Số phận lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin tại ‘thế giới thứ ba’

Tại sao định hướng phát triển XHCN ở các nước Á – Phi phần lớn đều thất bại, dù tư tưởng XHCN đóng vai trò to lớn trong việc giải phóng các nước này khỏi chủ nghĩa thực dân? 

Số phận lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin tại ‘thế giới thứ ba’

Tham luận của GS.TS Sử học N. D. Kosukhin (Viện Châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Nga) đọc tại một diễn đàn do Tổ Bộ môn Khoa học chính trị của Đại học Tình hữu nghị giữa các dân tộc của nước Nga (RUDN) tổ chức. 

Tôi đồng ý với ý kiến của phần đông những người đã phát biểu, rằng bài viết của Zotov V.D. đã đặt ra một cách đúng đắn một loạt vấn đề về học thuyết Marxist. Lý luận đó là đúng đối với thời đại của nó, đã kích thích được phong trào công nhân, điều đó được phản ánh qua sự phát triển của các quan hệ TBCN trong lĩnh vực xã hội. Đáng chú ý ở đây là nhận xét của Gajdar E. người đã từng viết rằng “lý luận của Marx đối với phương Tây không phải là chất xianua kali, mà là chứng tụ huyết cảnh báo một căn bệnh thực sự chết người”.

Trong những năm gần đây, ở nước Nga, từ chỗ tung hô thái quá một cách chính thống các tác phẩm của Marx, người ta đã chuyển sang những đánh giá trái ngược lại hẳn, đó là do nguyên nhân tình hình chính trị – tư tưởng nói chung. Vì vậy, điều quan trọng là phải có sự đánh giá khách quan, có cân nhắc về chủ nghĩa Marx với tính cách là một trào lưu tư tưởng xã hội và là một phong trào chính trị cấp tiến.

Tư tưởng XHCN đã đóng vai trò to lớn trong việc giải phóng thế giới Á – Phi khỏi chủ nghĩa thực dân. Với tất cả tính chất bi thảm trong lịch sử của mình, chính Liên Xô là nước đầu tiên đã giúp đỡ các nước thuộc địa, điều đã cho phép họ giành được độc lập dân tộc. Một Liên Xô hùng mạnh về các mặt kinh tế và quân sự đã chứng minh cho sức sống và tính hiệu quả của tư tưởng XHCN.

Đối với giới thủ lĩnh các nước đã được giải phóng, CNXH thường được xem như là phương pháp thủ tiêu những hậu quả của chủ nghĩa thực dân và là con đường hồi sinh dân tộc. Phương án XHCN đối với nhiều nhà lãnh đạo các nước Á và Phi là con đường duy nhất để đưa nhân dân họ thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Tính chất phổ biến của tư tưởng XHCN đã được xác nhận bởi những thành quả của Liên Xô, Trung Quốc, bằng sự ủng hộ của các nước này đối với phong trào giải phóng dân tộc và bằng hoạt động quốc tế theo phương hướng này.

Tính chất hấp dẫn của tư tưởng CNXH tại các nước châu Á và châu Phi đã dẫn đến sự xuất hiện của các nước được gọi là theo định hướng XHCN (Benin, Algeria, Ai Cập, Congo, Gana, Mali, Mozambia, Ethiopy, Madagasca, Tanzania, Nam Yemen và…).

Tại các nước này, CNXH đã trở thành biểu tượng của: 1) khối đoàn kết và thống nhất dân tộc; 2) hệ tư tưởng phát triển; 3) khả năng hợp pháp hóa chính quyền mới bằng các phương tiện hệ tư tưởng; 4) thể hiện các tư tưởng xây dựng Đảng và Nhà nước.

Những ý đồ muốn tiến tới lý tưởng XHCN tại các nước theo định hướng XHCN phần lớn đều thất bại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bản thân tư tưởng XHCN đã là không tưởng và khó có thể thực hiện được trong thế giới ngày nay. Số khác cho rằng ở các nước đang phát triển chưa có cơ sở kinh tế – xã hội tương ứng để thực hiện tư tưởng này.

Nhà kinh tế học người Nigieria Klod Ake đã viết: “Trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất ở châu Phi thấp kém đến mức đang có nguy cơ biến CNXH thành một bức biếm họa, bất chấp ngay cả những dự định chân thành nhất. Chẳng hạn, trình độ chưa phát triển của lực lượng sản xuất góp phần tăng cường tính chất tổng tài của chế độ chính trị và có thể dẫn CNXH đến chỗ giải quyết những vấn đề quản lý và “phân phối lại” tình trạng nghèo đói”.

Một trong những nguyên nhân khiến những ý đồ xây dựng CNXH không thành là do thủ lĩnh các nước Á và Phi cứ cố sao chép kinh nghiệm xây dựng CNXH mà không xét đến tâm thức của các dân tộc, đến di sản văn hóa, đời sống tôn giáo – tinh thần.

Những nét đặc trưng hoạt động của các chế độ cách mạng dân chủ là chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí, các phương pháp cầm quyền theo kiểu tổng tài. Tại nhiều nước, người ta đã bỏ qua không xét đến những điều kiện của địa phương và những khả năng thực hiện quốc hữu hóa, chỉ tập trung vào việc xây dựng hai khu vực kinh tế quốc doanh và hợp tác xã. Các khẩu hiệu và nhiệm vụ đề ra không có nội dung cụ thể dành cho người lao động.  Trong khi đó thì lại thấy hình thành nên một thứ tư sản về chính quyền – đảng sử dụng tiền của của nhà nước vào những mục đích làm giàu cá nhân. Tham nhũng, hối lộ tràn lan. Do tình hình ấy, tại các nước theo định hướng XHCN thể hiện rõ xu thế công cuộc cải biến về kinh tế – xã hội chậm dần lại rồi chuyển sang hướng khác, đi đến xa rời các khẩu hiện đã đề ra.

Như vậy, thực chất của vấn đề không nằm trong bản thân quan niệm định hướng XHCN, mà ở chỗ xuyên tạc nó và trong những điều kiện thực hiện nó.

Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này xét về nhiều mặt, có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là trong thời kỳ hậu thuộc địa, trong giới chính khách và giới khoa học đã thống trị quan niệm coi tiến bộ như là sự tăng trưởng chính trị thường xuyên và lấy đó làm cơ sở để đề ra những quan niệm phát triển tương ứng. Yếu tố thứ hai là bầu không khí chính trị trên hành tinh được quy định bởi sự đối đầu giữa hai hệ thống CNTB và CNXH; đó là yếu tố đã quy định nhiều mặt định hướng của các nước Á – Phi. Mô hình phát triển theo hướng XHCN đã tỏ ra rất hấp dẫn đối với giới chính khách thiên về các phương pháp điều hành theo kiểu tổng tài, đồng thời cũng tưởng rằng đi theo con đường đó thì có thể giải quyết được mọi vấn đề kinh tế và xã hội đang đặt ra cho các nước vừa thoát khỏi ách thực dân.

Rốt cuộc, giới thủ lĩnh chính trị của các nước Á – Phi đi đến chỗ tin rằng các mô hình phát triển vay mượn đã phá sản và không đảm bảo được sự tiến bộ về kinh tế – xã hội.

Mốt đi theo CNXH trong thế giới Á – Phi ngày nay đã hết thời rồi, nhưng điều đó không có nghĩa là ý tưởng của CNXH cùng với thời gian không lôi cuốn được ai nữa. Ở cấp độ ý thức đại chúng, CNXH bao giờ cũng được đồng nhất với công bằng và tiến bộ xã hội. Cái uy tín chưa từng có được xác nhận là thuộc về CNXH chứ không phải là thuộc về CNTB.

Theo TRIETHOC.EDU.VN

Tags: , , , ,