Hồi ức ấm áp về ‘Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết’

Đó là bài hát “chính thức” của một đất nước rộng lớn, với những con người tràn đầy nhiệt huyết đi xây dựng những công trình vĩ đại. “Địa chỉ của tôi không phải là nhà, là phố. Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết” như một tuyên ngôn của những người Xô-viết thực sự.

Hồi ức ấm áp về ‘Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-Viết’

Tác giả: Phan Việt Hùng.

1. Hồi nhỏ mình sống ở khu tập thể Công an vũ trang Mai Dịch. Khu nhà cấp 4 lợp giấy dầu dưới một rặng phi lao, ba bề bốn bên là cánh đồng, là gió. Những ngày mùa đông lạnh như thế này, cả bọn trẻ con thường lấy ống bơ sữa bò, đục thủng mấy chỗ, làm cái quai, rồi cho các quả phi lao khô đã bén lửa vào, quay tít để chơi và hít hà sưởi ấm.

Bố làm ở Đoàn điện ảnh Công an vũ trang gần đó, nên mình có may mắn là thường được xem duyệt phim cùng bố và các bác vào sáng thứ ba hàng tuần. Phim duyệt thời đó chủ yếu là phim truyện Liên Xô và các nước XHCN, duyệt thấy phù hợp mới được đi chiếu khắp nơi phục vụ các đơn vị và bà con. Mình có cái may hơn các bạn cùng lứa, là được xem các bộ phim sớm nhất và nhiều nhất. Thỉnh thoảng, bố lại đưa về nhà các tấm áp-phích quảng cáo phim tuyệt đẹp do Liên Xô in, mình thích chí treo hết lên tường để che các vết thủng lỗ chỗ. Nào là “Lửa nước và ống đồng”, “Đội bay”, rồi “Những mũi tên của Robin Hood”… Xem phim thì biết tên thế thôi, chứ các chữ in trên đó toàn bằng tiếng Nga, chịu chết chẳng biết đọc là gì.

Gần khu nhà là những dãy nhà 4 tầng của bệnh viện 198, thỉnh thoảng có Liên hoan văn nghệ quần chúng. Khỏi phải nói những lúc đó bọn trẻ con háo hức đến nhường nào, mà hình như dạo đó, cái gì chúng cũng háo hức thì phải. Chúng hò nhau đến rõ sớm để chiếm các chỗ gần sân khấu. Trong các buổi biểu diễn đó, mình vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một bài lần nào cũng được hát, giờ nghĩ lại mới đoán có thể là bài “tủ” của một Khoa nào đó, bởi họ hát đồng ca, đông lắm, đứng chật cả sân khấu. Đó là bài “Địa chỉ của tôi Liên bang Xô-viết’, hát bằng tiếng Việt, tất nhiên. Bài này thì mình đã từng nghe phát trên Đài. Hồi đó trẻ con cũng chỉ lờ mờ biết Liên Xô là nước XHCN to lắm, hay giúp Việt Nam.

Quê hương gọi mỗi chúng ta cùng đi khắp nơi,
Từ miền đồng lầy đến nơi biển khơi.
Đôi tay cùng với trái tim của mỗi chúng ta,
Ngày ngày nhiệt tình đắp xây Tổ Quốc.
Tổ Quốc Xô-viết yêu ơi,
Nguyện dâng cuộc sống cho Người.
Nhiệt tình đang bừng cháy trong tim ta.
Chớ nên tìm chúng tôi ở phố xinh đẹp kia,
Quê hương là Tổ Quốc Nga Xô-viết.
Chớ nên tìm chúng tôi ở phố xinh đẹp kia,
Quê hương là Tổ Quốc thân yêu này.

Cũng chẳng ngờ là chỉ khoảng 6,7 năm sau, năm 1985, thằng trẻ con là mình lại được sang cái đất nước to to, hay giúp Việt Nam ấy.

2. Năm 1972, tại Chương trình ca nhạc “Bài hát của năm”, nhà thơ Vladimir Kharitonov có đọc bài thơ “Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết” (Мой адрес – Советский Союз) mà ông viết một năm trước đó để chào mừng 50 năm thành lập Liên Xô. Nhạc sĩ David Tukhmanov, khi đó mới 32 tuổi đã phổ nhạc bài thơ này và chuyển cho ban nhạc Samotsvety (Самоцветы) của Yury Malikov. Và bài hát đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp nơi. Có lẽ sẽ không quá khi nói rằng, đó là bài hát “chính thức” của một đất nước rộng lớn, với những con người tràn đầy nhiệt huyết đi xây dựng những công trình vĩ đại. “Địa chỉ của tôi không phải là nhà, là phố. Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết” như một tuyên ngôn của những người Xô-viết thực sự.

Mở đầu bài hát là tiếng tàu hỏa xình xịch chạy, hối hả, nhịp điệu thôi thúc về những miền đất mới. Lời bài hát làm mình nhớ đến ca khúc “Niềm hy vọng” cũng rất nổi tiếng, được sáng tác trước đó một năm, năm 1971, của nữ nhạc sĩ Pakhmutova. Bài hát có ngôi sao chiếu trên cao mời gọi, có ánh đèn phi trường nhấp nháy, có những miền đất mới với sương mù và mưa, những bình minh lạnh lẽo đang đón chờ những chiến công mới. Có phải những người trẻ với khuôn mặt rạng rỡ đang hành quân đi xây dựng tuyến đường sắt BAM dài hơn 3.000 km?

Sau giải phóng miền Nam, chúng ta cũng đã có những bài hát như vậy về những người đi khai phá miền đất mới. “Anh tạm biệt miền quê ta đó, tới vùng đất đồi bạt ngàn xa xôi… Ta mơ ước xây ngày mai, non sông chúng ta đẹp tươi”.

Sau khi Liên Xô không còn nữa (cuối 1991), hai năm liền ban nhạc Samotsvety không có cơ hội hát “Địa chỉ chúng tôi – Liên bang Xô-viết” nữa. Nhưng rồi sau đó, trong giờ nghỉ giải lao một trận bóng đá ở Saratov, ban nhạc Samotsvety đã được đề nghị hát bài này. Và thật không ngờ, cả sân vận động đã cùng hát theo. Yuri Malikov bình luận: “Khi đó chúng tôi đã hiểu ra, đây là bài hát về những con người“.

“Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết” đã trở lại như thế đó!

Nữ ca sĩ Elena Presnyakova của ban nhạc xúc động khi nói về bài hát nổi tiếng này: “Bài hát biểu tượng cho thời gian, cho tuổi trẻ. Bạn hãy nghe và hãy nhớ rằng, nhất là lớp trẻ, là từng đã có một Liên bang Xô-viết như thế“.

Những năm sau này, “Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô-viết” đã được hát lại khắp nơi. Có những chương trình ca nhạc lớn có tên như thế. Bài hát cũng đã vang lên trên Quảng trường Đỏ tại một buổi ca nhạc mừng Ngày Chiến thắng 9/5 với hàng vạn khán giả. Các ca sĩ, ban nhạc đã hát lại bài hát nổi tiếng này với nhiều phong cách khác nhau. Nhưng, cũng như suốt mấy chục năm qua, chưa ai thể hiện nó hay hơn ban nhạc Samotsvety.

Ngày 30/12/1922, Liên bang Xô-viết đã được thành lập.

Đã từng có một Liên Xô như thế!

Theo HOINHACSI.VN

Tags: , , ,