Mô hình Bắc Âu: Câu chuyện thần thoại đang đi đến hồi kết?

Câu chuyện về “Thần thoại Bắc Âu” – một mô hình xã hội được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ II đang phải đối mặt với thách thức toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị. Điều này đương nhiên không có nghĩa là các nước Bắc Âu sẽ đi đến suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị, nhưng có thể khiến người ta càng chú ý hơn đến điều kiện khách quan mà “tấm gương ưu tú” này dựa vào để tồn tại trong cộng đồng quốc tế. Mỗi nước cần phải lựa chọn con đường đi tới hiện đại hóa theo tình hình thực tế của chính nước của mình. Kinh nghiệm của các nước khác có thể tham khảo, nhưng không bao giờ trở thành quy tắc vàng.

Mô hình Bắc Âu: Câu chuyện thần thoại đang đi đến hồi kết?

Tác giả: Điền Đức Văn, nghiên cứu viên, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Biên dịch: Nguyễn Phượng.

Bắc Âu bao gồm năm quốc gia là Đan Mạch trên bán đảo Jutland, Na Uy và Thụy Điển trên bán đảo Scandinavia, Phần Lan và Iceland, cũng như các lãnh thổ thuộc Đan Mạch là Quần đảo Faroe và Greenland, quần đảo Åland của Phần Lan và quần đảo Svalbard của Na Uy. Sau Thế chiến II, Bắc Âu từng bước trở thành “sự tồn tại thần thoại” – kinh tế phát triển, phúc lợi ưu việt, chính trị ổn định, xã hội yên bình, nghiễm nhiên trở thành “tấm gương ưu tú” trong phát triển trên toàn thế giới. “Mô hình Bắc Âu” từng trở thành mô hình phát triển hấp dẫn trên toàn cầu.

Vị trí kinh tế vượt trội và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú

Trên thực tế, sự phát triển và thịnh vượng của Bắc Âu phần lớn là do điều kiện tự nhiên của chính nó.

Thứ nhất, vị trí kinh tế của các nước Bắc Âu rất thuận lợi. Do nằm trên các bán đảo và đảo ở phía tây bắc châu Âu, Bắc Âu không chỉ có thể tận hưởng những tác động lan tỏa và bức xạ của năm nền kinh tế Tây Âu mà còn tránh được ở một mức độ nhất định việc tiếp tục xảy ra xung đột giữa các cường quốc. Thứ hai, năm quốc gia Bắc Âu đều là những quốc gia nhỏ với lãnh thổ rộng lớn và dân cư thưa thớt. Thụy Điển, quốc gia đông dân nhất, chỉ có 10,3 triệu người, mật độ dân số 24,6 người/km2. Đan Mạch, nơi có mật độ dân số cao nhất, 136,5 người/km2 nhưng dân số chỉ 5,84 triệu người. Phần Lan có dân số 5,539 triệu người, Na Uy có dân số 5,534 triệu người và Iceland, quốc gia ít dân số nhất, chỉ có 370.000 người, với mật độ dân số 3,4 người/km2. Thứ ba, năm quốc gia Bắc Âu có khí hậu ôn hòa. Mặc dù đều thuộc vĩ độ cao nhưng do ảnh hưởng của dòng biển nóng Bắc Đại Tây Dương nên Bắc Âu có những khu vực ấm áp và ẩm ướt, thích hợp cho con người sinh sống. Thứ tư, năm nước Bắc Âu có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, giàu tài nguyên thủy sản, lâm nghiệp và khoáng sản. Na Uy và Đan Mạch cũng là những nước phát triển dầu mỏ chính ở Biển Bắc. Na Uy là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới và là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu. Rõ ràng, nói về sự thành công của “mô hình Bắc Âu” không thể không nói tới những điều kiện này thuộc về yếu tố tạo ra “thần thoại”. Hơn nữa, Bắc Âu thực tế đã trải qua những thay đổi sâu sắc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đẩy nhanh sự thay đổi này, và “thần thoại Bắc Âu” sắp bước vào hồi kết.

Từ bỏ chính sách trung lập không liên minh

Tiền đề quan trọng để hình thành “Thần thoại Bắc Âu” là sau Thế chiến II, châu Âu tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định. Năm quốc gia Bắc Âu nằm ở góc Tây Bắc châu Âu. Từ thời cận đại tới nay họ luôn cố gắng tránh xa các cuộc  tranh chấp giữa các cường quốc. Chính sách quốc gia như vậy tuy không thể giúp họ hoàn toàn đứng ngoài hai cuộc chiến tranh thế giới, nhưng thiệt hại họ phải chịu ít hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, Đan Mạch, Na Uy và Iceland trở thành thành viên sáng lập NATO. Trong khi Thụy Điển và Phần Lan, những quốc gia gần gũi với Liên Xô, theo đuổi chính sách không liên kết quân sự và duy trì vị trí trung lập để không trở thành tiền đồn của cuộc đối đầu Mỹ-Liên Xô. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang vào năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Mặc dù gặp phải một số trở ngại do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, nhưng Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO vào ngày 4/4/2023, tiến trình gia nhập của Thụy Điển cũng đang tăng tốc hoàn thành với sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 01 và Hungary vào tháng 02 năm nay. Phần Lan và Thụy Điển lựa chọn gia nhập NATO trong cuộc khủng hoảng Ukraina không phải vì sợ Nga mà vì họ không còn sợ Nga nữa. Đồng thời lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraina để thay đổi chính sách trung lập còn sót lại trong lịch sử, hoàn toàn hội nhập vào phe phương Tây do Mỹ lãnh đạo.

Trong lịch sử, Thụy Điển và Phần Lan giữ vững trung lập đều là lựa chọn bất đắc dĩ thậm chí cảm thấy hổ thẹn. Thụy Điển từng là một cường quốc vùng biển Baltic, bị suy yếu do thất bại hoàn toàn trong cuộc “Chiến tranh phương Bắc” từ năm 1700-1721 với Nga Sa hoàng và chuyển sang theo đuổi chính sách trung lập không liên kết. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Thụy Điển luôn đi trên dây giữa thân Đức và thân Anh, Pháp, không chỉ bảo vệ đất nước khỏi sự tàn phá của chiến tranh mà còn kiếm được rất nhiều tiền từ chiến tranh. Có thể nói rằng Thụy Điển được hưởng lợi ích rất nhiều trong chính sách trung lập của mình. Ngược lại, đằng sau sự trung lập của Phần Lan là một đoạn lịch sử muốn quên đi. Từ tháng 11/1939 đến tháng 3/1940, Phần Lan đã tham gia vào “Chiến tranh mùa đông” thảm khốc với Liên Xô. Liên Xô đã chiếm được vùng Karelia, bao gồm Vyborg, thành phố lớn thứ hai của Phần Lan. Vào tháng 6/1941, Phần Lan đã phối hợp với Đức Quốc xã để chiếm lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng luôn không công nhận quan hệ đồng minh với Đức. Chính sách “trung lập” này để lại không gian cứu vãn tương đối lớn cho Phần Lan. Tháng 2/1944, Phần Lan quyết định “nổi dậy”, đảo ngược chính sách khi nhìn thấy chiến thắng của Liên Xô. Nhờ vậy, họ không cùng Đức trở thành nước bại trận. Trong chiến tranh và sau chiến tranh, chính quyền Phần Lan đã xác lập con đường trung lập cho ngoại giao nước này. Hiển nhiên, Thụy Điển và Phần Lan đều có ân oán lịch sử với Nga, sau chiến tranh họ không gia nhập NATO ngay lập tức chỉ là không muốn trở thành trận địa tiền tuyến trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô mà thôi.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995, hợp tác với NATO ngày càng tăng. Trên thực tế, họ đã từ bỏ chính sách không liên kết từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh NATO liên tục mở rộng về phía đông, hai nước vẫn chọn ở bên ngoài NATO. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang, Thụy Điển và Phần Lan đã tích cực tham gia vào các hoạt động của NATO để hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Trong đó, Phần Lan có đường biên giới 1.200 km với Nga tích cực triển khai viện trợ Ukraina. Đến tháng 2/2024, viện trợ quân sự của Phần Lan cho Ukraina đã đạt 22 đợt, đã quyên tặng trang bị quân sự trị giá hàng tỷ USD, trong đó có máy bay chiến đấu F-16. Ngày 13/12/2023, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy đã đến Oslo, Na Uy, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraina-Bắc Âu lần thứ hai, trong đó 5 quốc gia Bắc Âu cam kết viện trợ và thiết bị quân sự hàng tỷ USD cho Ukraina. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Hạ viện Mỹ giữ viện trợ quân sự cho Ukraina. Các nước Bắc Âu dám làm thể hiện thái độ diều hâu như vậy đối với Nga, không phải vì họ tin rằng NATO sẽ đảm bảo an ninh cho họ mà vì họ tin rằng Nga không có khả năng hoặc thậm chí không sẵn sàng gây chiến với họ. Quả thực, phản ứng của Nga đối với việc Phần Lan gia nhập NATO chỉ nhấn mạnh hành động này sẽ gây “ảnh hưởng tiêu cực” đối với quan hệ Nga-Phần Lan. Biện pháp ứng phó chủ yếu chẳng qua là thành lập “Quân khu Leningrad” mà thôi.

Không có bằng chứng nào cho thấy việc Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ vị thế trung lập là kết quả áp lực từ bên ngoài. Đối với họ, giữ thái độ trung lập trong các hành động tập thể của phương Tây là một chính sách đối ngoại độc lập. Điều này có thể gây ra rủi ro cao hơn so với việc chủ động gây sức ép với Nga, một món nợ mà Phần Lan và Thụy Điển cần tính toán. Trên phương diện “Thần thoại Bắc Âu”, sự viện trợ mạnh mẽ của các nước Bắc Âu cho Ukraina đã thay đổi hình tượng giữ gìn hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ II của họ, và không thể đánh giá thấp sự xói mòn quyền lực mềm này.

Cuộc khủng hoảng nhà nước phúc lợi sâu sắc

Các nước Bắc Âu là quốc gia phúc lợi điển hình nhất của phương Tây. Điểm chung của họ là nhà nước cung cấp cho người dân sự chăm sóc phúc lợi toàn diện “từ khi sinh ra đến khi chết đi” thông qua thuế cao. Nó bao gồm chế độ thai sản, chăm sóc trẻ em, giáo dục, việc làm, chế độ tai nạn lao động, chế độ thất nghiệp, chăm sóc người già, nhà ở, chăm sóc y tế, tang lễ, v.v. Đặc điểm của “Mô hình Bắc Âu” về nhà nước phúc lợi được đặc trưng bởi phạm vi bao phủ toàn diện, mức độ cao, tỷ lệ lớn các dịch vụ xã hội và gánh nặng cá nhân tương đối nhỏ. Do đó, Bắc Âu từng được coi là khu vực có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Chỉ số Gini đo lường khoảng cách giàu nghèo đều nằm trong khoảng từ 0,2 đến 0,26, nằm ở mức thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay cả đối với những nền kinh tế phát triển như các nước Bắc Âu, vốn là những nước nhỏ, dân số ít, nguồn nội lực dồi dào, việc duy trì mô hình thuế cao-phúc lợi cao này không phải là điều dễ dàng. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước Bắc Âu cũng lần lượt tiến hành “cải cách chủ nghĩa tự do mới”, học theo các biện pháp như Anh và Mỹ thúc đẩy tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát tăng trưởng phúc lợi công cộng, thị trường hóa phúc lợi xã hội. Sau nhiều thập kỷ cải cách, cấu trúc cơ bản của nhà nước phúc lợi Bắc Âu không thay đổi, nhưng mô hình xã hội vẫn mang một số màu sắc của “mô hình Anh – Mỹ”.

Nhìn bề ngoài, áp lực cải cách ở các nước Bắc Âu chủ yếu đến từ khó khăn tài chính. Là khu vực có tỷ lệ chi tiêu công cao nhất châu Âu, sau nhiều thập kỷ cắt giảm, chi tiêu công hiện tại của 5 quốc gia Bắc Âu chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức trung bình của EU (46,3%). Trong số đó, Na Uy cao nhất đạt 63%. Với hơn 80% chi tiêu của Chính phủ dành cho phúc lợi xã hội, nhiều người cho rằng thuế cao do phúc lợi cao hạn chế động lực làm việc của người lao động Bắc Âu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Điều này chắc chắn không sai, nhưng trên thực tế, cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu của các nước Bắc Âu mới là nguyên nhân sâu xa thách thức tính bền vững tài chính của nhà nước phúc lợi. Ở bên ngoài mọi người hay nói vui rằng: “Kinh tế thế giới bị cảm mạo, kinh tế Bắc Âu bị sốt”. Năm 2009, GDP của Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Iceland lần lượt giảm 5,2%, 4,9%, 8,3%, 1,7% và 6,8%. Iceland trở thành quốc gia đầu tiên rơi vào khủng hoảng nợ công. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn chi tiêu phúc lợi cứng nhắc khó tránh khỏi làm trầm trọng thêm khó khăn về tài chính. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraina leo thang toàn diện, “Mô hình Bắc Âu” phải đối mặt với một làn sóng thách thức nghiêm trọng khác. Năm nước Bắc Âu đều gặp khó khăn do tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Theo thống kê của EU, GDP của Thụy Điển tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022, Phần Lan tăng 1,6% và Đan Mạch tăng 2,7%. Tất cả đều thấp hơn mức trung bình của EU là 3,4%. Na Uy và Iceland, những nước không gia nhập EU, đang ở trong tình trạng tốt hơn một chút, nhưng cũng có những vấn đề về cơ cấu. Bởi vậy có thể thấy được rằng mô hình nước nhỏ dân số ít mà “Thần thoại Bắc Âu” dựa vào chắc chắn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Những biến động bên ngoài chắc chắn sẽ đòi hỏi phải tăng cường tính linh hoạt trong chế độ phúc lợi cao.

Các nước phúc lợi xã hội ở Bắc Âu cũng đang phải đối mặt với những thách thức về đa dạng chủng tộc. Về cơ bản, phúc lợi cao của các quốc gia Bắc Âu là một hệ thống do Chính phủ vận hành, trong đó người dân chăm sóc lẫn nhau dựa trên sự cùng nhận thức về chủng tộc và tín ngưỡng. Sau những năm 1980, số lượng người nhập cư ở các nước Bắc Âu không ngừng tăng lên. Theo thống kê, đến năm 2020, số người nhập cư của Thụy Điện đã chiếm 19,8% tổng dân số, Iceland là 15,2%, Na Uy là 14%, Đan Mạch là 11%, Phần Lan là 6,4%. Tình trạng không hòa hợp giữa người nhập cư nước ngoài và người dân bản xứ Bắc Âu tồn tại phổ biến, gây xói mòn không nhỏ cho nền tảng phúc lợi xã hội của quốc gia. Bộ trưởng Di cư Maria Malmer Stenergard của Thụy Điển cho rằng, số lượng người nhập cư tăng lên những năm gần đây, kết hợp với sự hòa hợp xã hội kém đã dẫn đến sự phân biệt xã hội của Thụy Điển càng trở nên nổi bật. Hiện nay, tư tưởng cực đoan chống nhập cư đang ngày càng gia tăng ở các nước Bắc Âu. Rất nhiều người cho rằng nhập cư đã đe dọa đến văn hóa truyền thống, quan niệm giá trị và trật tự xã hội của đất nước mình. Mà điều này đối với chế độ nhà nước phúc lợi Bắc Âu lấy xã hội hài hòa công bằng làm mục tiêu mà nói không khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Sự đồng thuận chính trị chuyển hướng cực hữu

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Bắc Âu nhìn chung đã thiết lập một cơ cấu chính trị đồng thuận do các đảng dân chủ xã hội trung tả cầm quyền. Tôn trọng bình đẳng, đoàn kết xã hội, xây dựng giá trị nhà nước phúc lợi. Từ lâu đã thực hiện các chính sách của chủ nghĩa Keynes về việc làm cao, thuế cao, chi tiêu cao. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ tư tưởng chủ nghĩa dân chủ xã hội đã bị lép vế hoàn toàn bởi chủ nghĩa tân tự do Anh-Mỹ và ảnh hưởng của các đảng trung hữu ở Bắc Âu tăng lên rõ rệt. Trong những năm gần đây, các lực lượng cực hữu ở Bắc Âu đã nổi lên và hầu hết các quốc gia đều có sự tham gia của cực hữu trong liên minh cầm quyền. Về mặt tư tưởng, các nước Bắc Âu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đều đã trải qua quá trình chuyển đổi từ “chủ nghĩa dân chủ xã hội” sang “chủ nghĩa dân chủ tự do”, rồi đến “chủ nghĩa dân chủ dân tộc”.

Cả năm quốc gia Bắc Âu đều có hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ. Điều này khiến một Đảng khó có thể chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Các đảng cầm quyền thường phải thành lập chính phủ liên minh với các đảng khác để lên nắm quyền. Chế độ hợp tác đa đảng này muốn duy trì ổn định chính trị thì phải hình thành nhận thức chung về chính trị. Ưu điểm của nó là giúp đảm bảo cho các nhóm lợi ích và tầng lớp xã hội khác nhau đều có cơ hội tham gia chính trị, hình thành bầu không khí chính trị tương đối ổn định và ôn hòa. Nhưng khuyết điểm là dễ dàng tạo cơ hội cho các chính đảng cấp tiến tham gia chính trị. Chủ trương chính trị cực hữu càng có thể chuyển hóa thành quyết sách của chính phủ.Tháng 10/2022, Kristersson thuộc đảng ôn hòa cực hữu Thụy Điển lên nắm quyền. Ông là người được bầu làm Thủ tướng Thụy Điển với số phiếu thấp nhất kể từ năm 1978 (176 ủng hộ và 173 phiếu chống). Để duy trì vị trí quyền lực, Kristesson đã chọn thành lập Chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu. Mặc dù phe cực hữu không giành được một vị trí trong Chính phủ, nhưng Chính phủ liên minh đã phải thỏa hiệp với đảng về vấn đề nhập cư, giảm mạnh hạn ngạch người tị nạn hàng năm từ 6.400 xuống còn 900, đồng thời cũng lên kế hoạch trục xuất những người nhập cư có hành vi sai trái.

Khi sự đồng thuận chính trị chuyển sang cực hữu, ngay cả khi đảng trung tả nắm quyền, quan điểm chính trị của phe trung hữu và thậm chí cả phe cực hữu vẫn có thể gây ảnh hưởng không hề nhỏ. Kể từ tháng 6 năm 2019, Frederiksen thuộc Đảng Dân chủ Xã hội trung tả đã giữ chức Thủ tướng Đan Mạch. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022, Đảng Dân chủ Xã hội của bà giành được 90 ghế, trong khi liên minh cực hữu giành được 73 ghế. Cuối cùng, Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Tự do và Đảng Ôn hòa đã thành lập một chính phủ liên minh mới. Trong cuộc bầu cử này, Đảng Nhân dân Đan Mạch cực hữu chỉ nhận được 2,6% số phiếu bầu, nhưng tư tưởng chống nhập cư của đảng này vẫn có ảnh hưởng lớn đến chính phủ Đan Mạch.

Sự đồng thuận chính trị của các nước Bắc Âu đã làm xói mòn thần thoại chính trị Bắc Âu về tính nhân đạo, bình đẳng, hài hòa được xây dựng sau chiến tranh thế giới II. Thứ nhất, chỉ trích toàn cầu hóa không còn là điều cấm kỵ chính trị. Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử năm 2019 rằng “Đối vớ tôi mà nói, ngày càng thấy rõ ràng rằng cái giá phải trả cho toàn cầu hóa không được kiểm soát, nhập cư ồ ạt và sự dịch chuyển lao động tự do đều là giai cấp cơ sở phải chi trả”. Vì vậy Đan Mạch phải thực hiện chính sách tiếp nhận nhập cư nghiêm ngặt. Thứ hai, sự trỗi dậy của các lực lượng cực đoan. Ngày 03/09/2023 khi một người biểu tình chống Hồi giáo đốt kinh Koran công khai ở Malmo, thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển đã gây ra căng thẳng giữa Thụy Điển và các quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng tin Pháp AFP, gần một nửa dân số Malmo là người nhập cư hoặc đến từ các gia đình nhập cư, nơi “gần như ngày nào cũng xảy ra các vụ nổ súng và đánh bom”, khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Thứ ba, cải cách nhà nước phúc lợi ngày càng triệt để. Trong năm quốc gia Bắc Âu, Thụy Điển là nước có mức độ cải cách phúc lợi lớn nhất. Đã xuất hiện những thách thức như mức độ dịch vụ y tế công giảm, thiếu nhân viên y tế, phân bổ nguồn lực y tế không đồng đều. Để tiết kiệm chi phí tài chính, Chính phủ Thụy Điển cũng đã áp dụng biện pháp bãi bỏ một số đồn cảnh sát, cắt giảm lực lượng cảnh sát, làm tăng thêm rủi ro cho an ninh xã hội.

“Thần thoại Bắc Âu” được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai đang phải đối mặt với thách thức toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị. Điều này đương nhiên không có nghĩa là các nước Bắc Âu sẽ đi đến suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị. Nhưng có thể khiến người ta càng chú ý hơn đến điều kiện khách quan mà “tấm gương ưu tú” này dựa vào để tồn tại trong cộng đồng quốc tế. Mỗi nước cần phải lựa chọn con đường đi tới hiện đại hóa theo tình hình thực tế của chính nước của mình. Kinh nghiệm của các nước khác có thể tham khảo, nhưng không bao giờ trở thành quy tắc vàng. Có lẽ rằng, hiện nay, việc từ bỏ câu chuyện “Thần thoại Bắc Âu” sẽ có lợi hơn là việc học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG 

Tags: ,