Người phụ nữ bí ẩn trong cuộc đời vua Lê Thánh Tông

Đó là bà Ngô Chi Lan, là người làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Bà Ngô Chi Lan còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, tự là Quỳnh Hương. Sử sách chép, bà rất đẹp, lại giỏi thi ca, từ khúc. Bà là vợ của Đông các Đại học sĩ Phù Thúc Hoành, là cháu gái ruột của Thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao. Khi Thái tử Tư Thành, con trai của bà Ngọc Dao lên ngôi vua, bắt đầu triều đại Lê Thánh Tông (1460 -1497), thì Ngô Chi Lan thường vào cung bái kiến cô mình.

Cũng như nhiều cung cấm các triều, Hoàng đế Lê Thánh Tông cho tuyển những phụ nữ trí thức vào cung làm chức học sĩ để dạy dỗ các cung nữ. Thế là bà Ngô Chi Lan được tuyển chọn, thậm chí nhà vua còn cho hầu nghiên bút và dự nhiều cuộc xướng hoạ thơ văn. Theo sử sách, bà không những được Thái hậu Ngọc Dao vô cùng yêu chiều, mà Vua Lê Thánh Tông cũng rất đỗi mến mộ.

Tương truyền, có lần nhà vua đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai quan thị họ Nguyễn làm từ vịnh cảnh. Khi từ khúc “Uyên ương” dâng lên, nhà vua không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh, thảo luôn một chương, trong đó có hai câu kết rất đắc vị

Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ
Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng.

Nghe xong, nhà vua lấy làm hài lòng, khen tài văn hay chữ tốt của bà và ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ (họ của chồng bà). Kể từ buổi đó, tên tuổi của Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng vang dội khắp kinh kỳ. Nhiều tao nhân mặc khách vô cùng kính nể, nhưng cũng không ít kẻ tiểu nhân ganh ghét, đố kỵ, tạo ra thị phi đối với bà.

Cụ thể, dân gian đã loan truyền một câu thơ rất kín đáo mà cũng rất sỗ sàng: Quân vương muốn được khuây buồn nản/ Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào. Hay: Lầu rồng, thơ cạn, tiệc tàn/ Năm canh bảnh mắt còn khan giấc nồng.

Nhiều sử gia thời đó cho rằng, những vần thơ vô danh bội nhọ trên thực chất là có ý châm chọc và xuyên tạc về phẩm hạnh của Phù gia nữ học sĩ. Tiến sĩ Thái Thuận, Phó súy Tao đàn Nhị thập bát tú và là tác giả của tập thơ Lữ Đường, đã lên tiếng khuyên giải bà: “… Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ ác…, mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì”.

Tuy nhiên, những tin đồn đó đã làm cho nữ sĩ Chi Lan vô cùng buồn rầu. Có lúc, bà đã mượn giấc mộng để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình với mọi người trong cung nội: “Bấy nay tôi chầu hầu Thuận đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo… Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành?”.

Bách khoa toàn thư mở viết: Theo “Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa” của Nguyễn Dữ, năm ngoài 40 tuổi, bà Ngô Chi Lan mất, táng ở cánh bãi Tây Nguyên. GS. Trịnh Vân Thanh ghi Phù gia nữ học sĩ mất năm 41 tuổi, còn Ngô Văn Học chép bà mất ở tuổi ngoài 50. Sử liệu lại ghi, Vua Lê Thánh Tông mất ở tuổi 55. Nếu bà sinh trước vị vua này và bài thơ “Điếu vua Lê Thánh Tông” cũng đúng là của bà, tức bà mất sau vua Lê, thì thông tin của Ngô Văn Học là phù hợp hơn cả.

Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề Kim Hoa nữ học sĩ. Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình bà.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,