⠀
Nước Nga thay đổi thế nào sau gần 25 năm ông Putin nắm quyền?
Sau gần 25 năm lãnh đạo, ông Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn, thay đổi về mọi mặt, nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.
Ngày 31/12/1999, ông Boris Yeltsin gây bất ngờ khi tuyên bố từ chức tổng thống Nga trong bài phát biểu trên truyền hình. “Tôi xin từ chức. Tôi đã làm mọi việc có thể”, Yeltsin nói với giọng ngắt quãng. “Một thế hệ mới đang đến. Họ có thể làm nhiều hơn, tốt hơn”.
Đêm cùng ngày, ông Vladimir Putin, “thế hệ mới” mà Yeltsin nhắc đến, xuất hiện trước công chúng, đưa ra thông điệp năm mới đầu tiên trước khi bắt đầu lãnh đạo đất nước. Ông Putin khi đó mới được Yeltsin đề bạt từ giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga lên làm thủ tướng hồi tháng 8/1999 và chưa có nhiều tiếng tăm trên chính trường.
“Giấc mơ thường trở thành hiện thực vào đêm giao thừa, đặc biệt là giao thừa năm nay”, ông Putin phát biểu với tư cách là quyền Tổng thống Nga. “Tôi tin những giấc mơ tốt đẹp của chúng ta chắc chắn sẽ thành hiện thực”.
Ông Putin được Yeltsin giao trọng trách trong bối cảnh nước Nga trải qua nhiều xáo trộn sau khi Liên Xô tan rã, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996). Sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố diễn ra trên toàn quốc, ông Putin quyết định mở chiến dịch tấn công phiến quân Chechnya, mở màn chiến tranh Chechnya lần thứ hai.
Tháng 2/2000, quân đội Nga tiến vào thủ đô Grozny của Cộng hòa Chechnya. Gần một tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, Putin trèo vào buồng lái tiêm kích Su-27, cùng phi công bay qua vùng chiến sự thẳng tới Grozny. Hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn trên chiến trường khiến danh tiếng của Putin gia tăng, giúp ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 26/3/2000.
“Vẫn còn quá sớm để xóa bỏ tư cách cường quốc của Nga. Tôi sẽ đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới”, ông Putin phát biểu trước khi bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên.
Sau gần 25 năm ông Putin lãnh đạo dưới vai trò Tổng thống hoặc Thủ tướng, nước Nga đã chứng kiến nhiều thay đổi trên các lĩnh vực, từ vị thế trên trường quốc tế đến kinh tế và đời sống người dân.
Về kinh tế, Nga trước khi ông Putin nắm quyền ghi nhận tăng trưởng GDP âm suốt gần thập kỷ, chính phủ luôn trong tình trạng khủng hoảng ngân sách và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP toàn cầu.
Năm 2000, ông Putin triển khai Kế hoạch Gref, chương trình phát triển kinh tế xã hội cho Liên bang Nga giai đoạn 2000-2010 đặt tên theo bộ trưởng kinh tế Herman Gref. Nga hưởng lợi khi giá dầu phục hồi sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Nguồn thu ngoại tệ dồi dào giúp tái thiết Nga dễ dàng hơn và ông Putin không phung phí nguồn lực này.
Trong thời kỳ ông Putin nắm quyền, tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. Trong 10 năm kể từ 1999 đến 2008, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã chặn đà tăng trưởng của Nga.
Nga ghi nhận tăng trưởng âm năm 2009, dần phục hồi rồi bắt đầu tăng trưởng ì ạch từ năm 2013. Dù Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga phát triển trở lại, việc chính phủ của ông không có bất kỳ cải cách nào lớn khiến tình trạng trì trệ kéo dài suốt nhiều năm sau.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi căng thẳng với phương Tây ngày càng leo thang, từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Krym ở Ukraina vào lãnh thổ năm 2014.
Diễn biến kinh tế Nga qua các năm. Đồ họa: Macro Trends
Trước tình cảnh bị cô lập ở châu Âu, Nga buộc phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng tới Trung Đông. Tham vọng đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới được ông Putin thể hiện qua quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Trung Đông, khu vực Moskva đang dần đánh mất ảnh hưởng vào tay phương Tây.
Tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch ở Ukraina, động thái bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ và áp thêm lệnh trừng phạt, như thiết lập giá trần với dầu, loại Nga khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán giữa các ngân hàng trên thế giới.
Trong những tháng đầu chiến sự, làn sóng trừng phạt chưa từng có từ phương Tây đẩy kinh tế Nga vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, khi đồng ruble lao dốc, người dân ồ ạt rút tiền và loạt doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga. Nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng suy giảm do các biện pháp hạn chế từ phương Tây.
Nhưng Nga dần thích ứng với các lệnh trừng phạt, chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Nguồn tài nguyên khổng lồ cũng đang là bệ đỡ vững chắc cho kinh tế nước này. Ưu tiên chi tiêu ngân sách của Nga cũng thay đổi, với quốc phòng được chú trọng nhiều hơn các lĩnh vực khác.
Tháng 9/2023, ông Putin tuyên bố kinh tế Nga đã phục hồi về giai đoạn trước chiến sự, sau thời gian chống chịu áp lực chưa từng thấy từ phương Tây. Tổng cục Thống kê Liên bang Nga (RosStat) ước tính GDP năm 2023 tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt mức 3,6%.
“Năm 2000, chúng tôi đứng thứ 12. Giờ đây, chúng tôi đứng thứ 5 thế giới nếu tính theo ngang bằng sức mua, theo Ngân hàng Thế giới. Nếu các bạn nhìn vào 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2000 và bây giờ, rõ ràng Nga đã tăng hạng thực sự trong hơn 20 năm qua, vượt một số nước châu Âu”, Maxim Oreshkin, trợ lý của Tổng thống Putin, nói hồi tháng 11/2023.
Thu nhập thực tế của người dân Nga tăng trong những năm đầu ông Putin nắm quyền, nhưng dần chững lại khi “kỷ nguyên trừng phạt” bắt đầu. Lạm phát và lãi suất biến động mạnh. Năm 2023, Nga ghi nhận lạm phát 7,3%, buộc Ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất mạnh tay lên 16% để ứng phó.
Cuộc sống của người dân Nga chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong hơn hai thập kỷ qua. Số liệu từ RosStat cho thấy tính đến cuối năm 2023, khoảng 13,5 triệu người dân Nga sống dưới chuẩn nghèo, tương đương 9,3% dân số, giảm so với mức 9,8% năm 2022. Tổng thống Putin hồi tháng 2 đặt mục tiêu đưa tỷ lệ người nghèo xuống dưới 7% vào năm 2030.
Quan điểm của người dân Nga về an ninh thay đổi đáng kể. Kết quả thăm dò của Gallup thực hiện lần đầu năm 2006 cho thấy chỉ 27% người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại nơi họ sống, ngang ngửa với quốc gia đứng chót bảng khi đó là Chad (24%). Năm 2023, tỷ lệ này là 71%.
“Tất nhiên là có những khó khăn, nhưng chúng liên quan đến tình hình chung trên thế giới”, Andrei Fedotov, 55 tuổi, người dân thủ đô Moskva, nói với AP. “Chúng tôi biết rất rõ điều này, nhưng tôi tin rằng Nga sẽ vượt qua tất cả”.
Tỷ lệ người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại khu vực họ sống tăng đáng kể (đường nét liền màu xanh), trong khi tỷ lệ cảm thấy không an toàn giảm (đường nét đứt màu vàng). Đồ họa: Gallup
Ông Putin, 71 tuổi, đã đảm nhiệm 4 nhiệm kỳ tổng thống, gồm hai nhiệm kỳ 4 năm giai đoạn 2000-2008, hai nhiệm kỳ 6 năm giai đoạn 2012-2024 và một nhiệm kỳ thủ tướng 2008-2012. Ông đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 với tư cách ứng viên độc lập.
Cuộc khảo sát mới nhất do trung tâm Levada ở Moskva thực hiện hồi tháng 2 cho thấy 86% người dân Nga ủng hộ Tổng thống Putin trước thềm bầu cử.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Putin, ông ấy đã khiến Nga trở thành một đất nước tốt đẹp hơn nhiều”, Dmitry, nhân viên bất động sản 41 tuổi đến từ Cộng hòa Komi ở vùng cực bắc nước Nga, nói khi đang thăm Moskva cùng vợ.
Với sự ủng hộ này, ông Putin được dự đoán sẽ dễ dàng tái đắc cử. Sau khi Nga sửa đổi quy định về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống trong hiến pháp năm 2020, ông giờ đây về lý thuyết có thể tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ, đến năm 2036.
Hai năm sau khi bắt đầu chiến sự ở Ukraina, ông Putin đang tự tin hơn bao giờ hết, khi lực lượng Nga đang giành lại thế chủ động trên chiến trường và kinh tế nước này trụ vững trước áp lực của phương Tây.
Tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ ông Putin qua các năm, theo kết quả khảo sát do trung tâm Levada ở Moskva thực hiện. Đồ họa: CNN
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Putin cũng sẽ phải đối mặt loạt thách thức trong thời gian cầm quyền tiếp theo nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Chiến sự Ukraina có nguy cơ kéo dài, khi hai bên đều không tạo được đột phá trên chiến trường và xung đột đang chuyển thành cuộc chiến tiêu hao. Nga dường như kỳ vọng quyết tâm của phương Tây trong viện trợ Ukraina sẽ dần phai nhạt, đặc biệt là nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm nay.
Đây được đánh giá là một canh bạc đầy rủi ro. Nếu phương Tây vẫn duy trì hỗ trợ ngày càng lớn cho Kiev và Trump không tái đắc cử, Nga sẽ đối mặt với sức mạnh tập thể khổng lồ từ Mỹ và châu Âu, cũng như một Ukraina ngày càng quyết tâm hơn.
Cuộc chiến ở Ukraina cũng khiến quan hệ Nga – phương Tây lao dốc, buộc Moskva phải tìm kiếm các mối quan hệ khác và trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác ở phía đông. Nga đang xích lại gần hơn với Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm thiết lập “thế giới đa cực”, nhưng hai quốc gia này cũng được hưởng lợi rất lớn từ nguồn dầu mỏ giá rẻ của Nga.
Trong vấn đề năng lượng, Nga đã mất thị trường châu Âu tiềm năng do xung đột Ukraina. Moskva đang tìm cách khắc phục bằng cách triển khai ba dự án lớn, gồm xây “cửa ngõ khí đốt” ở Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống khí đốt Power of Siberia 2 kết nối với Trung Quốc qua Mông Cổ và mở rộng tuyến hàng hải huyết mạch Đường biển phương Bắc (NSR).
Đây là những dự án quan trọng có thể quyết định khả năng chống chịu của Nga trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây và xoay trục thương mại hướng đông. Nhưng hiện chưa có gì đảm bảo những dự án này sẽ sớm hoàn thành.
Về kinh tế, tăng trưởng của Nga đang được thúc đẩy chủ yếu bởi chi tiêu quốc phòng. Chi cho quốc phòng và an ninh dự kiến chiếm tới 40% trong ngân sách năm 2024, phần nào ảnh hưởng các lĩnh vực đời sống khác, đặc biệt là lạm phát. Trong thời gian lãnh đạo Nga, Tổng thống Putin đã cải thiện đáng kể mức sống của người dân và giờ đây, ông cần ngăn nó suy giảm.
Sau khi tái cử, ông Putin sẽ 77 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 5. Ông vẫn ít tuổi hơn Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông chủ Nhà Trắng tuyên thệ nhậm chức năm 2021 ở tuổi 78 và vẫn còn nhiều thời gian để thực hiện các chương trình nghị sự của mình.
Theo VNEXPRESS / THE MOSCOW TIMES / REUTERS
Tags: Nga, Vladimir Putin