Phương Tây và tội ác lịch sử của chế độ nô lệ: Món nợ chưa trả hết

“Món nợ” hàng trăm năm qua mà nhiều thế hệ người châu Phi bị đưa sang châu Mỹ trên những chuyến tàu buôn nô lệ thế kỷ 18 và 19 đang được hậu duệ của những nô lệ năm xưa đòi các cựu thực dân châu Âu phải “thanh toán” một cách sòng phẳng, nhưng xem ra việc này còn cần phải có sự can thiệp của Tòa án công lý của Liên hợp quốc.

Phương Tây và tội ác lịch sử của chế độ nô lệ: Món nợ chưa trả hết

Dòng chảy nô lệ châu Phi

“Món nợ” nô lệ thời kỳ thực dân châu Âu đi chiếm đóng những vùng đất mới trên khắp thế giới, đặc biệt là các thuộc địa ở châu Phi và châu Mỹ đang được các hậu duệ của cả hai bên đặt lại trong nhiều tình huống khác nhau. Các cựu thực dân đi chiếm đóng các vùng đất mới mang danh nghĩa “khai phá”, hay “thám hiểm” các vùng đất hoang sơ năm xưa và họ tự hào xưng danh là “nhà thám hiểm”, nhà khai phá vùng đất và lấy tên mình đặt cho các vùng đất ấy, dù người bản xứ đã có cách đặt tên riêng của họ rồi.

Khi người châu Âu mang những thứ vật chất văn minh của cựu lục địa đến các vùng đất ở châu Mỹ mà họ gọi tên là “tân thế giới”, họ tự hào chiếm đóng và rao giảng rằng chính mình đã khai sáng nền văn minh mới cho vùng đất mới đó. Đó là cách châu Mỹ bị người châu Âu “khai phá” và chiếm đóng suốt hàng trăm năm qua.

Trong công cuộc khai phá vùng đất mới thời đó, người châu Âu cần công nhân lao động trên các đồn điền và nhà máy của họ. Vì thế, cuộc mua bán nô lệ bắt đầu. Những đế quốc, thực dân xâm chiếm thuộc địa ở châu Phi đã nhìn thấy nguồn cung cấp sức lao động dồi dào từ những vùng đất nghèo khó ở lục địa đen. Những con người tại các quốc gia bị đô hộ phải làm nô dịch cho bọn thực dân da trắng thời đó đã trở thành món hàng mua bán công khai tại các phiên đấu giá nô lệ do bọn thực dân tổ chức. Nô lệ sau khi được các ông chủ nô giao cho các lái buôn nô lệ để đưa xuống tàu vượt Đại Tây Dương sang châu Âu, nhưng đa phần là sang “tân thế giới”.

Những người châu Phi đầu tiên bị buộc phải làm việc ở “tân thế giới” đã rời khỏi châu Âu vào đầu thế kỷ 16, không phải từ châu Phi. Chuyến tàu đầu tiên chở những người nô lệ trực tiếp từ châu Phi đến châu Mỹ có lẽ khởi hành vào năm 1526.

Nói một cách tổng quát, trong thời kỳ buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương, từ khoảng năm 1526 đến năm 1867, khoảng 12,5 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị bắt đã được đưa lên tàu ở châu Phi và 10,7 triệu người đã đến châu Mỹ.

Số người bị mang đi khỏi châu Phi lên tới 30.000 người mỗi năm vào những năm 1690 và 85.000 người mỗi năm một thế kỷ sau đó. Hơn tám trong số mười người châu Phi bị bán làm nô lệ đã vượt Đại Tây Dương trong khoảng thời gian từ 1700 đến 1850. Thập kỷ 1821 đến 1830 chứng kiến hơn 80.000 người mỗi năm rời châu Phi trên các con tàu chở nô lệ. Hơn một triệu người nữa – tức 1/10 số người bị mang đi trong thời kỳ buôn bán nô lệ – theo sau trong vòng 20 năm tiếp theo.

Đến năm 1820, cứ một người châu Âu thì có gần bốn người châu Phi đã vượt Đại Tây Dương; cứ năm phụ nữ vượt Đại Tây Dương thì có khoảng bốn người đến từ châu Phi.

Phần lớn nô lệ châu Phi được đưa tới Bắc Mỹ thuộc Anh vào khoảng thời gian từ 1720 đến 1780. Những người châu Phi được đưa đến Brazil phần lớn đến từ Angola. Người châu Phi được đưa đến Bắc Mỹ, bao gồm cả vùng Caribbean, chủ yếu từ Tây Phi. Hơn 90% nô lệ châu Phi đã được đưa đến vùng Caribbean và Nam Mỹ. Chỉ có khoảng 6% nô lệ châu Phi được đưa thẳng đến Bắc Mỹ thuộc Anh. Tuy nhiên, đến năm 1825, dân số Mỹ bao gồm khoảng một phần tư số người gốc Phi ở Tây bán cầu.

Những lời xin lỗi muộn

Ngày 25/8, hậu duệ của Thủ tướng Anh trong thế kỷ 19 William Gladstone đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với hậu duệ của những người từng bị bắt làm nô lệ làm nô dịch trong đồn điền đường và cà phê Scotland thế kỷ 19, ông John Gladstone, cha của Thủ tướng Gladstone – người từng 4 nhiệm kỳ làm Thủ tướng và 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Tài chính Anh trong thế kỷ 19. Ông John Gladstone vốn là một trong những chủ sở hữu nô lệ lớn nhất ở vùng Caribbean do Anh đô hộ. Ông cũng được cho là sở hữu hai con tàu chở hàng nghìn người châu Á từ Ấn Độ và những nơi khác đến làm thuê sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ vào năm 1834.

Charles Gladstone, cháu chắt của Thủ tướng Gladstone, cho biết tại buổi ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Di cư và Người di cư Quốc tế (ICMDS) của Đại học Guyana nói: “Chế độ nô lệ là một tội ác chống lại loài người và tác động tai hại của nó vẫn tiếp tục được cảm nhận trên toàn thế giới ngày nay. Thật xấu hổ và hối tiếc sâu sắc khi chúng tôi thừa nhận tổ tiên của chúng tôi có liên quan đến tội ác này và với sự chân thành, chúng tôi xin lỗi con cháu của những người bị bắt làm nô lệ ở Guyana. Chúng tôi cũng kêu gọi những hậu duệ khác của những người được hưởng lợi từ chế độ nô lệ hãy công khai nói về tội ác của tổ tiên họ và những gì họ có thể làm để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo sau con cháu nhà Gladstone, cựu nữ nghị sĩ Anh Antoinette Sandbach cũng đã lên tiếng xin lỗi hậu duệ những nạn nhân chế độ nô lệ ở châu Mỹ do sự dính líu của tổ tiên bà với chế độ nô lệ. Bà Sandbach biết đến sự dính líu của tổ tiên bà với chế độ nô lệ sau khi một nghiên cứu của nghiên cứu sinh tiến sĩ Malik Al Nasir tại Đại học St Catharine được công bố trên chương trình tọa đàm trực tuyến TED Talk. Ông Al Nasir vừa là nhà thơ vừa là nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là hậu duệ của người châu Phi làm nô lệ trong các đồn điền ở Guiana thuộc Anh (nay là Guyana).

Trước đó, vào tháng 7/2023, Vua Hà Lan Willem-Alexander đã chính thức xin lỗi các hậu duệ nô lệ ở Suriname do sự tham gia của Hà Lan trong chế độ nô lệ vào thế kỷ 18, thế kỷ 19. Lời xin lỗi được Vua Willem-Alexander công bố tại buổi lễ kỷ niệm 160 năm ngày bãi bỏ chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở Suriname và các thuộc địa của Hà Lan ở Caribbean vào ngày 1/7/1863, nhưng nhiều lao động nô lệ bị buộc phải tiếp tục làm việc trên các đồn điền trong một thập kỷ nữa.

Vào tháng 12/2022, Thủ tướng Hà lan Mark Rutte thừa nhận rằng nhà nước Hà Lan phải chịu trách nhiệm trong hoạt động buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương và đã thu lợi từ việc đó, đồng thời cũng đã xin lỗi. Tuy nhiên, ông Rutte cho biết chính phủ Hà Lan sẽ không trả tiền bồi thường, trái với khuyến nghị của một hội đồng cố vấn vào năm 2021.

Năm ngoái, Vua Willem-Alexander đã thực hiện một nghiên cứu về vai trò của hoàng gia Nhà Orange-Nassau trong chế độ nô lệ ở Hà Lan, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 16 đến ngày nay. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025.

Tuy nhiên, những lời xin lỗi muộn đó không làm thỏa mãn cơn phẫn nộ của hậu duệ của những nô lệ năm xưa. Ngay tại buổi lễ ra mắt ICMDS, lời xin lỗi của gia đình con cháu nhà Gladstone đã vấp phải sự phản đối của hàng trăm người là hậu duệ của những nô lệ năm xưa. Họ không chấp nhận lời xin lỗi suông và giương cao biểu ngữ ghi dòng chữ: “Tội lỗi của các ông là có thật, Charlie. Hãy nhanh chóng tiến hành bồi thường ngay bây giờ”.

“Món nợ” phải thanh toán

Vào ngày 24/8/2023, ngay trước khi con cháu nhà Gladstone đưa ra lời xin lỗi, Tổng thống Guyana Irfaan Ali đã kêu gọi con cháu của những người buôn bán nô lệ ở châu Âu đưa ra đề nghị bồi thường cho những sai lầm lịch sử. Bên cạnh đó, ông Ali cũng yêu cầu những người liên quan đến buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và nô lệ châu Phi phải bị truy tố về tội ác chống lại loài người. Ông cho rằng việc bồi thường là “một cam kết sửa chữa những sai lầm lịch sử”. Ông nói thêm: “Việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và chế độ nô lệ ở châu Phi là một sự sỉ nhục đối với chính nhân loại. Sự tàn ác của tội ác chống lại loài người này đòi hỏi chúng ta phải tìm cách sửa chữa những điều sai trái”.

15 quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia vùng Caribbean (CARICOM), bao gồm Guyana, đã thuê một công ty luật của Anh để xem xét trường hợp của họ để đòi bồi thường tài chính từ Anh và các quốc gia châu Âu khác. Đồng thời, các quốc gia CARICOM cũng đang xem xét tiếp cận Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc để tham vấn pháp lý về việc yêu cầu 10 quốc gia châu Âu bồi thường về chế độ nô lệ, khi cuộc đấu tranh đòi công lý được đẩy mạnh.

Bên cạnh “lời xin lỗi chính thức”, quyền hồi hương cho con cháu của những người bị bắt làm nô lệ và xóa nợ để dọn dẹp “mớ hỗn độn thuộc địa cũ”, CARICOM còn đang tìm kiếm một chương trình phát triển cho cộng đồng bản địa của các quốc gia thành viên và tài trợ cho các tổ chức văn hóa, chẳng hạn như bảo tàng nô lệ. Eric Phillips, thành viên của ủy ban bồi thường CARICOM, cho biết nghiên cứu cho thấy “món nợ” của nước Anh đối với con cháu của những người châu Phi ở Guyana quy ra tiền tương đương hơn 1,2 nghìn tỷ USD.

Ông Ralph Gonsalves, lãnh đạo hiện tại của Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC), cho biết ông cũng đang mong đợi một lời xin lỗi từ chính phủ Anh và bày tỏ sự thất vọng trước việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak không tham gia vào vấn đề này. Ông Gonsalves, từng giữ chức Thủ tướng St Vincent và Grenadines trong 22 năm.

Ông cho biết công lý đền bù không chỉ là một tính toán thô thiển về việc bồi thường bằng tiền cho con cháu của những người bị bắt làm nô lệ mà còn là sự thừa nhận rộng rãi hơn về những tác động liên tục của chế độ nô lệ và thuộc địa đối với sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế và di sản văn hóa. Tuy nhiên, ông đã không thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo CELAC ở Brussels để đưa một đoạn vào thông cáo chính thức công nhận nạn diệt chủng bản địa, việc loại bỏ người bản địa thông qua quá trình thuộc địa hóa. Bởi vì, không phải tất cả các nước châu Âu đều tham gia vào quá trình thuộc địa hóa.

Riêng CARICOM đã phát triển một kế hoạch 10 điểm cho công lý đền bù, bao gồm từ yêu cầu các quốc gia chiếm hữu nô lệ xin lỗi chính thức đầy đủ cho đến việc công nhận nạn diệt chủng bản địa và xóa nợ. Họ cũng muốn được công nhận rằng dân số gốc Phi “có tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao nhất thế giới”, bao gồm tăng huyết áp và tiểu đường loại 2, điều mà họ tin là “có một phần liên quan đến chế độ nô lệ”.

Thẩm phán Patrick Robinson của ICJ, từng chủ tọa phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Miloevi, cho biết làn sóng quốc tế về việc bồi thường cho chế độ nô lệ đang nhanh chóng thay đổi và kêu gọi Vương quốc Anh thay đổi quan điểm hiện tại về vấn đề này. Thẩm phán Robinson cho rằng Vương quốc Anh “không thể tiếp tục phớt lờ sự tàn bạo, sự vô nhân đạo của con người đối với con người”, và cần phải tính đến việc bồi thường.

Phát ngôn của Thẩm phán Robinson được đưa ra nhân dịp “Ngày tưởng nhớ nạn buôn bán nô lệ và bãi bỏ chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương” của UNESCO. Sự kiện này tiếp nối vai trò quan trọng của Robinson trong việc biên soạn Báo cáo của Nhóm Brattle về các khoản bồi thường cho chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương Chattel, được xuất bản vào tháng 6 vừa qua. Báo cáo xác định các khoản bồi thường phải trả đối với 31 quốc gia nơi thực hiện chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Nghiên cứu ước tính rằng hàng nghìn tỷ USD phải bồi thường cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Báo cáo kết luận rằng chỉ riêng Vương quốc Anh phải trả số tiền 24 nghìn tỷ USD để bồi thường cho chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương ở 14 quốc gia. Trong số tiền đó, khoảng 9,6 nghìn tỷ USD là dành cho Jamaica.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,