⠀
Khác biệt về tư duy, chiến lược và phương thức cạnh tranh Trung – Mỹ
Bề ngoài Bắc Kinh không xuất khẩu thể chế dân chủ như cách Hoa Kỳ đã làm, nhưng thực chất họ rất giỏi trong việc bỏ tiền mua ảnh hưởng.
Cuộc cạnh tranh vị trí siêu cường số một thế giới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên quyết liệt, tạo ra một cuộc chạy đua về hệ giá trị phổ quát có tính chất nền tảng giữa một thế lực đang lên (Trung Quốc) với một thế lực đã thiết lập được vị thế của mình (Hoa Kỳ).
Cuộc chạy đua này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến tính khác biệt trong phương thức và tư duy chiến lược của hai siêu cường đang tạo nên sự đối lập thú vị trong cuộc cạnh tranh này.
Khác biệt tư duy và phương thức tạo lập vòng ảnh hưởng
Người Mỹ vốn dĩ đã quen với vị thế siêu cường số một thế giới mà họ đang nắm giữ trong nhiều thập kỷ qua.
Bởi vậy khi đứng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang thách thức vị thế của mình, người Mỹ luôn thể hiện khuynh hướng trong nhận thức về một sự bất an, phòng thủ và kiềm chế.
Trong khi Trung Quốc vẫn luôn tự hào về những thành tựu văn minh vĩ đại của họ và luôn coi mình phải đứng ở vị trí trung tâm của thế giới, hay nói cách khác là đỉnh của kim tự tháp.
Bởi vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đang ngày càng có ý thức cao hơn về một đòi hỏi quyền lực tuyệt đối, cùng sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế giới mà họ là người nắm giữ.
Chính điều này đã tạo ra sự xung đột ngay trong nhận thức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – giữa một thế lực đang lên với một thế lực đã nắm giữ quyền lực thế giới, giữa một kẻ đang thách thức với một kẻ luôn tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy.
Tiếp đến, sự khác biệt trong nhận thức còn đến từ quan niệm về dân chủ, nhân quyền, khi cả Washington và Bắc Kinh đều có cách tiếp cận khác nhau khá rõ ràng về vấn đề này.
Người Mỹ coi dân chủ là hình thức công bằng duy nhất của chính quyền, đồng thời tin rằng dân chủ, nhân quyền là những khát vọng mang tính phổ quát, đem lại lợi ích cho mọi dân tộc, bởi vậy họ luôn muốn áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo đó, trong nhiều thập kỷ qua, Washington đã theo đuổi một chính sách ngoại giao thúc đẩy nguyên tắc dân chủ kiểu Mỹ ở các nước để hướng họ đi theo quỹ đạo Hoa Kỳ.
Chính sách cây gậy và củ cà rốt đã được Hoa Kỳ sử dụng thường xuyên.
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư và khoa học công nghệ giữa Hoa Kỳ với các nước chưa nằm trong quỹ đạo Mỹ cũng luôn luôn gắn chặt với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền Washington đặt ra.
Trung Quốc cũng sử dụng cây gậy và củ cà rốt, nhưng sử dụng cách khác.
Bắc Kinh sẵn sàng rót tiền cho các quốc gia nào có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc, từ kinh tế cho đến địa chính trị, mà không cần quan tâm đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền như Hoa Kỳ và phương Tây.
Bề ngoài Bắc Kinh không xuất khẩu thể chế dân chủ như cách Hoa Kỳ đã làm, nhưng thực chất họ rất giỏi trong việc bỏ tiền mua ảnh hưởng.
Sự hiện diện về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc tại châu Phi hay mối quan hệ Trung Quốc – Campuchia thể hiện rất rõ nét chiến lược này.
Những khác biệt trong tư duy và phương thức tiếp cận nói trên đã làm nổi bật sự cạnh tranh ảnh hưởng của 2 siêu cường này lên các nước nhỏ, buộc các quốc gia phải điều chỉnh chính sách để thích nghi.
Có nước quyết định chọn bên như Campuchia hoặc Thái Lan, nhưng cũng có quốc gia chủ động hiệu chỉnh chính sách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ như Singapore, thậm chí là bằng các bước đi táo bạo như Philippines.
Phong cách người lãnh đạo
Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có sự đối lập khá rõ nét về phong cách người lãnh đạo.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thường đề cập tới những cuộc thử nghiệm và những chính sách có vẻ ngẫu hứng và đôi khi khó đoán;
Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại luôn thể hiện sự thâm trầm, ổn định trong chính sách và sự chắc chắn nhiều nhất có thể.
Ông Donald Trump thường sử dụng mạng xã hội Twitter hoặc công bố chính sách theo kiểu gạch đầu dòng để dẫn dắt dư luận, thậm chí gạt truyền thông chính thống ra ngoài lề.
Ngược lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại sử dụng con đường xây dựng học thuyết chính trị riêng bằng hệ thống truyền thông nhà nước, xây dựng hình ảnh cá nhân là người có tầm nhìn xa, nhẫn nại về mặt chiến lược.
Mỗi khi Nhà Trắng đổi chủ, chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ có thể đảo ngược 180 độ, nhưng Trung Quốc thì không.
Trong các vấn đề đối ngoại mà Trung Nam Hải xác định có tính chất quan trọng chiến lược, nhưng chưa đạt đến độ chín muồi để giải quyết thì sẵn sàng chờ đợi cơ hội xuất hiện, kể cả thế hệ này chưa xong thì thế hệ kế tiếp sẽ hoàn thành.
Những hoạt động đánh chiếm bất hợp pháp nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1974, Gạc Ma và 5 cấu trúc địa lý khác ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) năm 1988;
Vụ chiếm Scarborough năm 2012, đảo hóa và quân sự hóa bất hợp pháp các cấu trúc địa lý ở Biển Đông từ 2013 đến nay thể hiện rất rõ chiến lược này của người Trung Quốc.
Một ví dụ khác là vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh không hề nôn nóng, mà họ tiến hành theo đuổi một chiến lược trường kỳ, áp dụng việc siết chặt dần dần các mối ràng buộc về kinh tế và xã hội để thu hút hòn đảo này trở về.
Ngoài ra, sự đối lập về tư duy chiến lược giữa hai siêu cường Trung – Mỹ còn được thể hiện trong cách giải quyết vấn đề chiến tranh.
Đối với người Trung Quốc, chiến tranh trước hết là chiến tranh chính trị và chiến tranh tâm lý, nên họ không bao giờ nôn nóng tìm kiếm chiến thắng thông qua một trận đánh quyết định;
Bắc Kinh thường kiên nhẫn quan sát và nuôi dưỡng những sự thay đổi trong cảnh quan địa chiến lược để từng bước bao vây, xiết chặt đối phương và chỉ đưa ra hành động quyết định khi mọi việc đã được xắp sếp tối ưu để giành thắng lợi.
Trái lại, người Mỹ lại thường nhấn mạnh vào việc sử dụng vũ lực bằng các trận đánh nhằm xoay chuyển cục diện chiến lược hoặc có tính chất quyết định để giành thắng lợi nhanh nhất có thể.
Bởi vậy binh pháp chủ yếu của người Mỹ thường giới hạn trong hoạt động ở chiến trường và phương thức chiến đấu là lấy vũ lực đối đầu với vũ lực.
Còn người Trung Quốc từ thời cổ đại đã phát triển các học thuyết chiến tranh, mà đỉnh cao nhất là “bất chiến tự nhiên thành”, hay không đánh mà thắng.
Với người Trung Quốc, chiến tranh không chỉ là quân sự, tham chiến không chỉ có con người và vũ khí, mà “thảo mộc giai binh”.
Qua phân tích trên, có thể nhận thấy, tư duy chiến lược của Trung Quốc chắc chắn, cẩn trọng và thực dụng hơn người Mỹ rất nhiều.
Điều này đã giúp Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn so với Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường này, nhưng cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ cho các nước láng giềng ở châu Á -Thái Bình Dương.
Các nước nhỏ trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ
Mỹ không bao giờ muốn và càng không chấp nhận khả năng Trung Quốc soán ngôi vị siêu cường số 1 toàn cầu.
Vì vậy kiềm chế Trung Quốc thường được xem là phương thức tối ưu nhất để Washington phòng ngừa nguy cơ nói trên.
Bởi vậy các điểm nóng như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan sẽ là nơi diễn ra cạnh tranh gay gắt giữa 2 siêu cường này trong những năm tới.
Xét về tương quan thực lực cả về kinh tế và quân sự hiện nay, thì Trung Quốc vẫn chưa thể sánh bằng Hoa Kỳ.
Nhưng để Hoa Kỳ kiềm chế được Trung Quốc không phải là điều dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi.
Bởi sự phụ thuộc vào nhau giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Vì thế cho nên, nếu Hoa Kỳ tiến hành một chiến lược kiềm chế toàn diện Trung Quốc sẽ dễ dẫn đến hệ lụy “trạng chết, chúa cũng băng hà”, trong khi không có gì đảm bảo Mỹ ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngay cả các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không dễ hy sinh các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc.
Bắc Kinh nắm rất chắc “thóp” này và luôn tìm cách khai thác tối đa lợi thế từ kích thước nền kinh tế và thị trường 1,3 tỉ dân trong quan hệ quốc tế.
Bởi vậy trên thực tế gần như chẳng có nước nào hiện nay mạo hiểm sẵn sàng đứng về phía Hoa Kỳ để công khai chống lại Trung Quốc.
Bởi vậy, khả năng Hoa Kỳ thiết lập một liên minh theo kiểu NATO ở châu Á để kiềm chế toàn diện Trung Quốc sẽ là điều không thể.
Vì lẽ đó, cách tốt nhất và có giá trị chiến lược nhất bây giờ là Hoa Kỳ nên làm để bảo vệ và củng cố vai trò đã thiết lập được ở châu Á -Thái Bình Dương sau Thế chiến II, chính là hợp tác với các nước trong khu vực bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự và luật pháp quốc tế mà đừng áp đặt các điều kiện tiên quyết theo ý mình.
Theo PHẠM DOÃN TÌNH / GIÁO DỤC VIỆT NAM
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Quan hệ Mỹ - Trung