Quan niệm của Athur Schopenhauer về Ý chí và Tự do

Bắt đầu từ Athur Schopenhauer, nhiều vấn đề triết học đã được xem xét dưới góc độ mới và có sự khác biệt so với quan niệm truyền thống trước đây.

Quan niệm của Athur Schopenhauer về Ý chí và Tự do

Khi nói về chủ nghĩa duy ý chí, người ta thường nói đến Athur Schopenhauer (22/2/1788 – 21/9/1860) – một triết gia người Đức, người đã khơi những dòng chảy đầu tiên cho triết học phương Tây hiện đại ngoài Marxist ra đời, người được cho là đã dấy lên chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa bi quan trong thế kỷ XIX. Và, sự thật là, ý chí luận của ông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phân tâm học, triết học đời sống và chủ nghĩa hiện sinh sau này. Cuộc tranh luận về ý chí như bản thể luận, ý chí tác động như thế nào lên đời sống con người, con người có tự do ý chí hay không – đó là những vấn đề mà cho đến nay, vẫn luôn được các nhà triết học quan tâm nghiên cứu.Bắt đầu từ A. Schopenhauer, nhiều vấn đề triết học đã được xem xét dưới góc độ mới và có sự khác biệt so với quan niệm truyền thống trước đây. Vấn đề bản thể luận được giải thích không chỉ bằng kinh nghiệm, lý trí và trong phạm vi thế giới sự vật, hiện tượng, mà còn bằng xung lực của bản năng tâm lý vô thức với tư cách nền tảng của mọi tồn tại. Vấn đề nhận thức luận không còn là nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, không còn là sự đối lập giữa chủ thể và khách thể, mà là dùng trực giác, dùng xung lực bản năng để nắm bắt thực tại và do vậy, những yếu tố phi lý tính trong vấn đề nhận thức đã được đẩy đến cao độ. Đời sống con người không còn phụ thuộc vào các yếu tố vật chất cũng như thế giới ý niệm nào đó, mà do chính hoạt động tuyệt đối của ý chí cá nhân, ý chí vũ trụ quyết định… Những cách xem xét như vậy đã đánh dấu sự kết thúc của triết học truyền thống và cho ra đời triết học phương Tây hiện đại với những ảnh hưởng càng ngày rộng lớn, không chỉ đối với các nước phương Tây, mà còn trên quy mô toàn thế giới. Do vậy, tiếp xúc với ý chí luận của A. Schopenhauer để hiểu và xây dựng sự tự do ý chí cho con người một cách đúng đắn là hết sức cần thiết.(*)

Ý chí luận của A. Schopenhauer ra đời trong thời kỳ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được củng cố và phát triển, mâu thuẫn giữa các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội ngày càng trở nên gay gắt. Các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra trong lòng xã hội châu Âu bấy giờ đã thể hiện rõ sự khủng hoảng cả về kinh tế – xã hội lẫn ý thức hệ. Đặc biệt, cách mạng Pháp năm 1789 đã giáng một đòn chí tử vào niềm tin của các nhà triết học, các nhà khoa học về sức mạnh của lý tính. Sự khủng bố tàn bạo của Chính phủ Pháp dựa trên “những nguyên tắc của lý tính” đã buộc người ta phải nghĩ về những khả năng thực tế của khoa học và lý tính. Hệ tư tưởng cách mạng tiến bộ của giai cấp tư sản Pháp, như “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”… đã bộc lộ mâu thuẫn ngày càng gay gắt với chính hiện thực đời sống trong lòng xã hội tư bản. Xã hội hiện thực châu Âu lâm vào tình trạng suy đồi, cản trở sự tự do phát triển của cá nhân và do vậy, cần phê phán xã hội hiện tại để xây dựng cho con người một xã hội nhân văn hơn. Vì vậy, ý chí luận ra đời đã được chào đón nồng nhiệt vào nửa sau thế kỷ XIX ở các nước phương Tây, mà nguyên nhân là do, một mặt, nó thể hiện được tính chất bảo thủ của giai cấp tiểu tư sản, trí thức đương thời trong việc chống lại mọi thứ lý tính; mặt khác, nó thể hiện được tinh thần cấp tiến của một số trí thức, tiểu tư sản bất mãn với hiện thực xã hội và đứng lên đòi quyền tự do về cá tính cho con người.

Ý chí luận của A. Schopenhauer được phát triển dựa trên sự kế thừa tư tưởng triết học của Platôn, của I.Cantơ và của triết học tôn giáo phương Đông. Từ đó, A. Schopenhauer khẳng định tính hai mặt của thế giới theo một nội dung mới – đó là thế giới với tư cách biểu tượng và thế giới với tư cách ý chí, cũng như mối quan hệ của chúng trong sự tồn tại của cá nhân con người.

Theo A. Schopenhauer, mặt biểu tượng của thế giới xuất phát từ trực giác của chủ thể, là sản phẩm của chủ thể, do chủ thể cải tạo và đẽo gọt nên. Rằng, “thế giới là biểu tượng của tôi – đây là một chân lý. Chân lý này có hiệu quả đối với bất kỳ sinh vật nào đang sống và đang nhận thức, nhưng chỉ có con người mới có thể thu nhận nó vào trong ý thức phản tư và trừu tượng mà thôi”; “vạn vật chỉ là biểu tượng và các biểu tượng chỉ có ở con người”([1]). Vì biểu tượng luôn xuất phát từ con người, nên chủ thể khác nhau thì biểu tượng cũng khác nhau. Nguyên nhân của sự khác nhau căn bản giữa những biểu tượng của chúng ta nằm ở cảm giác của con người, là do sự khác nhau của trực giác và trừu tượng. Tất cả những gì thuộc về mặt biểu tượng của thế giới chỉ chịu sự chế định của chủ thể và chỉ tồn tại đối với chủ thể mà thôi. Nó không tồn tại khách quan và không có bất kỳ ý nghĩa thực tại nào.

Đi tìm ý nghĩa thực tại của thế giới, A. Schopenhauer đã phát triển mặt thứ hai của thế giới là ý chí. Theo ông, ý chí không phải là một phần của ý thức, cũng không phải là một phẩm chất của tâm hồn con người, lại càng không phải là yếu tố tạo ra từ lý tính. Ý chí ở đây được ông hiểu như là “sự xung động”, “khí thế”, “thế mạnh”, “nguồn năng lượng” và như là “bản năng sống” tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng. Thế giới biểu tượng sở dĩ có được là do sự khách thể hóa của ý chí mà ra. Sự biểu hiện các loại khách thể hóa của ý chí cũng được sắp xếp theo trình tự từ vật thể đến thực vật, tiếp đó là động vật rồi đến con người. Con người chính là khách thể hóa cao nhất của ý chí. Một cách cụ thể hơn, A. Schopenhauer mô tả sự tồn tại của ý chí trong thế giới vật lý bằng lực hấp dẫn, từ trường; trong thế giới sinh học là việc duy trì, bảo vệ và kéo dài đời sống của giống nòi; trong xã hội, thông qua hoạt động của cá nhân, nhà nước, chủng tộc, dân tộc, ý chí trong con người biểu hiện dưới hình thức khát vọng quyền lực, báo thù, tình dục,… Hiểu theo cách chung nhất, A. Schopenhauer đã nâng ý chí lên thành ý chí vũ trụ, xem nó chính là xung lực bản năng, vừa là bản chất và hạt nhân của sự vật đặc thù, vừa là bản chất và hạt nhân của toàn bộ sự vật với bốn đặc trưng cơ bản là:

Thứ nhất,ý chí vũ trụ là tự do, là “khởi điểm vô căn cứ, không có mục đích, không có nguyên nhân, không chịu tác động của bất cứ quy luật nào ngoài bản thân nó”(2). Ý chí này không chịu tác động của bất cứ sự vật, hiện tượng nào; nó tự do hoạt động theo sức mạnh bản năng, nội tại của chính mình. Đặc trưng tự do thoát khỏi mọi quy luật đã làm cho ý chí mang bản chất hư vô. Do vậy, “ý chí buộc phải tồn tại bằng chính bản thân mình, bởi ngoài nó ra không có gì nữa. Nó là ý chí khao khát và do vậy, nó hư vô, buồn chán và đau khổ”(3).

Thứ hai,ý chí vũ trụ là vĩnh cửu, thoát khỏi mọi ràng buộc bởi không gian và thời gian. A. Schopenhauer lập luận: “Chúng ta thường nghe “vật chất là vĩnh cửu”, nhưng vật chất không phải là “vật tự nó”, cho nên nó “không thể vĩnh cửu được”(4). Chỉ có ý chí vũ trụ là thống nhất trong không gian và có thể tồn tại ở nhiều chỗ khác nhau trong cùng một thời gian. Và, khác với các triết gia thần học thường gắn ý chí với Chúa hay Thượng đế như là khởi nguyên sáng tạo của mọi tồn tại, A. Schopenhauer đã mô tả ý chí vũ trụ và sự bất tử của nó theo hướng vô thần. Với ông, sự bất tử của ý chí vũ trụ được khách thể hóa trong năng lực đấu tranh sinh tồn của mọi sự vật, hiện tượng, còn trong cá thể con người thì sự bất tử biểu hiện ra như là cái bản năng, sự ham muốn, mãnh lực sống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó, ông rút ra kết luận: “Chỉ có ý chí là cái nhân của bất cứ cái gì là hiện tượng, do đó nó biệt lập với các hình thức của hình dạng hiện tượng mà thời gian lệ thuộc, và vì thế nó bất diệt”(5). Từ đây, A. Schopenhauer đi đến kết luận ý chí vũ trụ mới là bản chất thực sự của thế giới.

Thứ ba,ý chí vũ trụ mang tính thứ nhất và là cái quyết định. Ý chí vũ trụ không có tri thức, nhưng nó sản sinh ra và điều khiển toàn bộ thế giới cũng như hoạt động của chính mình. Ý chí như thế nào thì hoạt động của nó và thế giới do nó tạo ra cũng như vậy. Con người bị ý chí điều khiển trên mọi lĩnh vực: ký ức, tính cách, trí tuệ. Ý chí luôn ngự trị trong chốn sâu thẳm, nó điều khiển kẻ nô bộc của mình là con người. Khi nói đến quan niệm này của A. Schopenhauer, tác giả Quang Chiến cho rằng, ý chí của A. Schopenhauer giống như “kẻ cai trị mù loà. Nó vác trên vai mình một kẻ tê liệt, nhưng nhìn được vạn vật. Con người dường như được kéo về phía trước, nhưng thực ra thì nó bị đẩy từ phía sau, từ một nơi huyền bí sâu thẳm”(6). Với tính cách như vậy, con người chỉ là phương tiện để ý chí thể hiện mình mà thôi. A. Schopenhauer đã nhiều lần nhắc lại vấn đề con người được chọn để đóng một vai diễn và phải mang nó đến cuối đời. Sự đề cao quyết định mệnh trong ý chí vũ trụ đã cho thấy chủ nghĩa bi quan ở A. Schopenhauer, nhất là khi ông nhấn mạnh sự thống trị phi lý tính của ý chí vũ trụ đối với con người.(5)

Thứ tư,ý chí vũ trụ là ý chí đòi hỏi sự sống, ý chí đòi hỏi sinh tồn. Đôi lúc A. Schopenhauer còn đi đến đồng nhất ý chí vũ trụ với ý chí sống, gán cho nó tất cả những đặc trưng cơ bản của ý chí vũ trụ. Đi từ các hiện tượng trong tự nhiên đến các hiện tượng trong đời sống xã hội, A. Schopenhauer khẳng định ý chí sống là phổ biến và có sức mạnh không bao giờ cạn. “Sức mạnh của ý chí ngự trị khắp nơi. Sức mạnh ấy khiến cho cỏ cây đâm chồi nảy lộc và úa tàn, khiến cho nam châm quay về hướng bắc cực, khiến viên đá rơi xuống trái đất, khiến trái đất hướng về mặt trời…”(7). Đồng thời, để chứng minh ý chí sống là bản chất cốt yếu nhất của vũ trụ, A. Schopenhauer phần nào đã có những lập luận hợp lý rút ra từ đời sống sinh lý và tâm lý của vạn vật. Theo ông, sự vật quý nhất là sự sống, vì nhờ sự sống mà vạn vật mới được bảo tồn và có sự sống là có tất cả. Nhưng mặt trái của sự sống là cái chết. Do đó, để được sống thì phải chiến thắng cái chết bằng biện pháp cơ bản là sản sinh ra thế hệ sau. Cũng vì thế mà hạt nhân của ý chí vũ trụ chính là ý chí sống. Tuy nhiên, ý chí sống có tính chất phi lý tính, nên nó thực hiện chủng loại một cách mù quáng. Ý chí sống thiếu hẳn tri thức và mù quáng này đã duy trì chủng loại, duy trì “một thế hệ mới, làm lại những gì thế hệ trước từng làm: nó cũng đói, cũng tìm ăn, cũng sinh sống, cũng sinh sản. Đời cứ thế tiếp diễn… thiếu hẳn tính mục đích”(8). Theo A. Schopenhauer, ý chí sống lặp đi lặp lại theo vòng tròn. Đó cũng là lịch sử loài người và “trong lịch sử không có tiến trình thống nhất, không có tiến bộ, không có quy luật, loài người giậm chân tại một điểm”(9). Lịch sử nhân loại là vô nghĩa chẳng khác gì biểu tượng Xidíp (Sisyphus) vĩnh viễn đẩy tảng đá, nhưng không bao giờ tới đỉnh, hay như dân gian thường nói “dã tràng xe cát” biển Đông. Vì vậy, sau này, khi đưa ra con đường giải thoát, A. Schopenhauer đã đề cao nghệ thuật duy mỹ, đề cao đạo đức khổ hạnh và Niết bàn của Phật giáo.

Việc đưa ra những đặc trưng cơ bản về ý chí vũ như trên đã dẫn đến những sự phê phán khác nhau đối với ý chí luận của A. Schopenhauer. Chúng ta có thể tổng kết sự phê phán đó ở những nội dung sau:

Một là,việc A. Schopenhauer xây dựng bản thể luận như là ý chí vũ trụ, mọi sự vật, hiện tượng là khách thể hóa của ý chí vũ trụ đó không dựa trên căn cứ khoa học, mà chỉ dựa vào các minh chứng đời sống và cảm xúc của con người là chưa đủ sức thuyết phục. Sự phát triển của sinh học, tâm lý học sau này đã phủ nhận sự tồn tại của ý chí trong mọi sự vật, hiện tượng, ý chí chỉ có trong con người, ý chí là ý chí của con người, ngoài con người ra không có một sự vật, hiện tượng nào có thể có ý chí. Hơn nữa, ý chí biểu hiện như là sức mạnh hướng tới mục đích nhất định, vì vậy, chỉ có con người mới có ý chí, vì chỉ có con người mới hoạt động có mục đích.

Hai là,A. Schopenhauer đã xem xét ý chí là khởi điểm vô căn cứ, tự do thoát khỏi mọi quy luật, cô lập ý chí với các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, xem tính bất tử của ý chí là do nó không phụ thuộc vào không – thời gian. Điều này thể hiện rõ sự đối lập của ông với chủ nghĩa duy vật, với khoa học và lý tính, nhưng ông lại không vượt qua được những những cái mà ông chống đối.(8)Đứng trên quan điểm duy tâm và hiện tượng luận chủ quan của mình, A. Schopenhauer khẳng định tính vĩnh cửu của ý chí vũ trụ và bác bỏ hoàn toàn sự tồn tại của thế giới khách quan độc lập với ý thức con người – đó là điều không thể. Việc phản bác chủ nghĩa duy vật lúc bấy giờ, một mặt, là do sự khiếm khuyết trong tư duy siêu hình của nó, mặt khác, việc phủ nhận hoàn toàn nền tảng cho tính vĩnh cửu của vật chất và tính không – thời gian của nó, phủ nhận mối liên hệ và luật nhân quả của các sự vật, hiện tượng là do sai lầm trong nhận thức về bản thể luận thế giới của A. Schopenhauer mà từ đó, chủ nghĩa hư vô tìm được cơ sở lý luận để tồn tại và ăn sâu vào đời sống tinh thần của châu Âu.

Ba là, khi giải quyết vấn đề nhận thức luận, xem xét thế giới như là biểu tượng của tôi, A. Schopenhauer đã dựa trên quan điểm duy tâm chủ quan, đồng nhất chủ thể nhận thức với khách thể nhận thức, thổi phồng nhận thức cảm tính của con người, mà không thấy nhận thức lý tính của nó. Đi từ cảm giác của các cá nhân riêng lẻ để xây dựng thế giới biểu tượng, ông đã không thể tìm ra chân lý chung phổ quát của thế giới này. Khi xem xét bản chất đích thực của thế giới là ý chí, ông đã khẳng định con người không có khả năng nhận thức ý chí vũ trụ; rằng nhận thức chỉ đạt được ở một vài người có khả năng vươn đến nghệ thuật duy mỹ và đạo đức khổ hạnh trong một vài thời điểm nào đó mà thôi. Như vậy, đối với A. Schopenhauer, con người không bao giờ hoàn toàn đạt tới được chân lý đích thực trong quá trình nhận thức thế giới, sự bất lực của con người và sự vô vọng của nó trong ý định nhận thức các quy luật xã hội và các quy luật tự nhiên (vì ý chí vũ trụ không có tri thức, cũng không tuân theo quy luật nào cả) là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy mà ông đã bị phê phán là nhà bi quan chủ nghĩa vĩ đại của châu Âu.

Bốn là, ý chí vũ trụ là vô mục đích, là những xung động bản năng, phi lý tính thúc đẩy và quyết định đời sống con người cũng như số phận của loài người, là một cách nhìn hết sức phiến diện của A. Schopenhauer đối với vấn đề con người. Ông đã tuyệt đối hóa mặt sinh học của con người mà không thấy mặt xã hội của nó, quy lịch sử xã hội loài người chỉ vào hoạt động sản xuất và tái sản xuất ra con người mà không thấy vai trò quyết định là nằm ở hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Từ lập trường giai cấp tiểu tư sản, ông chỉ thấy được lịch sử loài người là sự lặp lại của những vòng tròn vô nghĩa. Do vậy, ông đã phủ nhận cả sự tiến bộ đạo đức lẫn khả năng xây dựng một nhà nước hạnh phúc và hợp lý. Nếu như A. Schopenhauer vượt qua được lập trường giai cấp của mình, biết gắn triết học với thực tiễn, thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử thì ông đã có một cách nhìn lạc quan, đúng đắn và nhân đạo hơn về con người. Không tin vào vai trò của con người và tiến bộ xã hội nên ý chí luận của ông mãi mãi dừng lại ở chủ nghĩa duy tâm mang màu sắc bi quan, phi lý.

Tuy nhiên, phê phán không có nghĩa là phủ định hoàn toàn sự đóng góp của triết học A. Schopenhauer cho nhân loại. Với nội dung cơ bản của ý chí luận như trên, tư tưởng triết học của A. Schopenhauer đã mở đường cho trào lưu triết học nhân bản phi duy lý phương Tây hiện đại ra đời và mang một thông điệp “khắc phục quan điểm lý tính cho cuộc sống bớt nhàm chán”(10), tạo ra những trường phái triết học đi tìm cội nguồn của cá nhân trong sự tồn tại đầy mâu thuẫn và phi lý của nó, phá vỡ tính hệ thống, “khuôn vàng, thước ngọc” của triết học truyền thống, đưa ra được những vấn đề mà nó chưa giải quyết, không giải quyết được, đồng thời ca ngợi sức mạnh sáng tạo của cá nhân,…

Lấy hứng khởi từ A. Schopenhauer, Sigmund Freud đã đi đến nghiên cứu một loại tồn tại “vô ý thức”, nghiên cứu “bản năng về tính” hay libido với tư cách hạt nhân cơ bản trong hoạt động tinh thần của con người; còn H.Bécxông thì xây dựng triết học đời sống với khẳng định thời gian là bản chất của đời sống, trực giác là phương pháp nắm bắt đời sống và tự do là cái Tôi sáng tạo thuần túy.

Ý chí luận của A. Schopenhauer còn được đánh giá là triết học tâm trạng. Nó thể hiện tâm trạng của con người ở giai đoạn chuẩn bị chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh lên chủ nghĩa đế quốc. Với xuất phát điểm là phi lý tính, chỉ đi từ tâm trạng con người, nên ý chí luận không xây dựng một mô hình về xã hội tương lai, mà là đeo đuổi và giành lại sự quan tâm đối với cá nhân con người, đòi trả lại cho con người cái bản chất đích thực của nó. Do đó, ý chí luận của A. Schopenhauer cũng là một trong những nguồn gốc lý luận cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh.(10)

Một cách khách quan và trung thực, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, khi mô tả sự phi lý của ý chí vũ trụ, A. Schopenhauer muốn phản ánh hiện thực xã hội đầy rẫy những bất công, nghịch lý và khuyên con người cần phủ nhận nó để đi đến tự do. Từ ý chí luận bi quan của ông đã nảy sinh ra những thông điệp lạc quan hơn, như: mặc dù trong đời sống của con người còn tồn tại những điều phi lý, nhưng chúng ta sống không phải vì chịu đựng phi lý, mà là để vượt qua nó và tạo dựng một cuộc sống tự do hạnh phúc cho con người; như làm sao tinh thần của con người chiến thắng được sức mạnh bản năng đang dần biến họ thành nô lệ; như con người phải thoát ra khỏi hiện thực đầy rẫy những bất công phi lý và đạt được sự công bằng vĩnh cửu để từ đó, vươn đến tự do, sự tự do vĩnh cửu cho tất cả, sự tự do không phụ thuộc vào quy luật nhân quả hay các định luật khác nhau mà khoa học đưa ra, sự tự do lựa chọn, tự do tái thiết chính mình,…

Cho đến tận hôm nay, xung quanh vấn đề con người có tự do ý chí hay không vẫn được rất nhiều các nhà tư tưởng quan tâm tranh luận, như sự tự do ý chí nằm trong nghiệp chướng; sự tự do ý chí tương đồng với thuyết định mệnh; sự tự do ý chí do chủ thể con người quyết định; sự tự do ý chí là tuân theo cái tất yếu… và, đây vẫn là vấn đề mở. Dù vẫn còn có những điểm tối trong việc nghiên cứu ý chí, nhưng nếu tuyệt đối đề cao ý chí tự do hay tước đoạt ý chí tự do của con người đều dẫn đến những sai lầm. Vì vậy, nhiều nhà tư tưởng hiện nay đang cố gắng hòa giải sự tự do và thuyết quyết định, như Kitaro Nishida đã khẳng định: “ý chí là tự do không phải vì nó hoạt động ngẫu nhiên vượt quá quy luật tự nhiên, nhưng đúng hơn vì nó tuân theo bản tính riêng của nó. Nó tự do không phải vì nó hoạt động không có lý do, nhưng vì nó biết rõ các lý do đằng sau việc hoạt động của nó”(11), như vậy tự do phải gắn với tất yếu. Còn G.Têitrman (G.Teiman) và K.Evan (K.Evan) khi xem xét “ý chí tự do gắn với vấn đề nhân quả, với những vấn đề của triết học tôn giáo và triết học đạo đức”, đã đưa ra lời kêu gọi: “Hãy để ý chí của con người tự do lựa chọn thì con người sẽ nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình và ít gây tác hại cho xã hội hơn”(12).

Ở Việt Nam hiện nay, việc rèn luyện ý chí cho con người xuất phát từ hai yếu tố cơ bản. Yếu tố thứ nhất, dựa trên việc phân tích những xung động bản năng phi lý tính của ý chí trong triết học A. Schopenhauer để giải thích mặt tiêu cực trong đời sống con người, như chiến tranh, trộm cướp, đánh giết, thù oán, bạo hành, xúc phạm, xâm hại, lừa đảo, lừa dối… lẫn nhau của con người. Từ đó, tìm các biện pháp thích hợp về mặt giáo dục, đạo đức, pháp luật… để hạn chế, loại bỏ các sức mạnh phi lý tính, phi nhân đạo trong ý chí của con người, chuyển dần các xung động bản năng tự phát của ý chí thành hoạt động tự giác của ý chí đặt dưới sự kiểm soát của lý trí và lương tâm con người. Yếu tố thứ hai, dựa trên việc phê phán ý chí luận của A. Schopenhauer để xây dựng và hoàn thiện quy luật hình thành, vận động và phát triển của ý chí trong con người, nâng cao sức mạnh sáng tạo của cá nhân và của cả cộng đồng dân tộc. Những bước tiến trong nghiên cứu tâm lý học, thần kinh học, xã hội học và khoa học hành vi đã phần nào làm sáng tỏ ý chí, các yếu tố cấu thành ý chí và chức năng của nó trong đời sống con người.(12)

Trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta nhận thức được ý chí là một phần của ý thức, thuộc về trí tuệ, về nhận thức lý tính, là kết quả của tri thức, kinh nghiệm và của sự giáo dục, tự rèn luyện trong con người. Vì vậy, để phát huy sức mạnh sáng tạo của ý chí cá nhân, cần giáo dục con người về nền tảng tri thức khoa học. Đồng thời, rèn luyện cho con người những phẩm chất cần thiết, như tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì, bền bỉ, tính tự chủ, tính kiềm chế, tính kiên cường, tính dũng cảm… để có thể vươn lên khắc phục khó khăn nhằm đạt được mục đích đề ra.

Sức mạnh của ý chí không nằm ở bản thân ý chí, mà nằm ở mục đích mà ý chí hướng tới. Việc thực hiện quyết định hành động là việc cơ bản để đánh giá hành động đó là hành động ý chí. Do vậy, cần xuất phát từ thực tiễn để xây dựng cho con người Việt Nam các bước thực hiện quyết định hành động có ý chí, như lựa chọn và xác định mục đích hoạt động, phương châm hoạt động, thời cơ hoạt động, biện pháp hoạt động để đạt được mục đích đã đề ra. Khi đạt được mục đích đã đề ra cũng chính là khi ý chí đạt được sức mạnh của mình và ý chí vươn tới được tự do.

Ý chí tự do không chỉ xuất phát từ nguyện vọng của chủ thể để lựa chọn, mà là ý chí lựa chọn một cách đúng đắn, phù hợp với tính tất yếu khách quan, tức là mục đích riêng của ý chí cá nhân cũng chính là mục đích chung cao đẹp mà loài người hướng tới. Cá nhân, dù tài năng bao nhiêu, dù mạnh mẽ bao nhiêu, mà ý chí của nó không hướng đến được mục đích chung phổ quát của nhân loại, thì cũng chỉ là ý chí của kẻ nô lệ.

Mối quan hệ giữa ý chí cá nhân và ý chí cộng đồng; giữa ý chí và mục đích là mối quan hệ biện chứng, như V. I. Lenin đã viết: “ý chí là một trong những yếu tố tạo nên sự nghiệp cách mạng của hàng triệu người trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt nhằm giải phóng mình, giải phóng nhân loại”(13). Giải phóng con người, giải phóng nhân loại là mục đích chung mang tính nhân văn, nhân đạo cho mọi xã hội, mọi thời đại. Do vậy, việc gắn kết ý chí cá nhân với ý chí cộng đồng, làm rõ nhận thức ý chí cá nhân chỉ phát huy sức mạnh khi kết hợp chặt chẽ với ý chí cộng đồng, nâng cao lòng quyết tâm, sự nhất trí của nhiều cá nhân để thực thi ý chí cộng đồng là điều hết sức cần thiết.

Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng việc phát huy dân chủ nhằm tạo ra sự đồng thuận, đồng lòng, xây dựng khối đoàn kết của toàn dân tộc; phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng ý chí sáng tạo, độc lập, tự chủ, tự cường của con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thống nhất ý chí và hành động của toàn dân để thực hiện mục đích cao đẹp: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cũng là thực hiện điều mong muốn cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã để lại trong Di chúc của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

————————————————-

Chú thích:

([1]) A. Schopenhauer. Thế giới như ý chí và biểu tượng. Nxb Văn học, Minsk, 1998, tr.78 (tiếng Nga).
([2]) A.C.Kalếcxnicốp. Lịch sử triết học phương Tây hiện đại, Nxb XanhPetécbua, 1997, tr.340 (tiếng Nga).
(3) A. Schopenhauer. Tuyển tập, t.1. Nxb Mátxcơva, 1992, tr.174 (tiếng Nga).
(4) A. Schopenhauer. Những câu phương châm mới. Nxb Văn học, Minsk, 1998, tr.1400 (tiếng Nga).
(5)A. Schopenhauer. Siêu hình tình yêu –siêu hình sự chết. Kinh thi, 1971, tr.203.
(6) Quang Chiến (Chủ biên), Chân dung triết gia Đức. Viện Triết học và Trung tâm Văn hoá, ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr.100.
(7) V.Veisenden. Cầu thang sau của triết học. Nxb DTV, Munchen, 1992, tr.225.
(8) A. Schopenhauer. Siêu hình tình yêu –siêu hình sự chết, Kinh thi. 1971, tr.16.
(9) A. Schopenhauer. Thế giới như ý chí và biểu tượng. Nxb Văn học, Minsk, 1998, tr.35 (tiếng Nga).
(10)J.K.Melvil. Các con đường của triết học phương Tây hiện đại, (Biên dịch: Đinh Ngọc Thạch, Phạm Đình Nghiệm). Nxb Giáo dục, 1997, tr.4.
(11) Gail M.Tresdey, Karsten J.Struhl, Richard E.Olsen. Truy tầm triết học. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.506.
(12) G.Teiman và K.Evan. Nhập môn triết học. Nxb Thế giới, Mátxcơva, 1997, tr.37 (tiếng Nga).
(13)V.I.Lênin. Toàn tập, t.41. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.101.

Theo NGUYỄN THỊ MINH HƯƠNG / TẠP CHÍ TRIẾT HỌC 

Tags: , ,