⠀
Những chẩn đoán còn nguyên giá trị của Marx về căn bệnh của chủ nghĩa tư bản
Những phân tích của Karl Marx về mặt bất cập của chủ nghĩa tư bản sẽ giúp chúng ta tiến tới một tương lai hứa hẹn hơn.
Nguồn: Karl Marx; The Book of Life.
Biên dịch: Cheshire / Spiderum.com.
Karl Marx sinh năm 1818 tại Trier, nước Đức. Ông là hậu duệ của một dòng dõi Do Thái lâu đời, nhưng sau đó gia đình ông đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo khi ông lên sáu để hội nhập với xã hội Đức. Tại Đại học Bonn, một nơi nổi tiếng và uy tín, ông đã gánh phải những khoản nợ khổng lồ, bị bỏ tù vì say rượu, gây rối trật tự công cộng và tham gia vào một cuộc ẩu đả. Thêm nữa, ông cũng muốn trở thành một nhà phê bình kịch. Không mấy hài lòng với những điều này, cha của Marx gửi ông vào Đại học Berlin, một nơi nghiêm túc hơn. Tại đây, ông tham gia một nhóm triết gia có tên là Những người Hegel trẻ (Young Hegelians), một nhóm người rất hoài nghi về nền kinh tế và chính trị hiện đại.
Marx sớm gia nhập vào vào hàng ngũ những người Cộng sản, một nhóm nhỏ trí thức chủ trương lật đổ hệ thống giai cấp và bãi bỏ tài sản tư hữu. Ông làm việc như một nhà báo và bí mật kết hôn với Jenny von Westphalen, một phụ nữ trẻ giàu có. Do hoạt động chính trị của mình, cặp vợ chồng trẻ phải trốn chạy khỏi Đức và cuối cùng định cư tại London.
Marx viết một lượng đồ sộ sách và các bài báo, và đôi khi ông cùng viết với người bạn Friedrich Engels. Một số tác phẩm tiêu biểu: Góp phần phê phán Triết học Pháp quyền của Hegel (1843), Gia đình Thần thánh (1845), Luận cương về Feuerbach (1845), Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Hệ tư tưởng Đức (1845), Tuyên ngôn Cộng sản (1848), Phê phán Cương lĩnh Gotha (1875), và tác phẩm dài hơi Tư bản (1867-1894).
Chủ đề chính của ông là Chủ nghĩa tư bản, loại hình kinh tế thống trị thế giới phương Tây. Trong thời của ông, nó vẫn đang trong đà phát triển, nhưng Marx là một trong những nhà phê bình kinh tế – chính trị thông minh và có nhận thức sâu sắc nhất. Ông đã chỉ ra vài ‘căn bệnh’ của Chủ nghĩa tư bản như sau:
1. Công việc hiện đại bị ‘tha hóa’
Một trong những tầm nhìn vĩ đại nhất của Marx, được giải bày trong quyển Bản thảo kinh tế – triết học 1844, đó là lao động có thể là một trong những nguồn vui lớn nhất của chúng ta. Đối với Marx, lao động là vinh quang, chính vì thế khi thấy hầu hết nhân loại đắm mình vào những công việc khốn khổ và buộc phải chịu đựng chúng, ông đã rất tức giận.
Để có thể toàn ý với công việc, Marx viết rằng, người lao động phải thấy được bản thân mình trong những đồ vật mà họ tạo ra. Tốt hơn hết, lao động nên cung cấp cho chúng ta một cơ hội để phơi bày những gì tốt đẹp bên trong chúng ta (ví như, sự sáng tạo, sự khắc khổ của chúng ta), in hằn chúng vào những thù hình bền vững, trường tồn như đồ vật hoặc dịch vụ độc lập với chúng ta. Ngày qua ngày, công cuộc lao động của chúng ta nên – nếu mọi thứ đi đúng hướng – tự biến cải chính nó từng chút một, bởi vì nó cho phép chúng ta cô đọng và để lại dấu ấn về những phẩm chất tốt đẹp của chúng ta.
Hãy nghĩ về người làm ra chiếc ghế này: thẳng thắn, mạnh mẽ, chân thật và thanh lịch. Người làm ra nó không hẳn sẽ luôn có những phẩm chất ấy: đôi khi anh ta hoặc cô ấy có thể đã bức bối, tuyệt vọng, do dự. Tuy nhiên, chiếc ghế sẽ chỉ hằn lại những mặt tích cực trong tính cách của anh ta hoặc cô ấy. Đó là lý do vì sao Marx nghĩ rằng lao động là lý tưởng, là vinh quang. Nhưng ông cũng quan sát thấy trong thế giới hiện đại, ngày càng khan hiếm những công việc có những đặc điểm cho phép chúng ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của mình trong công cuộc lao động.
Một phần là vì công việc hiện đại ngày càng được chuyên môn hóa. Có thể dễ dàng kể ra những công việc loại này bằng những cái tên rất kỳ cục mà người ta đặt cho chúng: chuyên gia về công nghệ bao bì, nhân viên phổ biến thức uống, kỹ thuật viên ăn kiêng, kiến trúc sư thông tin, … Những công việc này phải mất nhiều năm đào tạo để có thể làm chủ, giúp cho nền kinh tế hiện đại đạt được hiệu quả cao, nhưng nó cũng cho thấy ngày càng khó để một người công nhân thấy được tính thực tiễn trong những công việc mà mình làm. Anh ta hoặc cô ấy ngày càng mất cảm giác về những ý nghĩa thực sự mà mình đóng góp cho nhân loại.
Theo quan điểm của Marx, từ sâu thẳm bên trong, chúng ta đều là những người đa tài. Chúng ta không sinh ra chỉ để làm duy nhất một việc. Tất cả chỉ là do nền kinh tế – vì mục đích tham lam của nó – ép buộc chúng ta phải hy sinh thân mình vào một ngành học duy nhất, làm cho chúng ta trở nên (theo cách nói của Marx) “đơn điệu và phụ thuộc” và “bị bào mòn về tinh thần lẫn thể chất, dần biến thành một cái máy.” Trong Bản thảo kinh tế – triết học 1844, lần đầu tiên Marx lập luận rằng công việc hiện đại dẫn đến sự tha hóa – Entfremdung trong tiếng Đức.
Trong thâm tâm, chúng ta đa tầng, phức tạp hơn những gì nền kinh tế hiện đại cho phép: bên dưới vẻ ngoài điềm tĩnh của kế toán viên kia có thể đang che giấu một nỗi khao khát lớn lao về nghiệp làm vườn. Nhiều nhà thơ hẳn đã từng có mong muốn dấn thân vào ngành công nghiệp một vài năm.
Marx nhận ra sự đa năng của chúng ta. Sự chuyên môn hóa có thể là một yêu cầu cấp thiết về kinh tế nhưng nó cũng có khả năng mang trong mình sự phi nhân.
Marx cũng muốn giúp chúng ta tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong công việc của mình. Theo Marx, công việc trở nên có ý nghĩa hơn qua một trong hai cách. Hoặc nó giúp người lao động trực tiếp giảm bớt đau khổ cho người khác, hoặc nó giúp chính họ, và theo một cách hữu hình sẽ làm tăng niềm vui cho người khác. Những công việc đáp ứng một cách hoàn hảo những tiêu chí này thực sự rất khan hiếm, như bác sĩ hoặc một ngôi sao opera chẳng hạn.
Nhưng thường thì mọi người bỏ việc và bảo rằng: tôi không thấy được mục tiêu rõ ràng của công việc bán hàng, hoặc một chiến dịch thiết kế quảng cáo đồ nội thất sân vườn, hoặc dạy tiếng Pháp cho những đứa trẻ vốn chẳng muốn học. Khi công việc dần trở nên vô nghĩa, chúng ta dần cảm thấy sự dày vò – ngay cả với một công việc mang lại mức lương ổn định. Marx đang đưa ra bản phác thảo đầu tiên, một câu trả lời để làm thế nào chúng ta có thể cải cách nền kinh tế; chúng ta cần một hệ thống kinh tế cho phép nhiều người trong chúng ta giảm bớt được đau khổ hoặc gia tăng niềm vui. Sâu thẳm trong tâm, chúng ta muốn cảm nhận được rằng chúng ta đang giúp đỡ mọi người. Chúng ta phải cảm thấy chúng ta đang giải quyết các nhu cầu đích thực – chứ không phải chỉ phục vụ những ham muốn ngẫu nhiên.
Marx đã nhận thấy được có rất nhiều công việc giúp họ có được thu nhập, nhưng lại không giúp họ gặt hái được nghị lực. Trí khôn và kỹ năng của họ dần tiêu tan. Họ không thể chỉ trỏ vào một thứ gì đó và nói: Tôi đã làm ra nó, nó đại diện cho con người tôi. Khá đau đớn khi mọi người làm những công việc trông có vẻ hào nhoáng, ví như một người chuyên duyệt tin tức hoặc một người mẫu thời trang. Ngày qua ngày, nó có vẻ thú vị. Nhưng dần dà qua nhiều năm, nó không tạo nên bất cứ thứ gì. Những nỗ lực của họ không được tích lũy. Công việc của họ không có một mục tiêu dài hạn để hướng tới. Cho dù có cống hiến sau bao năm, nghỉ việc là coi như mất tất cả. Điều này trái ngược với những công việc đại loại như kiến trúc sư chẳng hạn; một kiến trúc sư có thể lao động trong 5 năm với một dự án lớn – dù cho hàng triệu chi tiết trong công việc có thể gây phiền nhiễu, bực bội cho chính họ, nhưng tựu chung lại, họ vẫn hoàn thành được một thành tích để đời. Và tất cả những ai dự phần trong đó, cũng đều sẽ sẻ chia chí hướng và mục đích sống. Lao động của họ tất yếu phải đem lại một thứ gì đó thực sự tồn tại. Và họ hiểu rõ điều đó.
2. Công việc hiện đại luôn bấp bênh
Chủ nghĩa tư bản khiến con người thành một thứ dễ bị thay thế và vứt bỏ; công nhân bị rút gọn thành một nhân tố nhỏ bé trong chuỗi sản xuất và có thể bị thay thế, bị vứt đi không thương tiếc khi mà công nghệ ngày càng phát triển, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu thời gian tốt hơn hẳn. Một công việc ổn định đơn giản không tồn tại trong Chủ nghĩa tư bản. Và như Marx đã am tường, tương tự như mong ước có được những mối quan hệ bền chặt, chúng ta cũng mong muốn có được một công việc đảm bảo nguồn thu nhập về lâu dài cho mình. Chúng ta không muốn bị vứt bỏ một cách tùy tiện như thế, chúng ta kinh hãi với ý niệm bị bỏ rơi. Marx biết rõ mỗi chúng ta đều có hạn sử dụng lâu dài hơn thế, tất cả phụ thuộc vào chi phí và nhu cầu. Đầy lòng trắc ẩn, Marx đã thấm đẫm những khát vọng, ham muốn ấy của dân lao động. Chủ nghĩa cộng sản – như một sự thấu hiểu về cảm xúc – là một lời hứa rằng chúng ta luôn có một chỗ đứng bên trong trái tim của thế giới này, rằng chúng ta sẽ không bị đuổi cổ ra ngoài. Điều này mang tính nhân văn rất sâu sắc.
3. Công nhân chỉ được trả lương rẻ mạt trong khi giới tư bản ngày càng giàu thêm
Đây có lẽ là mối quan ngại lớn nhất của Marx về Chủ nghĩa tư bản. Cụ thể, ông tin rằng giới tư bản thu hẹp lương của người lao động càng nhiều càng tốt để vắt kiệt lấy lợi nhuận – ông gọi đây là “sự tích lũy nguyên thủy” (primitive accumulation) hoặc Ursprüngliche Akkumulation trong tiếng Đức. Những người công nhân ngày càng rơi vào bước đường cùng, và rất khó để họ có thể đứng lên biểu tình chống đối hay thay đổi để thích nghi. Không chỉ bởi sự tuyệt vọng khi đối mặt với nạn thất nghiệp, mà còn bởi chi phí sinh hoạt bao giờ cũng tăng lên theo sau sự tăng trưởng của đồng lương, một vòng lẩn quẩn, một âm mưu của giới tư bản. Cuộc sống hiện đại cũng mang lại những thách thức mới khiến cho giai cấp vô sản trở nên bần cùng hơn: phải sống các khu ổ chuột đông đúc, bệnh tật, tỉ lệ tội phạm chốn thị thành tăng cao, mắc phải thương tích khi làm việc trong nhà máy. Tóm lại, Marx viết, người dân lao động có thể bị bóc lột đến cùng kiệt.
4. Chủ nghĩa tư bản rất không ổn định
Từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc Đại khủng hoảng hoặc trước khi có các sàn giao dịch chứng khoán, Marx nhận ra rằng các hệ thống tư bản chủ nghĩa được đặc trưng bởi một chuỗi chu kỳ khủng hoảng. Một phần cũng bởi các nhà tư bản tìm đủ mọi cách để tăng lợi nhuận, ví dụ như đầu cơ tích trữ hay bán phá giá, và điều này gây hậu quả trực tiếp đến hệ thống giá cả và gián tiếp đến thị trường việc làm. Tuy nhiên, sự bất ổn của Chủ nghĩa tư bản không chỉ bởi cuộc ganh đua lợi nhuận của con người. Theo Marx, Chủ nghĩa tư bản vốn mang trong mình mầm mống sự cáo chung của chính nó, giống như “một phù thủy đã mất đi quyền năng kiểm soát ma giới, và không thể triệu hồi sức mạnh từ chúng thông qua các câu thần chú được nữa.”
Điều trớ trêu ở đây, Marx đã chỉ ra rằng, những cuộc khủng hoảng trong Chủ nghĩa tư bản không phải do thiếu hụt, mà là do thừa thải; chúng ta đã tạo ra quá nhiều thứ. Các nhà máy và hệ thống của chúng ta quá năng suất, có thể mang lại cho bất cứ ai trên hành tinh này một chiếc xe, một căn nhà, một suất trong một ngôi trường tử tế hay một bệnh viện tốt. Chỉ cần một số ít người trong chúng ta làm việc là đủ. Nhưng chúng ta lại không làm vậy, không ai trong chúng ta chịu giải phóng bản thân mình để tìm lấy sự tự do, an nhàn. Marx nghĩ rằng điều này thật vô lý, đây hẳn là hệ quả có được từ hình thức khổ dâm bệnh hoạn nào đấy.
Vào những năm 1700, để có thể nuôi sống một quốc gia, hầu như tất cả mọi người ở độ tuổi lao động đều phải làm việc thật cật lực. Nhưng ngày nay, một quốc gia phát triển hầu như không cần đến một cá nhân nào để phục vụ cho nông nghiệp cả. Ngay cả trong công nghiệp, cũng chả cần đến một nhân công nào để chế tạo nên một chiếc xe. Điều này sinh ra nạn thất nghiệp, và chúng ta coi đây là một điều khủng khiếp, một căn bệnh trầm trọng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Marx, thất nghiệp lại là một dấu hiệu của thành công: nó cho thấy năng lực sản xuất của chúng ta đã tăng trưởng đến mức khó tin. Công việc xưa kia yêu cầu cả trăm nhân công thì bây giờ chỉ cần duy nhất một cỗ máy. Ấy vậy nhưng chúng ta lại luôn xem thất nghiệp như một lời nguyền, một sự thất bại. Theo logic, mục đích của nền kinh tế là càng ngày càng phải tạo điều kiện cho càng nhiều người trong chúng ta thất nghiệp, và chúng ta nên tôn vinh điều này hơn là xem nó như một sự thất bại, bởi nó cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của nền kinh tế.
Marx tin rằng, bởi vì chúng ta không chịu phân phối của cải đồng đều cho tất cả mọi người, không chịu tán dương và tận hưởng sự an nhàn mà thất nghiệp mang lại, ấy vậy nên chúng ta mới phải gánh chịu nỗi phiền muộn, lo âu, bất ổn, bất hạnh. “Xã hội như đang lùi bước trở về trạng thái man rợ nhất thời”, ông viết, “Và tại sao? Đó là bởi có quá nhiều nền văn minh hiện hữu… quá nhiều ngành công nghiệp, quá nhiều nền thương mại”.
5. Chủ nghĩa tư bản cũng gây hại cho giới tư bản
Mặc dù đôi khi Marx gọi các nhà tư bản và tư sản là những kẻ hút máu (vampires), hay những người anh em thù hiềm (hositle brothers), nhưng ông không hoàn toàn nghĩ họ là những kẻ xấu. Trên thực tế, ông tin rằng họ cũng là nạn nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ví dụ, ông đã có được một cảm thức sâu sắc về những nỗi u sầu và những đau đớn thầm kín ẩn sâu phía sau những cuộc hôn nhân của giới tư sản. Vào thời của ông, tầng lớp trưởng giả hay kể về gia đình mình một cách tôn kính và tràn đầy tình cảm. Nhưng Marx lập luận rằng mối hôn nhân của họ thực ra chỉ là một sự hợp tác, nới rộng kinh doanh. Những thương vụ hôn nhân thế này như một cách để cánh đàn ông tập trung tiền bạc, dùng nó để kiểm soát vợ và con cái của mình. Một gia đình tư sản thoạt nhìn có vẻ lý tưởng, nhưng thật ra lại đầy rẫy áp lực, sự đàn áp và phẫn uất, nơi đó những con người sống cùng nhau không phải vì tình yêu mà vì lý do kinh tế. Marx nghĩ rằng, đây không phải điều họ thực sự muốn. Ông đơn giản tin rằng Chủ nghĩa tư bản ép buộc con người đặt vấn đề kinh tế vào trung tâm của cuộc sống, do đó họ không còn biết tới những mối quan hệ sâu sắc và chân thành. Ông gọi xu hướng tâm lý này là “chủ nghĩa tôn thờ vật chất” (Warenfetischismus) bởi nó khiến chúng ta đề cao vật chất, những thứ không hề mang giá trị khách quan nào, ngoài việc cổ vũ chúng ta sử dụng lăng kính lợi ích kinh tế để soi rọi lên những mối quan hệ của chúng ta.
Đây là một khía cạnh quan trọng khác trong công trình của Marx: ông dấy lên trong mỗi chúng ta một cảm thức về sự ảnh hưởng đầy xảo quyệt, tinh vi của nền kinh tế, về cái cách nó nhuốm màu lên tư tưởng của chúng ta về mọi vấn đề.
Nền kinh tế tạo ra một thứ mà Marx gọi là hệ tư tưởng. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845), ông viết, “tư tưởng của giai cấp cầm quyền trong mỗi thời đại sẽ chính là tư tưởng thống trị trong thời đại ấy”. Xã hội tư bản là nơi mà phần lớn mọi người, dù giàu hay nghèo, đều tin rằng chuẩn mực để đánh giá mọi thứ, tất cả mọi giá trị của chúng, đều liên can ít nhiều đến hệ thống kinh tế: ví như một kẻ vô công rỗi nghề là một kẻ vô giá trị, hoặc nếu chúng ta cứ đơn giản làm việc thật cật lực thì chúng ta sẽ có thể vươn lên, hay việc sở hữu càng nhiều sẽ càng khiến ta hạnh phúc, và rằng chúng ta sẽ thẩm định giá trị của mọi thứ (bao gồm cả con người) bằng tiền.
Tóm lại, một trong những điều tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản không phải là việc có những kẻ tham nhũng đầu sỏ – hiện tượng này hiện hữu ở bất kỳ hệ thống thứ bậc nào của loài người – mà là ở việc những lý tưởng tư bản đã dạy tất cả chúng ta phải luôn lo âu, sống cạnh tranh, rập khuôn, và tự mãn một cách chính trị.
***
Một điều đáng chú ý là Marx viết rất ít về cộng sản, hay một hệ thống cộng sản nên trông như thế nào. Ông tin rằng những gì ông viết chủ yếu để mô tả, chứ không hẳn quy định chính xác, về những gì sắp xảy ra. Khi bị chỉ trích vì những dự đoán khá mơ hồ của ông (ví dụ như chắc hẳn sẽ có một “chế độ độc tài của giai cấp vô sản”), ông đã chế giễu rằng ông không muốn viết các công thức nấu ăn “cho các cửa hàng ẩm thực trong tương lai”. Có lẽ ông đã rất khôn ngoan vì đã ngộ ra được sự khó đoán về thị hiếu trong tương lai, cả về ẩm thực lẫn chính trị.
Tuy nhiên, chúng ta đã có được cái nhìn thoáng qua về giấc mơ thiên đường (utopia) của Marx ẩn chứa trong các tác phẩm của ông. Tuyên ngôn Cộng sản mô tả một thế giới vắng bóng tài sản tư hữu hay thừa kế, với một mức thuế thu nhập ngày càng tăng cao, có được sự kiểm soát tập trung trong các ngành ngân hàng, truyền thông và ngành công nghiệp vận tải, và có được một hệ thống giáo dục cộng đồng miễn phí cho tất cả trẻ em. Marx cũng mong đợi rằng một xã hội cộng sản sẽ cho phép mọi người phát triển nhiều nhất có thể tất cả các khả năng bẩm sinh của mình. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông viết rằng “trong xã hội cộng sản… hôm nay tôi có thể làm việc này, rồi ngày mai chuyển sang một việc khác, ví như đi săn bắn vào buổi sáng, bắt cá vào buổi chiều, chăn nuôi gia súc vào buổi tối, ngồi đàm đạo phê bình sau bữa ăn tối, chỉ bởi do tôi có trí tuệ, tôi không cần phải là một thợ săn, ngư dân, mục phu hay nhà phê bình toàn thời gian.” Chúng ta sẽ được khám phá và phát triển toàn diện trên mọi mặt – sự sáng tạo, trí tuệ của chúng ta, cái thiện và cả sự hung tàn bên trong chúng ta – và tất cả mọi người đều sẽ có chút ít thời gian để thử sức với triết học.
***
Sau khi Marx chuyển đến London, ông đã được ủng hộ bởi – mỉa mai thay, một nhà tư bản đứng lên chống lại Chủ nghĩa tư bản – một người bạn tâm giao, một tri kỷ đầy trí tuệ, Friedrich Engels, một người giàu có, có cha là chủ sở hữu của một nhà máy sợi bông ở Manchester. Engels đã trang trải cho những khoản nợ của Marx, giúp ông xuất bản các tác phẩm của mình, và thậm chí (như để lấy lòng bà vợ của Marx) tuyên bố làm cha, nhận nuôi một đứa trẻ bị tình nghi là đứa con ngoài giá thú của Marx. Hơn thế, hai người đàn ông này còn viết những vần thơ ngưỡng mộ dành cho nhau.
Marx không phải là một nhà trí thức được kính trọng hay ngưỡng mộ vào thời của ông. Ông dành hầu hết thời gian mài-đũng-quần (puttering) trong phòng đọc sách của Bảo tàng Anh, chậm rãi viết một quyển sách dài hơi về tư bản. Ông và Engels luôn cố gắng để trốn tránh cớm chìm (bao gồm cả anh rể của Marx, người điều hành mật vụ Phổ). Khi Marx qua đời vào năm 1883, ông là một người vô quốc tịch; đám tang của ông chỉ vỏn vẹn không quá một tá người tham dự.
Từ những tên tuổi được trọng vọng cho đến thường dân vào thời của Marx hẳn đã cười nhạo với suy nghĩ rằng những tư tưởng của ông có thể tái lập thế giới. Tuy nhiên chỉ vài thập kỷ sau đó nó đã trở thành sự thật: những tác phẩm của ông đã trở thành nền móng cho một số hệ tư tưởng và những phong trào trọng đại của thế kỷ 20.
Marx có được một tầm nhìn rộng bất thường về các vấn đề trong xã hội hiện đại. Ông đã đặt ra những thuật ngữ bóng bẩy, ví như “chủ nghĩa duy vật biện chứng”, như muốn thách thức chúng ta kết nối những trải nghiệm và sự chọn lựa hàng ngày của chúng ta với các lực lượng lịch sử (historical forces) rộng lớn, để giúp chúng ta nhận ra bản thân mình như một phần của một bức tranh lớn hơn, một cuộc đấu tranh morally-important* (Không biết dịch sao cho sát nghĩa, từ này dùng trong ngữ cảnh ví dụ như: Nếu bạn là bác sĩ, bạn sẽ giải thoát cho bệnh nhân vô phương cứu chữa bằng một liều thuốc độc, hay để người đó chết dần chết mòn trong đau đớn?). Công trình của ông đôi khi khiến ta phải bối rối, không chỉ bởi ông liên tục thay đổi lối tư duy trong suốt cuộc đời ông, mà còn bởi ông muốn phát triển một nền tảng ngôn từ của riêng ông để mô tả những vấn đề hiện đại, có điều chúng lại không có quy tắc hay phương pháp khoa học rõ ràng.
Tuy nhiên chúng ta không nên xem thường công trình của Marx chỉ bởi những gì mà người ta gây ra, dựa trên tư tưởng của ông, trong thế kỷ 20. Những tư tưởng của ông đặc biệt hữu ích cho chúng ta ở thời điểm hiện tại. Giống như nhiều người trong chúng ta, ông muốn hiểu tại sao trong nền kinh tế hiện đại, sự sung túc, giàu có về vật chất dường như luôn kéo theo rất nhiều đau khổ. Ông đã rất kinh ngạc bởi sức mạnh của Chủ nghĩa tư bản, cái cách mà nó làm cho “thiên nhiên phải khuất phục trước loài người… san bằng toàn bộ lục địa để canh tác, thay đổi dòng chảy một con sông, mọi tấc đất đều có dấu chân con người”. Nhưng ông cũng nhận ra rằng Chủ nghĩa tư bản không làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, khôn ngoan hơn hay tử tế hơn – nó không thể dẫn lối cho chúng ta, giúp chúng ta trở nên có nhân tính hơn hoặc giúp ta phát triển hoàn thiện bản thân mình.
Xét qua những thất bại của các chế độ được gầy dựng dựa trên chủ nghĩa Marx trước đó, có vẻ như mọi thứ không thể trở nên cấp tiến hơn bằng cách thực hiện các cuộc cách mạng như Marx dự đoán. Nhưng chúng ta vẫn nên suy nghĩ một cách nghiêm túc về những vấn đề rất sâu sắc của Chủ nghĩa tư bản mà Marx đã chỉ ra.
Đã từ rất lâu, khi tự nhận mình là Marxist, điều này sẽ đồng nghĩa với việc bạn đồng tình với một phần nào đó tư tưởng của Marx: những giải pháp của ông cho những căn bệnh thế giới. Và chỉ bởi vì chúng thật kỳ quặc và điên rồ, nên tất cả những tư tưởng khác của ông đều bị đem đi vứt xó. Nhưng Marx như một vị bác sĩ thiên tài trong thời buổi y học mới chớm nở. Ông đã sớm nhận ra bản chất của căn bệnh, tuy nhiên ông lại chẳng có ý niệm gì về việc chạy chữa nó. Ông đã đề ra một số hành động nhất định có vẻ khá hợp lý trong những năm 1840, nhưng ngày nay chúng không giúp ích gì mấy.
Vào thời điểm lịch sử này, chúng ta nên là những người Marxist, theo nghĩa tán thành với chuẩn đoán của ông về những vấn đề hiện tại. Nhưng sau đó ta phải ra ngoài và tìm ra phương thuốc thực sự hiệu quả. Nghe có vẻ trêu người, nhưng những phương thuốc này thực sự tồn tại, chúng nằm rải rác trong bài báo nghiên cứu này, hay trong quyển sách kinh tế kia, tuy nhiên chúng lại luôn bị giới hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta cần phải xem xét làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế không chỉ mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng mà còn mang lại mối quan hệ tốt đẹp hơn với thiên nhiên, với tiền tệ, với những người khác và với cả chính chúng ta. Chúng ta không cần một chế độ độc tài của giai cấp vô sản, nhưng chúng ta cần phải xem xét lại tại sao chúng ta lại phân chia giá trị công việc và những gì chúng ta cần có để thoát ra khỏi nó. Chúng ta không nên bãi bỏ chế độ tư hữu, nhưng chúng ta cần phải tạo ra một mối quan hệ thận trọng và đáng tin hơn trong vấn đề tiền tệ và tiêu dùng. Và chúng ta cần phải bắt đầu cải cách Chủ nghĩa tư bản, không phải chỉ đơn giản bằng cách lật đổ ban lãnh đạo các ngân hàng mà bằng cách làm cho nó hoạt động trôi chảy hơn thông qua lý trí của chính chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự có thể vẽ nên một nền kinh tế không chỉ đạt năng suất cao và tiến bộ, mà còn thúc đẩy sự tự do và nghĩa vụ ở mỗi người.
Như chính Marx đã tuyên bố, “các triết gia chỉ mới diễn giải thế giới theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, mục đích là phải thay đổi nó kìa.”
Theo SPIDERUM.COM
Tags: Cộng sản, Tư bản, Karl Marx, Lao động - việc làm