Những chính sách kinh tế sai lầm của Việt Nam giai đoạn 1945-1986

Cuộc sống không chỉ toàn màu hồng. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đảng phái hay quốc gia… đều có thể phạm phải những sai lầm và phải trả giá.

Những chính sách kinh tế sai lầm của Việt Nam giai đoạn 1945-1986

Bên trong cửa hàng bách hóa trung tâm ở Hà Nội năm 1980. Ảnh: Philip Jones Griffiths / Magnum Photos.

Trong lịch sử hơn 70 năm tồn tại, những người điều hành nền kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã phạm phải một số sai lầm, trong đó có những sai lầm nghiêm trọng làm tụt lùi hoặc suy giảm đà tăng trưởng kinh tế. Xin điểm lại những sai lầm đó cùng với một vài nhận xét về nguyên nhân khách quan, chủ quan của chúng để rút ra những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai.

I. Cải cách ruộng đất 1953-1954

Sai lầm lớn đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra trong thời kỳ Cải cách ruộng đất. Xin lưu ý, tôi không nói “Cải cách ruộng đất là một sai lầm” mà là “sai lầm diễn ra trong Cải cách ruộng đất”. Cải cách ruộng đất là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân và thoả mãn nguyện vọng của đại đa số dân chúng, đồng thời nhằm mục đích đem lại công bằng xã hội, giải phóng năng lực sản xuất cho tầng lớp bần cố nông vốn nhiều đời bị đè đầu, cưỡi cổ và bóc lột tới tận xương tuỷ. Nếu mục tiêu của Cải cách ruộng đất đạt được như chủ trương, tiêu chí của Trung ương đề ra thì có thể nói đây là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam và sẽ được ngợi ca đời đời.

Tiếc rằng, chúng ta đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng về nhận thức, về phương pháp và đặc biệt, về việc chuẩn bị lực lượng và triển khai trong thực tế. Cụ thể, các “Đội cải cách” được thành lập và tập huấn dưới sự huấn luyện, giúp đỡ của Trung Quốc, những người áp dụng mô hình của “Cách mạng văn hóa” vào Việt Nam!

Nên nhớ, trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức cai trị và tính cách của người Trung Quốc rất khác Việt Nam ta. Người Trung Quốc vốn là một dân tộc đi chinh phục và cai trị hà khắc (và chính bản thân họ cũng vài lần bị cai trị: Nguyên Mông và Mãn Thanh), thêm nữa, lảnh thổ của họ rộng, dân đông rất khó thống nhất và cai trị nên phương pháp cai trị của họ tàn bạo và hà khắc. Ngược lại, Dân tộc Việt Nam luôn phải gồng mình chống ngoại xâm, mà kẻ thù lại luôn hùng mạnh và tàn bạo gấp nhiều lần nên chúng ta có truyền thống đoàn kết và an sức dân. Áp dụng mô hình của Trung Quốc đối với Việt Nam, vì vậy sẽ không thể phù hợp, dù về lý luận và tư tưởng có thể tương đồng.

Điểm dễ dàng nhận thấy đối với những sai lầm trong Cải cách ruộng đất chính là sự áp chế thô bạo (cả về vật chất và tinh thần) đối với các đối tượng bị quy kết “thành phần”. Sai lầm trong Cải cách ruộng đất rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả thì có thể kể ra hai điểm sau:

1. Oan sai đối với những người được xác định là “địa chủ kháng chiến”, “địa chủ yêu nước” và một số trường hợp quy kết sai thành phần để lấy đủ chỉ tiêu.
2. Trao đất cho nhiều người không có năng lực và kinh nghiệm tự hạch toán và quản lý kinh tế hộ gia đình, dẫn đến kém hiệu quả.

Dẫu sao, cái “được” lớn hơn cái “mất” trong Cải cách ruộng đất nếu nhìn từ góc độ kinh tế – xã hội của cả nước. Hậu quả chủ yếu đối với các cá nhân bị oan sai và sau đó đã tiến hành sửa sai. Tuy nhiên, Cải cách ruộng đất lại được coi là tiền đề cho một sai lầm khá nghiêm trọng và kéo dài sau này: Phong trào Hợp tác xã.

II. Phong trào Hợp tác xã

Sau Cải cách ruộng đất, sản lượng lúa tăng cao vài năm do người nông dân được cấp đất và chỉ phải nộp thuế nông nghiệp thay vì “phát canh thu tô” hoặc “cày thuê cuốc mướn” như trước đây. Họ làm việc hăng say hơn, trách nhiệm hơn vì vậy hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, với một bộ phận không nhỏ bà con bần cố nông, nhiều đời chỉ biết làm thuê, cuốc mướn và một số người vốn lười lao động, bê tha rượu chè… thì sau vài năm, họ lại bán ruộng và lại trở thành tay trắng. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời học tập mô hình của Liên Xô, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nghiên cứu và triển khai mô hình Hợp tác xã.

Trước khi phân tích đúng sai và hệ quả của phong trào hợp tác xã, xin lưu ý rằng hợp tác xã là một mô hình kinh tế tiên tiến, hiện đại và rất hiệu quả, không chỉ ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước phát triển ngoài phe XHCN. Đây không phải là sáng tạo riêng và thành tựu của riêng phe XHCN, mà những nước như CHLB Đức, Thuỵ Điển, Israel, thậm chí cả Mỹ và nhiều nước tư bản khác cũng áp dụng thành công mô hình này.

Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, mô hình hợp tác xã ra đời và phát triển theo đúng quy luật và xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế. Ở Việt Nam, hợp tác xã được du nhập và áp dụng một cách máy móc, gượng ép và trên quy mô đại trà, trở thành mô hình áp dụng trên toàn quốc ở nông thôn và cả thành thị (miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975).

Theo quan điểm của cá nhân người viết, việc nghiên cứu và triển khai mô hình hợp tác xã là không sai, nhất là khi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước cùng các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp. Cái sai của chúng ta là tư duy ấu trĩ, áp dụng một cách rập khuôn, máy móc và triển khai một cách ép buộc, dù sự ép buộc đó được thực hiện thông qua “quyền lực mềm”, nghĩa là dùng vận động, thuyết phục là chính, sử dụng đoàn thể, dư luận và lôi kéo cả người thân, hàng xóm, láng giềng và cả hệ thống chính trị để ép người dân phải “tự nguyện” góp vốn bằng ruộng vườn, tư liệu sản xuất và sức lao động vào các hợp tác xã được thành lập tràn lan và ồ ạt trên quy mô toàn quốc, không chỉ ở nông thôn mà cả ở thành thị trên mọi lĩnh vực trừ một số ngành kinh tế trọng điểm như khai khoáng, năng lượng, đường sắt…

Các hợp tác xã được thành lập như hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp… gom phần lớn lực lượng lao động vào mô hình kinh tế tập thể này, triệt tiêu gần như hoàn toàn kinh tế tư nhân, cá thể và hộ gia đình. Phong trào hợp tác xã không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần, có những lần là để mở rộng phạm vi nhưng cũng có những lần là để sửa chữa, khắc phục những sai lầm, hạn chế trước đó.

Nhưng nếu nói hợp tác xã chỉ là sai lầm và hạn chế là phiến diện và không phản ánh đúng thực tế. hợp tác xã cũng có những ưu điểm nhất định, đó là việc tập hợp vốn, tư liệu sản xuất và sức lao động ở quy mô lớn hơn (so với cá thể và hộ gia đình) đem đến hiệu quả cao hơn và giúp giải quyết tình trạng thiếu sức lao động trong thời chiến (khi chiến tranh leo thang phải tổng động viên để đánh Mỹ).

Mặc dầu vậy, có thể chỉ ra những sai lầm và hạn chế lớn của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam bao gồm:

1. Áp dụng máy móc và rập khuôn vào Việt Nam một cách không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất: Hợp tác xã là một mô hình kinh tế tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi mỗi xã viên có trình độ, kiến thức và nhận thức xã hội cao, nhất là ý thức cộng đồng, tính tự giác, kỷ luật phải ở cấp độ của những xã hội văn minh. Nhưng Việt Nam thời đó mới thoát thân từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, 98% dân mù chữ và phần lớn mới được “xoá mù”, học thức và nhận thức của người dân rất hạn chế, nhất là tư duy sản xuất của “nền văn minh lúa nước” vẫn ăn sâu, bám rễ vào người dân từ ngàn đời nay. Tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp và dễ thoả mãn của người dân không phù hợp cho sự hình thành và phát triển của mô hình kinh tế hợp tác xã. Chưa kể thói quen lừa việc, trốn việc của người làm thuê đã bám rễ vào một bộ phận không nhỏ những người xuất thân từ bần cố nông, nhiều đời cầy thuê cuốc mướn.

2. Trình độ quản lý kém: Đa số những người được giao các chức vụ quản lý theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ” nhưng lại lấy nòng cốt là thành phần bần cố nông, vốn không có đầu óc tổ chức và năng lực quản lý. Họ có ưu điểm là trung thành và năng nổ nhưng đi kèm là thiếu học thức và đầu óc tổ chức thì kết quả là thế nào, ai cũng rõ. Tất nhiên, không phải tất cả những người quản lý đều như vậy nhưng phải thừa nhận đây là số đông và trở thành trào lưu, xu hướng chủ đạo.

3. Áp dụng mô hình một cách máy móc, tràn lan và ồ ạt: Có thể nói, chính những thành công một cách bất ngờ và vượt mọi kỳ vọng trong Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến chống Pháp khiến nhiều số nhà lãnh đạo ở các cấp nảy sinh tâm lý chủ quan và duy ý chí. Họ cho rằng chỉ cần quyết tâm và sự ủng hộ của số đông thì việc gì cũng có thể làm được, “trận đánh” nào cũng có thể chiến thắng. Bên cạnh đó, quan niệm “chính trị là thống soái” rất phổ biến thời kỳ này. Vì mục tiêu chính trị, người ta sẵn sàng bỏ qua quy luật phát triển kinh tế – xã hội và cả sự cần thiết của khoa học quản lý. Chính vì lẽ đó, các chỉ tiêu phát triển phong trào hợp tác xã liên tục được đẩy lên cả về phạm vi và quy mô. Gần như không có thí điểm, rút kinh nghiệm. Tất cả đều phải hoàn thành đạt và vượt mọi chỉ tiêu đề ra. Ở đây, vai trò và tác động của nhân tố bên ngoài rất quan trọng. Liên Xô và Trung Quốc thời kỳ này viện trợ khá nhiều cho Việt Nam, đồng thời họ giúp chúng ta kiến thức và mô hình xây dựng các hợp tác xã. Và tất nhiên, giai đoạn đầu, họ sẵn sàng viện trợ để bù đắp những thiếu hụt do hiệu quả thấp của mô hình này đem lại. Việc này đã góp phần làm cho chúng ta không nhận ra những bất cập và lún sâu vào sai lầm ở quy mô rộng lớn trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

III. Cải tạo công thương nghiệp

Nếu như phong trào Hợp tác xã chủ yếu diễn ra ở nông thôn và đối tượng nhắm đến là nông dân, thợ thủ công thì Cải tạo công thương nghiệp chủ yếu ở thành thị và đối tượng là tư sản, tiểu tư sản và giới sản xuất, thương mại tư nhân. Mặc dù nạn nhân của những những chiến dịch này không nhiều do thời đó thành thị ở Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp và những người tích tụ được tài sản ở Việt Nam rơi vào tầm ngắm chiếm tỷ lệ không đáng kể nhưng những cuộc cải tạo công thương nghiệp lại giáng những đòn nặng nề vào nền kinh tế Việt Nam do chúng đã triệt tiêu xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế. Đó là thúc đẩy sản xuất và lưu thông, hay nói rõ hơn là bóp nghẹt công nghiệp, dịch vụ và thương mại, những ngành đóng góp chủ yếu cho nền kinh tế phát triển (hiện nay, công nghiệp, dịch vụ và thương mại chiếm trên 80% GDP của Việt Nam).

Mặt khác, những cuộc cải tạo công thương nghiệp đã tước bỏ nguồn vốn đã được tập trung vào một số cá nhân, bóp nghẹt thành phần kinh tế tư nhân và tư bản. Đây là mục tiêu, mục đích của các cuộc cải tạo này.

Sai lầm của Cải tạo công thương nghiệp xuất phát từ quan điểm xây dựng nền kinh tế tập trung của các nước XHCN. Việc áp dụng mô hình kinh tế tập trung chính là sản phẩm của Liên Xô. Cái sai chủ quan chính là ta đã thần tượng hoá Liên Xô và coi Liên Xô là mẫu mực, là “khuôn vàng thước ngọc” để làm theo.

IV. Đổi tiền

Việt Nam đã tiến hành đổi tiền nhiều lần. Mỗi lần đổi tiền lại gây ra những xáo trộn, tâm lý hoang mang, bất mãn trong bộ phận không nhỏ người dân. Hậu quả không phải chỉ người giàu gánh chịu (vì chỉ cho phép đổi với số lượng có hạn đối với mỗi cá nhân/hộ gia đình dẫn tới ai giữ nhiều tiền mặt sẽ mất trắng phần dư ra) mà còn đối với chính những người làm công ăn lương cho Nhà nước. Đến lần đổi tiền cuối cùng (1985), sai lầm đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, khơi mào cho khủng hoảng xã hội và có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chính trị.

Có thể nói, mỗi lần đổi tiền, Nhà nước lại ra một đòn búa bổ vào nền tài chính – tiền tệ vốn non trẻ và còn khá yếu ớt của Việt Nam, một nước thoát thân từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến với trình độ sản xuất và lưu thông nghèo nàn và lạc hậu.

Ba sai lầm dễ nhận thấy của mỗi lần đổi tiền là:

1. Bóp nghẹt lưu thông tài chính – tiền tệ.
2. Gián tiếp tước bỏ tài sản của một bộ phận dân chúng (tương ứng với số tiền cũ không được thu đổi, trở thành vô giá trị).
3. Nhà nước tung thêm tiền vào lưu thông mà không tôn trọng quy luật về cân đối tiền – hàng, nghĩa là nhà nước phát hành thêm tiền đưa vào lưu thông để bù đắp thâm hụt ngân sách, làm tiền nhiều hơn hàng, tất yếu dẫn đến lạm phát phi mã, giá cả leo thang và vô hình chung làm nghèo hoá dân chúng.

Trong sai lầm của mỗi lần đổi tiền, tôi không có nhiều thông tin về tác động từ bên ngoài rõ ràng như Cải cách ruộng đất và phong trào hợp tác xã. Vì vậy, tạm coi đây là sai lầm cơ bản từ chủ quan.

Đến nay, mặc dù mệnh giá đồng tiền rất cao và ai cũng muốn bớt đi vài số “0” trên tờ tiền lưu hành nhưng không ai dám công khai ý tưởng đổi tiền. Có lẽ chúng ta vẫn còn quá e sợ “dư chấn” của chúng tác động đến tâm lý của toàn xã hội.

V. Chính sách ngăn sông, cấm chợ

Xuất phát từ quan điểm giới thương nghiệp không tạo ra của cải vật chất nhưng lại chiếm hữu phần lớn tài sản của xã hội, tạo ra sự bất công về kinh tế trong xã hội, hệ thống các nước XHCN dưới ảnh hưởng của Liên Xô đã kìm hãm sự phát triển của thương mại, thay vào đó là hệ thống phân phối quốc doanh, do nhà nước nắm giữ gần như hoàn toàn.

Tư nhân bị cấm gần như hoàn toàn việc mua bán, trao đổi (thị trường tự phát của người dân bị coi là “thị trường chợ đen). Hệ thống thương nghiệp quốc doanh bị hành chính hoá, cộng thêm hệ thống cấp phát, tem phiếu đối với nhu yếu phẩm đã triệt tiêu gần như hoàn toàn sự lưu thông hàng hoá và tiền tệ. Nền kinh tế dần rơi vào tình trạng ngưng trệ, với đời sống một bộ phận không nhỏ dân chúng trở về trạng thái tự cấp, tự túc, đi ngược lại với quy luật vận động và phát triển của nền kinh tế.

Đây là sai lầm mang tính hệ thống trong đường lối kinh tế của Liên Xô và các nước XHCN thời đó. Ta học tập họ và áp dụng máy móc mô hình của họ.

Lời kết

Những sai lầm nêu trên cộng hưởng với việc đất nước bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh tàn khốc và cuộc bao vây, cấm vận kinh tế của phương Tây, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng và toàn diện nửa đầu thập niên 1980.

Từ năm 1986, nhờ công cuộc Đổi Mới, chúng ta đã kịp cởi trói các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển ở trong nước, kết hợp kêu gọi đầu tư nước ngoài để đón nhận vốn, công nghệ và trình độ quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài, mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Chính những chính sách đúng đắn cùng sự học hỏi không ngừng, phát huy sáng tạo và tiếp thu tri thức của nhân loại đã giúp Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, từ nhóm nước nghèo nhất thế giới lọt vào nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) và vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững trong thời gian tới.

Nhìn lại những sai lầm đã qua, chúng ta thấy thật đáng tiếc cho tiềm năng phát triển của Việt Nam bị bỏ lỡ do sai lầm của chính chúng ta và cả những quốc gia “anh em”. Nhưng mặt khác, chúng ta ghi nhận sự chuyển hướng và sửa chữa sai lầm diễn ra đúng lúc và khá thành công đã giúp Việt Nam có thành quả ngày hôm nay, dù chưa thật hoành tráng, chưa xứng với tiềm năng con người .

Hy vọng, Việt Nam phát huy được tiềm năng, tận dụng được thời cơ, vượt qua được thách thức và tránh lặp lại sai lầm cũ hoặc vấp phải những sai lầm mới. Làm được như thế, sẽ có lúc thế giới phải ngả mũ kính nể câu chuyện thần kỳ về tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo NGƯỜI CON YÊU NƯỚC

Tags: , , , , ,