Singapore – Hình mẫu phát triển đô thị xanh và bền vững

Singapore – đảo quốc với nhiều công trình xanh sáng tạo, hệ thống công viên ấn tượng, được đánh giá là một hình mẫu về quy hoạch đô thị bền vững trên thế giới.

Tiên phong trong việc “xanh hóa” thành phố

Người Singapore từ lâu đã có ý thức mạnh mẽ về vai trò của không gian xanh trong đô thị và đến nay, họ vẫn đang xây dựng danh tiếng của mình theo định hướng là “Thành phố Thiên nhiên” theo Kế hoạch Singapore xanh năm 2030.

Ban đầu, sáng kiến “Singapore xanh” chỉ nhằm mục đích tạo cho đảo quốc sư tử” một nét đẹp khác biệt và quyến rũ, tuy nhiên hiện cách tiếp cận này được đánh giá cao nhờ khả năng giải quyết vấn đề nắng nóng, hỗ trợ quản lý nước bền vững và cải thiện đa dạng sinh học ở đô thị.

Công viên Bishan-Ang Mo Kio.

Công viên Bishan-Ang Mo Kio do công ty Ramboll Studio Dreiseitl thiết kế là một trong những công viên trung tâm nổi tiếng nhất Singapore. Là một phần của dự án nâng cấp công viên và nâng cao năng lực của kênh Kallang chạy dọc công viên, các công trình xanh được thực hiện để biến nơi từng là kênh bê tông thành một dòng sông tự nhiên, tạo ra không gian mới cho cộng đồng tận hưởng cuộc sống. “Dự án cải tạo kênh Kallang được thiết kế để tối đa hóa việc dẫn dòng nước chảy tự nhiên trên quốc đảo này, cũng như tạo cảm giác sở hữu qua nhiều thế hệ, nhờ đó người dân sẽ có nhiều động lực để bảo vệ môi trường tự nhiên hơn”, ông Leonard Ng – giám đốc của Ramboll, cho hay.

Dự án trên là một phần của chương trình ABC Waters – sáng kiến dài hạn của Hội đồng tiện ích công cộng Singapore nhằm biến các thủy vực thành những không gian mới sôi động để gắn kết cộng đồng ngoài chức năng cấp thoát nước.

Một công trình xanh tiêu biểu khác tại Singapore là Ventus Naturalized Garden (Vườn thiên nhiên Ventus) thuộc khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore. Kiến trúc này điển hình cho công nghệ cảnh quan thay thế, cho phép các loại cây tự phát mọc tự nhiên trên bãi cỏ với những can thiệp tối thiểu trong thiết kế. Vườn thiên nhiên Ventus là sự kết hợp giữa công viên rừng và rừng thứ sinh, điều này cho thấy rằng một mảnh đất nhỏ cũng có thể sở hữu nhiều loại thực vật và trở thành một phần mạng lưới sinh thái của thành phố.

Giáo sư Thomas Schröpfer của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore nhận định: “Singapore là một hình mẫu về phát triển đô thị xanh rất thú vị vì thành phố này có mật độ kiến trúc xanh dày đặc. Khi càng phát triển, Singapore chỉ có thể phát triển theo chiều dọc, trở thành một thành phố thẳng đứng. Trong 10 năm qua, chính phủ nước này đã ban hành nhiều chính sách mới để khuyến khích kiến trúc xanh”.

Trong năm 2021, chính phủ Singapore phát động Kế hoạch Xanh 2030, một phong trào giúp mọi người có động lực để biến quốc đảo thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu. Một nội dung chính của Kế hoạch Xanh 2030 là dành thêm 50% diện tích đất (khoảng 200 ha) cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên cả nước để tăng hấp thụ CO2, tạo môi trường không khí trong sạch và mát mẻ hơn.

Với tầm nhìn tạo ra một Thành phố Vườn và nâng cao đời sống của cộng đồng, Hội đồng Công viên Quốc gia Singapore đã dành nhiều thập kỷ nhằm “xanh hóa” các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian nghỉ ngơi lý tưởng cho người dân, cũng như dành ra các khu vực đa dạng sinh học cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học bản địa của Singapore. Trong khi đảo quốc hướng tới mục tiêu “xanh hóa” cả nước, những thiết kế thân thiện với thiên nhiên đóng vai trò quan trọng để khôi phục môi trường sống cũng như đảm bảo rằng cộng đồng tham gia vào những nỗ lực phủ xanh quốc gia.

Cho đến nay, gần một nửa diện tích đất của Singapore được bao phủ trong không gian xanh và công dân của nước này cũng bắt đầu hưởng lợi từ nỗ lực “xanh hóa” của chính phủ. Đặc biệt, trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19, không gian xanh đóng vai trò như “lá phổi” của cả nước, vừa tạo không gian tập thể dục cho người dân cải thiện sức khỏe.

Vườn thẳng đứng “phủ mát” Singapore

Bên cạnh nỗ lực “xanh hóa” các cơ sở hạ tầng, các nhà quy hoạch đô thị cũng như giới kiến trúc sư của Singapores cũng đưa không gian xanh vào các công trình mới được xây dựng trên khắp đất nước. Nhằm tạo ra một thành phố và một quốc gia đa dạng sinh học hơn, các công trình xây dựng tại Singapore được kết hợp cùng với cây xanh bằng nhiều hình thức, như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi.

One Pearl Bank, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, là dự án xây dựng xanh đáng chú ý tại quốc đảo sư tử. Công trình này sẽ có những khu vườn rộng lớn được thiết kế đẹp mắt theo bề mặt tòa nhà kéo dài lên đến tầng mái. Cứ mỗi 4 tầng lại có một khu vườn với 11 khoảnh đất.

Với 2 tòa tháp 39 tầng, One Pearl Bank có tổng cộng 18 “khu vườn trên tầng không” với gần 200 khoảnh đất màu mỡ để cư dân có thể tự trồng rau quả, trái cây, thảo mộc ngay tại nhà. One Pearl Bank đã được công nhận là tổ hợp nhà ở đầu tiên trên thế giới có vườn phân lô trên cao dành cho cư dân. Ngay sau khi hoàn thiện, những cư dân của dự án One Pearl Bank sẽ được trải nghiệm vai trò của một “nông dân” thứ thiệt như trồng rau, hái quả, hít thở không khí trong lành giống như đang ở giữa rừng cây.

Một công trình khác cũng vô cùng nổi bật với kiến trúc “khu vườn thẳng đứng” ở Singapore là tổ hợp khách sạn – văn phòng Park Royal. Nhìn từ xa, nơi đây giống như một vườn treo Babylon giữa lòng thành phố. Tại bất kỳ khu vực nào của khách sạn, khách lưu trú cũng dễ dàng bắt gặp những không gian xanh mướt. Ở mặt ngoài công trình, cây xanh được thiết kế dưới dạng bậc thang để tận dụng tối đa không gian mở thay vì các vách kính thường thấy. Những hành lang dài bên trong là “thiên đường” của nhiều loại cây, từ cây lấy bóng mát cho đến các loại cây nhỏ, cây bụi, hoa và dây leo. Thiết kế xanh của Park Royal tạo cho khách lưu trú cảm giác như đang ở giữa một khu rừng nhiệt đới.

Những khu vườn đứng như ở Park Royal hay One Pearl Bank đóng vai trò như một màng lọc tự nhiên giảm thiểu khói bụi và ô nhiễm không khí. Đồng thời, kiến trúc “vườn thẳng đứng” cũng giúp giảm lượng nhiệt hấp thụ vào bên trong nhà, qua đó tối ưu năng lượng sử dụng cho quá trình làm mát không khí.

Rõ ràng, những khu vườn thẳng đứng là một giải pháp xanh hoàn hảo cho kiến trúc của Singapore trong bối cảnh đất nước khiêm tốn về mặt diện tích và có đến 80% dân số sinh sống trong các tòa chung cư. Bên cạnh đó, những công trình xanh này đã tạo dựng hình ảnh đất nước Singapore với một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. Một thành phố xanh- sạch- đẹp không chỉ mang đến không gian trong lành cho người dân mà còn giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước, thu hút khách du lịch cũng như gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư quốc tế.

Theo KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,