Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối

Người dân là thẩm phán tối cao phán xét chính phủ có hoàn thành sứ mệnh hay không, vì chính người dân đã trao cho chính phủ quyền lực và cũng là người có thể thu hồi quyền lực ấy.

Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối

Năm 627, Vua Đường Thái Tông (tên thật là Lý Thế Dân) bắt được một con chim nhỏ rất đẹp, ông vô cùng vui thích sai người mang đậu đến cho con chim ăn. Đột nhiên, Ngụy Trưng tiến đến xin tấu việc. Sợ Ngụy Trưng nhắc nhở mình vì vui chơi mà quên chí lớn, quên việc nước, Vua vội vàng giấu con chim vào ống tay áo.

Ngụy Trưng làm ra vẻ không nhìn thấy, cố ý tấu trình dài dòng, nói mãi không nghỉ. Đợi đến khi Ngụy Trưng thoái lui, Đường Thái Tông mới dám lôi con chim ra, nào ngờ nó đã bị chết ngạt từ bao giờ. Chuyện này ghi trong cuốn “Mưu trí thời Tùy Đường” (Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003).

Ngụy Trưng giữ chức gián nghị đại phu, có nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm. Sự thẳng thắn và sáng suốt của Ngụy Trưng đã khiến ông được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Sở dĩ Ngụy Trưng thể hiện được khả năng của mình vì Vua Lý Thế Dân là một người đại trí và khiêm nhường với chính sách nổi tiếng “khắc kỷ dưỡng dân” (tự kiềm chế mình, nuôi dưỡng sức dân).

Người xưa nói nước có thể đẩy thuyền mà nước cũng có thể lật thuyền. Nguyễn Trãi nói: “làm lật thuyền mới biết dân như nước”. Lý Thế Dân cũng từng nhấn mạnh: “Vua dựa vào nước, nước dựa vào dân”. Nhà vua mưu sâu trí cao, biết rõ rằng nếu không dùng kế “tiếp nạp lời can gián” tất khiến bản thân mình mê muội, cố chấp, khiến quốc gia bị náo loạn, suy bại. Vì thế nhà vua ra sức tiếp nhận lời trung.

Với phương châm “kiên nhẫn khiêm tốn nghe lời anh minh”, từ khi mới được lập làm thái tử, Lý Thế Dân đã cho phép các tùy tùng tự do bàn luận và kiến nghị trị quốc. Sau này ông trở thành một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Hoa, người thúc đẩy chế độ phong kiến Trung Quốc đạt đến cực thịnh.

Người dân là thẩm phán tối cao phán xét chính phủ có hoàn thành sứ mệnh hay không, vì chính người dân đã trao cho chính phủ quyền lực và cũng là người có thể thu hồi quyền lực ấy. Đây là khẳng định của triết gia người Anh John Locke, nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng, có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Ai cũng có thể bị quyền lực mê hoặc. Vấn đề là có nhận ra và điều chỉnh hay không mà thôi. Còn nhớ, tại một hội nghị cán bộ cách đây đã lâu, đồng chí nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có kể: “khi làm chủ nhiệm Hợp tác xã Hoài Nhơn, tôi nằm ngủ trên cái bàn, thò chân ra cửa sổ. 5 giờ rưỡi sáng xã viên thò tay lắc lắc mấy cái đánh thức tôi dậy. Tôi dậy vui vẻ rửa mặt, huýt sáo rồi bắt tay vào việc xuất phân, xuất thuốc ra đồng để người ta kịp làm ruộng.

Khi tôi về huyện làm phó chủ tịch, ở ngay trong trụ sở ủy ban huyện. Hơn 6 giờ sáng, một ông khoảng 65 – 70 tuổi đem cái đơn xin mua mấy khối gỗ làm nhà. Ông ấy xin tôi ký đơn. Tôi quát chưa đến giờ, làm việc phải có giờ có giấc chứ. Tôi ra quán ăn sáng, làm tô bún, ly cà phê sữa, điếu thuốc thơm. Nhưng sáng nay sao uống cà phê, hút thuốc mất ngon, mất sướng.

Tôi nghĩ ủa, cách đây mấy tháng, 5 giờ rưỡi dân đánh thức mình dậy, mình rất vui vẻ. Nay hơn 6 giờ dân hỏi mà mình quát tháo là sao? Là vì cái chức Phó chủ tịch huyện Hòa Vang nó làm cho mình oai! Thế là tôi bỏ dở ly cà phê, chạy về huyện gặp ông già.

Thấy tôi, ông ấy vẫn còn sợ. Tôi bảo ông cho tôi xin lại lá đơn. Tôi ký giải quyết cho ông mua 4 khối gỗ xoan đào, rồi tôi dẫn ổng qua phòng văn thư. Khoảng 10 phút nữa mới đến giờ làm việc, tôi bảo văn thư đóng dấu.

Qua đây tôi cảnh giác, mới cỡ phó chủ tịch huyện mà đã thế rồi không biết lên nữa thì mình sẽ thế nào. Dễ xa cách người dân lắm, thấy mình oai lắm, quan trọng lắm. Ai cũng xin, ai cũng cần mình hết. Cán bộ mình như vậy đó, có cái chức rồi là oách lắm, bắt đầu quát tháo, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân”.

Câu chuyện trên cho thấy mặt trái của quyền lực. Các nước văn minh đúc kết rằng quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối (absolute power corrupts absolutely). Trong chế độ phong kiến xưa, vua là con trời. Quyền lực của vua là tuyệt đối.

Muốn chăm con chim nhỏ, có gì khó, nhưng Đường Thái Tông không dám ham vui vì ông trọng lời can gián, biết dùng người can gián để tự hạn chế quyền lực của mình. Chuyện Đường Thái Tông giấu con chim trong ống tay áo gợi nhớ câu chuyện “nhốt quyền lực trong lồng thể chế” mà báo chí đang nói ngày nay.

Kiểm soát quyền lực bằng pháp luật, thể chế, đó là đường đi của văn minh.

Theo DƯ HỒNG QUẢNG / TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: ,