Đừng có hỏi tôi ‘sao chưa lấy chồng’

Đã nửa thập kỷ đón Tết, tôi bị tra tấn bởi câu hỏi: Sao chưa lấy chồng? Lấy chồng đi chứ.

Sáu giờ sáng, tiếng xe máy của ông anh rể chở bà chị họ rền rền đi thẳng vào sân. Họ vào bàn thờ thắp nhang ông bà, kiêm xông đất nhà tôi. Thậm chí, chưa thắp nhang, bước lên bậc thềm, câu đầu tiên của bà chị là “Nhỏ Thư đâu, sao vẫn chưa lấy chồng”.

Thời gian đầu, tôi ráng cười, đáp lại câu hỏi ấy một cách nhẹ nhàng: “Dạ tại chưa tới thời điểm thích hợp”, hoặc cố lái sang một câu chuyện khác để kết thúc chủ đề tế nhị. Nhưng không xong, bà chị tiếp “Cứ lấy chồng đại đi, kiếm đứa con cho có với người ta… Hơn 30 rồi, kén chọn mãi làm gì, ế hoài là phải”. Ba mẹ tôi cũng bối rối, vừa nhìn con vừa nhìn khách.

Chưa hết, chị còn hỏi liên tiếp những câu hỏi theo kiểu: Đang làm việc gì, lương bao nhiêu, thưởng Tết nhiều không, sống thành phố tiêu tiền thế nào, dạo này có thằng nào (người yêu) không. Nếu lỡ dại khai ra có, sẽ được hỏi tiếp, anh ta làm gì, có nhà chưa, bao nhiêu tuổi, gia đình khá không, bố mẹ anh ta làm gì… Nếu bạn trả lời em chưa có bồ, sẽ được bổ túc bằng danh sách các lời khuyên, phải thế này, phải thế kia em ạ.

Những cái Tết sau đó, “bổn cũ soạn lại” khiến tôi ngao ngán. Câu hỏi “Sao chưa lấy chồng?” cứ thế lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Bên cạnh đó là vô vàn câu hỏi, sự hối thúc, phán xét, đánh giá, lời khuyên áp đặt khác dành cho những đứa “kén chọn, khó tính, khó ở”.

Gia đình tôi đại diện dòng tộc thờ phụng ông bà. Vì thế, dịp Tết đến, ngôi nhà tôi ở là nơi vài chục người gồm anh chị em, con cháu tụ họp về thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Đây cũng là dịp mọi người có nhiều thời gian để quây quần bên nhau, chia sẻ biết bao điều thú vị sau một năm dài. Song, với một số người khác, “sự quan tâm” lại thành sự tra tấn tinh thần với tôi và nhiều anh, chị, em họ khác trong dòng họ bởi những câu hỏi rất cá nhân giữa chốn đông người.

Tôi năm nay đã ngoài 30 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi đã chứng kiến nhiều anh chị rất lớn tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình song họ vẫn tận hưởng cuộc đời với sự thoải mái và ý nghĩa. Nếu bạn liên tục phải giải thích với người khác, rằng sao bạn chưa lấy chồng, lấy vợ như chúng tôi, thì bạn sẽ thấm thía định kiến của xã hội thật sự lớn như thế nào, đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Với tôi, chọn cách sống cho mình hạnh phúc mà không gây bất hạnh cho ai không phải dễ.

Quan niệm nam, nữ trên 30 mà chưa cưới được nhiều người gọi là ế. Ế nghĩa là đã bị thay đổi giá trị. Nhiều người thường dùng từ này với thái độ đùa cợt, áp đặt, không hề nghĩ rằng nó khiến người khác không thoải mái. Thậm chí, có người còn suy diễn ra một loạt khuyết điểm của người kia, do quá kén chọn, khó tính, ru rú ở nhà, không chịu giao lưu, không chịu mở lòng…

Có nhiều nhà tâm lý học hiện đại, đơn cử như M.Farouk Radwan, đã cố gắng lý giải câu hỏi tại sao một số người tò mò, cố gắng để biết tin tức của người khác bằng những câu hỏi vượt qua ranh giới riêng tư. Những lý do được Radwan đưa ra là: Một số người thích hỏi những câu hỏi tò mò để lấp đầy các nhu cầu chưa được đáp ứng về tâm lý của chính họ.

Một số người muốn cảm thấy tự tin về bản thân bằng cách so sánh tiến bộ của họ trong cuộc sống với người khác để cảm thấy ưu việt hơn. Có người hỏi để đánh giá người nào đó, để quan tâm đến ai đó vì thực ra họ rất quan tâm đến ý kiến của người khác về mình. Ngoài nguyên nhân một số người không xem trọng vấn đề riêng tư, còn là vì một số người không hiểu được ý nghĩa của một “câu hỏi làm phiền”. Có rất nhiều người đưa ra những câu hỏi không phù hợp bởi họ không có khả năng biết điều gì là thích hợp để đề nghị với người khác, hoặc không nhận ra mình đang thô lỗ.

Những nghiên cứu về không gian cá nhân khác cho thấy các câu hỏi gây phiền nhiễu gồm có: Bạn kiếm được bao nhiêu tiền, ai trả tiền cho bạn, khi nào bạn sẽ kết hôn, hỏi về điểm trong giáo dục, các câu hỏi liên quan đến tài chính cá nhân, thu nhập hay chi tiêu, về mối quan hệ, giới tính, cách sắp xếp cuộc sống, câu hỏi riêng tư về sức khỏe, các câu hỏi liên quan đến niềm tin tôn giáo và chính trị, đức tin cá nhân, đời sống tình cảm, tình dục, kể cả những câu hỏi gây xáo trộn, lo lắng, phiền muộn… Nếu bạn muốn làm người lịch lãm, xin đừng hỏi chúng, trừ khi có ai đó chủ động chia sẻ với bạn. Khi đó, hãy thành thực chia buồn hoặc chúc mừng họ.

Các nhà tâm lý cũng đưa ra cách đối phó với câu hỏi gây phiền nhiễu, ví dụ như trả lời lại bằng một câu hỏi tại sao bạn muốn biết điều đó, trả lời lại với câu đùa hài hước khiến họ nhận ra bạn không muốn trả lời (nếu bạn may mắn), hãy trì hoãn câu trả lời hoặc đưa ra thông tin chung chung, hoặc không trả lời, hoặc từ chối trả lời càng lịch sự càng tốt.

Những câu hỏi vượt ranh giới cá nhân có ở khắp mọi nơi. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dùng chúng như cơ hội duy trì phẩm chất lịch sự và duyên dáng của bạn. Tôi bắt đầu mặc kệ người ta nói gì, vì cuộc sống là của tôi.

Với tôi, độc thân là một sự lựa chọn không tồi. Và tất nhiên, tôi cũng không ngại công khai khi kết hôn vì đó sẽ là lựa chọn hạnh phúc. Tình cảm là chuyện không thể nói trước được bởi có quá nhiều tham số quyết định. Những gì thuộc về tương lai, hãy để cho tương lai trả lời, không nên được quyết định bởi vài ngày Tết.

Theo HÀ LÂM MINH THƯ / VNEXPRESS 

Tags: , ,