⠀
Quan hệ Việt – Trung trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung tại Đông Nam Á
Tháng 11 vừa qua, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trở thành nguyên thủ quốc tế đầu tiên có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với chuỗi các sự kiện quan trọng của chính trị quốc tế tiếp sau đó như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Phnom Penh, Campuchia, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Bangkok, Thái Lan…, khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, trong đó dấu mốc mới của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình khu vực.
Phân tích, tổng hợp: Hoàng Thị Hạnh Trang.
Những thành quả mới trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc
Khoảng thời gian ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sảnTrung Quốc chứng kiến một làn sóng cao trào của ngoại giao Trung Quốc với liên tiếp những hoạt động ngoại giao, những cuộc gặp gỡ nguyên thủ các nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau gần ba năm “vắng bóng” trên vũ đài chính trị thế giới do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Mở đầu cho đợt cao trào trên là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2022. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước khi vừa chỉ rõ những điểm mấu chốt của quan hệ Việt – Trung, vừa xác định phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới. Đây là cột mốc cho thấy quan hệ hai nước luôn mang tính chất đặc biệt và đang trên đà trở nên ngày càng ổn định. Những kết quả trên cũng được đúc kết và thể hiện trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Trần Tương Miểu – Viện Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc), so với những tuyên bố chung trước đây, tuyên bố chung mới nhất giữa hai nước đã làm nổi bật chưa từng có hai điểm mấu chốt, cũng là hai trọng tâm căn bản trong quan hệ hai nước:
Thứ nhất, hai nước luôn kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với các phương diện nội dung: Một là, ôn lại và củng cố tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí, vừa là anh em mà các thế hệ lãnh đạo đi trước đã dày công vun đắp, đặt nền móng cho tương lai của quan hệ hai nước. Hai là, đảm bảo đường lối và định hướng phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ hợp tác song phương là nhất quán và không thay đổi, tức kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa xã hội không ngừng phát triển, chứng minh tính ưu việt và viễn cảnh tươi sáng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ba là, tăng cường hợp tác chống “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” – một lĩnh vực hiếm khi được đề cập trong các văn kiện song phương trước đây.
Thứ hai, xúc tiến hợp tác kinh tế – thương mại và giao lưu văn hóa – nhân dân vì lợi ích chung của hai nước luôn là dòng chảy xuyên suốt của quan hệ hai nước trong bất kỳ bối cảnh nào. 13 văn kiện song phương gồm các thỏa thuận hợp tác và bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết qua chuyến thăm lần này bao trùm toàn diện nhiều lĩnh vực như kinh tế – thương mại, du lịch, nông nghiệp, môi trường, v.v… Trong đó, hợp tác về đảm bảo chuỗi cung ứng và giao lưu giữa các doanh nghiệp vốn nhà nước của hai bên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đẩy mạnh quan hệ hai nước.
Bên cạnh hai vấn đề cốt lõi được nêu bật như trên, giáo sư Trương Duy Vi của Đại học Phục Đán nhận định, chuyến thăm lần này còn đạt được một số thành quả cụ thể đáng chú ý như sau:
Một là, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông giữa hai nước, đặc biệt là tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) – ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc). Tuyến đường sắt trên được kết nối thành công sẽ không chỉ thúc đẩy vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa hai nước – đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang vùng Tây Nam Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc xây dựng hành lang kinh tế Đông – Tây, hòa nhập với mạng lưới giao thông của khu vực Đông Nam Á, mà còn khai thông con đường quá cảnh hàng hóa từ Việt Nam qua Trung Quốc đến châu Âu, góp phần khắc phục một số rào cản do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và EU thực hiện Hiệp định EVFTA. Mặt khác, phía Trung Quốc cũng hết sức coi trọng việc Việt Nam đồng ý kết nối tuyến đường sắt nói trên, bởi điều này sẽ giúp hình thành mạng lưới giao thông Bắc – Nam, Đông – Tây đan xen xuyên suốt khu vực bán đảo Đông Dương (hay bán đảo Trung Nam theo cách gọi của Trung Quốc) khi nước này đã hoàn thành các tuyến đường sắt cao tốc nối với Lào và Thái Lan, nhờ đó củng cố vị thế trung tâm của mình trong hệ thống kinh tế – thương mại tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Hai là, liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai bên đã đạt được nhận thức chung mới, nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Điều này nói lên rằng hai bên đều mong muốn tạo nên cục diện ổn định tại Biển Đông trong thời gian tới và lựa chọn nỗ lực hết sức đi đến thỏa thuận bằng biện pháp hiệp thương hòa bình, thể hiện những tín hiệu tích cực hơn trong thái độ của hai nước về xử lý tranh chấp ở Biển Đông.
Ba là, hai bên nhấn mạnh tăng cường triển khai giáo dục về tình hữu nghị Việt – Trung tới người dân, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những năm vừa qua, một trong những vấn đề mấu chốt gây trở ngại cho quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là tâm lý phần nào thiếu tin tưởng, thiếu gắn kết của người dân hai nước dành cho đối phương. Các số liệu điều tra dân ý do Pew Research Center, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) công bố hay các khảo sát trong nước của Trung Quốc phục vụ cho việc triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia Trung Quốc một vài năm gần đây đều phản ánh những dấu hiệu không mấy khả quan về ấn tượng và thiện cảm của người dân hai nước dành cho hình ảnh của đối phương trên các phương diện như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục hay mức độ hiểu biết, mức độ hứng thú với đối phương, mặc dù hai nước luôn là láng giềng hữu nghị lâu đời “núi liền núi, sông liền sông”. Vì vậy, việc tuyên bố chung nhắc đến vấn đề nêu trên cho thấy quyết tâm cải thiện lòng tin của người dân hai nước dành cho nhau nhằm giải quyết gốc rễ của một số bất đồng không cần thiết, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt.
Ngoài ra, trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 vào ngày 11/11, những nội dung trên đã được lãnh đạo hai nước tái đề cập và khẳng định với đồng thuận cao, củng cố thêm những kết quả sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và Trung Quốc
Trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ, quan hệ Việt – Trung là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Song song với đó, Việt Nam cũng là ưu tiên hàng đầu trên phương diện ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Những thành quả nói trên có ý nghĩa chiến lược lớn lao trong tiến trình quan hệ hai nước nói chung, đồng thời cũng mang lại những tác động chiến lược tích cực đối với bản thân Việt Nam và Trung Quốc nói riêng.
Trước tiên, bàn về tính chất đặc biệt của quan hệ Việt – Trung, giáo sư Triệu Vệ Hoa – chuyên gia nghiên cứu Việt Nam của Đại học Phục Đán đưa ra tổng kết gồm bốn đặc điểm chính: Thứ nhất, là đồng chí về ý thức hệ; thứ hai, là đối tác về kinh tế – thương mại; thứ ba, là anh em gần gũi về huyết thống; thứ tư, còn tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Ba đặc điểm đầu tiên khiến cho quan hệ hai nước gắn bó vô cùng mật thiết, khó có thể bị lung lay, chia rẽ bởi tác động bên ngoài, tuy nhiên, đặc điểm cuối cùng cũng quyết định rằng quan hệ Việt – Trung không tránh khỏi mâu thuẫn tồn tại, không thể trở nên hoàn toàn khăng khít. Vì vậy, quan hệ Việt – Trung hết sức đặc biệt, đồng thời lại hết sức phức tạp, cần được xem xét, đánh giá bao quát từ góc nhìn toàn cục. Trước tình hình đó, theo giáo sư Triệu Vệ Hoa, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước với mong muốn chung là giữ vững sự ổn định trong quan hệ hai nước, tạo nền tảng cho bước phát triển mới đáng mong chờ trong tương lai.
Trên cơ sở ấy, tuyên bố chung mới nhất của hai nước đã phản ánh những thách thức chung mà hai nước phải đối mặt do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của cục diện thế giới, khiến hai nước một lần nữa tập trung cao độ đến những lợi ích và nguyện vọng chung, nhằm đi sâu nghiên cứu, tìm kiếm phương thức ứng xử mới hài hòa trong quan hệ song phương.
Đối với Việt Nam, giữa bối cảnh tình hình thế giới gia tăng bất ổn, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc cả về an ninh, chính trị và kinh tế đều giúp tạo môi trường quốc tế ổn định hơn để Việt Nam vượt qua thử thách và thực hiện phát triển. Trước nhiệm vụ trọng tâm là chống lại những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, việc đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc cũng như sự ủng hộ và hỗ trợ của nước này trong các vấn đề liên quan có ý nghĩa quan trọng, được nêu cụ thể trong tuyên bố chung mới nhất của hai nước như đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, chịu tác động của lạm phát toàn cầu và những rủi ro tài chính của kinh tế thế giới, năm 2023 được dự báo sẽ không phải là một năm dễ dàng với nền kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng dự kiến sẽ thấp hơn năm 2022. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sở hữu những ưu thế nhất định so với các đối tác hàng đầu khác của Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản; còn Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN và là đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới. Để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, nhanh chóng nâng cao hiệu quả xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác với Trung Quốc lên một tầm cao mới là nhu cầu thiết thực và là lựa chọn chiến lược phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Về phía Trung Quốc, nước này bị Mỹ coi là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ năng lực và mong muốn thay thế vị trí siêu cường số một của mình, cùng với đó là những sức ép kèm theo đến từ các đồng minh phương Tây của Mỹ. Một trong những “vũ khí” được Mỹ và phương Tây sử dụng để đối phó với đà trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là liên tục nhấn mạnh khác biệt về mặt chế độ và ý thức hệ của Trung Quốc, khiến nước này phải xử lý những thách thức để đảm bảo ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nhất là vùng biển và vùng trời lân cận của Trung Quốc, Mỹ. Nhật Bản, Australia không ngừng gia tăng sự kiềm tỏa về quân sự, đồng thời gây áp lực về ngoại giao cho Trung Quốc trên trường quốc tế. Do vậy, phía Trung Quốc chỉ rõ những động thái “gây hấn” về ý thức hệ của Mỹ và phương Tây không chỉ nhằm vào Trung Quốc, mà cũng nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa khác, bao gồm Việt Nam. Trung Quốc hi vọng thông qua việc tái khẳng định tiếng nói chung, sứ mệnh chung với Việt Nam về xây dựng và bảo vệ thật tốt chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn, nâng cao sức hút và sức cạnh tranh của chế độ xã hội chủ nghĩa, từ đó củng cố thêm sức mạnh và mạng lưới quan hệ của mình trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và phương Tây. Thêm vào đó, các sáng kiến mới do Trung Quốc đề xuất như Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu được phía Việt Nam bày tỏ tích cực ghi nhận, ủng hộ và sẵn sàng tham gia, giúp cho Trung Quốc “ghi điểm” nhiều hơn với “chiến dịch” gây dựng tầm ảnh hưởng, chứng tỏ năng lực lãnh đạo và đóng góp những phương án của riêng mình trong công cuộc ứng phó các vấn đề toàn cầu.
Cạnh tranh Mỹ – Trung tại khu vực Đông Nam Á
Những năm qua, trong bàn cờ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng luôn được coi là “quân bài chiến lược” mà các bên cần tận dụng và phát huy tối đa để giành lợi thế về mình vì vị trí địa – chính trị then chốt. Trước những diễn biến mới có lợi hơn cho Trung Quốc khi đạt được bước tiến mới trong quan hệ với Việt Nam, một khi “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) được thông qua và đi vào thực hiện, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai vai trò và tầm ảnh hưởng của mình về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Đây là điều mà Trung Quốc mong chờ đã lâu nhằm gạt bỏ sự can thiệp của Mỹ vào khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25 ở Campuchia giữa tháng 11, ASEAN và Trung Quốc đã đạt tiến triển trong đàm phán COC khi hoàn tất vòng rà soát thứ nhất văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai của dự thảo này.
Chính bởi vậy, các học giả Trung Quốc nhận định, trong thời gian tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác mới mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Cũng ngay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ vừa qua, ASEAN và Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện – một năm sau khi ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ này. Điều này đồng nghĩa rằng Mỹ và ASEAN sẽ có không gian hợp tác rộng mở tối đa với các mục tiêu dài hạn hơn, đồng thời cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á cũng sẽ là cục diện lâu dài. Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần này là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden đến khu vực Đông Nam Á trên cương vị Tổng thống Mỹ, và là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa ông với các lãnh đạo ASEAN trong năm nay. Nhân dịp này, ông Biden cũng tuyên bố, Mỹ dự kiến sẽ hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho ASEAN trong năm 2023 nhằm đẩy mạnh đầu tư và phát triển của khu vực. Trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, xây dựng cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực trọng điểm. Việc luật cơ sở hạ tầng đã được phê chuẩn tại Mỹ sẽ có lợi cho quá trình gây dựng mạng lưới hợp tác đa phương về lĩnh vực này tại Đông Nam Á.
Không quá khi nói rằng ASEAN là “ngôi sao sáng” của quan hệ quốc tế giai đoạn cuối năm 2022. Ngoài việc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 11 thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận dành cho Việt Nam, giữa tháng, các nước ASEAN đăng cai một loạt sự kiện quan trọng như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 (tại Campuchia), Hội nghị Thượng đỉnh G20 (tại Indonesia), Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 (tại Thái Lan). Trong cùng một ngày 12/11, cả Mỹ và Ấn Độ (tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 19) đã cùng ASEAN thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ngày 14/12, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa ASEAN và EU được tổ chức tại Brussels, Bỉ. Qua đó, các đối tác đều bày tỏ đề cao và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Mặt khác, từ lập trường trung lập của mình, lãnh đạo nhiều nước trong khối cũng nhấn mạnh, ASEAN không mong muốn bị biến thành đấu trường của cạnh tranh nước lớn, không hi vọng căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, càng không sẵn lòng bị ép buộc phải chọn bên giữa hai cường quốc. Động thái lần lượt thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các bên cho thấy thái độ không phân biệt của ASEAN. Đối với ASEAN, để giữ vững và thúc đẩy đà phát triển của khu vực, ngoài duy trì độ mở kinh tế, toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, nhiệm vụ tối căn bản là bảo đảm an ninh, an toàn và ổn định trong khu vực cũng như môi trường quốc tế, mà mối đe dọa lớn nhất đến điều này chính là nguy cơ cạnh tranh Mỹ – Trung nóng lên dẫn tới xảy ra xung đột tại đây, điển hình như vấn đề Đài Loan – một “ngòi nổ” khiến các nước ASEAN lo ngại những tháng qua.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 14/11 đã phần nào làm dịu bớt nỗi lo của ASEAN. Tuy nhiên, theo quan sát từ tình hình sau bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ, các chính khách nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề Đài Loan, và chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn có khả năng sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc thời gian tới. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng kiên quyết sẽ không nhượng bộ tại khu vực Đông Nam Á và vấn đề Đài Loan. Như vậy, ASEAN vẫn đứng trước thử thách không hề nhỏ để đương đầu với những rủi ro an ninh và kinh tế do tác động của cạnh tranh nước lớn.
Nhìn chung, quan hệ giữa ASEAN với Mỹ và Trung Quốc mặc dù đã được nâng tầm và có những tiến triển mới, song đều tồn tại những mâu thuẫn riêng khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều. Nếu một trong hai bên nhất định phải giành phần thắng về mình, mong muốn trung lập và cân bằng giữa các nước lớn của ASEAN sẽ gặp phải khó khăn. Nhằm bảo vệ vị thế trung tâm, tự chủ và lợi ích kinh tế của mình, không khó nhận định ASEAN sẽ tiếp tục thận trọng từng bước đi trong cục diện này và cố gắng hết sức để không rơi vào tình cảnh trở thành trận địa của cạnh tranh Mỹ – Trung.
Hàm ý chính sách đối với Việt Nam trong giai đoạn tới
Từ những thực tiễn mới nhất kể trên, giai đoạn tới, để hiện thực hóa tối đa lợi ích quốc gia, giữ vững và phát huy vị thế của mình trong các khuôn khổ quan hệ quốc tế và cấu trúc khu vực, chính sách đối ngoại của Việt Nam nên tập trung chú trọng một số điểm sau:
Thứ nhất, về quan hệ với Trung Quốc, cần tăng cường nhìn nhận và nắm bắt những nhận thức chung, tiếng nói chung giữa hai nước, gia tăng sự tương đồng, tương thông trên các phương diện để hiểu và tôn trọng sự khác biệt của đối phương. Đáng chú ý, cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa nhằm cải thiện lòng tin của người dân về mối quan hệ láng giềng hữu nghị lâu đời Việt Nam – Trung Quốc, cũng như hình ảnh hai nước trong mắt người dân đối phương. Có như vậy, quan hệ Việt – Trung mới được đặt trên nền móng vững chắc về lòng dân và gặt hái được những thành quả thiết thực hơn nữa.
Thứ hai, về ứng xử đối với cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, trên cơ sở kiên trì lập trường, nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông và giữ vững ổn định chính trị trước sự chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền”, cần tiếp tục thận trọng trong chính sách, nhận thức rõ lợi – hại trong từng vấn đề, từng thời điểm cụ thể với từng bên để phát huy vị thế chiến lược quan trọng của mình, tận dụng những cơ hội mà các bên mang lại nhằm thực hiện lợi ích quốc gia. Cần nhìn nhận sâu sắc bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến Nga – Ukraine và duy trì trạng thái cân bằng, trung lập, tự chủ, không nghiêng về bất cứ bên nào, tránh bị cuốn vào tình thế phức tạp giữa vòng xoáy cạnh tranh nước lớn.
Thứ ba, về vai trò tại ASEAN, cần tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc củng cố vị trí trung tâm và tự chủ của ASEAN trong cạnh tranh Mỹ – Trung và cấu trúc khu vực: vừa nêu cao và khẳng định tầm ảnh hưởng của ASEAN đối với các vấn đề khu vực, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm và tiếng nói có sức nặng của Việt Nam trong nội bộ ASEAN. Đặc biệt, cần vận dụng những kết quả vừa đạt được trong quan hệ với Trung Quốc để dẫn dắt, thúc đẩy quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đơn cử như trong giai đoạn tiếp theo của tiến trình đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
———————
Tài liệu tham khảo:
1. “Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc”, Thông tấn xã Việt Nam, 01-11-2022, https://baotintuc.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20221101181006404.htm
2. Thanh Nam: “Cơ hội không thể tốt hơn để triển khai kết nối giao thông đường sắt Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc)”, Báo Lào Cai, 04-11-2022, https://baolaocai.vn/bai-viet/361870-co-hoi-khong-the-tot-hon-de-trien-khai-ket-noi-giao-thong-duong-sat-lao-cai-viet-nam–ha-khau-van-nam-trung-quoc
3. 吾楼(Wu Lou):“东盟和美国合作升级给中美关系带来的挑战”,中美聚焦微信公众号,21-11-2022,https://mp.weixin.qq.com/s/mTcy-GpJ8EsJd3f3gffw0A
4. 陈相秒(Chen Xiangmiao):“中越关系如何更上一层楼?这两条对话主线很关键”,《观察者》网,22-11-2022,
https://www.guancha.cn/chenxiangmiao/2022_11_22_667932_s.shtml
5. 钟飞腾(Zhong Feiteng):“中越铁路即将并轨,为什么说意义重大”,《新京报》,30-11-2022,
http://www.bjnews.com.cn/detail/1669796863168453.html
6. 丁雅栀 (Ding Yawei)、杨晔(Yang Ye)、肖岩(Xiao Yan)、白云怡(Bai Yunyi):“东盟为何受到越来越多国家青睐?”,《环球时报》,22-12-2022,https://world.huanqiu.com/article/4Ay9lR0BzQC
7.“张维为《这就是中国》第170期:中越关系的新发展”,《观察者》网,25-12-2022,
https://www.guancha.cn/ZhangWeiWei/2022_12_25_672728_s.shtml
Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC
Tags: Đông Nam Á, Quan hệ Việt - Trung, Quan hệ Mỹ - Trung, Nghiên cứu quốc tế