⠀
Tác động môi trường từ hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long
Phát triển hệ thống thủy lợi lâu nay là một tác nhân đáng kể giúp Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhưng một số chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng việc đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn theo xu hướng hiện nay đi kèm với những hậu quả sinh thái không nhỏ.
Lược dịch từ bài viết của Mike Ives đăng trên chuyên trang Yale Environment 360 về môi trường của Đại học Yale.
Tại An Giang, một thành trì quan trọng của ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam, năng suất thu hoạch đã tăng gấp bốn lần so với bốn thập kỷ trước. Ngoài sự phát triển của những giống lúa năng suất cao, nguyên nhân hàng đầu của thành tựu này là do hệ thống “đê bao tháng Tám” giúp kéo dài thời gian cho phép trồng lúa từ tháng 6 tới tháng 8, để người nông dân có thể trồng thêm một vụ lúa thứ hai. Sau đó, những hệ thống đê lớn hơn được xây dựng trong thập kỷ 1990 và 2000, cho phép bà con trồng thêm một vụ lúa thứ ba trên cùng một diện tích. Kết quả là chỉ trong vòng một thế hệ, Việt Nam chuyển mình từ một nước nghèo, nơi Nhà nước phải chia khẩu phần gạo và nhiều mặt hàng khác theo nhân khẩu, trở thành một nước thu nhập trung bình thấp, và là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng việc tiếp tục xây dựng đê kè, kênh mương thủy lợi trên khắp đồng bằng sông Cửu Long và dọc ven biển Đông đang tác động tiêu cực tới hệ thống cân bằng sinh thái phức tạp của dòng sông. Ví dụ ở các vùng thượng lưu, đê ngăn các dòng lũ thượng nguồn, khiến các vùng canh tác và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bị mất đi nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đất. Các hóa chất dùng trong nông nghiệp làm ô nhiễm kênh mương thủy lợi, gây axit hóa nước và đất, điều mà các nhà khoa học coi là một trong những nguyên nhân giảm lượng thủy sản, và nhìn chung làm mất đi tính đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Dọc ven biển phía Nam, hệ thống đê và các cửa xả – được xây dựng nhằm giúp nông dân trồng lúa trong nước ngọt, hạn chế nước mặn trào ngược trong mùa khô – đã gây hạn chế sự trao đổi chất hữu cơ giữa môi trường nước ngọt và nước mặn, làm chết nhiều dừa nước, loài cây có nhiều chức năng hữu ích ở địa phương. Đồng thời, những con đê ven biển gây ảnh hưởng tới sự cân bằng dinh dưỡng từ các dòng nước ngọt và nước mặn, gây nguy cơ lớn cho những cánh rừng đước. Các nhà khoa học cho rằng nếu những cánh rừng đước chết, Việt Nam sẽ càng bị đe dọa bởi các trận bão và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Các vấn đề môi trường to lớn này đã thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp giúp hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường trong dài hạn. Đã có ý kiến đề xuất các giải pháp như loại bỏ vụ lúa thứ ba, tháo ngập nước một cách có kiểm soát ở những châu thổ thượng lưu nhằm thúc đẩy sự bồi lắng phù sa, đồng thời di chuyển các con đê biển vào sâu hơn trong đất liền nhằm duy trì những cánh rừng đước, và tạo ra “những đường bờ di động” (“dynamic shorelines”) cho phép trao đổi tốt hơn giữa các hệ thống nước ngọt và nước mặn. Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: tiếp tục thúc đẩy sản lượng lúa gạo và chịu những hậu quả môi trường và xã hội do suy thoái đất màu và hệ sinh thái, hay chấp nhận loại trừ vụ lúa thứ ba và hạn chế ham muốn đầu tư xây dựng thêm nhiều hệ thống hạ tầng thủy lợi.
Có nhiều lý do khiến Việt Nam có thể lựa chọn tiếp tục duy trì chính sách thúc đẩy sản lượng lúa gạo, như nhu cầu từ dân số gia tăng và sức ép từ nền kinh tế đòi hỏi gia tăng xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhà nước có quyền lợi gắn với xuất khẩu gạo cũng có tiếng nói ảnh hưởng mạnh mẽ tới chính sách nông nghiệp của Nhà nước.
“Mấu chốt là trả lời câu hỏi: ai sẽ chịu các thiệt hại”và “liệu Việt Nam còn muốn là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu, hay quyết định tập trung đối diện với các vấn đề khác”, nhận định từ Martijn van de Groep, nhà kinh tế người Hà Lan đang quản lý dự án Quy hoạch Châu thổ Sông Cửu Long (Mekong Delta Plan) có sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam nhằm xây dựng một lộ trình phát triển vùng trong 100 năm.
Châu thổ sông Mekong nằm trên đất Cambodia và Việt Nam có diện tích tương đương nước Thụy Sĩ, là một hệ thống thủy văn phức tạp. Con sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc và Lào trước khi tách thành chín nhánh đổ ra Biển Đông. Vào mỗi mùa thu, nước ngập bờ và bồi lắng phù sa tạo nguồn dinh dưỡng dồi dào cho đất. Trong khoảng từ tháng 10 tới tháng 4 hằng năm, nước biển trào ngược vào sâu trong đất liền tới gần 30 km.
Cuối thập kỷ 1960, Mỹ và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế đã đưa vào miền Nam Việt Nam những giống lúa lai và xây dựng một số kênh và đê thủy lợi. Những giống lúa mới giúp tăng năng suất đáng kể, trong khi các con đê cho phép nông dân ngăn giữ nước lụt vào mùa mưa, hoặc bơm nước vào đồng trong mùa hạn.
Chương trình kiểm soát thủy văn được Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ trong thập kỷ 1990, khi Chính phủ xây dựng một hệ thống những con đê cao hơn che chắn các cánh đồng, và xây dựng những cửa xả ở các cửa sông và kênh. Những cửa ngăn ở cả thượng lưu và hạ lưu cho phép kiểm soát lượng nước chảy sang từ Cambodia. Trên khắp vùng châu thổ, những con đê được xây cao trên mực nước lũ trung bình, giúp giảm thiểu tác động của nước lũ và nước mặn đối với hoa màu, đồng thời cho phép trồng trọt quanh năm trong điều kiện khí hậu gió mùa.
Tuy nhiên, tổn thất cho môi trường đang gia tăng, theo lời Jake Brunner, người điều phối chương trình sông Mekong của tổ chức International Union for Conservation of Nature. Sự suy thoái chất lượng nước mang tính lâu dài đã hủy hoại một số loài cá bản địa, ông nói. Trong khi đó, do nước chảy từ thượng lưu suy giảm, nước mặn xâm ngược từ hạ lưu tăng lên.
Việc xây dựng những con đê cao ở các vùng trồng hoa màu gây trở ngại cho việc trao đổi chất dinh dưỡng trong đất. Những cánh đồng nằm sâu trong đê càng khó nhận được những chất hữu cơ cần thiết từ nguồn nước, lý giải từ Charles Howie, nhà sinh học của Đại học Nông nghiệp Hoàng gia Anh hiện đang làm việc tại Đại học An Giang. Howie cho biết với việc canh tác ba vụ, năng suất lúa ở An Giang trung bình trên mỗi hecta ngày nay đạt tới 22 tấn/năm, nhưng lượng hóa chất phải sử dụng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, thiếu phù sa bồi đắp không chỉ hủy hoại chất lượng đất mà còn gây lún nền.
Dọc bờ biển, việc xây dựng những con đê cho phép nông dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, vốn đòi hỏi môi trường nước lợ. Hiện nay, hai loại hình này vẫn khó cùng tồn tại hài hòa: việc nuôi tôm bên trong đê khiến chất thải ngày càng tích tụ thay vì được thải ra biển. Theo một đề tài nghiên cứu của Lê Anh Tuấn từ Đại học Cần Thơ và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, việc nước lợ được bơm ngày càng nhiều vào đất liền đã khiến nước mặn chảy ngược vào hệ thống kênh mương thủy lợi, làm ô nhiễm các cánh đồng lúa, giếng, và ngấm sâu xuống các mạch nước ngầm của châu thổ.
Trước tình trạng các cánh rừng đước ven biển bị hủy hoại, chính phủ của Đức và Úc – hợp tác với Bộ NN&PTNT Việt Nam – đã cam kết tài trợ tới 28 triệu Euro (36,2 triệu USD) cho các dự án thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong đó có một dự án nhằm xây những hàng rào tự nhiên làm từ thân cây, nhằm chắn sóng chống xói mòn và giúp những cây đước non bén rễ để tồn tại trong điều kiện bão biển gia tăng. Tuy nhiên, việc chính quyền gần đây xây ngày càng nhiều những con đê bê tông chống xói mòn sẽ gây nguy cơ hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái của những cánh rừng đước, theo lời Andrew Wyatt, một nhà nghiên cứu tại Viện Sinh học Nhiệt đới ở TP. HCM.
Hiện nay sự can thiệp của con người vào châu thổ sông Mekong chưa phải là quá nhiều nếu so với châu thổ sông Mississippi và một số châu thổ khác trên thế giới, nơi những hệ thống hạ tầng lớn đã làm sụt nền đất và nhiều vấn đề môi trường khác. Nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng châu thổ sông Mekong đã bắt đầu có xu hướng giống với các châu thổ ở Mỹ và Hà Lan, nơi các nhà quản lý đến nay mới nhận ra hậu quả từ việc xây dựng quá nhiều hệ thống hạ tầng cho mục tiêu ngăn lũ và thủy lợi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng điều nghịch lý là người nông dân ở châu thổ sông Mekong không được hưởng lợi ích đáng kể từ việc canh tác tăng vụ. Theo Ngân hàng Thế giới, hiệu quả sản xuất giảm khi tăng từ 2 vụ lên 3 vụ mỗi năm. Lúa gạo sản xuất ra với chất lượng thấp, chỉ bán được ở giá 16 cent/kg, và phần doanh thu tăng thường chỉ đủ bù phần chi phí mua thêm thuốc trừ sâu và phân bón. Chuyên gia Brunner nhận định, “chính sách ưu tiên hàng đầu cho lúa gạo chính là hi sinh quyền lợi người nghèo vì người giàu. Nó hoàn toàn không hợp lý dưới góc độ công bằng xã hội. Thế nhưng tư duy trồng lúa vì mọi giá này đã bắt rễ quá sâu, và gắn với những quyền lợi thương mại rất lớn”.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Phát triển bền vững, Tây Nam Bộ, Nông nghiệp, Tác động môi trường, Thủy lợi