⠀
Sự phân tán quyền lực chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa
Quá trình toàn cầu được đặc trưng bởi một nền sản xuất toàn cầu, dẫn tới sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, đa dạng, đa chiều và đa lĩnh vực giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đồng và cá nhân. Toàn cầu hóa tác động đến nhiều phương diện của đời sống xã hội, trong đó các tổ chức và hoạt động của quyền lực nói chung và quyền lực chính trị nói riêng. Các thách thức đối với quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước cũng ngày càng nhiều hơn từ nhiều nguồn khó xác định được phạm vi, không gian và đối tượng dẫn đến sự phân tán quyền lực chính trị trên phạm vi rộng lớn với nhiều trung tâm quyền lực hơn vì nhiều thay đổi trong tương quan quyền lực chính trị giữa các chủ thể quyền lực truyền thống và phi truyền thống, sự chuyển dịch quyền lực chính trị từ nhà nước ra xã hội.
Tác giả: TS Bùi Việt Hương, TS Trần Văn Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
1. Sự thay đổi tương quan quyền lực giữa nhà nước và các tác nhân phi nhà nước
Các tác nhân phi nhà nước hay còn gọi là các thực thể phi quốc gia (non – state actors) có nhiều dạng khác nhau, từ các tổ chức liên chính phủ toàn cầu và khu vực (IGO) cho đến các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các nhóm, các phong trào chính trị – xã hội bất hợp pháp. Các tổ chức này đều nắm giữ các nguồn lực quan trọng và đủ mạnh để có thể can thiệp vào các quyết định chính trị, do vậy, đây là những chủ thể quan trọng cần phải được chú ý khi xem xét đời sống chính trị thế giới nói chung và đến sự phân bổ quyền lực chính trị nói riêng.
Từ khi nhà nước hiện đại ra đời, nó được trao cho các quyền: quyết định (quyền lập pháp), quyền thực thi các quyết định (quyền hành pháp), quyền bảo vệ tính đúng đắn các quyết định – xử phạt những ai vi phạm các quyết định công (quyền tư pháp)…; kèm theo đó là các phương tiện công để thực hiện quyền lực với những đặc quyền. Theo nghĩa đó, nhà nước là chủ thể duy nhất có chủ quyền theo lãnh thổ; có hệ thống quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ cơ bản nhất trong xã hội và có hệ thống các cơ quan cưỡng chế và chức năng thu thuế. Các đặc trưng này hàm ý rằng nhà nước đóng vai trò quyết định trong đời sống chính trị của một quốc gia, có đủ quyền hạn và nguồn lực để bảo vệ những giá trị nền tảng của xã hội. Tuy nhiên, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sôi động, quyền lực chính trị nói chung và quyền lực nhà nước nói riêng cũng có những biến đổi quan trọng.
Ngày nay, các tác nhân phi nhà nước thúc đẩy những chương trình nghị sự riêng và ngày càng phát huy ảnh hưởng một cách mạnh mẽ. Trong quá trình toàn cầu hóa, các quốc gia buộc phải mở cửa ra thế giới, hợp tác, giao lưu với các quốc gia trong khu vực. Đây là một xu hướng không thể tránh được trên con đường phát triển. Tuy nhiên, thực tế này cũng tạo điều kiện và cơ hội cho các IGO tham gia vào các quyết định chính trị trong nội bộ của các quốc gia.
Các tổ chức Liên chính phủ khu vực và toàn cầu (IGO) như Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… có các hoạt động bao phủ hầu như mọi khía cạnh của hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế và có thể liên kết mọi người từ các xã hội khác nhau trong mạng lưới xuyên quốc gia. Các tổ chức này hoạt động xuyên biên giới quốc gia, thúc đẩy chương trình nghị sự riêng và bằng nhiều cách khác nhau, can thiệp vào các quyết định chính trị của các quốc gia. Các tổ chức như WTO, WB, IMF đều gắn các điều kiện nghiêm ngặt vào các khoản cho vay của mình, đưa ra các đòi hỏi chính trị liên quan đến dân chủ hóa và tư nhân hóa, tức có thể phá hoại các quy tắc truyền thống về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia chủ quyền, bao gồm cả hoạt động quản lý kinh tế trong thẩm quyền lãnh thổ của các quốc gia.
Liên minh châu Âu (EU) có cơ cấu tổ chức riêng(1), có thể thông qua luật ở các Hội đồng, phê duyệt ngân sách của EU, bác bỏ các đạo luật, diễn giải luật pháp EU cho các tòa án quốc gia, ra phán quyết về các vấn đề pháp lý phát sinh trong các tổ chức của EU, tổ chức điều trần và phán quyết về các trường hợp phát sinh liên quan đến cá nhân công dân… với thẩm quyền pháp lý thực tế có tính bắt buộc với các quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là các quốc gia thành viên của Liên minh sẽ không thể thực thi quyền chủ quyền theo lãnh thổ, ban hành hệ thống quy phạm pháp luật hay thực hiện quyền cưỡng chế trong phạm vi lãnh thổ của mình – những đặc trưng cơ bản của nhà nước – khi có xung đột giữa hệ thống quy chuẩn trong nước với các quy chuẩn của EU.
Các tác nhân phi nhà nước không chịu ràng buộc bởi các cam kết, các định chế, chuẩn mực và thủ tục pháp lý quốc tế như các quốc gia có chủ quyền. Biên giới mềm được thiết lập và thách thức quyền lực nhà nước. Internet cho phép những người có cùng nguồn gốc và lịch sử, xa cách về mặt địa lý có thể cùng tham gia vào một cộng đồng ảo quy mô lớn. Sự phát triển của xã hội dân sự toàn cầu đang tạo ra hàng loạt không gian quyền lực chung vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Sự tham gia chính trị của các tổ chức xã hội rộng rãi và hiệu quả hơn. Việc phân bổ quyền lực chính trị trong và ngoài nước cũng đang bị ảnh hưởng bởi các nhóm người hợp nhất với nhau trên cơ sở dân tộc, tôn giáo chung hoặc các lý do khác với quy mô và mục đích rất đa dạng.
Những tổ chức như nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã ngang nhiên thách thức cả thế giới. Các hoạt động của IS đã buộc các cường quốc khu vực và thế giới phải điều chỉnh chính sách của mình. Các nước: Iran, Arập Xêút, Aicập,… phải tái định hình quan hệ mỗi bên với Mỹ và đặt Mỹ vào vị trí trung tâm của khu vực. Một mặt, chúng tạo ra sự hăm dọa với lực lượng chiến binh ước tính lên đến 20.000(2), mặt khác, chúng thu hút nguồn lực vô tận từ các phần tử cực đoan quá khích và bất mãn với xã hội. Giới phân tích quốc tế đã rất bất ngờ khi IS sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh, có tòa án, cảnh sát, trường học, tổ chức từ thiện. Lực lượng này có khả năng huy động hơn 2 triệu USD mỗi ngày nhờ nguồn thu từ bán dầu, tống tiền, cướp bóc, thuế và buôn lậu(3) và quan trọng là chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế và vì vậy, không dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền. Các tổ chức như vậy cũng không chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc gia hay quốc tế.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quyền lực chính trị ngày nay không chỉ là vấn đề của các đảng chính trị và nhà nước. Bất kỳ phân tích nào về quyền lực chính trị mà chỉ tập trung vào hệ thống đảng phái và bộ máy nhà nước mà bỏ qua các tác nhân phi nhà nước khác đều sẽ không đầy đủ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0.
2. Số lượng các chủ thể tham gia vào các quyết định chính trị ngày càng mở rộng
Nhà nước vốn được coi là hiện thân của tính đại diện chính trị và là chủ thể duy nhất có thể ban hành các quyết định chính trị nhân danh quyền lực công. Nhưng ngày nay, nhà nước trở thành một thể chế bị thị trường, các phong trào xã hội, người tiêu dùng và công dân xâm nhập và bản thân nhà nước cũng xâm nhập ngược vào các thể chế này. Ngày càng khó xác định ranh giới giữa các lĩnh vực nhà nước và thị trường, văn hóa và truyền thông, khu vực tư nhân và khu vực công cộng. Việc quản lý quốc gia trước đây vốn được coi là độc quyền công việc của nhà nước, giờ đã chia sẻ cho nhiều chủ thể khác, trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều hình thức khác nhau. Các tổ chức xã hội và các cấu trúc như gia đình, nhà thờ, các phương tiện truyền thông và các tổ chức khác như công đoàn, phòng thương mại, các hiệp hội kinh tế đều có thể tham gia vào các quyết định chính trị hoặc gây ảnh hưởng chính trị. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của các tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các chủ thể, thể chế, cơ chế quản lý, điều tiết toàn cầu.
Các Ngân hàng xuyên quốc gia (TNB) hỗ trợ thương mại và giúp làm giảm ý nghĩa biên giới chính trị, làm cho các nền kinh tế quốc gia phụ thuộc lẫn nhau thông qua các khoản vay và đầu tư quốc tế. Sức mạnh tài chính và khả năng tiếp cận toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia (MNC) đem đến cho các MNC khả năng đưa ra các quyết định về nhiều vấn đề mà các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia ít kiểm soát được. Cuối cùng, có những quyết định chính trị trong nước, thực chất lại do những người không được người dân bầu ra, những người không phải lãnh đạo quốc gia quyết định.
Cùng lúc, các NGO ngày càng nổi bật với những hoạt động hiện đang định hình những phản ứng với những vấn đề đã từng được xác định thuộc về quyền giải quyết của chính phủ. Tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động toàn cầu, với khả năng chuyên môn, tính linh hoạt trong tổ chức và các cơ sở rộng rãi, đã gây ảnh hưởng đến quyết định chính trị ở mọi cấp, từ quốc tế, khu vực đến quốc gia và địa phương thông qua thiết lập các chương trình nghị sự chính trị, thúc đẩy các thay đổi có tính quy phạm, hỗ trợ các cử tri theo đuổi các chính sách mà họ ủng hộ. Mặc dù không được người dân bầu ra nhưng những tổ chức này có thể phát triển những chuẩn tắc mới thông qua gây áp lực với các chính phủ hoặc thông qua thay đổi nhận thức của công chúng về các vai trò của chính phủ. Trong khi các NGO đang định hình thị hiếu và các giá trị cho các thành viên, đồng thời cũng là công dân của nhà nước, các quốc gia không thể cách ly dân chúng khỏi cuộc cách mạng khoa học công nghệ nói chung và cách mạng thông tin nói riêng và vì vậy, phải chia sẻ sân khấu chính trị của mình với những chủ thể phi truyền thống này.
Trong từng quốc gia, sự tham gia của các tổ chức kinh tế và các tổ chức, các phong trào xã hội cũng mạnh mẽ và hiệu quả. Chúng tạo thành một hệ thống giám sát quyền lực hiệu quả, đồng thời cũng tạo ra nhiều áp lực cho nhà nước trong thực thi quyền lực chính trị. Với trình độ ngày càng cao và nguồn thông tin, tri thức phong phú, đa dạng, người dân không nghiễm nhiên chấp nhận bất cứ sự phân phối quyền lực nào và đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với cơ sở đạo lý của quyền lực. Cùng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, tri thức đã trở thành một vấn đề trung tâm của việc thực hiện những cải cách xã hội và quyết sách chính trị; trở thành nhân tố then chốt quyết định sự mạnh yếu và hưng suy của quốc gia, dân tộc. Theo lôgíc phát triển, tri thức là sức mạnh đặc biệt và đang trở thành một hình thái quyền lực mới, quyền lực tri thức sẽ thay thế cho các loại hình thái quyền lực truyền thống trước đây. Vì vậy, các chủ thể của quyền lực chính trị ngày càng phải thận trong hơn, trau dồi tri thức, tự điều chỉnh các giá trị và chuẩn mực điều chỉnh chức năng cho phù hợp với những thay đổi của môi trường chính trị. Chức năng của nhà nước ngày càng được quy định rõ ràng hơn và có sự chuyển đổi trong chức năng của nhà nước trong xã hội hiện đại. Nhà nước ngày càng thiên về nhà nước dịch vụ và hỗ trợ, ngày càng phải đóng các vai trò tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Xu hướng chuyển từ một nhà nước thuần túy cai trị sang một nhà nước cung ứng dịch vụ công và kiến tạo phát triển.
3. Các mối đe dọa đối với quyền lực chính trị đến từ nhiều nguồn khác nhau, khó xác định không gian, phạm vi và đối tượng
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng mang lại những cơ hội không thể phủ nhận nhưng cũng buộc các quốc gia, các lãnh thổ, các khu vực phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định toàn cầu hóa là một tất yếu khách quan, chứa đựng nhiều thời cơ nhưng cũng có nhiều thách thức. Sự giao thoa và tiếp biến các giá trị trong bối cảnh toàn cầu hóa tạo nên một mối liên hệ chặt chẽ giữa các quốc gia và đồng thời cũng làm cho các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, làm cho các nguy cơ đối với các quốc gia và khu vực trở nên phức tạp, khó lường. Ngày nay, từ các cá nhân, các tổ chức tư nhân đến những kẻ khủng bố đều được tăng cường sức mạnh để đóng một vai trò trực tiếp hơn trong nền chính trị. Thực tế này dẫn đến việc các thách thức đối với quyền lực chính trị, đặc biệt là quyền lực nhà nước ngày càng đa dạng và khó kiểm soát. Các thách thức đó có thể đến từ các tổ chức khủng bố, từ mạng xã hội hay từ các phong trào dân tộc tôn giáo và thách thức mọi khía cạnh của quyền lực chính trị, từ hệ tư tưởng, giá trị cốt lõi đến an ninh quốc gia truyền thống. Toàn cầu hóa cũng dẫn đến các thách thức đối với an ninh phi truyền thống.
Chủ nghĩa khủng bố ngày càng phát triển. Đó không còn là một nhóm thánh chiến ẩn hiện trong bóng tối mà là những thực thể mới dưới ánh sáng mặt trời với một trụ sở nhà nước, một guồng máy chiến tranh với khả năng tài chính và khủng bố. Những kẻ tấn công có thể là một chính phủ, một nhóm, một cá nhân hay sự kết hợp giữa các đối tượng trên. Kẻ gây hấn có thể ẩn danh và cách xa mục tiêu tấn công hàng nghìn km. Các thể chế này sử dụng mạng xã hội để phát tán thông điệp qua biên giới, tập hợp lực lượng và truyền bá tư tưởng. Tư tưởng Hồi giáo cực đoan bén rễ ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á, khiến hàng nghìn thanh niên đạo Hồi, dù sinh ra và lớn lên cách Trung Đông hàng nghìn km nhưng “trái tim lại hướng về IS”. Sào huyệt hữu hình những năm 90 chuyển thành sào huyệt ảo. Các website thánh chiến tăng nhanh trong vài thập niên vừa qua(4).
Nhà nước vốn là chủ thể truyền thống duy nhất phát hành tiền. Trong hầu hết lịch sử văn minh nhân loại, tiền thể hiện nền tảng của sự tin tưởng giữa người dân với các chính phủ, và giữa các cá nhân thông qua việc trao đổi mua bán. Nó cũng gần như là một biểu hiện của chủ quyền, và các đồng tiền do các cá nhân phát hành là cực kỳ hiếm. Nhưng ngày nay, tư nhân cũng có thể phát hành đồng tiền có giá trị lưu thông thực tế. Các đồng tiền ảo cũng đã mang lại nguồn lực rất lớn cho các tổ chức khủng bố và cùng với tiền là công nghệ hiện đại và vũ khí cũng được đặt vào tay các tổ chức này. Với tài sản ước tính lên đến 2 tỷ USD của IS(5) hay từ 8-10 tỷ USD với thu nhập hàng năm từ 1,5-2 tỷ USD của PLO(6), các tổ chức này thực sự là mối đe dọa lớn đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các mạng xã hội, Facebook, Youtube,… có thể trở thành các công cụ để hacker khai thác, tấn công người dùng công nghệ. Những năm gần đây, biên độ tấn công của các hacker vào các máy chủ của xí nghiệp và các máy chủ của các cơ quan chính phủ tăng lên với số tiền hàng năm bị tội phạm máy tính lấy cắp lên tới hàng tỷ USD; chưa kể các thông tin quan trọng bị đánh cắp, rò rỉ và mua bán.
Cùng với các nhóm chính trị sắc tộc, các phong trào tôn giáo vũ trang có thể tạo ra các hoạt động xuyên quốc gia, tiêu biểu là chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ, ly khai, kích động di cư, rời bỏ của một nhóm tôn giáo thiểu số,… tạo ra các nhóm dân tộc phân tán hoặc các cộng đồng sống ở nước ngoài nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế, chính trị và tình cảm với quê hương. Các nhóm này thường tạo ra hoặc bị lợi dụng để tạo ra các bất ổn chính trị cho các quốc gia và khu vực.
Các nhà quan sát khẳng định rằng toàn cầu hóa làm suy yếu chính phủ các quốc gia không chỉ bằng cách thu hẹp các nguồn lực nằm dưới sự quản lý của nhà nước để kiểm soát tình hình kinh tế – xã hội mà còn bằng cách làm giảm tính chính danh và quyền lực của chính phủ trong mắt công chúng. Sự phổ biến của thông tin làm cho quyền lực được phân tán rộng rãi hơn, những thiết chế không chính thức có thể phá vỡ thế độc quyền của những cơ quan nhà nước truyền thống. Tốc độ nhanh của internet cũng khiến cho tất cả mọi chính phủ có ít cơ hội kiểm soát các chương trình nghị sự. Các nhà lãnh đạo chính trị sẽ có ít thời gian tự do hơn trước khi phản ứng với các sự kiện. Nó đặt ra yêu cầu các chính khách giờ đây phải có một tri thức nền tảng, kỹ năng linh hoạt và quyết định chính xác để ứng phó kịp thời với các sự kiện đang diễn ra.
Toàn cầu hóa đang phổ biến khắp thế giới với những thước đo mới, những tiêu chuẩn mới. Những tiêu chuẩn chung đó chính là cơ sở hình thành hệ giá trị toàn cầu và sẽ đóng vai trò chi phối, kiểm soát hoạt động của con người. Do sự phân tán quyền lực này, các chủ thể nắm giữ quyền lực chính trị bị cương tỏa hơn trong cách thức sử dụng quyền lực, cùng lúc vừa phải đối mặt với sự thách thức và cạnh tranh, vừa phải chịu sự ảnh hưởng đến từ bên ngoài hệ thống chính trị tiêu chuẩn. Có hai khuynh hướng thay đổi rất rõ ràng, trái ngược nhau trong phạm vi quyền lực nhà nước hiện đại: một mặt, ngày càng có các vấn đề truyền thống do nhà nước chịu trách nhiệm điều tiết được chuyển sang tư nhân. Nhà nước và chính phủ quốc gia vẫn là chủ thể hàng đầu, không thể thay thế trong cơ cấu quyền lực chính trị hiện đại, nhưng không phải là duy nhất, toàn năng và phải gắn với hàng loạt trách nhiệm ngày càng lớn, ngày càng nặng nề. Việc sử dụng quyền lực mang tính cưỡng bức, có tính tập trung, thứ bậc từ một trung tâm quyền lực không thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Quyền lực cần chuyển thành quản trị hơn là cưỡng ép, tức cần sự tham gia của xã hội.
Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng của các quốc gia và các thể chế toàn cầu trong việc thực thi quyền lực chính trị. Bản thân nhà nước cũng bị áp lực phải thay đổi cách thức tổ chức, quản lý, điều hành đối với các lĩnh vực. Quá trình ra các quyết sách chính trị cũng không thể bó hẹp và khép kín trong nhóm các nhà lãnh đạo như trước đây, mà có sự tham gia và ảnh hưởng của nhiều chủ thể khác nhau trong và ngoài nước. Để đạt mục tiêu phát triển đất nước, việc thực thi quyền lực chính trị ở Việt Nam ngày càng phải dựa vào sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước cũng như sự cộng tác của toàn xã hội. Việt Nam cần dung hòa giữa các giá trị và chuẩn mực mới từ thực tiễn với các giá trị và chuẩn mực cũ mang đậm tính hệ tư tưởng. Người dân phải được đặt vào trung tâm quá trình hoạch định và thực thi chính sách trở thành một yêu cầu mang tính nguyên tắc. Đảng cộng sản cầm quyền và Nhà nước cần cùng lúc củng cố bộ máy tổ chức trong khi cần tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội để củng cố địa vị thống trị của mình trong xã hội. Thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các chủ thể trong xã hội vào quá trình chính sách và thực thi công quyền.
————————-
Chú thích:
(1) Gồm Hội đồng Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Tòa án công lý và Ngân hàng Trung ương châu Âu.
(2), (5) Vài nét về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) (Phần I), http://btgcp.gov.vn
(3) http://vneconomy.vn
(4) Các website thánh chiến tăng từ vài chục cuối 1990 lên 4500 ngày nay.
(6) https://vi.wikipedia.org.
————————-
Tài liệu tham khảo:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Bàn về quyền uy, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
2. Ph.Ăngghen: Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
3. Lê Minh Quân – Bùi Việt Hương (Chủ biên – 2012): Về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Joseph S. Nye Jr: Quyền lực để lãnh đạo, Nxb Khoa học xã hội, 2015.
5. Joseph S. Nye Jr: Tương lai của quyền lực, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2016.
6. Joseph S. Nye: Cách mạng thông tin, các chủ thể phi quốc gia và sự phân tán quyền lực, http://nghiencuuquocte.org, 2007.
7. Tudor Jones: Các nhà tư tưởng và các ý tưởng chính trị hiện đại, Nxb Tri thức, 2017.
8. Helga Nowotny – Peter Scott – Michael Gibbons: Tư duy lại khoa học, Nxb Tri thức, 2016.
Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Tags: Toàn cầu hóa, Khoa học chính trị