⠀
Lá bài Đài Loan trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện tại
Hiện nay, với việc thông qua Đạo luật đi lại Đài Loan và xét tới những thay đổi nhân sự gần đây và có thể đang chờ giải quyết trong Chính quyền Trump, có một khả năng rất thực tế là ở một số thời điểm Trump có thể sử dụng lá bài Đài Loan theo cách có nguy cơ gây ra xung đột quân sự với Trung Quốc.
Bài viết của tác giả Daniel Lynch là giáo sư Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế, Đại học Thành phố Hồng Kông, theo sự điều chuyển của Đại học Southern California, Mỹ. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.
Ngày 16/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan theo cách sẽ khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Dự luật này được các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội đưa ra một năm trước và cả hai viện đã đồng loạt nhất trí thông qua vào tháng 2 này, lập luận rằng đó “phải là chính sách của Mỹ” để cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”. Bằng việc ký dự luật này, Trump đã phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng ông sẽ cân nhắc cho phép các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Đài Loan theo kiểu thường dành cho các nước có quan hệ ngoại giao chính thức.
Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình”. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.
Từ đầu những năm 1990 cho tới năm 2008, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường sức ép quân sự của mình lên Đài Loan. Sau năm 2008, Bắc Kinh đã không ngừng đe dọa Đài Loan nhưng đa phần hướng các năng lực quân sự của mình để đảm bảo tuyên bố mở rộng tới gần như tất cả các cấu trúc địa hình ở Biển Đông. Những quan ngại về chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ đã mất và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã dẫn đến những lời kêu gọi tăng cường cam kết của Mỹ với Đài Loan. Đề xuất khuyến khích tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Đài Loan đã được đưa ra vì những quan ngại này – đưa ra khả năng là cuộc tiếp xúc như vậy trên lý thuyết có thể nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Không may, Đạo luật đi lại Đài Loan hiện bị mắc trong mớ lộn xộn của Chính quyền Trump, và do vậy việc thi hành nó rất có khả năng sẽ làm xói mòn an ninh của Đài Loan hơn là tăng cường nó. Cùng lắm thì Trung Quốc sẽ chỉ coi Đạo luật đi lại Đài Loan như là một cái tát vô cớ vào mặt. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc sẽ coi nó như một mánh khóe để chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, một kịch bản mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận.
Bởi Chính quyền Trump khó lường và bất ổn, nên Trung Quốc vốn trên bờ vực chiến tranh thương mại với Mỹ, phải cân nhắc khả năng hết sức thực tế rằng Trump có thể cân nhắc tới việc thực hiện đạo luật này và cho phép tiến hành các cuộc trao đổi chính thức cấp cao với Đài Loan. Điều này sẽ càng có nhiều khả năng nếu một nhân vật như John Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia tiếp theo. Vào năm 2016, Bolton kêu gọi Washington sử dụng “Lá bài Đài Loan”, bằng mọi cách đưa ra đề xuất công nhận Đài Loan là một nhà nước nhằm ép buộc Bắc Kinh rút khỏi Biển Đông và tháo dỡ các căn cứ quân sự của nước này ở đó. Xét đến khả năng này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ phản đối kịch liệt Đạo luật đi lại Đài Loan, cảnh báo rằng “các điều khoản có liên quan đến nó là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, nền tảng chính trị trong quan hệ Trung-Mỹ, và ba thông cáo báo chí chung”. Tuyên bố đã hối thúc Mỹ phải “ngừng theo đuổi bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Đài Loan hay cải thiện quan hệ hiện nay của nước này với Đài Loan theo bất kỳ cách thực chất nào”.
Vì Bắc Kinh công khai quyết tâm “hợp nhất” Đài Loan dân chủ bằng vũ lực nếu cần thiết, nên việc duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan sẽ luôn là một việc khó khăn sau khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống thứ 4 của Đài Loan được bầu trực tiếp vào tháng 5/2016. Nguyên tắc cơ bản của đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái Anh Văn, đảng này cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 1/2016, là Đài Loan là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và sẽ không bao giờ trở thành một phần của Trung Quốc. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng, không giống như người tiền nhiệm của bà là Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng, bà Thái Anh Văn đã từ chối chấp thuận Đồng thuận năm 1992, một chính sách tuyên bố cả hai bên bờ Eo biển đều thuộc về “một Trung Quốc” nhưng mỗi bên có thể đề xuất cách hiểu của riêng mình về việc thế nào là “một Trung Quốc”.
Việc bà Thái Anh Văn từ chối Đồng thuận 1992 đã khiến Bắc Kinh nổi giận, họ đã đáp trả sự công khai thách thức của bà bằng việc cắt đứt đường dây nóng liên lạc hai bên và gây ra một mức độ tổn thương kinh tế bằng cách giảm mạnh số lượng nhóm du lịch Trung Quốc được phép đến Đài Loan. Tuy nhiên, phản ứng chung của Trung Quốc đối với cuộc bầu cử của bà Thái Anh Văn ban đầu thì ôn hòa hơn so với dự kiến – có khả năng là kết quả của việc bà Thái Anh Văn quyết tâm nỗ lực tránh chọc giận Bắc Kinh hay phản ứng thái quá trước những khiêu khích. Không giống như tổng thống đầu tiên của đảng DPP Trần Thủy Biển (người nắm quyền từ năm 2000 đến 2008), bà Thái Anh Văn đã kiềm chế biến cách hành xử của Trung Quốc thành vấn đề an ninh bằng việc từ chối thảo luận vấn đề đường dây nóng hay vấn đề du lịch bằng giọng điệu gieo hoang mang sợ hãi. Bà Thái Anh Văn dường như hiểu rằng an ninh của Đài Loan có thể được tăng cường tốt nhất bằng việc làm chệch hướng các động thái của Trung Quốc và đáp trả lại chúng một cách bình tĩnh và tự tin. Trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, có lý do để cảm thấy lạc quan một cách thận trọng về sự ổn định của Eo biển Đài Loan.
Nhưng nhiệm kỳ tổng thống của bà Thái Anh Văn không phải là không có vấn đề. Có lẽ vì chịu áp lực từ phe độc lập theo tư tưởng cứng rắn của Đài Loan trong DPP, bà Thái Anh Văn đã làm việc với một nhóm các đảng viên đảng Cộng hòa để gọi điện chúc mừng ông Trump khi đó mới đắc cử tổng thống vào tháng 12/2016. Cuộc gọi đã kéo căng hơn nữa mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh. Trong 15 tháng kể từ sau cuộc điện thoại này, căng thẳng giữa 2 nước đã ở mức cao nhất kể từ giữa những năm 2000 khi ông Trần Thủy Biển làm tổng thống. Mặc dù sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago vào tháng 4/2017, ông Trump cam kết không bao giờ nói chuyện với bà Thái Anh Văn nếu không tham vấn trước ý kiến của ông Tập Cận Bình, nhưng Bắc Kinh vẫn ngày càng quyết đoán với Đài Bắc trong năm 2017. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết Trung Quốc “đã can thiệp vào các vấn đề ngoại giao của Đài Loan” 42 lần trong năm 2017, nhiều nhất kể từ năm 2007. Hành động can thiệp diễn ra từ việc lôi kéo các đồng minh ngoại giao (hiện số lượng các nước công nhận Đài Loan giảm từ 22 xuống còn 20 nước vào năm 2016) để buộc các nhà quản lý tòa nhà tại Liên hợp quốc ở New York từ chối cho du khách Đài Loan vào thăm quan nếu họ không xin Giấy thông hành Đại lục dành cho công dân Đài Loan trước.
Nghiêm trọng hơn nữa, máy bay chiến đấu của Trung Quốc, bao gồm máy bay ném bom và máy bay chiến đấu hiện đại, đã nhiều lần đe dọa Đài Loan trong năm 2017 bằng việc khiêu khích khi bay gần không phận của Đài Loan. Đã có 10 cuộc xâm nhập như vậy chỉ riêng từ tháng 10 đến tháng 12. Không rõ có bao nhiêu cuộc xâm nhập đã diễn ra trước năm 2017, nhưng các quan chức quân sự Đài Loan đã tuyên bố số lượng mới đây nhất là “chưa từng thấy”. Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã thông báo rằng Lực lượng không quân của PLA đã thực hiện 16 cuộc tập trận gần Đài Loan vào năm 2017. Các cuộc tập trận của Trung Quốc gây đe dọa cho Đài Loan là phổ biến, nhưng theo cách khiêu khích mà trong đó việc máy bay của PLA và tàu hải quân vây quanh hòn đảo này đã được một số nhà phân tích cho là cực kỳ bất bình thường. Điều làm dấy lên sự lo lắng hơn nữa là việc Trung Quốc cho tàu sân bay đi qua Eo biển Đài Loan vào tháng 1 và tháng 7/2017 và sau đó là vào tháng 1/2018. Trước đó chỉ xảy ra vào năm 2013. Trong năm sau khi diễn ra cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn, Trung Quốc chắc chắn đã tìm cách gửi đi tín hiệu không chỉ với Đài Loan mà còn với các phe hiếu chiến xung quanh Trump rằng họ sẽ không chấp nhận một tình huống mà Mỹ đối xử với Đài Loan như một nước có chủ quyền.
Chính quyền Trump đã thông báo một gói bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan vào tháng 6/2017, và sau đó vào tháng 12/2017, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2018 (và Trump đã ký thành luật). Điều này đã khiến Bắc Kinh thêm giận dữ. Đạo luật này cho phép Mỹ mời Đài Loan tham gia các cuộc tập trận chung Mỹ-Đài Loan và “cân nhắc tính thích hợp và tính khả thi của việc tái thiết lập trao đổi các chuyến thăm cảng giữa lực lượng hải quân Mỹ và Đài Loan”. “Những đề xuất” này không ràng buộc đối với Bộ Quốc phòng Mỹ. Nhưng động thái sẽ là chưa từng thấy và sẽ bị Bắc Kinh coi là kích động. Do không thể dự đoán được Lầu Năm Góc sẽ thực sự làm gì dưới thời Trump, nên Trung Quốc cảm thấy cần phải cảnh báo và đe dọa Mỹ lường trước những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Vào cuối tháng 12, một nhà ngoại giao Trung Quốc có chuyến thăm tới Washington đã cam kết rằng “ngày mà tàu chiến Mỹ đến Khaohsiung là ngày mà quân giải phóng nhân dân hợp nhất Đài Loan bằng sức mạnh quân sự”, một kiểu cảnh báo thẳng thừng và khác thường chưa từng nghe thấy trong một thập kỷ hoặc hơn thế.
Hiện nay, với việc thông qua Đạo luật đi lại Đài Loan và xét tới những thay đổi nhân sự gần đây và có thể đang chờ giải quyết trong Chính quyền Trump, có một khả năng rất thực tế là ở một số thời điểm Trump có thể sử dụng lá bài Đài Loan theo cách có nguy cơ gây ra xung đột quân sự với Trung Quốc. Trong khi có thể có sự mừng rỡ ở Đài Loan nếu Trump nâng cấp triệt để quan hệ giữa Mỹ và quốc đảo này, thì sẽ là khôn ngoan hơn nếu bà Thái Anh Văn cưỡng lại sự cám dỗ để chấp nhận một sự thay đổi như vậy. Bà nên thừa nhận rằng hành động này sẽ biến Đài Loan thành một quân tốt đen trong cuộc đấu tranh của Washington với Bắc Kinh. Chính quyền Trump mất tập trung và hỗn loạn đến mức không thể trở thành một đối tác đáng tin cậy, và nền tảng chính trị theo chủ nghĩa “dân tộc bản xứ” (công dân sinh ra ở địa phương trội hơn người nhập cư) của Trump có khả năng sẽ từ chối việc Mỹ đại diện cho Đài Loan để tiến hành một cuộc chiến tranh. Đài Loan sẽ được đối xử tử tế nếu bà Thái Anh Văn quay trở lại sự cẩn trọng ban đầu của mình và ghi nhớ rằng an ninh toàn diện và dài hạn của Đài Loan là trước hết.
Tags: Mỹ, Quan hệ Mỹ - Trung, Đài Loan, Quan hệ Trung - Đài, Trung Quốc