⠀
Suy nghĩ về nghệ thuật: Một tiểu luận của Huy Cận
Rung động làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng loại rung động với tình yêu. Bắt đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi – niềm – tinh – vân.
Trích từ Tuyển tập Huy Cận II, Thơ và văn xuôi.
Lao động nghệ thuật
Nếu như lao động sáng tạo ra con người, thì lao động nghệ thuật sáng tạo ra con người nghệ sĩ… Người nghệ sĩ phải tự tạo luôn luôn thì mới sáng tạo được tác phẩm. Tự tạo bằng cách, tự nhào nặn mình trong cuộc sống, qua hành động, và cũng tự nhào nặn thường xuyên qua lao động nghệ thuật nữa. Chính lao động nghệ thuật ấy tiếp tục sáng tạo ra nội dung, sáng tạo ra tâm hồn. Không phải rằng lúc ta đến bàn viết, lúc ta vào xưởng vẽ là ta đã có sẵn, hoàn chỉnh, tác phẩm trong đầu và chỉ còn cái việc thể hiện ra bằng tay vẽ, tay viết. Làm như là đã mang sẵn tác phẩm trong tâm trí và chỉ việc phiên dịch ra bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng chữ hay bằng nét vẽ hoặc màu sắc! Trăm lần không phải như vậy! Lúc anh ngồi vào bàn hay vào xưởng, anh chỉ mới có cái “khung”, chỉ mới có một niềm xúc động. Nhưng anh còn phải lao động đổ mồ hôi để cụ thể hóa niềm xúc động ấy, để cho niềm xúc động ấy đầu thai vào những hình tượng, thành hình tượng. Anh còn phải vật lộn trầy xương với cái vật chất của chữ, của vật liệu, của đường nét, của màu sắc, của âm thanh, làm cho cái vật chất ấy chịu nói cái tâm hồn mà anh cảm thấy đang hình thành, mà không có vật chất ấy thì cái tâm hồn kia cũng không hình thành được. Lúc anh ngồi vào bàn hay vào xưởng, anh không phải, chỉ sáng tạo nội dung (đây là nội dung máu thịt, cụ thể của tác phẩm) trong quá trình vật lộn, với hình thức, nghĩa là trong quá trình lao động nghệ thuật. Rất nhiều khi đó là một cuộc vật lộn gay go đổ mồ hôi, sôi nước mắt; nhưng phần thưởng lại vì thế mà cao hơn, sức sáng tạo tâm hồn lại mạnh hơn.
Một nhà phê bình về nội dung và hình thức nghệ thuật thường đơn giản hóa vấn đề đi, không thâm nhập vào quá trình biện chứng của việc sáng tạo nghệ thuật, cho nên không bắt được phép biện chứng của sự sáng tạo.
Yêu thay Nguyễn Du (theo người ta kể) trăm lần viết lên cánh cửa những câu thảo của Truyện Kiều, xóa đi, chữa lại. Yêu thay Mi-ken Lang-giơ (Michel Ange) đêm trước ngày chết còn cầm búa nặng đục vào đá cho bật ra tâm hồn!
Tượng đầu của người bằng hòn bi
Năm 1961, rồi năm 1968 tại Nhật Bản, và năm 1969 tại Ý, tôi đã có dịp xem triển lãm mỹ thuật “mô đéc”. Trong các cuộc triển lãm tạo hình ấy, tôi đã sửng sốt thấy những tượng người vai u thịt bắp, nhưng cái đầu lại teo bằng hòn bi. Một hòn bi không hơn không kém. Cơ thể con người chỉ còn là một đống thịt cuồn cuộn, nhưng đờ đẫn. Tôi có cảm giác ớn lạnh trước các pho tượng ấy, như cái cảm giác bị một tai nạn đang đe dọa mình. Như đứng trước một thiên tai dữ dội sắp xảy ra đè nén con người. Tôi hỏi người hướng dẫn viên: “Tôi không hiểu”. Một chị hướng dẫn khác nói liều: “Con người hiện đại đó”. Tôi thì tôi nghĩ: Đây là thứ nghệ thuật giao động, giao động trước những bế tắc của thế giới tư bản ngày nay. Bế tắc không tìm được lối ra, rồi biểu hiện sự từ chức của con người, sự hàng phục của con người. Đầu bằng hòn bi thì đâu còn tư thế của con người. Con người rút lui, chỉ còn đống thịt đờ dẫn. Nghệ thuật bi quan tột độ, nghệ thuật phản bội con người. Chúng ta những nghệ sỹ nhân bản, chúng ta phải đánh lùi thứ nghệ thuật bủn rủn và độc hại ấy. Nghệ thuật của chúng ta phải là bản anh hùng ca của thời đại, ca ngợi sự nghiệp của con người trong công cuộc chinh phục vũ trụ và xây dựng cuộc sống tốt đẹp trên mặt đất.
Văn chương là tiếng chim gọi đàn
“Văn chương là tiếng chim gọi đàn”, các cụ xưa, cha ông xưa đã thấy sâu sắc chức năng của văn nghệ qua câu nói trên mà tôi được đọc từ hồi nhỏ trong một bài luận văn về văn chương của Phan Kế Bính (Phan Kế Bính trích dẫn lời của người xưa). Tiếng chim gọi đàn… Đúng rồi, văn chương nảy sinh ra giữa tập thể, giữa đàn, giữa xã hội loài người. Và tiếng nói ấy là để gọi nhau, gọi đàn, để tập hợp lực lượng, nhất là những khi phải vượt qua gió bão. Và phải là tiếng chim, tiếng hay như thế nào thì mới gọi đàn được. Và phải nhận thức ra điều gì mới cần gọi đàn, mới có thể gọi đàn.
Xem thế mới biết cha ông chúng ta chưa bao giờ xem văn chương là một chuyện phù phiếm, “mua vui”. Không! Văn chương đối với các cụ xưa là một chuyện nghiêm trang, “một phép xử thế”.
Chúng ta ngày nay có dịp tiếp xúc với nhiều lý luận văn nghệ của các nước xã hội chủ nghĩa, của cả phương Tây, điều ấy rất bổ ích cho sự nghiên cứu, tìm tòi của chúng ta. Nhưng thiết tưởng cũng cần tìm hiểu thêm những suy nghĩ, những tổng kết của cha ông về văn học nghệ thuật. Chả lẽ bụt chùa nhà thì cứ phải kém thiêng!
Thơ ca di dưỡng tinh thần
Các cụ ta ngày xưa thường nói “thơ ca di dưỡng tinh thần”. Đúng lắm! Di dưỡng nuôi tâm thần người ta, không chỉ là đem lại cho ta những nhận thức đúng đắn về con người, về xã hội, về thế thái nhân tình, về thiên nhiên tạo vật; và cũng không chỉ giúp ta những ý đúng, những ý nghĩ độ lượng về cuộc sống, về con người, và không chỉ gợi cho ta cái đẹp. Tất cả những điều đó đều là hiệu quả của thơ ca. Nhưng bao trùm các điều đó, hay đúng hơn là mạch ngầm trong các điều đó là một trạng thái tâm hồn, hơn thế nữa, một trạng thái tâm thần và có thể cởi mở, thư thái mà sôi nổi, hào hứng mà lắng trong, một trạng thái toàn diện trong đó ý và tình đều như đang sinh ra, đang nhú lên, tình đang đọng thành ý, ý còn mang tất cả cái rung động của tình, một trạng thái tinh khôi, sáng tạo. Tâm thần ấy được nuôi nhiều bằng những trạng thái ấy. Đúng là một chất di dưỡng cho tâm hồn. Có cái gì giống như là trái đang chín cây, chứ không phải chín dú. Trạng thái đang chín đó, qua cơ thể bài thơ, câu thơ, bởi một bài thơ hay là một cơ thể sống trong đó ý và tình, cảm giác và cảm tưởng chữ và nhịp, hình tượng và nhạc điệu, tất cả đều tồn tại trong một thể thống nhất, gây thành một xúc động thống nhất toàn diện. Tóm lại là một hiện tượng của sự sống, không phải là một sơ đồ. Hiện tượng ấy là một hiện tượng cởi mở, đón chờ, đang chín, thuận cho mọi sự thai nghén, tụ thành.
Cho nên có những điều kỳ lạ tưởng như mâu thuẫn, lúc nhà thơ đang làm thơ và lúc độc giả đang đọc thơ, đang hưởng thơ. Ví dụ: làm hoặc đọc một bài thơ về đau khổ, về nỗi dằn vặt của tâm hồn, hay nung chảy tâm can. Theo lý luận thông thường thì lúc đó nhà thơ hay người đọc thơ phải ở trạng thái đau khổ, dằn vặt. Nhưng không! Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái đang chín cây. Người đọc thơ được dinh dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau khổ trong đáy tâm hồn mình.
Rung động thơ
Rung động làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng loại rung động với tình yêu. Bắt đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi – niềm – tinh – vân. Bắt đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời lẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn. Bắt đầu là tinh vân, tinh vân đọng lại mới hình thành mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, mặt trời, mặt trăng đọng lại từ tinh vân nguyên thủy.
Thưởng thức thơ là phải biết sống lại quá trình ấy, quá trình từ nỗi – niềm – tinh – vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Biết sống lại quá trình tái tạo ra một bài thơ là “hiểu”, là xúc động thơ từ bên trong một cách biện chứng. Cho nên người thưởng thức thơ ít nhiều cũng có hồn thơ như vậy.
Nói nỗi – niềm – tinh – vân, có phải là huyền bí hóa rung cảm thơ, của người làm nghệ thuật không? thực ra không có gì là huyền bí vì nỗi – niềm – tinh – vân, có phải là huyền bí hóa rung cảm thơ, của người làm nghệ thuật không? Thực ra không có gì là huyền bí vì nỗi – niềm – tinh – vân ấy cũng là do một quá trình tích lũy lâu dài của người làm thơ, của người làm nghệ thuật mà có được; tích lũy vốn sống và cuộc sống, tích lũy hình tượng nó là tín hiệu sống, giữa vạn vật và cuộc đời với tâm hồn thi sĩ và nghệ sĩ. Tích lũy càng giàu, càng nặng thì nỗi – niềm – tinh – vân càng phong phú, càng thiên biến vạn hóa, và xúc động thơ, xúc động nghệ thuật càng muôn vẻ, muôn màu, bồi hồi sự sống. Hiểu được như vậy sẽ giúp ta giảng dạy văn học đi vào bề sâu của tâm hồn, và bề sâu của tác phẩm.
Vai trò của trạng từ trong câu thơ
Trong câu thơ, mỗi chữ, mỗi tiếng không chỉ mang cái nghĩa nguyên sơ của nó, cái nghĩa định trong từ điển của nó, mà thấm nhuần từ sức xúc cảm của chữ bên cạnh, của chữ láng giềng; chữ trước nó và chữ sau nó để tỏa diện vào nó, biến nó thành một nghĩa mới, mang xúc cảm mới. Đây không phải là một vấn đề hình thức mà thôi. Sở dĩ có hiện tượng truyền điện như vậy là có một luồng điện, tức là ý thơ, hồn thơ nó chạy suốt qua câu thơ. Vì vậy trong một câu thơ có một độ tối ưu để sắp xếp các chữ, các ý. Nếu tham nhét nhiều thứ quá, nhiều tính từ quá vào một câu thơ thì tăng điện trở, tăng chướng ngại vật, luồng thơ không qua được. Cũng vì vậy mà trạng từ có vai trò đặc biệt, trạng từ có sức dẫn điện cao. Vì sao? Phải chăng trạng từ nói lên dáng dấp của sự vật, dáng dấp của tâm hồn. Mà cái dáng dấp ấy linh hoạt lắm. Khéo dùng trạng từ thì câu thơ dễ truyền đạt cho ta trạng thái tâm hồn thông qua trạng thái sự vật.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc qua
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Nao nao, sè sè, rầu rĩ, vẽ lên dáng dấp rất khó tả của buổi chiều thanh minh và nàng Kiều lần đầu tiên gặp bóng dáng của số mệnh.
Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa
Hai tiếng bâng khuâng, ngậm ngùi có thể là tính từ, nhưng thực chất là trạng từ. Nếu tính từ thì cũng là trạng từ hóa. Dáng dấp của tâm hồn chàng Kim nhớ mối tình đầu với nàng Kiều trong buổi sum vầy trở lại “tình nhân lại gặp tình nhân”, chỉ cần ba trạng tự là nói được đầy đủ.
Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa
Trạng từ rất là chiếm ưu thế để mô tả dáng dấp sự vật và tâm hồn, đến nỗi trong câu thơ Việt có xu hướng trạng từ hóa tính từ:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Nhân đây có một nhận xét. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du rất tiết kiệm dùng tính từ. Không phải là không dùng, nhưng dùng rất dè dặt, rất cẩn thận, rất tiết kiệm. Trái lại trạng từ lại được dùng nhiều. Cũng có khi đáng lẽ dùng một tính từ thì Nguyễn Du mô tả dưới dạng động của sự vật. Ví dụ:
Sương in mặt, tuyết pha thân
Để nói cái màu trắng thực thực hư hư của hồn ma Đạm Tiên.
Làn thu thủy nét xuân sơn
Cũng theo một bút pháp ấy.
Nhớ câu ca dao:
Mưa lâm thâm ướt đầm lá hẹ
Em thương một người có mẹ không cha
Trạng từ lâm thâm thấm vào trong chúng ta còn hơn là mưa.
Dáng dấp của sự vật, tâm hồn… cho nên dùng trạng từ rất khó. Nhưng dùng đúng thì hiệu quả xúc cảm vô cùng lớn lao.
Không gian và thời gian trong một câu thơ
Không gian và thời gian là hai bề của sự vật, là kích thước của sự sống. Nghệ thuật biểu hiện sự sống, tái hiện sự sống làm sao mà không dựng cái khung không gian và thời gian lên được, để chứa đựng sự vật, để cho sự vật có chỗ sống, sinh sôi nảy nở. Cho nên nói cho cùng, câu thơ nào (đáng gọi là thơ) cũng chứa đựng không gian và thời gian. Có câu chỉ gợi một không gian, có câu chỉ gợi thời gian và có những câu trong đó không gian và thời gian bát ngát. Những câu thơ thoáng gió, những câu thơ mở rộng cửa tâm hồn.
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng
Ước gì ta lấy được nàng
Thì ta mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Không gian bát ngát và màu sắc tươi vui: Có chút thời gian gợi lên trong tâm tưởng: “Ước gì ta lấy được nàng”… Thời gian của niềm mong ước, kín đáo chảy trôi, thêm bề sâu cho bầu trời kia và hồ bán nguyệt nọ.
Có thương nhau thì thương nhau cho chắc
Bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm chi như con thỏ đầu truông
Khi vui dỡn bóng, khi buồn dỡn trăng.
Không gian thì đã rõ ràng. Còn thời gian? Ấy là khi vui, khi buồn: “Khi vui dỡn bóng, khi buồn dỡn trăng”. Thời gian mà lại minh họa bằng không gian; thời gian trập trùng thấp thoáng nơi bóng với trăng, và thấp thoáng trập trùng trong tâm tưởng nữa.
Câu thơ trở nên vô cùng khoáng đạt. Con thỏ đầu truông tưởng như nhảy múa thênh thang trong cả khoảng trời mênh mông tràn ngập ánh trăng. Và vì vậy mà nỗi buồn của người tình trong câu ca dao mới thật là vời vợi, vừa trong vừa lạnh, đau buốt vô cùng.
Nửa năm hương lửa đang nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Thời gian và không gian trong câu Kiều này thật say đắm và hào hùng như mối tình và khí phách của Từ Hải.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Trong bốn câu thơ trên đây của Hồ Chủ tịch, không gian và thời gian trùng trùng, điệp điệp, lồng vào nhau, và vì thế sự “lo nỗi nước nhà” càng canh cánh bên lòng tác giả và độc giả.
Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa.
Không gian gợi qua, nhưng thời gian mới thật là sống, thời gian của duyên mới tình xưa, cái bát ngát đó lấy gì mà đo được! Tình cảm được vun tưới bằng một thời gian mà mạch dào như suối, không sao tắt được.
Không gian và thời gian trong câu thơ, trong một bài thơ và nói chung trong một tác phẩm nghệ thuật vừa là máu thịt, vừa là cái ảo giác của tác phẩm. Khéo gợi không gian và thời gian thì tứ thơ, tứ nghệ thuật có chỗ thở, có mạch sống. Không biết gợi thì ngột thở, chết héo, tàn lụi cả tâm hồn.
Hai cực của một câu thơ
Con người sống trong vũ trụ và sống trong xã hội. Sống với vũ trụ và sống với xã hội. Một thành viên của vũ trụ và một thành viên của loài người. Mỗi con người trong bản thân mình sống cả quy luật của vũ trụ và quy luật của loài người. Hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của nghệ thuật, của thơ.
Sáng được quy luật của xã hội giúp ta sáng thêm quy luật của vũ trụ: Điều này dần dà ta hiểu sâu thêm.
Nhưng đừng quên điều bổ sung quan trọng này: Sáng được quy luật của vũ trụ cũng giúp ta sáng rõ thêm quy luật của loài người. Duy vật lịch sử làm sao mà không liên quan đến duy vật biện chứng được?
Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về xã hội là hai cánh cửa của thơ, không thể bay bằng một cánh.
Sống đúng trong xã hội, ta không còn cảm thấy cô đơn trong vũ trụ bao la. Khi thực hiện cái tập thể loài người trong ta, thì ta có chỗ đứng của ta trong bầu trời, không còn choáng ngợp, không còn run chân. Nhưng vẫn còn (và nên còn) cái cảm giác lồng lộng, cái vô cùng của sự sống ở chật cả không gian và thời gian.
Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về sự sống và cuộc sống nhuyễn quyện vào làm một. Thơ là cái này, là cái nọ, nhưng chắc chắn thơ cũng là ánh chớp, là sự sáng bừng của cảm quan toàn diện ấy.
Gió đưa hoa cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Nhớ lại tuổi nhỏ ở quê nhà, những buổi chiều sơn cước, nhớ vườn cải với những con ong làm cho hoa bay trong trời xanh. Cảm giác vũ trụ rưng rưng nơi những cánh hoa vàng lấm tấm quyện với cảm thụ cay đắng về cuộc đời… “Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Trí nhớ trong sáng tạo văn học
Trí nhớ cũng cần cho sáng tạo văn học, vì trí nhớ là tích lũy, tích lũy vốn sống, chất liệu của nghệ thuật, của thơ văn. Phải trau dồi trí nhớ. Sổ ghi chép là cần thiết, nhưng không đủ, nếu không có trí nhớ làm gốc. Phân tích đến cùng, nghệ thuật dựa trên trí nhớ của con người hưởng thụ (độc giả, khán giả). Có hai loại trí nhớ cần cho văn học, hay đúng hơn là hai cách nhớ: Một là nhớ các sự việc, chi tiết của sự việc, có khi cả chi tiết tỉ mỉ, màu sắc đường nét. Gần như một thứ trí – nhớ – chụp – ảnh, nhưng bên cạnh loại trí nhớ đó, còn cách nhớ trong trạng thái tâm hồn của chính bản thân tác giả lúc sự việc (mà ta ghi chép vào sổ tay) đang xảy ra. Nhớ nỗi niềm xao động trong lòng tác giả, nhớ trạng thái tâm hồn, nhớ những xúc động trong lòng tác giả, nhớ những xúc động. Có khi không cần ghi chép, và không ghi chép được, nhưng mà sống mãnh liệt, sâu sắc xúc động, trạng thái ấy. Có lẽ cách thứ nhất cần nhiều cho người viết tiểu thuyết, và cách nhớ sau cần cho người làm thơ nhiều hơn. Thật ra nhà tiểu thuyết cũng cần nhớ những trạng thái tâm hồn. Còn lúc làm bài thơ là lúc phải sống lại đầy đủ xúc động của tâm hồn. Nghĩa là vận dụng một thứ trí nhớ nóng, không đẹp như những lá ướp khô làm tiêu bản cho nhà thảo mộc.
Cũng vì một lẽ tương tự mà chỉ có thể làm thơ tình yêu vào lúc đang yêu, kể cả lúc làm thơ hoài niệm về tình yêu, vì lúc hoài niệm là còn yêu, là yêu nuối, là ngọn lửa tình yêu bừng dậy một lần nữa, có thể để rồi tắt ngóm. Khó tưởng tượng một nhà làm thơ tình yêu bằng cách mở các “ký họa” về tình cảm mà làm thơ đã ghi chép được trước đây, bây giờ sắp xếp lại. Làm thơ anh hùng ca có chỗ khác. Nhưng cũng phải vận dụng cả trí nóng, trí nhớ sống. Nhưng trạng thái xúc động được lòng người, rèn luyện trí nhớ nói cho cùng là tích lũy vốn sống một cách cần mẫn, làm cho quá khứ luôn luôn sống trong cơ thể, trong tâm hồn.
Sự đầu thai của một tứ thơ
Sự đầu thai của một tứ thơ vào một thể loại thơ, vào những hình tượng thích ứng, đó là một quá trình hào hứng và rộn rực, có khi dằn vặt. Một quá trình có quy luật của nó. Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức, thể loại nào.
Trong đời làm thơ của tôi, có mấy lần tôi phải thay áo cho thơ, phải đổi thể loại thì tứ thơ mới bật ra được.
Ví dụ: bài Đẹp xưa trong tập Lửa thiêng lúc đầu làm theo thể Đường luật:
Ngập ngừng mép núi đường quanh co
Quán đứng trơ vơ ngọn lá đưa
Gió hút về ngàn vi vút mãi
Dạt sườn thung lũng hàng lau thưa…
Đọc nhám mãi, thấy còn nhẹ quá, có cái gì hẫng, không đạt được cái đẹp xưa trong cảnh sắc tâm hồn và tạo vật. Ý thì không có gì thay đổi nhưng điệu thơ, âm hưởng của câu thơ thì thử phổ lục bát xem sao:
Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang.
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng, mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon…
Đi rồi khuất ngựa sau non,
Nhỏ thưa tràng đạc, tiếng còn tịch liêu
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người.
Rõ ràng trong trường hợp này, lần đầu thai sau đúng chỗ hơn: Bài thơ lục bát đọng hơn bài Đường luật.
Bài Tràng giang trái lại, lúc sơ khai lại muốn là một bài lục bát và tên nguyên thủy của nó là Chiều trên sông. Nhưng cái nhịp điệu Đường luật đến ám ảnh ngay sự xúc động của tác giả và đặc biệt cái nhịp láy của sóng nước, của thuyền nan đã đầu thai ngay thành nhịp láy của ngôn ngữ.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Và cái xao động của cảnh chiều, của sông nước nhập thành cái xao động của cuộc đời. Bài thơ tưởng là tả cảnh, thật sự là tả tâm hồn, mang ý nghĩa tượng trưng rất tự nhiên, bằng cái lôgic bên trong của nó.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điêp
Con thuyền xuôi mái nước sông sông
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời rộng – bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa
Lòng quê dợn dợn vờn con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Xác và hồn, hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào làm một. Khi ta đụng vào xác, sửa đổi một tí trong xác làm ảnh hưởng đến hồn của bài thơ, ấy là một dấu hiệu của thành công. Còn như thay đổi vần điệu, câu chữ, thậm chí thay đổi cả thể loại mà cảm thấy hồn thơ, tứ thơ không bị ảnh hưởng gì, thì đó là một điều đáng lo.
Nội dung quyết định hình thức, có nghĩa là phải tìm cho ra hình thức thích ứng để cho nội dung đầu thai thành máu thịt của tác phẩm, chứ không có nghĩa xem nhẹ sự sáng tạo hình thức. Không có hình thức đẹp thì lấy đâu cho nội dung đẹp tồn tại! Xin nhớ rằng nội dung của tác phẩm nghệ thuật không chỉ là ý, mà là cả một tổng thể xúc động của tác phẩm.
Nguyễn Du và Đỗ Phủ
Chưa ai nhắc đến tính bà con, thân thuộc giữa thơ Nguyễn Du và thơ Đỗ Phủ. Nguyễn Du như mọi nhà thơ xưa của ta chịu sâu sắc ảnh hưởng của thơ Đường (Trung Quốc), điều ấy không có gì đáng nói lại. Nhưng điều đặc biệt là thơ Nguyễn Du gần thơ Đỗ Phủ. Điều ấy thấy được trong thơ Truyện Kiều trong Văn chiêu hồn, và trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Tấm lòng ưu ái đối với con người, sự lo lắng cho thân phận của con người cùng một âm hưởng xót xa trong tâm hồn của hai nhà thi hào. Nỗi cơ cực cụ thể của những con người cụ thể, đói rách, tủi nhục, cay đắng, dưới chế độ phong kiến hà khắc tất cả những quằn quại, da diết ấy đều được nói đến một cách phẫn nộ hoặc chua chát trong thơ Đỗ Phủ và thơ Nguyễn Du. Gọi đó là thơ hiện thực chăng? Cũng được, nếu ta định nghĩa hiện thực là phản ảnh thực tại của cuộc sống xã hội của một thời nhất định. Gọi đó là thơ nhân ái, xét về nội dung, có lẽ thích hợp hơn. Gọi thì gọi, điều quan trọng là trong thơ Nguyễn Du ta nghe mạch đập của cuộc đời, ta thấy được thân phận của con người giữa ba đào của thời đại.
Nguyễn Du nhà thơ tài hoa, hào hoa phong nhã, lại đi gần những đắng cay của cuộc đời, gần gũi với những thân phận thấp hèn trong xã hội, và cũng sẵn lòng để cảm thông với những khiếp lỡ làng. Nếu thử so sánh thơ Nguyễn Du và thơ Đỗ Phủ với thơ Lý Bạch thì ta thấy nổi bật tấm lòng ưu ái xót xa của Đỗ Phủ và của Nguyễn Du. Lý Bạch tài hoa, Nguyễn Du cũng tài hoa nhưng tấm lòng đau đời của Nguyễn Du và của Đỗ Phủ rõ ràng là nặng đòn cân hơn trong tác phẩm.
Thơ trí tuệ
Sáng tác thơ cũng như sáng tác mọi nghệ thuật khác đều đòi hỏi sự vận động của trí tuệ song song với sự nung nấu của tâm hồn, của tư tưởng và tình cảm, với sự trau dồi cho cảm xúc nhọn sắc nữa. Nhưng có vì vậy mà quan niệm ra có một loại thơ trí tuệ không? Thế nào gọi là Thơ trí tuệ? Theo tôi nên xóa từ này đi trong những khái niệm về văn học. Thơ là thơ, và thơ bừng lên một cảm xúc tổng thể nó làm rung động cả trái tim ta, cả trí óc ta, cả cơ thể ta nữa. Tình cảm, tư tưởng, cảm giác đều xao động trong một rung động thơ; và có như vậy thơ mới sống được, thơ mới là thơ; có cảm xúc tổng thể đó mới giúp nhà thơ trong sự cố gắng truyền được nguyên bản của cuộc sống chứ không phải chỉ là phiên bản, không chỉ là bản dịch (dịch sự vật thành ra khái niệm mà thôi).
Nói thế không phải là trong thơ không có yếu tố trí tuệ. Trong sự xúc cảm tổng thể của thơ, có sự rung cảm của trí tuệ. Thơ có thể, và nên chứa đựng tư tưởng, những tư tưởng lớn nữa, nhưng tư tưởng ấy phải thật sự bật lên từ máu thịt của cuộc đời, từ máu thịt chứ không phải từ một sự nặn óc của nhà thơ để gọi là có tư tưởng. Điều này thật ra cũng dễ thấy thôi, thấy đâu là tư tưởng thật bật lên từ cuộc sống và đâu là “tư tưởng” nặn óc mà ra. “Đau đớn thay phận đàn bà”! Tiếng kêu thương ấy thốt lên hai lần (một lần trong Truyện Kiều và một lần trong Văn chiêu hồn) là một tư tưởng lớn, chứa đựng lớn, chứa đựng một cảm nghĩ lớn về thân phận con người, về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhưng rõ ràng tư tưởng ấy, cảm nghĩ ấy toát lên một cách hết sức tự nhiên, không cưỡng được, từ máu thịt cuộc đời, từ cảnh ngộ của nàng Kiều bảy nổi ba chìm mà tác giả đã truyền cho ta với cả niềm xúc động, bồi hồi, da diết.
“Đau đớn thay phận đàn bà”
Ta không còn nghe đây là tư tưởng, là suy nghĩ của tác giả nữa, mà là tiếng kêu thốt lên của nhân vật ấy, của cảnh ngộ ấy, của chính cuộc đời. Thơ Nguyễn Du chứa đựng những tư tưởng lớn, nhưng có vì vậy là ta gọi đó là thơ trí tuệ không?
“Trong đời muôn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do”.
Hai câu thơ ấy của Hồ Chủ tịch chứa đựng một tư tưởng lớn, là một tư tưởng lớn, nhưng ai nấy đều thấy tư tưởng lớn ấy toát lên một cách rất tự nhiên không những từ bài thơ, mà từ máu thịt của cả cuộc đời của dân tộc ta, của nhân dân ta. Chắc chắn không ai gọi hai câu thơ trên của Bác Hồ là thơ trí tuệ.
Trở về vấn đề thật, ấy là: Rung cảm từ cuộc đời, từ cuộc sống, từ máu thịt của cuộc sống thì mới thật sự có tình cảm lớn và tư tưởng lớn bật lên trong thơ. Tư tưởng và tình cảm lớn lúc bấy giờ như nhụy của hoa thơm, nhụy sống của hoa sống, chứ không phải nhụy vờ của hoa giấy. Thơ trí tuệ ư? Thế nào là thơ trí tuệ? Từ nay theo tôi nghĩ, nên xóa khái niệm ấy trong văn học, vì nó gây một nhận thức nhầm lẫn về thực chất của thơ.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Tags: Văn học, Lý luận nghệ thuật, Mỹ học, Huy Cận