⠀
Sự bất lực của Liên Hợp Quốc và nhu cầu cấp bách về một trật tự thế giới mới
Thế giới ngày càng bất ổn hơn nhưng với tư cách là tổ chức quốc tế lớn nhất, Liên Hợp Quốc đang nhạt nhòa trong vai trò đứng ra giải quyết những vấn đề đó. Đã đến lúc chúng ta cần phải thiết lập một trật tự mới, bắt đầu từ chính cơ quan quyền lực lớn nhất này?
1. “Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến một cuộc diệt chủng đang diễn ra trước mắt và tổ chức mà chúng ta phục vụ dường như bất lực trong việc ngăn chặn nó”. Đó là đoạn trích ngắn được rút ra từ bức thư từ chức dài của ông Craig Mokhiber, Giám đốc Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn gửi cho ngài Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 3/11/2023.
Trong bức thư này, người đại diện cao nhất của Liên Hợp Quốc về vấn đề tị nạn đã bày tỏ sự “đau khổ” của mình khi không thể giúp gì cho người dân Palestine trước những cuộc tấn công của quân đội Israel vào các khu định cư của họ. Trước sự “bất lực” của bản thân, ông Mokhiber đã quyết định từ chức.
Nhưng, sự “bất lực” của ông Mokhiber không phải là điều đơn lẻ khi tổ chức lớn nhất thế giới cũng đang “bế tắc” trong nhiều vấn đề của thế giới. Cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2023 liên quan tới xung đột Nga – Ukraina thời điểm 1 năm từ khi cuộc xung đột bùng nổ đã không đưa ra được nghị quyết cụ thể nào khi một số nước lớn đã chống lại nghị quyết. Trong cuộc xung đột Israel – Hamas, rạn nứt lộ rõ ngay trong khối đồng minh khi một số nước NATO ủng hộ một nghị quyết mà Israel và Mỹ kịch liệt phản đối. Chỉ trong vòng 2 tuần, dự thảo của Đại Hội đồng bị thay đổi tới 3 lần để có thể vượt quá ngưỡng 2/3 (không tính số phiếu trắng) nhằm đảm bảo được thông qua.
Cuộc kiểm phiếu cuối cùng hôm 27/10 đem lại kết quả 121 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 44 phiếu trắng chỉ thông qua được một lời “kêu gọi” cho “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo”. Đấy chỉ là ở Đại Hội đồng, nơi đưa dự thảo. Còn tại Hội đồng Bảo an, nơi nghị quyết thực sự có giá trị thì vẫn chưa có bước tiến nào.
Việc khó đưa ra một nghị quyết liên quan tới xung đột Israel – Hamas nêu bật sự hỗn loạn của Liên Hợp Quốc trong xử lý các vấn đề quốc tế ngày càng đan xen và ràng buộc về lợi ích. Dự thảo của Nga thiếu 9 phiếu cần thiết để được thông qua. Các phiên bản do Brazil và Mỹ trình bày đều nhận đủ sự ủng hộ để thông qua nhưng đều bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Mỹ phủ quyết dự thảo của Brazil, trong khi Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo của Mỹ. Kết quả là, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Sự bế tắc này làm người ta nhớ lại thời điểm năm 2020 khi Liên Hợp Quốc cũng thất bại trong việc đưa ra một nghị quyết về biện pháp chống dịch COVID-19 ở thời điểm đại dịch đang bùng phát khắp nơi trên thế giới. Phải chăng, tổ chức lớn nhất hành tinh đã đánh mất đi giá trị của mình?
2. Lần gần đây nhất, Liên Hợp Quốc tỏ ra mạnh mẽ trong một hoạt động toàn cầu, đó là vào năm 2014 khi Hội đồng Bảo an họp khẩn vì virus Ebola bùng phát tại khu vực Tây Phi. Đó là lần hiếm hoi trong lịch sử gần 80 năm của mình, Hội đồng Bảo an có được một sự đồng thuận tuyệt đối khi 15/15 thành viên đều tán thành nghị quyết coi Ebola là “mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế”. Trong nghị quyết này, Liên Hợp Quốc đã quy định rõ ràng về việc bãi bỏ các hạn chế đi lại và phong tỏa biên giới được ban hành do sự bùng phát của Ebola trước đó; nối lại dịch vụ vận chuyển tới các nước bị ảnh hưởng; tăng cường chia sẻ thông tin và đưa các nhân viên y tế cùng đồ tiếp tế tới các khu vực có dịch. Tuy nhiên, có 2 điều khiến cho lịch sử không lặp lại vào năm 2020.
Thứ nhất, virus Ebola dù có tỷ lệ tử vong cao nhưng lại có sức lây lan thấp nên đã không bùng phát thành một “đại dịch” như dự đoán. Thứ hai, và có lẽ là quan trọng nhất, Ebola chỉ thực sự tồn tại ở Tây Phi, nơi mà những nghị quyết của Liên Hợp Quốc không gây ảnh hưởng tới các nước lớn.
Thành công trong xử lý dịch Ebola cũng là quá hiếm hoi nếu như so với những vấn đề ở Libya hay Syria, nơi mà những nỗ lực của Liên Hợp Quốc chỉ như muối bỏ biển. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2011 (với 2 phiếu trắng của Nga và Trung Quốc) ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya lật đổ nhà lãnh đạo khi đó là Moammar Gadhafi bị coi là nguồn gốc của mớ hỗn độn tại đất nước này trong hơn 1 thập kỷ qua. Còn Syria đã trở thành bãi chiến trường thực sự khi không có được sự đồng thuận về cách giải quyết.
Trong nhiều thập kỷ, cuộc đối đầu giữa Mỹ với Liên Xô là tâm điểm tại Liên Hợp Quốc. Trong những năm gần đây, sự vươn lên của Trung Quốc đã thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Hai trục đối lập đang được hình thành trong chính Hội đồng Bảo an, nơi các cường quốc có tiếng nói quyết định bằng lá phiếu phủ quyết của mình. Sự bế tắc tại Hội đồng Bảo an thường kéo dài như những gì đang diễn ra.
Nhiều năm chia rẽ đã làm suy giảm nghiêm trọng tầm nhìn của Liên Hợp Quốc như một diễn đàn để giải quyết hòa bình các tranh chấp chính trị. Đỉnh điểm là giai đoạn 2016-2021, khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” và thái độ coi thường các tổ chức đa phương. Ông Trump đã tự động rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được Liên Hợp Quốc bảo trợ, tạo ra một giai đoạn khủng hoảng mới bất chấp thỏa thuận từng được coi là thành tựu ngoại giao đa phương quan trọng nhất thế kỷ 21. Nước Mỹ của ông Trump còn rút khỏi Hội đồng Nhân quyền vì bất đồng với Trung Quốc cũng như công khai cắt giảm nhiều hoạt động tại Liên Hợp Quốc vì cho rằng những hoạt động này là “gánh nặng” với mình. Việc bị cắt giảm ngân sách đóng góp từng khiến nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc rơi vào tình trạng tê liệt hoạt động.
Sự quay trở lại với các hoạt động Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden những năm qua cũng không làm cho tình hình trở nên sáng sủa hơn. Xung đột ở Dải Gaza hiện nay là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu. Bất chấp mức độ thương vong, tính chất hủy diệt của cuộc xung đột cũng như làn sóng phẫn nộ rộng khắp nhưng Liên Hợp Quốc vẫn không thể đưa ra phản ứng hiệu quả bởi sự “ngăn chặn” của Mỹ tại Hội đồng Bảo an. Xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn kéo dài căng thẳng. Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế thường xuyên bị vi phạm.
Các cuộc chiến tranh xâm lược, sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền, lợi dùng con bài dân chủ, nhân quyền và các công cụ kinh tế ngày càng tăng. Bằng “quyền lực phủ quyết”, các siêu cường sử dụng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình để chi phối các quyết định của Liên Hợp Quốc, chia rẽ thế giới theo “cực”. Sự phân cực đó đang có xu hướng càng ngày càng đẩy các nước vào thế phải “chọn phe”. Cơ chế quản trị khủng hoảng toàn cầu của Liên Hợp Quốc vốn được xây dựng từ năm 1945 đã trở nên lỗi thời, ngăn chặn khả năng tham gia giải quyết vấn đề của tổ chức này. Nhìn lại những cuộc khủng hoảng liên tiếp ở cấp độ toàn cầu từ năm 2020 tới nay, chúng ta càng cảm nhận rõ điều đó.
3. Một quan chức Mỹ đã phát biểu: “Không thể phủ nhận rằng có những vấn đề mang tính cơ cấu tại Liên Hợp Quốc cần được giải quyết. Chúng ta có một cơ quan quốc tế không thể đột phá để tạo ra sự đồng thuận về hành động chung”. Trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt, sự vươn lên của các quốc gia mới đã làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu thì chính nước Mỹ lại đang muốn duy trì trật tự “một cực” do họ dẫn dắt như giai đoạn trước đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo: “Các nước phương Tây đang cố gắng duy trì trật tự thế giới trước đây chỉ có lợi cho họ, buộc mọi người phải sống theo những quy tắc mà chính họ đã tạo ra và thường xuyên vi phạm những quy tắc đó. Họ cũng liên tục thay đổi những quy tắc đó tùy theo hoàn cảnh”. Đây chính là ngọn nguồn của những cuộc xung đột lớn trong thời gian qua mà Liên Hợp Quốc không thể giải quyết.
Chính vì thế, tháng 7/2023, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đề xuất “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua “chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm”, cũng như yêu cầu cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu mới nhất hôm 17/2/2024 tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), ông Antonio Guterres kêu gọi cần phải xây dựng một trật tự thế giới mới cho tất cả người dân.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, “cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Trong khi thế giới phải đối mặt với những thách thức hiện hữu thì cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua”. Vì thế, người đứng đầu Liên Hợp Quốc nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”.
Trong Thông điệp năm mới 2024, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết để biến năm 2024 trở thành năm của “tái xây dựng niềm tin và hy vọng” sau khi thế giới đã trải qua năm 2023 đau thương, bạo lực và bất ổn. Ông nêu rõ: “Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau. 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng”. Đây cũng là ước vọng của chúng ta ngay trước thềm lễ kỷ niệm 80 của tổ chức này.
Theo AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Liên Hợp Quốc