Huyền thoại ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong mắt giáo sư Harvard

Ông Thạch là một kì thủ lão luyện trong ván cờ địa chính trị quốc tế. Nhưng trong các cuộc trao đổi với tôi, ông luôn nêu rõ ngoại giao chỉ là công cụ để phục vụ lợi ích quốc gia và quan trọng hơn hết là để mang lại sự tiến bộ và thịnh vượng mà Việt Nam hằng mong muốn trong thế kỉ 20.

Tác giả: Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. Ông gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu tiên năm 1985.

Tôi cho rằng những đóng góp của ông Thạch – với tư cách là kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam hậu Chiến tranh Lạnh và người thúc đẩy tự do hoá kinh tế – chưa được đánh giá đúng mức trong chính sử Việt Nam.

“Chính sử” Việt Nam, theo cách nói của tôi, là những sự việc được ghi chép và phổ biến qua các kênh chính thức. Những tư liệu lịch sử đó có giá trị, song chưa thực sự toàn diện và khách quan.

Một điều mà có lẽ các nguồn ghi chép chính thống chưa nhắc đến về ông Nguyễn Cơ Thạch, đó là sự cởi mở trước những luồng quan điểm, tư tưởng khác nhau, cũng như sự hiểu biết sâu sắc của ông về kinh tế học, mà ông luôn tin rằng đây là các yếu tố cần thiết bảo đảm cho nền độc lập thực sự của Việt Nam.

Mặc dù tôi đã được chứng kiến trí tuệ và sự nhạy bén chiến lược của ông Thạch qua nhiều cuộc gặp, nhưng chắc chắn tôi vẫn chưa hiểu đủ về con người ông.

Nếu tái hiện các nguồn dữ liệu hiện có một cách chân thực, tôi tin rằng chúng ta có thể phác hoạ một chân dung toàn diện và phong phú hơn về tầm vóc của ông Thạch.

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, tôi xin gợi ý một cách tiếp cận rộng hơn, đó là bắt đầu bằng những tường thuật vô cùng hấp dẫn trong cuốn “Anh em thù địch: Chiến tranh nối tiếp chiến tranh” của tác giả Nayan Chanda năm 1986.

Cuốn sách đã ghi lại hành trình trưởng thành của ông Nguyễn Cơ Thạch từ một Trung tá trẻ dưới quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, ông bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao và tiếp tục quá trình tự học ở New Dehli.

Có lẽ đó là khoảng thời gian ông đã tìm hiểu về phương Tây thông qua lăng kính của phong trào Không liên kết nhằm tìm ra hướng đi cân bằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hai cực.

Sau đó, ông Nguyễn Cơ Thạch là thành viên rất quan trọng hỗ trợ ông Lê Đức Thọ trong cuộc đàm phán ở Paris.

Tác giả Chanda đã mô tả sự nghiệp của ông Thạch từ đầu thập niên 80. Theo quan điểm của tôi, đóng góp quan trọng nhất của Chanda là đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về niềm tin của ông Nguyễn Cơ Thạch – Nhà ngoại giao Việt Nam không mệt mỏi tìm cách sớm cải thiện quan hệ với Mỹ.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy cả ông Thạch và người đồng cấp Mỹ Richard Holbrooke đều không có nhiều cơ hội để đạt được những đột phá ngoại giao trong bối cảnh chính trị của hai nước lúc bấy giờ – một chính quyền Jimmy Carter yếu và một Hà Nội quá tự tin.

Ông Nguyễn Cơ Thạch và các cộng sự đương nhiên hiểu rằng khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 3 xảy ra, Mỹ sẽ chỉ đứng bên lề. Tháng 11/1978, Việt Nam và Liên Xô kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Và phải mất thêm 17 năm nữa, Việt Nam và Mỹ mới thiết lập được quan hệ ngoại giao.

Sau khi Hiệp định Paris được ký năm 1973, ông Nguyễn Cơ Thạch được phân công nghiên cứu khả năng mở quan hệ kinh tế với phương Tây thông qua đánh giá kinh nghiệm thực tiễn của Liên Xô và Đông Âu.

Nhiệm vụ này định hình phần còn lại trong sự nghiệp ngoại giao của ông Thạch cũng như đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình Đổi Mới mà Việt Nam bắt đầu thực hiện vào năm 1986, ngay tiếp sau công cuộc Cải tổ tại Liên Xô (Perestroika) và việc Đặng Tiểu Bình áp dụng cơ chế thị trường ở Trung Quốc.

Bên cạnh cuốn sách tuyệt vời của tác giả Nayan, chúng ta cũng có thể tham khảo cuốn hồi ký riêng của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ để hiểu thêm về sự nghiệp của ông Thạch.

Mặc dù cũng cần tiếp cận các hồi ký cá nhân tự công bố một cách phản biện như khi đọc chính sử, song trong cuốn hồi ký này, Thứ trưởng Trần Quang Cơ đã nêu bật được một nhận định mà những người Mỹ từng làm việc với ông Thạch cũng đồng tình. Đó là ông Thạch khi đó đã hiểu rằng Chiến tranh Lạnh kết thúc đồng nghĩa với việc ý thức hệ không còn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tôi tin rằng ông Thạch, với trí tuệ và nhãn quan chiến lược và địa – chính trị sắc bén, đã nhìn nhận sự sụp đổ của Liên Xô theo hướng “trong nguy có cơ”. Trong những năm đầu của quá trình Đổi mới, ít người trong chính quyền Hà Nội có cách tiếp cận thực tế như ông Thạch về tình hình thế giới và có thể vì vậy, ông nghỉ hưu sớm.

Tôi cũng cho rằng chính sự tự tin của ông về thế giới quan hậu Chiến tranh Lạnh đóng vai trò chủ yếu dẫn tới sự thành công trong nỗ lực lần thứ hai nhằm bình thường hoá quan hệ với Mỹ.

Tôi thường lập luận rằng chính Việt Nam mới là nước muốn bình thường hoá quan hệ với Mỹ hơn là chiều ngược lại. Ý tôi là giới lãnh đạo Việt Nam lúc đó đã nhận ra rằng việc cải thiện quan hệ với Mỹ là rất quan trọng để đạt được gần như tất cả mọi mục tiêu chiến lược và kinh tế.

Chính vì vậy, phía Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu này dù phía Mỹ có xu hướng trì hoãn bằng cách đưa ra thêm những điều kiện tiên quyết để lập quan hệ ngoại giao.

Dù chúng ta không thể rõ mọi thông tin cho tới khi Bộ Chính trị cho công khai hồ sơ lưu trữ, song tôi tin rằng ông Thạch đã đóng góp rất nhiều vào tầm nhìn chiến lược và sự bền bỉ trong quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

Trong quá trình bình thường hoá quan hệ, ông Thạch đã thể hiện mình là người rất am hiểu về chính trị nước Mỹ. Có lẽ thất bại trong các cuộc trao đổi bí mật với ông Holbrooke trong những năm 1970 đã giúp ông Thạch triển khai chiến lược toàn diện hơn trong những năm 1990.

Vì vậy, Việt Nam đã tiếp cận với nhóm cựu chiến binh thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hoà (nổi bật nhất là các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Bob Kerrey và Chuck Hagel) cũng như các cá nhân có tầm ảnh hưởng thuộc nhiều nhóm lợi ích của nước Mỹ.

Tôi tin chắc rằng ông Nguyễn Cơ Thạch hẳn sẽ rất tự hào về việc Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao mà ông rất yêu quý nói riêng đã đưa Việt Nam tới vị thế hiện nay trong một môi trường quốc tế thậm chí còn phức tạp hơn thời kì của ông.

Ông chắc chắn cũng sẽ rất hài lòng khi thấy quan hệ Việt – Mỹ đã đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Ông Thạch là một kì thủ lão luyện trong ván cờ địa chính trị quốc tế. Nhưng trong các cuộc trao đổi với tôi, ông luôn nêu rõ ngoại giao chỉ là công cụ để phục vụ lợi ích quốc gia và quan trọng hơn hết là để mang lại sự tiến bộ và thịnh vượng mà Việt Nam hằng mong muốn trong thế kỉ 20.

Việt Nam là một đất nước kì diệu và có sức sống mãnh liệt – một đất nước đã làm tốt cả hai việc: ứng phó với sự chi phối của các cường quốc và hiện đại hoá đất nước.

Ông Nguyễn Cơ Thạch, cũng như các thế hệ lãnh đạo Việt Nam trước và sau ông, đều mong muốn Việt Nam ứng phó được với sự chi phối bên ngoài, đồng thời thúc đẩy cơ chế hiện đại hoá.

Đến nay, Việt Nam bảo đảm được chủ quyền và độc lập nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện đại hoá các thể chế công và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát huy hết tiềm năng. Tôi tin ông Thạch cũng hiểu rằng, để bảo đảm sự độc lập của Việt Nam về lâu dài, cần phải có sự hài hoà giữa một nhà nước có năng lực, trách nhiệm và một xã hội vững mạnh.

Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard được thành lập khi ông Thạch đang ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Đại học Harvard là đối tác của Bộ Ngoại giao liên tục trong 30 năm qua. Chúng tôi hiện tiếp tục tập trung nghiên cứu vào quá trình hiện đại hoá của Việt Nam.

Nếu không có sự ủng hộ và khuyến khích của ông Thạch, sẽ không thể có những chương trình hợp tác đầu tiên của Đại học Harvard với Việt Nam, trong đó có việc thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hạt nhân của Đại học Fulbright hiện nay.

Hiện tôi đang là Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam. Đại học Fulbright cũng là một phần trong chặng đường hiện đại hoá của Việt Nam.

Tôi mong chờ đến ngày tên của ông Nguyễn Cơ Thạch sẽ được đặt cho một giảng đường trong trường đại học này, để thế hệ trẻ tri ân và trân trọng lòng yêu nước, sự quả cảm và tinh thần ham học hỏi của ông Thạch.

Theo VIETTIMES

Tags: ,