Nga không phải bên khơi mào mà chỉ là bên kết thúc cuộc chiến ở Ukraina

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov trả lời các câu hỏi tại Diễn đàn “Đối thoại Raisin” ở New Delhi ngày 3/3/2023, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina.

Nga không phải bên khơi mào mà chỉ là bên kết thúc cuộc chiến ở Ukraina

– Điều gì khiến Nga tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài do sự mở rộng của NATO?

Sergey Lavrov: Tôi cho rằng những người tập trung ở đây là các nhà khoa học chính trị quan tâm và theo dõi những gì đang diễn ra trên trường quốc tế. Trong trường hợp này, lẽ ra họ phải hiểu rõ lý do khiến chúng tôi đã phải quan ngại trong hơn 20 năm qua về chính sách của Phương Tây đối với Nga.

Hôm qua, Đại sứ Pháp tại Israel E.Danon, người đã từng đích thân tham gia cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Phương Tây với M.S.Gorbachev, xác nhận Liên minh Bắc Đại Tây Dương thực sự đã đảm bảo với Liên Xô rằng sẽ không bành trướng sang phía Đông. Sau đó, ông nói thêm rằng điều này không có nghĩa là Nga có quyền làm những gì họ đang làm ở Ukraina.

Nhưng giữa những lời nói dối họ sẽ không mở rộng NATO và những sự kiện bắt đầu một năm trước, có rất nhiều sự thật không thể bỏ qua. Họ không chỉ nói dối về những lời hứa trước đây mà còn tiếp tục nói dối về những cam kết đã được xác định bằng văn bản.

Hội nghị thượng đỉnh OSCE ở Istanbul năm 1999 đã thông qua bản tuyên bố chính trị ở cấp cao nhất, trong đó xác định nguyên tắc cơ bản về tính không thể chia cắt của an ninh. Theo nguyên tắc này, các quốc gia tuy có quyền lựa chọn đồng minh nhưng không thể vì tăng cường an ninh của mình trong khu vực không gian của Tổ chức mà làm tổn hại đến an ninh của những quốc gia khác. Một nguyên tắc quan trọng khác cũng đã được các tổng thống và thủ tướng ký trong Tuyên bố này là không một quốc gia hay tổ chức nào có quyền tuyên bố giành quyền thống trị trong khu vực OSCE. Nếu các quý vị đọc lại những nguyên tắc này thì thấy rất rõ là NATO đã vi phạm tất cả các cam kết này. Tất cả những nguyên tắc này đã được tái xác nhận nguyên văn vào năm 2010 tại Hội nghị thượng đỉnh OSCE ở Astana.

Chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi về cam kết của họ là không tăng cường an ninh của mình bằng cái giá phải trả là làm tổn hại an ninh của chúng tôi, hỏi liệu họ có thể ngừng mở rộng NATO hay không. Họ trả lời rằng đó chỉ là một cam kết chính trị. Chúng tôi đề nghị nếu đây chỉ là một cam kết chính trị thì nên biến nó thành một hiệp ước có tính ràng buộc về pháp lý xác định nguyên tắc không thể chia cắt an ninh. Các quý vị có biết họ nói với chúng tôi những gì không? Họ nhìn thẳng vào mắt chúng tôi và nói rằng các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý chỉ có thể được trao cho các thành viên NATO mà thôi. Chúng tôi chỉ rõ rằng chính Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký văn kiện này. Họ trả lời: không, đây chỉ là một cam kết chính trị, hãy quên nó đi.

Có một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý khác. Đó là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết xác nhận Thỏa thuận Minsk. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những người ký Thỏa thuận Minsk, ngoại trừ Tổng thống Vladimir Putin, đều công khai khẳng định rằng họ không bao giờ có ý định thực hiện Nghị quyết này của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Rõ ràng là, họ đã không thực hiện các nghĩa vụ bằng lời nói, văn bản và các văn kiện có tính ràng buộc pháp lý. Tất cả những hành động này được đi kèm với hoạt động của các cố vấn của NATO huấn luyện quân đội Ukraina, tuồn nhiều vũ khí hơn cho Ukraina. Cựu Thủ tướng Đức A. Merkel, cựu Tổng thống Pháp F. Hollande, cựu Tổng thống Ukraina P. A. Poroshenko và V. A. Zelensky nói rằng Thỏa thuận Minsk chỉ là nhằm câu giờ để tuồn thêm vũ khí [cho Ukraina].

Nếu các quý vị xem các báo cáo của Phái bộ Giám sát Đặc biệt của OSCE thì có thể thấy rằng họ đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các vụ pháo kích vào Donbass vào đầu tháng 2/2022, gấp 20-30 lần so với trước đây.

Chúng tôi bảo vệ an ninh của chúng tôi và bảo vệ người dân Nga, những người đã bị P.A. Poroshenko và V.A. Zelensky tước bỏ quyền sử dụng tiếng Nga trong giáo dục, trên các phương tiện truyền thông, trong văn hóa và những nơi khác. Ngay sau cuộc đảo chính [tháng 2/2014] và đưa chế độ tân quốc xã lên nắm quyền, luật pháp Ukraina đã chính thức bãi bỏ mọi thứ liên quan đến tiếng Nga. Những người dân ở miền Đông Ukraina và Krym không chấp nhận cuộc đảo chính vi hiến này và yêu cầu được để họ sống bình yên và sẽ không tuân theo chính sách này [liên quan đến tiếng Nga] đã bị chính quyền Kiev tuyên bố là “những kẻ khủng bố”. Từ đó, chính quyền Kiev bắt đầu tiến hành cuộc chiến chống lại họ. Thỏa thuận Minsk được ký kết chính là nhằm mục đích ngăn chặn hiểm họa này.

Trên thực tế, không khó để thực hiện Thuận Minsk. Đó là trao quy chế đặc biệt cho một bộ phận nhỏ của người dân ở miền Đông Ukraina. Bộ phận này nhỏ hơn nhiều so với diện tích lãnh thổ hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Nhưng họ không muốn làm điều đó. Bởi vì quy chế đặc biệt được trao cho lãnh thổ nhỏ này chỉ ngụ ý là trao cho họ quyền sử dụng tiếng Nga. Thế nhưng điều này đã bị chế độ tân quốc gia lên nắm quyền ở Ukraina sau một cuộc đảo chính coi là điều cấm kỵ, Quy chế đặc biệt còn bao gồm quyền có lực lượng cảnh sát địa phương (điều này không có gì lạ) cũng như thỏa thuận về các ứng cử viên thẩm phán và công tố viên được chỉ định cho khu vực. Quy chế này gần giống với quy chế đã được hứa trao cho người Serbi ở Kosovo vào năm 2013. Đây là 2 năm trước khi có Thỏa thuận Minsk. Đây là nói về Cộng đồng người Serbi ở Kosovo. Đây là thủ đoạn và mánh khóe lừa dối người Serbi trong Cộng đồng người Serbia ở Kosovo và Cộng đồng người Nga trong Thỏa thuận Minsk. Quy chế đặc biệt cho người Serb ở Kosovo người Nga ở Ukraina. Trong cả hai trường hợp, đại diện của EU là Đức và Pháp cũng như Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU. Họ đều không thực hiện Thỏa thuận Minsk và lời hưá cho người Serbi ở Kosovo.

 – Chiến tranh hay chiến dịch quân sự này (bất kể Ngài gọi đó là gì), không một vụ đánh bom nào có thể thay đổi trái tim và khối óc. Đây là cách tồi tệ nhất để làm điều đó. Khi nào tất cả điều này sẽ kết thúc?

– Liệu trong những năm này, quý vị có quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Iraq và Afghanistan không? Quý vị đã khi nào hỏi Mỹ và NATO rằng họ có tin vào những gì họ đang làm không?

Giờ đây, Thủ tướng Đức O. Scholz, Bộ trưởng Ngoại giao Đức A. Berbock, Tổng thống Pháp E. Macron và những người khác nói rằng Đạo luật Helsinki cuối cùng đã bị vi phạm lần đầu tiên. Họ dường như không nhớ năm 1999, khi Serbia bị ném bom. Vào thời điểm đó, J. Biden là thượng nghị sĩ khoe khoang rằng một năm trước khi xảy ra vụ đánh bom Serbia, chính ông là người ủng hộ cách tiếp cận này và tin rằng họ nên ném bom toàn diện quốc gia này. Iraq đã bị phá hủy như một quốc gia sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Collin Powell cho xem một ống nghiệm có một loại bột nào đó, và sau đó vài năm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố rằng đó là một “sai lầm”.

Quý vị có tin rằng Hoa Kỳ có quyền tuyên bố mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của họ ở bất cứ đâu trên Trái đất này như họ đã từng làm ở Nam Tư, Iraq, Libya và Syria, nằm cách Đại Tây Dương 10 nghìn dặm. Họ có quyền làm như vậy và quý vị không hỏi họ một câu hỏi nào.

Nga đã không hành động một cách tùy tiện như họ đã làm ở Iraq và những nơi khác. Trong mười năm qua, Nga đã cảnh báo rằng họ đang làm những điều có thể dẫn đến kết cục tồi tệ. Điều tồi tệ này không xảy ra ở bên kia đại dương mà ở sát biên giới của chúng tôi và tại các khu vực lãnh thổ có người Nga định cư trong nhiều thế kỷ. Nếu đây không phải là tiêu chuẩn kép, thì tôi không phải là bộ trưởng.

– Chúng ta không nói về Iraq hay Afghanistan mà là các cuộc chiến kéo dài để bảo vệ những lợi ích đó không mang lại thành công. Người Mỹ đã không thành công, tại sao Ngài nghĩ rằng Nga sẽ thành công?

– Chúng ta đang nói về cuộc chiến hủy hoại tiếng Nga ở Ukraina. Quý vị có thể tưởng tượng rằng Ireland cấm sử dụng tiếng Anh, Bỉ cấm sử dụng tiếng Pháp, Thụy Sĩ cấm sử dụng tiếng Đức, Phần Lan cấm sử dụng tiếng Thụy Điển? Quý vị có thể tưởng tượng được không? Dĩ nhiên là không. Nhưng không một quốc gia nào nhắc đến chuyện tiếng Nga bị cấm sử dụng hoàn toàn ở Ukraina. Chúng tôi đã gõ cửa tất cả: OSCE, Hội đồng Châu Âu để hỏi tại sao các quý vị không bảo họ làm điều gì đó và hãy cư xử bình thường. Trong suốt 8 năm, tôi không nhớ câu hỏi này có được nêu ra tại hội nghị của các quý vị không.

– Tất cả tình hình này sẽ dẫn đến đâu? Các quốc gia trong khu vực đang cảm thấy tác động của những gì đang xảy ra. Lương thực, phân bón, năng lượng…

– Các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng không phải bởi những gì chúng tôi đang làm ở Ukraina mà là bởi phản ứng của Phương Tây đối với hành động của chúng tôi ở đó sau khi chúng tôi đã cảnh báo họ trong nhiều thập kỷ ngừng mở rộng NATO và cung cấp vũ khí cho Ukraina để họ chuẩn bị cuộc chiến chống lại chúng tôi.

Hôm qua tôi đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng G20. “Những người bạn” Phương Tây của chúng tôi đã hét vào micrô rằng “Nga cần phải thế này thế nọ”. Tất cả các đại biểu đến từ các nước đang phát triển đều cho biết họ “muốn ngừng chiến tranh” nếu Nga sẵn sàng đàm phán.

Nếu quý vị thực sự quan tâm đến chính trị và nguyên nhân sâu xa của tình hình cụ thể này, thì quý vị sẽ biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden, Ngoại trưởng Hoa Kỳ E.  Blinken, Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Châu Âu J. Borrell, đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng Nga cần “đánh thắng”, phải giáng cho Nga “đòn thất bại chiến lược”. Theo họ, đây là một vấn đề mang tính sống còn đối với Phương Tây liên quan tới tham vọng thống trị toàn cầu. Một cách tiếp cận ngu ngốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20, người ta chỉ bàn về việc phải làm gì với Ukraina, còn trong Tuyên bố cuối cùng – liệu có đưa vấn đề Ukraina vào không. Tôi đã hỏi những người bạn Ấn Độ và Indonesia của chúng tôi đã từng chủ trì các hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất (cũng như những người đã từng tổ chức hội nghị G20 trước họ trong nhiều năm) liệu tình hình ở Iraq, Libya, Afghanistan hay Nam Tư có bao giờ được phản ánh trong các tuyên bố cuối cùng hay không. G20 được thành lập vào năm 1999 ở cấp bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương, vào năm 2008 trở thành hội nghị thượng đỉnh. Tất cả thành viên đều phớt lờ hết mọi thứ, ngoại trừ chủ đề tài chính và chính sách kinh tế vĩ mô mà vì nó mà G20 đã được thành lập.

Hiện tại, phàm bất cứ điều gì Phương Tây làm đều được cho là thuộc quyền của họ, còn việc Nga bắt đầu tự bảo vệ mình sau nhiều năm cảnh báo thì không ai quan tâm tại hội nghị thượng đỉnh hơn là tình hình Ukraina. Thật đáng xấu hổ. Một chính sách như vậy chắc chắn sẽ thất bại. Nếu họ nói điều đó [tình hình Ukraina] có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với họ, thì điều đó cũng quan trọng sống còn đối với chúng tôi.

– Nhưng có nhiều quốc gia muốn cuộc chiến này kết thúc để có hòa bình. Họ muốn một số ranh giới được thiết lập và các cuộc đàm phán bắt đầu. Nhưng mục tiêu cuối cùng là gì? Cuộc chiến này không thể kéo dài mãi mãi, hoặc nó có thể bắt đầu lại sau hai mươi năm nữa. Và Afghanistan sẽ được lặp lại nhiều lần.

– Quý vị biết đấy, quý vị xứng đáng là một nhà tuyên truyền lý tưởng theo phong cách Xô-viết, kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến sự.

Tôi đang cố gắng giải thích đây không phải là chuyện trắng, đen. Nỗi đau khổ của người khác không liên quan đến những gì chúng tôi đang làm ở Ukraina để bảo vệ chính mình. Những nỗi đau đó có liên quan đến các biện pháp trừng phạt, chính sách tống tiền và bá quyền của Phương Tây. Ngoại trưởng Hoa Kỳ E. Blinken, Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU J. Borrell, các bộ trưởng Châu Âu đi khắp thế giới và chỉ dẫn các quốc gia khác cách hành xử theo hướng ủng hộ các biện pháp trừng phạt, cách thức bỏ phiếu khi họ được thông báo v.v. Nếu họ là những nhà dân chủ lớn như vậy thì cần tôn trọng quyền của các quốc gia khác thể hiện lập trường riêng của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích rõ ràng trước khi chúng tôi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, là tại sao chúng tôi lại làm điều này và rằng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Phương Tây lên án chiến dịch đó. Nên đối xử với người khác như những người trưởng thành hơn là chỉ cho họ biết họ nên đi theo quan điểm nào. Các nước đang phát triển hầu như im lặng cho đến khi Phương Tây bắt đầu tống tiền và đe dọa họ rằng sẽ có hành động chống lại những người không ủng hộ lệnh áp đặt trừng phạt chống Nga. Nhiều bạn bè của tôi ở các nước đang phát triển đã nói với tôi điều này xảy ra như thế nào. Người Mỹ nói với các nước đang phát triển cách bỏ phiếu. Họ đồng ý bỏ phiếu như họ được yêu cầu bởi vì họ tin rằng điều này có thể được giải thích bằng các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc v.v. Nhưng họ tự hỏi họ sẽ nhận lại được gì. Câu trả lời của người Mỹ là “quý vị sẽ không bị trừng phạt”. Đây được gọi là “thỏa thuận công bằng”.

Tôi có khá nhiều bạn ở New York. Tôi đã nói chuyện với họ trong chuyến đi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong năm 2022. Nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết trong số họ, nói rằng họ hoàn toàn hiểu những gì đang xảy ra và chúng tôi không nên tức giận với họ về ý kiến của họ trong quá trình bỏ phiếu. Họ đưa ra những lập luận mà người Mỹ đã sử dụng khi thuyết phục họ phát biểu tại Đại hội đồng chống lại Nga. Các lập luận rất đơn giản: hãy nhớ rằng họ có tài khoản ở ngân hàng này ngân hàng kia, và con cái họ học tại Đại học Stanford. Rất trắng trợn.

Tôi tin rằng nhiều người trong căn phòng này biết đây là sự thật.

– Rõ ràng là cả hai bên nên ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra giải pháp. Phải có một biên giới ở đâu đó, và các nhà ngoại giao phải có cơ hội một lần nữa?

– Mọi người luôn hỏi khi nào thì Nga sẵn sàng đàm phán. Phương Tây liên tục nói rằng chưa phải là lúc để đàm phán bởi Ukraina phải “giành chiến thắng trên chiến trường” trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Không ai hỏi V.A. Zelensky khi nào ông ấy sẽ đàm phán. Khi chuẩn bị chủ đề này cho cuộc đối thoại hôm nay, quý vị nên tính đến việc trongtháng 9/2022, V.A. Zelensky đã ký một sắc lệnh theo đó đàm phán với Nga trong thời gian Tổng thống Vladimir Putin đang cầm quyền là trọng tội hình sự. Vậy thì có nên đặt câu hỏi này không? Có thể quý vị nên mời V.A. Zelensky và hỏi ông ta xem đang làm gì không?

– Chiến tranh đã ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của Nga như thế nào? Liệu chính sách này sẽ được tái tập trung vào các nước Châu Á? Nếu điều này xảy ra, sẽ có nguồn cung cấp khí đốt cho Ấn Độ?

– Cuộc chiến mà Nga đang ra sức chấm dứt và được phát động chống lại chúng tôi bằng cách sử dụng người Ukraina, tất nhiên, đã ảnh hưởng đến chính sách của Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng. Nói về những gì đã thay đổi, chúng tôi có thể nói thẳng: chúng tôi sẽ không còn phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào ở Phương Tây và sẽ không cho phép họ làm nổ tung đường ống dẫn khí đốt một lần nữa. Nhân tiện, Nga đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra, nhưng yêu cầu của chúng tôi đã bị từ chối ngay lập tức và người Mỹ gọi yêu cầu đó là ngu ngốc.

Ai cũng thấy phản ứng của Châu Âu và Mỹ khi nhà báo S. Hersh công bố kết quả điều tra của mình. Nước Đức bị sỉ nhục về thể chất và tinh thần. Mọi thứ đang diễn ra hiện nay đều nhằm mục đích làm giảm tầm quan trọng của Châu Âu, biến nó thành một kẻ luôn bị phụ thuộc vào Hoa Kỳ, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nước Châu Âu và rõ ràng là nhằm phá hủy mối quan hệ kinh tế giữa Nga và EU. Đây là sự thật. Đây là sự lựa chọn của họ. Điều này khẳng định luận điệu về tầm quan trọng của những gì đang xảy ra đối với Phương Tây về khả năng thống trị của họ trên trường quốc tế. Mọi chuyện rồi sẽ trở lại đúng vị trí.

Chính sách năng lượng của Nga sẽ hướng tới các đối tác đáng tin cậy, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: , , ,