Nga không ‘xoay trục’ sang Châu Á bởi đã, đang và luôn là một phần của Châu Á

Ưu tiên của các quốc gia Châu Á là cùng hợp tác để phát triển, cùng hợp tác để đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới, cùng hợp tác vì hạnh phúc và thịnh vượng của các dân tộc chứ không phải là cạnh tranh địa chính trị.

Nga không ‘xoay trục’ sang Châu Á bởi đã, đang và luôn là một phần của Châu Á

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo “Tin Tức” (“Izvestia”) ngày 10/1/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga A.Yu Rudenko nói về định hướng chiến lược của Nga tới Châu Á.

– Thuật ngữ “Nga hướng sang Phương Đông” đã từng xuất hiện từ nhiều năm trước. Nhưng năm vừa qua chứng tỏ “hướng Đông” không chỉ là sự lựa chọn tự nguyện mà còn là cần thiết của Nga. Vậy, Nga đã thực hiện những bước đi cụ thể như thế nào để tăng cường cơ sở hạ tầng trên hướng Đông?

– Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao, chúng ta không thấy có lý do gì để nhấn mạnh chính sách “xoay trục sang Phương Đông”. Đất nước chúng ta đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Châu Á. Chúng ta đang hành động một cách tự tin và nhất quán để đảm bảo lợi ích quốc gia ở khu vực này của thế giới.
Hợp tác giữa Nga với các quốc gia trong khu vực này đang phát triển trong nhiều lĩnh vực. Đó là các mối quan hệ thương mại-kinh tế và đầu tư, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung, sự tương tác trong lĩnh vực bảo đảm năng lượng và lương thực-thực phẩm.

Kinh nghiệm của Nga đang được các đối tác Châu Á đón nhận trong các lĩnh vực đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, chống buôn bán ma túy và tội phạm xuyên biên giới. Chính sách đối ngoại cũng như yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng của các nước trong khu vực đánh giá cao vai trò của Nga.

Các khía cạnh nhân văn như trao đổi giáo dục, du lịch, chăm sóc sức khỏe chiếm vị trí vững chắc trong chương trình nghị sự Nga-Châu Á. Tiềm năng hợp tác y tế giữa Nga với các nước Châu Á đã từng phát huy hiệu quả rộng rãi trong thời kỳ đại dịch, còn trong nhiều năm qua, Nga đã hợp tác với các nước trong khu vực để cùng chung tay chống lại sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Chúng ta luôn ủng hộ và tiếp tục ủng hộ việc bảo tồn và củng cố lối sống, tính đa dạng văn hóa, truyền thống đặc sắc và bản sắc của các dân tộc Châu Á. Điều này chắc chắn gây ấn tượng tốt đẹp đối với các đối tác của chúng ta.

Chúng ta đang đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế đa phương đang có hiệu lực trong khu vực. Trong đó, Tổ chức hợp tác Thượng Hải đóng vai trò là yếu tố gắn kết hệ thống trong cấu trúc khu vực. Quan hệ giữa Nga với ASEAN đã trải qua 4 thập niên và trong năm tới sẽ tròn 5 năm kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Nga là một bên tham gia tích cực các định dạng lấy ASEAN làm trung tâm như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN về an ninh, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các Đối tác đối thoại.

Nhờ hoạt động có định hướng đích rõ ràng của Nga với khu vực đã tạo dựng được các nền tảng cần thiết để trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ nhiều mặt của Nga ở Châu Á. Trước hết là trong lĩnh vực thương mại mà hiện đang được tích cực định hướng lại từ hướng Tây.

Vấn đề ở đây không phải là “buộc phải”, hay như quý vị nói là liên quan tới nhu cầu bức thiết phát sinh kể từ năm 2022 phải hướng sang Châu Á mà là, trên thực tế, so với hoạt động của Nga ở Phương Tây, hoạt động đối ngoại của Nga ở Châu Á đã không được phản ánh rộng rãi như trong thời gian gần đây.

– Ngoài Trung Quốc, Nga còn có những “trụ cột” quan trọng nào khác ở khu vực Châu Á rộng lớn?

– Một trong những không gian quan trọng đối với chúng ta là Đông Nam Á – nơi Nga vừa tương tác song phương với từng quốc gia, vừa tương tác với toàn bộ ASEAN. Chúng ta đang phát triển hợp tác đa lĩnh vực với Ấn Độ. Các chương trình hợp tác rộng rãi đang được triển khai với Mông Cổ, trong đó có cả hợp tác ba bên Nga – Mông Cổ – Trung Quốc.

Chúng ta đang tăng cường quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương, trong đó Nga đã có được vị thế đối tác đối thoại trong năm ngoái trong thể chế khu vực rộng lớn là Hiệp hội hợp tác khu vực của các quốc gia ven biển của Ấn Độ Dương (ARSIO). Còn động lực tăng trưởng chính, thậm chí là mang tính hệ thống, vẫn là SCO-không gian hợp tác mở rộng và đang ngày càng được củng cố.

– Mọi người đã biết, ngay từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Hoa Kỳ và các đồng minh Phương Tây đã ráo riết thúc đẩy giới lãnh đạo chính trị ở các khu vực khác nhau trên thế giới lên án Nga và tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga. Nhưng nhiều quốc gia đã giữ thái độ trung lập. Theo ông, liệu nỗ lực của Mỹ lôi kéo các nước Châu Á vào mặt trận chống Nga có được tiếp tục trong năm mới? Và Moskva có thể đối phó thế nào?

– Cơn ác mộng kinh tế và chính trị chủ yếu đối với Phương Tây trong khuôn khổ đường lối chiến lược chống Nga của họ, bất kể Nga có phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina hay không, xuất phát từ những động cơ sâu xa khác- chính là mối quan hệ đang phát triển năng động của chúng ta với Châu Á.

Trước đây, các đối thủ của Nga đã không thành công trong việc kiềm chế Nga. Còn năm 2022, xét từ quan điểm chính trị và kinh tế thế giới, mọi chuyện đã được đặt về đúng vị trí, trong đó có bối cảnh định hình các đường nét của trật tự thế giới tương lai, và cho thấy thế giới ngày nay tư duy theo những khái niệm khác và không muốn tuân thủ “luật chơi” do Phương Tây áp đặt. Các quốc gia có định hướng tích cực không vội đăng ký gia nhập “liên minh những người cùng chí hướng” khép kín mới, không vội vàng đầu tư nguồn lực vào việc hình thành các khối để thúc đẩy tham vọng địa chính trị và địa kinh tế của Washington và các đồng minh. Những nỗ lực này đang được hội tụ vào “lò luyện” của nội bộ Phương Tây. Hãy để cho các động thái này nằm lại ở đó.

Chúng ta đã thấy rõ, các ưu tiên của các quốc gia Châu Á là cùng hợp tác để phát triển, cùng hợp tác để đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới, cùng hợp tác vì hạnh phúc và thịnh vượng của các dân tộc chứ không phải là cạnh tranh địa chính trị, là phân chia lại thị trường và đóng cửa các chuỗi sản xuất và logistic.

Các chính trị gia và nhà ngoại giao Phương Tây đi khắp khu vực để thuyết phục các nước hủy bỏ các chương trình hợp tác với Nga. Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông và Nam Á – nói theo nghĩa bóng, lại đang “xếp hàng” để gia nhập SCO. Họ thể hiện rõ ràng sự quan tâm đến không gian hợp tác quốc tế cùng có lợi, [SCO gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tagkistan, Kyrgystan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Tại Hội nghị SCO 2022, Iran được kết nạp vào SCO. Quan sát viên của SCO gồm Belarus, Mông Cổ, Afghanistan. Đối tác đối thoại của SCO có Campuchia, Armenia, Azerbaijan, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ].

Chúng ta thấy triển vọng mở rộng khuôn khổ hợ tác của Nhóm BRICS [gồm Nga, Trung Quốc, Brasil, Cộng hòa Nam Phi. Năm 2022, Argentin và Iran nộp đơn xin gia nhập BRICS].

Nga vẫn không dừng lại bất kỳ lĩnh vực hợp tác nào với ASEAN. Hơn nữa, năm 2022 đã trở thành Năm trọng tâm hợp tác khoa học-kỹ thuật Nga-ASEAN. Chúng ta phát triển các mối quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, an ninh, giáo dục, du lịch, chăm sóc sức khỏe và hoạt động tình nguyện. Những chủ đề này là cấp thiết và dễ hiểu đối với tất cả các quốc gia. Do đó, Nga không cần phải đối phó với bất kỳ điều gì và với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực này.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM

Tags: ,