⠀
Tầm quan trọng của Kaliningrad trong cuộc đối đầu Nga – NATO
Với vai trò một “hàng không mẫu hạm không thể chìm”, Kalilingrad là tài sản quan trọng của Nga ở vùng Biển Baltic, có khả năng làm suy yếu quyền tự do điều động của NATO trên khắp các quốc gia Baltic và Ba Lan.
Đầu tháng 5/2022, Hạm đội Baltic của Nga, với căn cứ chính đặt tại tỉnh Kalilingrad, thông báo đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công mô phỏng bằng hệ thống tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây không phải là lần đầu tiên khu vực tách khỏi đại lục Nga – kẹp giữa các thành viên NATO là Ba Lan và Litva – được nhắc đến trong những cuộc tấn công như vậy.
Năm 2016, hệ thống tên lửa Iskander được triển khai tới Kalilingrad và sau đó được nâng cấp vào năm 2018, như một phần trong chiến lược của Nga nhằm chống lại việc NATO triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu.
Ngoài ra tại đây còn diễn ra các cuộc tập trận quân sự thường xuyên liên quan đến hạm đội Baltic của Nga, bao gồm Zapad-21 vào mùa thu năm 2021 và một loạt các cuộc diễn tập kể từ khi Moskva đưa quân vào Ukraina.
Kaliningrad hiện là một trong 46 oblast (khu vực hành chính) của Nga, nhưng là khu vực duy nhất không có biên giới trên bộ với các khu vực khác của đất nước. Nguồn gốc của vùng lãnh thổ này có từ xa xưa trong lịch sử, có mối liên hệ chặt chẽ với số phận của Đông Phổ và thủ phủ Koenigsberg của đế chế này.
Được thành lập bởi các Hiệp sĩ Teutonic vào năm 1255, vùng Koenigsberg (Kalilingrad) thường gắn liền với chủ nghĩa quân phiệt của Đức. Nhưng nơi này cũng nổi tiếng không kém là quê hương của nhà triết học Immanuel Kant và Hannah Arendt.
Giống như hầu hết các vùng lãnh thổ ở khu vực này của Châu Âu, các cuộc chiến tranh đã định hình thành phần dân tộc và ranh giới chính trị của Koenigsberg. Đông Phổ bắt đầu tách khỏi Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, với việc thành lập “thành phố tự do” Danzig và thiết lập hành lang Ba Lan.
Tuy nhiên, Koenigsberg vẫn là một phần của Đức cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai – thời điểm vùng lãnh thổ này bị Hồng quân Liên Xô kiểm soát vào đầu năm 1945. Thoả thuận phân chia Koenigsberg giữa Ba Lan và Liên Xô đã được thống nhất tại hội nghị Yalta và được chính thức hóa ở lần họp cuối cùng của ba nước lớn (Nga, Mỹ và Anh) tại Postdam vào năm 1945.
Thành phố Koenigsberg và khu vực tiếp giáp với nó (tương đương khoảng 1/3 Đông Phổ vào thời điểm đó) được giao cho Liên Xô. Nhà lãnh đạo Nga Stalin sau đó đổi tên vùng đất này thành Kaliningrad vào năm 1946 để vinh danh Mikhail Kalinin, cựu Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao – tức nguyên thủ quốc gia của Liên Xô – khi ông qua đời cùng năm.
Từng là một khu vực giao thoa với nhiều bên, với dân số gồm người Đức, Ba Lan, Litva và Do Thái, Kaliningrad đã trải qua một chiến dịch thời Liên Xô nhằm xóa bỏ mọi dấu vết của di sản Đức.
Sau khi Liên Xô tan rã, khu vực Kaliningrad được hưởng lợi từ quy chế kinh tế đặc biệt do chính phủ Nga cấp vào năm 1996 và từ việc cải thiện liên kết với EU trong những năm sau đó.
Trong những năm gần đây, Kaliningrad cũng đã chứng kiến giá trị kinh tế tăng mạnh khi là một trong những điểm nút trong mạng lưới thương mại đa phương thức kết nối Tây An ở miền trung Trung Quốc qua Trung Á và Nga với thị trường châu Âu dọc theo Hành lang Cầu trên bộ Á-Âu mới của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nhưng đồng thời, điều này cũng khiến khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.’
Tuy nhiên, đối với Nga, ý nghĩa chính của Kaliningrad là về mặt quân sự, với vai trò một “hàng không mẫu hạm không thể chìm”. Là một căn cứ quân sự, khu vực này bổ sung đáng kể vào chiều sâu chiến lược của Nga và là tài sản quan trọng đối với Moskva trong khả năng chống tiếp cận Khu vực Từ chối (A2AD) ở Biển Baltic, có khả năng làm suy yếu quyền tự do điều động của NATO trên khắp các quốc gia Baltic và các vùng của Ba Lan.
Ngoài ra, nếu chiến tranh leo thang hơn nữa – như liên quan đến Estonia và Latvia – thì Kaliningrad sẽ là bệ phóng quan trọng cho các hoạt động của Moskva.
Vì vậy, các cuộc tập trận quân sự ở Kaliningrad là một tín hiệu cho thấy khả năng của Nga và là một cách để gây thêm áp lực lên phương Tây, trong lúc EU đã nhất trí với gói trừng phạt thứ sáu chống Moskva. Tín hiệu này không chỉ được coi là một trong những ý định phòng thủ từ phía Nga mà còn là một dấu hiệu tiềm tàng cho những điều sắp xảy ra: vụ phóng tên lửa tiếp theo từ Kaliningrad có thể sẽ không phải là một sự kiện mô phỏng.
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Nga, NATO, Quan hệ Nga - phương Tây