Số phận mong manh của các loài mèo rừng nhỏ trên toàn cầu

Khi nhắc tới những loài đang bị đe dọa thuộc họ nhà mèo, chúng ta thường nghĩ ngay tới những loài có kích thước lớn như hổ hoặc báo. Rất ít người nghĩ đến một trong số 33 loài mèo nhỏ, và càng hiếm hơn người có thể nhận diện những loài này hay kể tên chúng.

Sinh sống rải rác ở các hệ sinh thái đa dạng trên khắp thế giới, các loài mèo nhỏ bị lu mờ trước họ hàng của chúng, các loài mèo lớn thuộc chi Báo. Thực tế là, chúng cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa sâu sắc không khác gì các loài mèo lớn như: suy giảm đa dạng sinh học, chuyển dịch hệ thống đất đai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu – bốn rủi ro lớn mà nhân loại và hành tinh đang phải đối mặt.

Các loài mèo nhỏ thường thích nghi tốt với môi trường sống, điều này càng khiến chúng gặp nhiều nguy hiểm. Chúng cũng thường lẩn tránh con người, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu và các nỗ lực bảo tồn. Hiện có 14 trong số 33 loài mèo nhỏ nằm trong danh mục các loài dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ IUCN, và 7 trong số các loài này được tìm thấy ở Châu Á.

Số phận bi thảm của các loài mèo rừng nhỏ trên toàn cầu

Ảnh: Báo gấm (Neofelis) được công nhận là có hai loài riêng biệt, cả hai đều được IUCN liệt kê vào danh sách các loài dễ bị tổn thương. Chúng được miêu tả là một loài mèo lớn, một loài mèo nhỏ. Báo gấm được mệnh danh là: “Hổ răng kiếm hiện đại” do răng nanh dài tới 5cm. Một số nhà nghiên cứu gọi chúng là “Báo Mây” bởi nó có một cái đuôi dài hỗ trợ việc di chuyển trong rừng rậm. Đây là một sự thích nghi hoàn hảo với môi trường sống – những khu rừng rậm rạp nhất châu Á. Nạn săn bắt, suy giảm nguồn thức ăn và mất môi trường sống là những mối đe dọa chính tới sự tồn tại của Báo gấm trong tự nhiên (Ảnh: Cloudtail the Snow Leopard / Mongabay)

Bị đe dọa từ châu Á đến Mỹ Latinh

Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về bảo tồn loài các loài mèo nhỏ hoang dã năm 2019, các nhà nghiên cứu và bảo tồn xác định các mối đe dọa chính đối với mèo nhỏ, trong đó tình trạng mất và suy thoái môi trường sống, xung đột với con người, nạn săn bắt trộm và tai nạn giao thông đứng đầu danh sách. Kể từ đó, công tác bảo tồn các loài mèo nhỏ đã có chút ít thay đổi.

Ông Wai Ming Wong, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài mèo nhỏ thuộc chi Báo của Tổ chức Bảo tồn mèo hoang dã toàn cầu cho biết: “Mối đe dọa lớn nhất đối mà các loài mèo nhỏ ở châu Á đang phải đối mặt là bị giết hại trực tiếp – do xung đột giữa con người và động vật hoang dã hoặc săn trộm, mất và suy thoái môi trường sống, thay đổi mục đích sử dụng đất”.

Theo ông Wong, việc suy giảm và mất môi trường sống làm giảm diện tích lãnh thổ của các loài mèo rừng, khiến chúng tiếp xúc gần hơn với con người, tạo điều kiện cho những kẻ săn trộm hoặc làm tăng nguy cơ xung đột giữa người và mèo. Việc tiếp tục mở rộng mô hình nông nghiệp độc canh (trồng cây để sản xuất dầu cọ hoặc làm giấy) là một trong những động lực chính dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ông Wong đưa ra dẫn chứng điển hình là việc buôn bán trầm hương để làm hương nhang và nước hoa ở đảo Borneo, Malaysia, đã đẩy một số loài cây thuộc họ Aquilaria đến bờ tuyệt chủng, từ đó gián tiếp đe dọa loài mèo nhỏ trên đảo. “Có nhiều nhóm người vào rừng để thu hoạch trầm hương, và nếu họ nhìn thấy một con mèo rừng, họ thường sẽ bắt hoặc giết nó.” – Ông Wong nói.

Theo một báo cáo của Tổ chức WWF, từ năm 2004 đến năm 2017, đảo Borneo đã mất khoảng 5,8 triệu ha rừng, khiến các mèo nhỏ sinh sống nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng. Hòn đảo này là nơi sinh sống của 5 loài mèo nhỏ. Trong đó, mèo đầu phẳng (Prionailurus planiceps) và mèo nâu đỏ (Catopuma badia) là hai loài nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Sách Đỏ IUCN.

Một chuyên gia về đất ngập nước cho hay khoảng 70% môi trường sống của loài mèo nhỏ ở Đông Nam Á đã bị mất.

Ảnh: Bẫy ảnh ghi lại hình ảnh loài mèo đầu phẳng. Loài này sống theo lối sống bán thủy sinh với chế độ ăn là cá, ếch và các loài gặm nhấm. Mặc dù thường sinh sống ở vùng đất ngập nước, nhưng nó cũng được ghi nhận xuất hiện ở các đồn điền dầu cọ, điều này thể hiện khả năng thích ứng với nhiều loại cảnh quan của loài này (Ảnh: SFD, IZW, Panthera, Mongabay).

Ảnh: Bẫy ảnh ghi lại hình ảnh loài mèo nâu đỏ đang nguy cơ tuyệt chủng. Là loài đặc hữu của đảo Borneo, mèo nâu đỏ đang gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu vì chuyển động và hành vi của loài khiến các nhà nghiên cứu rất khó để có thể ghi nhận hình ảnh của loài này. (Ảnh: SFD, IZW, Panthera, Mongabay).

Theo ông Wong, mèo nâu đỏ (Pardofelis badia) là loài mèo nhỏ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.  Loài này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa nhưng lại rất khó để nghiên cứu chúng trong môi trường hoang dã. Do hạn chế về thông tin loài, nên việc xây dựng các chiến lược bảo tồn hiệu quả lại là một thách thức.

Loài Felis chaus fulvidina, một phân loài của mèo rừng ở Đông Nam Á cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Môi trường sống của loài này là rừng khộp và rừng rụng lá ở các vùng nhiệt đới, một trong những kiểu rừng bị đe dọa nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á. Cũng như các loài mèo nhỏ khác, Felis chaus fulvidina vẫn chưa đủ thông tin để xác định chính xác các mối đe dọa với loài, mặc dù việc mất môi trường sống và khủng hoảng bẫy đang được coi là những mối đe dọa chính.

Ông Rostro-García, công tác tại Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã (WildCRU), Đại học Oxford cho rằng: Nếu không có biện pháp bảo vệ khẩn cấp và gia tăng môi trường sống, các loài mèo nhỏ ở châu Á có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Ở bên kia địa cầu, sự xâm lấn của con người cũng dẫn đến những mối đe dọa mới đối với loài mèo nhỏ ở Mexico, đặc biệt là loài mèo gấm Ocelot (Leopardus pardalis) và mèo đốm Margay (Leopardus wiedii), cả hai đều có nguy cơ tuyệt chủng cấp quốc gia. Các loài này đang bị đe dọa bởi chó trong khu bảo tồn.

Những con chó làm phiền tới lũ mèo nhỏ, khiến chúng phải bỏ lãnh thổ của mình. Chó cũng có thể lây bệnh cho hai loài mèo này. Chưa có bằng chứng để khẳng định chó có giết mèo ở Mexico hay không, nhưng thực tế rằng các loài xâm lấn, đặc biệt là chó, là mối đe dọa thường xuyên tới loài mèo ở một số khu bảo tồn nhưng nguyên nhân này hoàn toàn không được thừa nhận.

Hình ảnh: Ở Mexico, mèo đốm Margay, loài sống trên cây nhiều nhất trong số các loài mèo, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống liên tục bị chuyển đổi. Tuy nhiên, một trong những mối đe dọa cấp bách nhất là do chó gây ra. Tổ chức Bảo tồn mèo hoang dã nhỏ đã có những hoạt động để nâng cao nhận thức về vấn đề này và tiêm phòng cho những chú chó thả rông nhằm giảm thiểu mối đe dọa về dịch bệnh. (Ảnh: Proyecto Asis, Mongabay)

Hình ảnh: Mèo cá được biết đến với khả năng bắt cá, có tiếng kêu như vịt. Mất môi trường sống ở các khu vực đất ngập nước đang là mối đe dọa chính với loài này. Do thường xuyên lui tới khu vực sinh sống của con người, kể cả các khu đô thị như Colombo, Sri Lanka, nên loài mèo nay hay bị săn bắt hoặc xe cộ là những mối đe dọa chính với loài này. Ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân đẩy loài này vào tình trạng nguy hiểm. (Ảnh: Cloudtail the Snow Leopard / Mongabay)

Mất đất ngập nước và môi trường sống trên núi

Đất ngập nước là một trong những hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới, với 35% diện tích bị mất trên toàn cầu kể từ năm 1970. Các vùng đất này đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng, dẫn đến những rủi ro ngày càng nghiêm trọng đối với các loài mèo sinh sống nơi đây.

Ở Nepal, loài mèo cá (Prionailurus viverrinus) ưa sống tại các vùng đất ngập nước đang có nguy cơ tuyệt chủng. Sinh sống giới hạn ở khu vực phía tây Terai, chúng được cho là chỉ còn tồn tại trong 5 khu bảo tồn với khoảng 200 cá thể trưởng thành – ít hơn số lượng ước tính của loài hổ ở nước này.

Tiến sĩ Rama Mishra đến từ Đại học Antwerp, đồng sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Nepal cho biết: “Tôi nghĩ con người là mối đe dọa chính đối với loài mèo cá.”

Mishra là thành viên nhóm lập bản đồ môi trường sống thích hợp cho mèo cá. Họ nhận thấy chỉ có khoảng 668.000 ha, tương đương 4,4% diện tích đất Nepal, là môi trường sống phù hợp với loài này. Tuy nhiên, gần 2/3 trong số 4,4% này nằm ngoài các khu vực được bảo tồn.

Chú mèo nhỏ đầu tiên được được Dự án mèo cá Terai bảo vệ. Chú được nhà nghiên cứu Rama Mishra (phải) đặt theo tên Gulabi, một người nuôi cá (bên trái), nhằm nhận được sự đồng cảm và quan tâm của công chúng (Ảnh: Rama Mishra / Terai Fishing Project, Nepal/Mongabay)

Quá trình chuyển đổi các vùng đất ngập nước sang đất trồng trọt và ao nuôi cá ở Nepal đã dấy lên xung đột giữa mèo cá và nông dân, ngư dân.  Khi mèo cá di chuyển quanh các ao, chúng luôn phải đối mặt với sự đe dọa từ những người nuôi cá. Họ nghĩ rằng mèo cá sẽ ăn cá của họ.

Tuy nhiên, một số cá thể loài mèo này đang thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường. Chẳng hạn như ở Sri Lanka, mèo cá được phát hiện cả ở các thành phố.

Anya Ratnayaka, thành viên Dự án bảo tồn mèo câu cá đô thị cho rằng: “Mặc dù khả năng thích nghi của những cá thể mèo này có vẻ là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại rằng chúng có thể bị sa vào “một cái bẫy sinh thái”. Những tác động tiêu cực của việc sống giữa con người là rất lớn, như dịch bệnh, bị bức hại, tai nạn xe cộ.

Anya trăn trở: “Chúng tôi không chắc những chú mèo của chúng tôi sẽ tồn tại được bao lâu với cảnh quan đô thị ở Colombo, đặc biệt là nếu các vùng đất ngập nước đô thị không được duy trì đúng cách và không gian xanh của thành phố bị mất do đô thị hóa.”

Theo ước tính, Colombo đang mất dần các vùng đất ngập nước đô thị với tốc độ 1,2% mỗi năm, trong đó 40% diện tích đất ngập nước đã bị mất chỉ trong 30 năm qua.

Vùng đất ngập nước đô thị ở Colombo, Sri Lanka. Theo nghiên cứu của Anya Ratnayaka, một số con mèo cá đang thích nghi với việc sống trong môi trường đô thị. Mặc dù khả năng thích ứng này có thể được coi là tích cực, tuy nhiên các khu vực đô thị có một loạt các rủi ro chưa được đánh giá đầy đủ, bao gồm cả việc tiếp xúc với các nguồn nước bị ô nhiễm (Ảnh: Sebastian Kennerknecht/Mongabay)

Bùn hóa nước

Mặc dù các bảo tồn đã đánh giá được phần nào những mối đe dọa sắp xảy ra với các loài mèo nhỏ như săn bắn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm mới chưa được hiểu rõ. Nước thải đô thị công nghiệp và nước tưới tiêu từ nông nghiệp là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, dẫn thải ni-tơ, phốt-pho vác chất gây ô nhiễm khác vào các vùng sông, hồ và vùng nước ven biển, đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học.

Ông Wong đưa dẫn chứng, vì mèo đầu phẳng Borneo thường ăn cá, động vật giáp xác và ếch nên ô nhiễm nguồn nước ngọt sẽ tác động nhất định đến loài này.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, các đồn điền cọ dầu có thể làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng hệ thống nước ngọt của khu vực như gia tăng các chất hóa học trong nước, tăng nhiệt độ và lượng trầm tích.

Khai thác vàng bất hợp pháp là nguyên nhân gây nhiễm độc thủy ngân ở các con sông của Borneo, làm ô nhiễm nguồn nước uống và dẫn đến tích tụ sinh học ở cá. Susan Cheyne, đồng sáng lập Quỹ Thiên nhiên Borneo, cho hay, chưa có nghiên cứu nào đo lường cụ thể những tác động độc hại này đối với các loài mèo nhỏ. Nhưng đã có nghiên cứu chứng minh người tiêu thụ cá bị ảnh hưởng xấu, nên “nếu những con mèo đang tiêu thụ cùng một loại cá thì cũng có một số tác động tương tự.”

Ở Sri Lanka, mèo cá cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và rác thải nhựa. Ở Nepal, Mishra cũng cho biết, cô đã tìm thấy thủy tinh và nhựa trong phân của những con mèo cá.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Nam Phi đã phát hiện sự tích tụ sinh học của thuốc diệt chuột trong máu của loài linh miêu tai đen (Caracal caracal) – một loài mèo hoang dã có kích thước trung bình, cùng với các loài ăn thịt khác sống ở thị trấn Greater Cape. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về tình trạng ô nhiễm tương tự đang ảnh hưởng như thế nào đến quần thể mèo cá, đặc biệt là những quần thể gần các khu vực đô thị. Tuy nhiên, Ratnayaka cho rằng, phải có một số tác động tiêu cực xảy ra.

Thung lũng Danum, Borneo. Hai trong số năm loài mèo hoang dã nhỏ của Borneo – mèo đầu phẳng và mèo vịnh đặc hữu – được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: Christopher Michel/ Flickr/Mongabay).

Đồn điền cọ dầu ở Sabah, Malaysia, trên đảo Borneo. Việc chuyển đổi môi trường sống để sản xuất dầu cọ đã làm giảm và chia cắt môi trường sống của loài mèo nhỏ trên đảo. Nghiên cứu cho thấy, một số loài, chẳng hạn như mèo báo (Prionailurus bengalensis ), có thể thích nghi với sự thay đổi này của môi trường (Ảnh: Lian Pin Koh/Flickr/Mongabay)

Mối nguy từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa tiềm tàng đối với các loài mèo nhỏ – đặc biệt là các loài sinh sống các vùng đất ngập nước. Ông Wong nói: “Khi mực nước ven biển tăng lên, rất nhiều môi trường sống của loài mèo nhỏ sẽ biến mất.” Các loài sống ở độ cao cao hơn cũng được cho là sẽ bị giảm môi trường sống khi Trái Đất nóng lên và các loài thích nghi trên núi sẽ di chuyển lên vùng cao hơn.

Mèo Pallas (Otocolobus manul) còn được gọi là manul, là một loài mèo nhỏ phân bố rộng rãi trên các đồng cỏ bán khô cằn và thảo nguyên miền núi từ Mông Cổ đến Iran. Hiện chúng ít được quan tâm nhất trong Sách đỏ của IUCN, môi trường sống của chúng đã bị phân mảnh rất nhiều, làm tăng khả năng tuyệt chủng của loài cục bộ hoặc khu vực trong tương lai.

Emma Nygren, điều phối viên của Liên minh Bảo tồn Quốc tế Mèo Pallas (PICA) cho biết, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự phân tán hơn nữa đối với loài mèo Pallas, giảm số lượng con mồi, gia tăng chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng làm trầm trọng hơn các mối nguy đối với loài.

Ở Châu Mỹ Latinh, biến đổi khí hậu đe dọa đến sự tồn tại của loài mèo núi Andes (Leopardus jacobita), loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Rocio Palacios, người đứng đầu Liên minh mèo Andes (AGA), gọi loài này là “báo tuyết của dãy Andes”. Được tìm thấy ở miền núi Argentina, Bolivia, Peru và Chile, loài này đang phải đối mặt với việc suy giảm đáng kể môi trường sống do nóng lên toàn cầu.

Một nghiên cứu năm 2017 ước tính, loài mèo núi Andean có thể mất tới 30% phạm vi hoạt động vào năm 2080. Nhưng vấn đề là nghiên cứu đó không giải thích đầy đủ cho những thay đổi về khí hậu trên toàn bộ loài, đặc biệt là ở Patagonia, nơi được coi là một môi trường sống tiềm năng mới để loài mèo núi Andes có thể phát triển.

Hiện tại, Palacios và nhóm của cô đang nỗ lực để giảm bớt những nguy cơ sắp xảy ra với mèo Andes như bị giết, suy thoái môi trường sống do ngành khai thác và bị chó săn mồi.

Mèo Pallas, có lẽ là con mèo nhỏ trông dữ tợn nhất thế giới (Ảnh: Chris Godfrey/Mongabay)

Hiểu để bảo tồn

Các nhà nghiên cứu và bảo tồn mèo đã chỉ ra những vấn đề chung của bảo tồn mèo nhỏ trên toàn cầu bao gồm: thiếu kinh phí, nhận thức cộng đồng thấp và dữ liệu về loài còn hạn chế.

Năm ngoái, hoạt động bảo tồn mèo nhỏ đã được thúc đẩy khi Tổ chức Panthera công bố kế hoạch tài trợ ưu tiên cho nghiên cứu và bảo tồn mèo nhỏ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí ít ỏi là thách thức đặc biệt đối với các loài có mức độ đe dọa toàn cầu thấp hơn, nhưng lại đang bị đe dọa ở cấp quốc gia hoặc khu vực.

Tổ chức Bảo tồn Mèo Hoang dã Nhỏ (SWCCF) đã thành lập các nhóm làm việc cho một số loài mèo nhỏ (trong số đó có Liên minh Bảo tồn Mèo cá), với nhiều kế hoạch hơn, tạo ra một nơi để các chuyên gia về mèo nhỏ có thể cộng tác, chia sẻ thông tin và tài nguyên cũng như tìm ra giải pháp để giải quyết các mối đe dọa đối với các loài này.

Chiến lược then chốt của SWCCF là tiếp cận cộng đồng: nâng cao nhận thức cộng đồng để thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác, đồng thời hạn chế xung đột giữa con người và động vật hoang dã.

Ông Wong cho biết: “Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để bảo tồn, bởi vì nếu không có người dân địa phương đứng về phía chúng tôi, công tác bảo tồn sẽ không bao giờ có kết quả”. Xây dựng mối quan hệ đối tác và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thu hút sự tham gia của trẻ em là một chiến lược có thể được thực hiện với ngân sách eo hẹp nhưng lại mang đến kết quả tốt.

Tiếp cận cộng đồng gần Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Koshi Tappu. Rama Mishra cho biết, thay đổi nhận thức của cộng đồng về loài mèo cá là chìa khóa để bảo tồn loài này. Nỗ lực đó, đối với cô, thường bắt đầu từ những đứa trẻ (Ảnh: Rama Mishra / Terai Fishing Project, Nepal/Mongabay).

Nhấn mạnh điểm này, Mishra kể câu chuyện của Gulabi và Gulabi. Cả hai đều sống ở khu vực giáp ranh Khu bảo tồn động vật hoang dã Koshi Tappu của Nepal. Gulabi trước đây là một nông dân nuôi cá, sau là một nhà bảo tồn mèo cá – người phụ nữ đầu tiên được kết nối trong dự án nghiên cứu của Mishra. Nhà khoa học đặt tên chú mèo cá theo tên người nuôi Gulabi nhằm làm dịu xung đột của cộng đồng địa phương với những kẻ săn mồi nhỏ bé này và gây dựng mối quan tâm của cộng đồng.

Tuy nhiên, chú mèo được gắn vòng định vị này thay vì quay trở lại khu bảo tồn như dự kiến, lại di chuyển giữa các cộng đồng. Mishra lo sợ mèo cá sẽ chết: “Tôi đã nghe nói rằng ở Thái Lan… hầu hết những con mèo rừng đều bị giết bởi con người”.

Nhưng hai tháng sau, khi chú mèo Gulabi bị lọt vào đường ống dẫn nước của ruộng lúa, người đân dã kêu gọi để giúp đỡ. Mishra kể lại: “Một ngư dân nhìn thấy chú mèo cá bị mắc kẹt. Người đó đã thông báo cho đội của tôi và trong vòng hai giờ đồng hồ, nó đã được giải cứu  Chính kiến ​​thức trong chiến dịch nâng cao nhận thức của chúng tôi đã bảo vệ con mèo cá. Khi mọi người biết đến loài này thì họ sẽ tích cực bảo tồn nó”.

Hình ảnh bẫy camera của loài mèo núi Andean có nguy cơ tuyệt chủng ở Argentina. Ước tính có khoảng 1.300 con mèo Andean ở các môi trường sống đang bị chia cắt ở Argentina, Bolivia, Chile và Peru. Ngoài biến đổi khí hậu, sự xáo trộn môi trường sống do các ngành công nghiệp khai thác, xung đột với con người và sự xuất hiện của các loài chó hoang là các mối đe dọa với loài này. (Ảnh: Cristian Sepulveda/Mongabay).

Theo TẠP CHÍ BẢO VỆ RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG

Tags: ,