Những ẩn số lịch sử của ‘pháo đài bay’ B-52 trong chiến dịch hủy diệt Hà Nội

Lịch sử luôn đẻ ra hàng đống bí ẩn gây tranh cãi lẫn với những thông điệp giá trị (đôi khi “rõ như ban ngày”). Khi bỏ công sức “đãi cát tìm vàng” cũng cần tỉnh táo, “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”.

Những ẩn số lịch sử của ‘pháo đài bay’ B-52 trong chiến dịch hủy diệt Hà Nội

Người Mỹ rất sợ hình ảnh “thần tượng không lực” của họ bị hạ bệ

Bay vào Hà Nội gây tội ác, B-52 có 3 đường bay chính nhưng chỉ có một hướng ra, đó là chạy ra biển, để nếu có bị bắn bị thương không lết về tới căn cứ thì rơi ngoài biển, tàu của Hạm đội 7 sẽ ra cứu. Và quan trọng là phía Việt Nam không có cái xác nào để trưng ra cho chiến công của họ.

Số B-52 bị bắn rơi mà người Mỹ thừa nhận gần như trùng khớp số lượng Việt Nam thu được xác

Sau chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, Việt Nam tuyên bố bắn rơi 34 B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ (tìm được xác). Phía Mỹ công bố, họ mất 15 B-52 trong chiến dịch này.

Việc thu gom xác B-52 không hề dễ dàng

Một chiếc máy bay rơi, xác tan thành nhiều mảnh trước khi rớt hết xuống mặt đất. Ví dụ, chiếc B-52 bị phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi trên bầu trời Sơn La rơi xuống 2 quả đồi “gần nhau”, nhưng cách nhau nửa ngày đường đi bộ.

Có nhiều cách để dựa vào đó mà tuyên bố B-52 bị bắn hạ

Xác B-52 là vật chứng rõ ràng nhất về việc bắn hạ B-52. Tuy nhiên, cần nhớ có thể xác định dựa vào tín hiệu máy bay B-52 trong màn hình radar. Trước hết, mục tiêu sẽ hạ độ cao sau đó biến mất khỏi màn hình. B-52 là kho bom khổng lồ và cũng là máy gây nhiễu khổng lồ, khi nó bị bắn hạ, máy gây nhiễu ngừng hoạt động và điều này có thể quan sát rõ hơn trên màn hình hiện sóng.

Cũng cần nhớ, cánh sóng radar (của đài điều khiển tên lửa) theo dõi B-52 có góc nhỏ, giống như ta sử dụng ống kính telé có tiêu cự lớn quan sát mục tiêu vậy, do đó radar của Fansong quan sát rõ B-52 khi hết gây nhiễu. Thậm chí, radar này có thể theo dõi được sự xuất hiện của tên lửa Shrike phóng vào đài điều khiển tên lửa, được mô tả là “bé bằng que tăm trên màn hiện sóng”.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, khả năng sát thương của MiG-21 đối với B-52 tăng gấp đôi so với trước đó

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, phi công Vũ Đình Rạng bằng một quả tên lửa đã bắn bị thương một chiếc B-52. Lý do B-52 chỉ bị thương:

– Khi đánh B-52, MiG-21 mang 2 tên lửa nhưng theo lệnh của cấp trên, phi công chỉ bắn một quả, quả còn lại để phòng thân khi trở về sân bay.

– Tên lửa đánh B-52 là loại tầm nhiệt, đầu tự dẫn hồng ngoại của nó sẽ lao vào nguồn nhiệt phát ra từ máy bay (động cơ). Trong khi đó, B-52 có 4 cặp động cơ, 1 quả tên lửa chỉ có thể đánh trúng 1 cặp. Với 3 cặp động cơ còn lại, B-52 đủ sức lết về căn cứ hoặc bay ra ngoài biển để thủ tiêu sự thất bại của Không quân Mỹ.

Sau lần phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi hụt B-52, cấp trên quyết định, MiG-21 phải bắn B-52 bằng cả 2 quả đạn. (phóng 2 quả đạn nghĩa là bắn vào 2 cặp động cơ)

“Nghi án” phi công Phạm Tuân không bắn rơi được B-52

Tâm lý nghi ngờ phi công Phạm Tuân không bắn rơi được B-52 không chỉ có ở người Mỹ, “những người Việt Nam ở bển”, những bạn “xét lại lịch sử” mà còn có ở cả một số phi công chiến đấu của KQND Việt Nam.

Những ý kiến trái chiều từ phía phi công của ta về việc phi công Phạm Tuân không bắn rơi B-52:

– Khối chiến đấu của đạn tên lửa K-13 chỉ khoảng 11kg, cả 2 quả đạn là hơn 22kg, chỉ đủ để làm bị thương B-52

– Ý kiến khác: 2 quả đạn tuy có lượng nổ nhỏ nhưng bắn trúng chỗ hiểm thì sao? (2 cặp động cơ cùng 1 bên cánh?)

– Phạm Tuân nói rằng khi chiến đấu ông nhìn thấy F-4, B-52 và đèn tín hiệu của nó. Trên thực tế là khi bay vào không phận miền Bắc B-52 và đội hình của nó tắt đèn tín hiệu để đảm bảo bí mật.

– Phi công Phạm Ngọc Lan thì cho rằng, máy bay Mỹ có “đồng hồ đội hình” (một dạng kiểu giống thiết bị chỉ hướng của nam châm, cho phép các phi công bay theo đội hình) nên phi công Mỹ không cần bật đèn khi bay.

– Phi công chiến đấu Nguyễn Văn Nghĩa, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ (F-4) trong chiến dịch cho biết, máy bay Mỹ có lúc bật lại đèn để điều chỉnh đội hình.

Nghi ngờ để làm gì?

Chuyện bắn rơi B-52 được phi công Phạm Tuân kể lại rất nhiều lần với nhiều đoạn, nhiều chi tiết. Có lần, ông kể lại, trước ngày 27/12/1972, ngồi trên xe ô tô di chuyển tới sân bay dã chiến, nhìn ra ngoài là cảnh người dân gánh gồng sơ tán tránh bom đạn Mỹ, trong người cảm thấy day dứt vô cùng vì chưa làm hoàn thành sứ mệnh bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Khi kể lại đoạn đó, ông đã bật khóc. Đó là tâm trạng chung không chỉ của phi công Phạm Tuân mà còn của tất cả phi công chiến đấu Việt Nam, những người sẵn sàng làm “quả đạn thứ ba” cốt để hạ gục B-52. Đó cũng là tâm trạng của những ai không cam tâm nhìn dân tộc mình bị chà đạp bởi bạo quyền. Nếu có lòng tự tôn dân tộc, có cần phải nghi ngờ “giọt nước mắt của Phạm Tuân”?

Lịch sử luôn đẻ ra hàng đống bí ẩn gây tranh cãi lẫn với những thông điệp giá trị (đôi khi “rõ như ban ngày”). Khi bỏ công sức “đãi cát tìm vàng” cũng cần tỉnh táo, “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”.

Theo QUỐC PHÒNG – DEFENCE

Tags: , , , ,