trường để sâu không thể tồn tại. Môi trường đó chính là cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và dân chủ.
Một mặt nữa để cải thiện vấn đề là từ trong chính mỗi gia đình. Chúng ta đừng đổ lỗi tất cả tệ nạn hiện nay cho chính phủ. Nếu như mọi gia đình đồng lòng đừng gieo vào tâm hồn những đứa trẻ “văn hóa phong bì” hay tâm lý “có tiền là có tất” thì chúng sẽ lớn lên, tạo dựng cuộc đời bằng chính năng lực của mình.
Theo ĐINH HỒNG KỲ / VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Bộ máy hành chính