Đồng bằng sông Cửu Long run rẩy trước nguy cơ dần biến mất

Phải mất hàng nghìn năm, đồng bằng sông Cửu Long mới ra đời. Con người có thể chỉ cần vài thập kỷ để làm nó co rút. Sạt lở chỉ mới là triệu chứng khởi đầu.

Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews.

Euro Cup 2016, sân vận động Parc des Princes (Pháp) nhuộm nỗi buồn của các cổ động viên Bồ Đào Nha khi cầu thủ của họ liên tục dứt bóng hỏng trước khung thành Áo. Cùng thời khắc ấy, ở một múi giờ khác cách Trung Âu sáu tiếng, nơi cuối dòng Mekong, trận bóng thất vọng của Bồ Đào Nha đã cứu một người đàn ông thoát chết trong gang tấc.

Đêm ấy, ông Trương Phi Hải không ngủ sớm như thường lệ. Người đàn ông 67 tuổi thức bên chiếc tivi, cổ vũ cho Cristiano Ronaldo, cầu thủ ông ái mộ. Phía sau nhà, dòng sông Tiền chảy qua thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang trong con nước ròng, đâu đó vài chiếc sà lan chở cát nổ máy rì rì chạy ngang.

Đồng bằng sông Cửu Long run rẩy trước nguy cơ dần biến mất

Dấu tích của một ngôi nhà tại khu vực sạt lở ở tỉnh An Giang. Hình ảnh được chụp vào tháng 6/2020. Ảnh: Cương Trần

3h sáng, tiếng nước sôi xuất hiện, kéo ông Hải ra khỏi trận đấu. “Nó kêu ục ục. Tui đoán bọn cá lóc trong hồ trước nhà làm bọt bóng”, ông chủ trại cá nhớ lại. Nhưng âm thanh sủi bọt lớn dần, át cả giọng bình luận viên trên tivi. Lo cho đàn cá chỉ còn vài tiếng nữa là đến giờ hẹn bán, ông uể oải đứng lên kiểm tra. Được vài bước, bên tai ông vang tiếng “roạt-rầm”. Và nền đất dưới chân như ai đó bẻ ra, căn nhà tường gạch mái tôn ông vừa bước khỏi bỗng rớt gọn xuống con sông. Tủ, giường, bàn ghế, và cả chiếc tivi đang chiếu hình ảnh Ronaldo cũng trượt vào làn nước.

Trong tích tắc, mảnh sân sau ông Hải đang đứng biến thành một hòn đảo nhỏ giữa dòng nước xoáy đục ngầu. Rồi “hòn đảo” cũng tụt dần. Cú sốc đông cứng chân người đàn ông, ông ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, phó mặc cho số phận. “Người tôi giống như đi thang máy vậy đó. Ngước mắt lên nhìn, không còn thấy trời, không còn thấy sao. Tôi nghĩ mình chết rồi”, ông Hải rít mẩu thuốc, nhớ lại giây phút sinh tử lúc đó.

Đêm tháng sáu tĩnh gió, nhưng con sông Tiền sôi sùng sục. Khi ông Hải đang trồi dập giữa những mảnh mái tôn, đồ đạc, một sà lan cát neo gần đó nhìn thấy cánh tay ông chấp chới trên mặt nước, lao đến và kéo ông lên.

Hôm ấy, chỉ một mình ông ở nhà và may mắn thoát chết. Nhưng đó chưa phải là lần sạt lở kinh hoàng nhất mà người đàn ông cả đời sống bên dòng sông Tiền này trải qua.

Tròn ba năm sau, mùa hè 2019, sạt lở lại cắn sâu hơn vào vườn nhà, nuốt tiếp ngôi nhà thứ hai ông Hải mới cất. “Bốn mươi mét đất” rớt thẳng xuống sông trong đêm. Mái tôn, thanh sắt đổ sụm, cuộn vào dòng nước xoáy tóe tia lửa điện kêu xẹt xẹt do cuốn phải chiếc mô tơ đang bơm nước vào hồ cá. “Như đang chiến tranh đánh nhau vậy”, người đàn ông có nước da cháy nắng nhớ lại, mắt vẫn đang thả về hướng dòng sông.

Dừa rụng lộp độp xuống mái nhà, mọi người tỉnh giấc thoát ra ngoài. “Nhưng mẹ tôi già, đau bệnh nằm một chỗ. Tôi không kịp cõng bà chạy…”. Không ai cứu được người mẹ 85 tuổi của ông hôm ấy.

“Không biết bơi cũng chết. Biết bơi mà không biết lặn cũng chết. Rớt xuống nước điện giật chết. Ngủ quên cũng chết. Tường sập đè cũng chết”. Ông Hải nhớ lại trong buổi chiều hơn một năm trước; đôi mắt nhìn ra dòng sông Tiền lười biếng. Người ta tìm thấy thi thể mẹ ông vào sáng hôm sau.

Sạt lở vét trắng toàn bộ gia sản tiết kiệm, vốn liếng làm ăn tích cóp cả đời của gia đình. Khu nhà ông thành điểm nóng sạt lở của Hồng Ngự. Trong vòng năm năm qua, sông đã “ăn” gần 200m đất. Mé sông lấn ngày càng sâu vào thôn ấp. Nhiều hàng xóm của ông đã rời đi. Còn vợ chồng ông tiếp tục dời lùi vào trong, đánh liều đào lại hồ cá, cất lại mái nhà cách bờ sông mới lộ vài chục bước chân. Không còn đất để ở, ông xây mộ của mẹ ngay trong nhà

Sạt lở các đoạn QL91 ở tỉnh An Giang năm 2019 và 2020. Ảnh chụp tháng 6/2020. Ảnh: Cương Trần.

Những câu chuyện như của ông Hải dần không còn kỳ lạ bên bờ những nhánh sông Cửu Long của Việt Nam. Hàng chục nghìn hộ dân, cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Hải, có nguy cơ hoặc bắt buộc phải di dời. Mối nguy này ngày càng lớn theo năm tháng: hiện có 564 điểm nóng xói lở bờ sông và ven biển, trải theo chiều dài 834km, tăng gấp năm lần so với 99 điểm nóng cách đây một thập kỷ.[1] Vùng đồng bằng đánh mất từ 300 đến 500 ha đất mỗi năm, tức là cứ mỗi hai ngày, diện tích đất đá tương đương ba sân bóng đá bị đổ xuống sông và biển.[2]

Bồi và lở hai bên sông là quy luật tự nhiên – nhờ đó chúng ta có những con sông uốn lượn, khác với các kênh đào thẳng tắp. Tuy nhiên với tốc độ và quy mô sạt lở bất thường ở ĐBSCL hiện nay, hiện tượng này là triệu chứng báo động cho mối đe dọa lớn hơn. Nó là cách mà đồng bằng kêu cứu.

Vùng đồng bằng châu thổ trải hơn 40.000 km2, ngôi nhà chung của 18 triệu cư dân, vựa lúa tôm, cây trái nuôi sống một đất nước gần 100 triệu người, và là nguồn lương thực chính cho toàn Đông Nam Á – đang có nguy cơ dần dần biến mất dưới chân con người, không chỉ riêng vì sạt lở.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, hầu hết nguyên nhân là do con người tạo ra và chẩn đoán quãng thời gian người ta có thể tiếp tục sinh sống ở vùng châu thổ lớn thứ ba thế giới là không quá 80 năm.[3]

Đồng bằng bắt đầu từ đâu?

Để hiểu nguyên nhân đằng sau những thảm kịch sạt lở và tìm ra phương pháp phòng tránh nó, trước hết đòi hỏi phải hiểu vùng đất này sinh ra và mở rộng như thế nào.

Đồng bằng lớn nhất của Việt Nam mới chỉ bắt đầu thành hình khoảng 6000 năm, tuổi đời rất trẻ so với con số hàng trăm triệu năm của các đồng bằng lớn như Bengal và Mississippi. Các dòng suối chảy róc rách từ đầu nguồn băng giá ở cao nguyên Tây Tạng-Thanh Hải, tỉ mỉ mài mòn những chân núi, bờ đá, vạt đất chúng đi qua ở lãnh thổ ngày nay của Trung Quốc, Thái Lan hay những cánh rừng Lào. Các thác nước trên đường đi giúp tăng tốc độ dòng chảy, tiếp thêm sức mạnh cho con sông đẩy những vật chất rắn này xuống hạ lưu.

Khi con sông di chuyển xuống vùng đồng bằng thấp và bằng phẳng hơn gần cửa Biển Đông, nó chậm lại: các vật chất nặng như cát và sỏi sẽ lắng xuống đầu tiên, trong khi phù sa và bùn mịn hơn sẽ di chuyển xa hơn ra ngoài cửa sông. Một phần phù sa và bùn mịn sẽ lắng xuống ở cửa sông, giúp đất mở rộng 16m mỗi năm về phía Đông. Phần còn lại bị dòng hải lưu cuốn đi, di chuyển theo hướng Tây Nam, và vun đắp dần 26 mét một năm, thành vùng Cà Mau ngày nay.

Các chuyên gia đã ước tính sông Mekong vận chuyển khoảng 150 đến 160 triệu tấn vật liệu rắn như vậy[4] đến hạ lưu mỗi năm trong khoảng 5.300 đến 3.500 năm trước.[5] Theo thời gian, cùng với những lần nước biển dâng và rút, trầm tích chồng chất, lắng đọng tạo thành một vùng đất mới. Sông Mẹ, như cách gọi những người Khmer định cư sớm nhất, 3.000 năm trước đã sinh ra vùng châu thổ như thế.

Không phải con sông nào cũng có năng lực “sản sinh” đất đai này. Nếu dòng chảy quá yếu, nó sẽ không thể đẩy vật liệu trong suốt hành trình dài. Dòng chảy quá nhanh ở hạ lưu sẽ khiến phù sa không đủ thời gian để lắng đọng và tích tụ. Và nếu sóng quá mạnh ở cửa biển, chúng sẽ có thể cuốn phăng những hạt phù sa nhẹ. Nói cách khác, đồng bằng sông Cửu Long hình thành là cả một quá trình nhào nặn, đòi hỏi cân bằng hoàn hảo giữa nước sông, phù sa, sóng và đại dương. Sự tồn tại của nó phụ thuộc cùng lúc vào nhiều yếu tố có liên kết với nhau. Nhưng, những biến đổi gần đây do con người gây ra đã và đang xô lệch cán cân hài hòa này.

“Nước đói”

Ủy hội sông Mekong đã xác định rằng kể từ năm 1994, lượng phù sa hằng năm đổ về hạ lưu đã giảm mạnh từ 147 triệu tấn xuống chỉ còn 66 triệu tấn vào năm 2013. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ khoảng 42 triệu tấn một năm.[6]

Kích hoạt cho thay đổi này là thủy điện đầu tiên của dòng sông, Mạn Loan, được xây dựng trên dòng thác Lan Thương ở Trung Quốc vào năm 1993. Kể từ đó, hơn 300 thủy điện mới đã hoặc sắp được lắp đặt trên 4.350 km của sông Mekong. Trong số 64 hồ thủy điện lớn được xây dựng trên sông, sáu được mô tả là các “siêu đập” và tập trung ở khu vực địa hình dốc của Lan Thương, Trung Quốc. Hai đập lớn nhất, Nọa Trát Độ và Tiểu Loan, có tổng dung tích chứa là 38,4 km khối, lớn hơn mười lần so với tất cả các đập khác. Tầng tầng lớp lớp các hồ chứa nước xây dọc con sông đã ngáng đường phù sa đổ về vùng hạ lưu.

Để chứng minh chính xác thủ phạm chặn phù sa là các đập thủy điện – chứ không phải là hiện tượng tự nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2020 đã so sánh dữ liệu trước và sau khi con đập đầu tiên được dựng lên.[7] Nhóm nghiên cứu phát hiện, trong khi lượng bùn cát đo được ở trạm Cựu Châu (tỉnh Vân Nam), phía trên rặng thủy điện của Trung Quốc, tăng lên, thì lượng phù sa về đến đồng bằng lại giảm hơn 74% trong giai đoạn năm 1991 đến năm 2015. Đồng thời, dựa vào dữ liệu lượng bùn cát đón được tại trạm thủy văn Chiengsen (Thái Lan), nhóm xác định hơn một nửa phù sa của sông MeKong bắt nguồn từ lãnh thổ Trung Quốc trong điều kiện tự nhiên.

“Chúng (các đập thủy điện Trung Quốc) chính là nguyên nhân rất lớn làm giảm bùn cát về đến đồng bằng sông Cửu Long”, TS. Đoàn Văn Bình, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Đại học Kyoto, hiện đang công tác tại Đại học Việt – Đức, tác giả chính của nghiên cứu nhận định. “Trong con số sụt giảm 74% phù sa về đồng bằng sông Cửu Long nêu trên, chúng chiếm tới 40%”, anh nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với chúng tôi.

Chuyên gia sinh thái độc lập tại Cần Thơ Nguyễn Hữu Thiện giải thích điều này cụ thể hơn: Các hồ chứa xây phía trên nhà máy điện thượng nguồn làm chậm vận tốc dòng chảy. Và dù các hạt trầm tích nhẹ hơn và nhỏ hơn vẫn có thể trôi lọt qua công trình, nhưng dòng chảy ở đây bị mất năng lượng, không đủ sức đẩy các vật liệu nặng hơn như cát hoặc trứng cá đi tiếp. “Khi nhiều đập hơn được xây dựng ở Lào, Campuchia, trong tương lai chẳng còn một hạt cát hay viên sỏi nào có thể chui lọt đến Đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.

Nhiều báo cáo đã chứng minh dự báo này không hề phóng đại. Nếu tất cả các đập theo kế hoạch được xây dựng trong tương lai, 94%[8] đến 96%[9] lượng phù sa được chuyển đến các mặt biển có thể bị giữ lại ở phần thượng nguồn. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) chỉ ra, vào năm 2040 chỉ còn 3-5% lượng phù sa so với trước khi có đập sẽ về đồng bằng.[10]

Nếu như các con đập và hồ chứa kìm chân và giữ lại phù sa và cát của dòng chảy, thì khi ra khỏi đập, dòng nước sông bị lọc bớt phù sa đó biến thành thứ mà các nhà thủy lợi gọi là “nước đói”. Nước trở nên lỏng nhẹ hơn sẽ chảy tốc độ nhanh hơn, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của Đại học Cần Thơ, giải thích, con sông bây giờ rà quét hai bên bờ và lòng sông của nó để tìm vật liệu. Nói cách khác, dòng sông đói phù sa quay trở lại gặm nhấm chính phần da thịt của vùng châu thổ mà nó đã tạo ra.

“Sông rỗng bụng”

Nhưng ngày nay, khi sông Cửu Long tự khua khoắng dưới bụng mình để tìm vật chất thỏa mãn cơn đói, thì nó chẳng tìm được gì nhiều. Con người với đội tàu và xà lan hút cát đã tới trước, nạo vét các mỏ cát sỏi khổng lồ từ đáy sông.

Dòng sông Mekong đã không chỉ cung cấp năng lượng cho những bước phát triển nông nghiệp nhảy vọt của các quốc gia hai bên bờ, nó còn cung cấp nguyên vật liệu cho hạ tầng của các thành phố, khu đô thị đang ngày một mở rộng. Các thành phố ở Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia cần cát sỏi để xây công trình dân sinh, nhà máy, đường sá…Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, sông Mekong, một trong những con sông giàu cát nhất thế giới, đã tấp nập tàu thuyền nạo vét trong hai thập kỷ qua.

Một khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vào năm 2011 – thời kỳ đỉnh điểm của cơn sốt khai thác cát ở sông Mekong – cho thấy gần 50 triệu tấn vật liệu đã bị rút ra khỏi dòng chính hằng năm.[11]

“Ở trạng thái tự nhiên, trước những năm 1990, con sông đã mang khoảng 20 đến 25 triệu tấn cát sỏi vào các nhánh và cửa sông.” Marc Goichot, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Mekong của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, đồng tác giả của cuộc khảo sát cho biết. “Đó là “ngân sách” tự nhiên của nó”. Nhưng khi các con đập xuất hiện, nguồn quỹ thường niên này đã giảm 77%, còn từ 3 đến 5 triệu tấn.

Nếu xem cát sông Mekong là một tài khoản ngân hàng, lượng khai thác ở Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan là tài sản ta vay tín dụng, số cát dòng sông mang đến từ thượng nguồn là thu nhập của ta, thì chúng ta đang “chi vượt thu” tới hàng triệu tấn mỗi năm. “Chúng ta đang ăn vào vốn của mình; và ngân hàng của chúng ta hiển nhiên sẽ không hài lòng. Đó là tình thế hiện nay,” Goichot nói.

Hình thái lòng sông bị đảo lộn, Mekong đã trở thành con sông “rỗng bụng”, theo cách gọi của các chuyên gia. Nó càng phải nạo vét xung quanh để lấy phù sa lấp đầy các hố vằn vện dưới lòng do hút cát. Ở Việt Nam, khai thác cát ở sông Tiền và sông Hậu đã được chứng minh làm hạ độ sâu ít nhất 1,3 mét trong vòng 10 năm.[12]

“Đáy sông sâu hơn đồng nghĩa bờ sông cao hơn xưa,” chuyên gia Thiện nói, “thêm sức nặng của nhà cửa phía trên, sạt lở là tất yếu”. Nguy cơ này đặc biệt lớn ở khu vực quanh các mỏ cát. Nhưng dòng nước đói và lòng sông rỗng bụng không chỉ ảnh hưởng khu biệt một vài cộng đồng, mà đe dọa đến toàn bộ hệ thống sông. Một mặt, để tái phân phối đáy sông, dòng chính sẽ rút cát từ những sông nhánh, “như là khi xương sống bị rút thì rút đến xương sườn,” ông Thiện so sánh. Mặt khác, thiếu đi nền sỏi đá đóng vai trò hãm phanh, dòng chảy với lực mạnh sẽ đâm vào bờ, rà quét các điểm yếu và gây ra xói mòn. Sạt lở từ đó lan tỏa rộng khắp ven bờ.

Không chỉ sạt lở bờ sông

Ở cửa sông và ven biển cuối dòng, tổn hại còn bộc lộ rõ hơn. Phần vật liệu sỏi, đá, phù sa quý giá bị kẹt lại  đồng nghĩa với lượng bùn ra đến biển còn ít hơn. Thiếu đi vật liệu xây dựng này, quá trình lấn biển tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long đã chậm lại và dần bị đảo ngược. Phân tích hình ảnh vệ tinh từ năm 2015 cho thấy nhiều đoạn bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long đã bị xói mòn, co rút vào trong hơn 50 mét mỗi năm.

Khi bờ biển bị xói mòn, những rừng cây mắm, cây đước giúp giữ phù sa ven bờ cũng không còn đất bồi để bám rễ, cũng dần biến mất. Lớp màng chắn bằng bùn bảo vệ cửa sông trong nhiều thế kỷ mỏng dần, và nước biển dễ dàng len lỏi sâu hơn vào đất liền. Lượng thủy hải sản ven biển sống dựa vào hệ sinh thái này cũng chịu tổn hại, đẩy vùng đánh bắt dồi dào nhất cả nước vào nguy cơ biến thành “nước sa mạc”. “Đồng bằng không có phù sa về là đồng bằng chết”, tiến sĩ Tuấn tóm gọn.

Sóng biển, cỗ máy vận chuyển vật liệu cho vùng đất này cũng theo đó “thay đổi tính nết”. Trong hàng nghìn năm dồi dào phù sa bơm ra biển, những con sóng “nhào vào, phân phối, chia phù sa,” cõng phần bùn mịn “dư ra” về phía Tây Nam, hình thành các vùng Sóc Trăng, Cà Mau như chúng ta biết ngày nay. Con sóng nặng phù sa cũng vỗ vào bờ nhẹ nhàng hơn. “Nhưng bây giờ, sóng trong hơn, thành sóng đói, đánh mạnh, lôi kéo bùn đất ra”, ông Thiện nói, “miệt mài năm nọ tháng kia, thì bờ biển sạt lở là tất yếu”.

Trong thập niên 2010, các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu cảnh báo về một xu hướng đáng lo ngại hơn nhiều: nguy cơ tan rã của Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là khi vùng đồng bằng cửa biển này chuyển từ lấn biển, nảy nở diện tích suốt hàng nghìn năm qua, thành chìm lún, co rút.

Không chỉ cắn vào bờ sông, 50% đường bờ biển dài 600 km ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị những con sóng “nước đói” đe dọa. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những đoạn bờ biển bùn phía Biển Đông, với 90% bị xói lở. 60% bờ biển phía Vịnh Thái Lan cũng đang chới với. Mũi Cà Mau – cực Nam của đất liền Việt Nam – không còn hình dạng như tên gọi. Sạt lở trong thập kỷ qua đã gặm mòn mất phần chỏm của nó.

Ông Trần Văn Lợi là một trong những người dân đầu tiên nếm trải hiện tượng co rút này. Trong gần 30 năm sống ở xóm chài bên mũi Cà Mau, ông đã năm lần chuyển nhà. “Cái nhà trước của tui nằm mút ở ngoải,” người đàn ông 56 tuổi chỉ tay về phía biển nước mênh mông, cách bờ vài trăm mét. “Mà lúc ấy chưa có lở, bên ngoài còn có rừng phủ xa lắm, đâu thấy biển đằng Tây đâu. Sóng đánh ở ngoải trong đây cũng im re à”, ông nhớ lại.

Nhưng “chừng 15, 16 năm trước”, con sóng lên ngày một dữ, ngoạm đất dưới chân xóm chài. Vào “mùa sấm”, “mùa nam” tháng tư là sóng xanh hung hăng hơn cả, “đánh tá lả” vào cây cối và nhà cửa trong xóm, gào thét bên tai khiến cả xóm nhiều đêm thức trắng. “Mỗi lần sóng to là trẻ em, đàn bà cho đi vô xóm trong”, ông kể. Rồi khi đất không thể bám được vào bờ, hàng xóm xung quanh bắt đầu bỏ đi. Ông Lợi làm nghề bắt cá tôm, quyết định trụ lại bên mặt nước “cho dễ mần ăn”. Nhưng canh chừng trận lở sau, ông và bà con chỉ dám cất nhà mới bằng thân cây đước, chứ không đổ bê tông cố định.

Con số chính thức ghi nhận tỉnh Cà Mau từ năm 2007 đến nay mất khoảng hơn 4.000 ha rừng ven biển vì nhiều nguyên nhân.[13] Bờ và đê biển ở cả biển Tây và Đông đều luôn đứng đước nguy cơ bị vỡ hoặc sạt lở. Cố lý giải nguyên nhân khiến nhà cửa của mình liên tục bị sụt xuống nước, ông Lợi dẫn lại thông tin trên đài: “Họ nói đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đó đó. Tui cũng nghĩ vậy”.

Con sông Mekong đã kiệt quệ. Từ thượng nguồn, dòng sông đã ngừng cung cấp phù sa cho đồng bằng. Ở hạ nguồn, trong khi các tầng đất còn chưa cố kết chắc chắn thì cát và nước ngọt đã bị hút cho lợi ích kinh tế, không chỉ tạo ra sạt lở mà còn thúc đẩy sức tàn phá của nó. Nếu có biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng lên, thì đó chỉ là giọt nước tràn ly, giáng thêm một đòn chí mạng vào cơ thể vốn đã ốm yếu, ngấp nghé trên mặt nước biển trung bình chưa đầy một mét của Đồng bằng sông Cửu Long.

Chấp nhận thực tại

Người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt cược hy vọng vào công trình tường chắn sóng ngay trước mắt. Đoạn kè ôm xóm chài nhà ông Lợi là một phần của dự án tường biển dài 90 km để bảo vệ bờ phía Đông của mũi đất, nơi chịu sạt lở nghiêm trọng đến 40 mét mỗi năm.

Các bức tường biển và kè sông được coi là giải pháp tương đối nhanh chóng cho nguy cơ xói mòn khẩn cấp, nhưng chúng cũng là biện pháp đắt đỏ. Ví dụ, tường biển đang xây dựng ở Cà Mau được báo cáo cần chi phí từ 20 đến 45 tỷ đồng cho một km.[14] Trước đó, các công trình phòng chống sạt lở đã được đầu tư với tổng kinh phí 16.067 tỷ đồng để xây dựng trong 10 năm.

Nhưng giải pháp này cũng không triệt để. “Các con đê này không thực sự giải quyết được sạt lở, mà chỉ chuyển nó sang một đoạn bờ khác mà thôi”, Marc Goichot nói trong một cuộc phỏng vấn qua Skype. Các chuyên gia trong nước cũng chia sẻ hoài nghi của anh. Đồng bằng này, xét cho cùng, là do cả sông và biển tạo nên. Chắn biển là hoạt động đi ngược tự nhiên, ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng từ biển. Những bức tường bê tông còn có nguy cơ phá vỡ môi trường, và gây ô nhiễm hệ sinh thái nước lợ dọc bờ biển vốn đã dễ bị tổn thương.

Và nếu chỉ tin rằng thủ phạm của tất cả điều này là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chúng ta có nguy cơ bỏ qua những lý do thực chất gây ra sạt lở và xói mòn, Goichot nói thêm. “Khi bạn đứng trên bờ biển Cà Mau, nhìn ra biển, bạn nghĩ rằng thủ phạm ở ngay trước mắt, nhưng thực tế vấn đề lại nằm ở phía sau lưng bạn”.

Goichot cùng các chuyên gia cho rằng, thay vì đổ tiền vào những cách chữa trị tạm thời cho triệu chứng bề mặt, sạt lở cần được suy xét với một tầm nhìn xa hơn và rộng hơn.

Bài toán thủy điện thượng nguồn và siết chặt quản lý, thậm chí chấm dứt khai thác cát là những bước bắt buộc. Đối với cát, ngoài kêu gọi siết chặt hoạt động khai thác bất hợp pháp sau lệnh cấm xuất khẩu cát, Goichot và các cộng sự tại WWF còn đang tìm lời giải ở phía những người tiêu thụ. Họ đề xuất ý tưởng “dùng cát bền vững” khởi đầu bằng việc nâng cao hiểu biết của người dân về chi phí thực tế mà Đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu do khai thác cát. “Một ngôi nhà xây ở TP.HCM có thể khiến ai đó ở Cà Mau mất nhà cửa.” Goichot nói. Đồng thời, học hỏi từ các chương trình khai thác gỗ và nông sản bền vững, nhóm cũng đề xuất phát triển hệ thống truy gốc cho cát, giúp mọi người dễ dàng kiểm tra cát mình dùng có được khai thác có trách nhiệm hay không.

Với câu chuyện thủy điện, giải pháp khả dĩ và thiết yếu là tạo ra một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu giữa các nước ven sông. “Thiệt hại do giảm bùn cát ở Đồng bằng sông Cửu Long là không thể nào vãn hồi”, chuyên gia thủy lợi Đoàn Văn Bình nói. Là quốc gia ở cuối dòng, “Việt Nam thay vì cố phục hồi, có thể phấn đấu giảm nhẹ [hậu quả]. Để làm như vậy, chúng ta cần dữ liệu, thông tin vận hành đập thủy điện từ các nước phía trên cho chuẩn bị và ứng phó”.

Ngoài làm việc với các tác nhân bên ngoài, trước tình cảnh sống còn vùng đất này, Việt Nam đang từng bước đo lường và giải quyết các tác động do con người gây ra (nhân tai) đối với đồng bằng. “Trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chỉ có thể thấy trong vài chục, thậm chí hàng trăm năm, thì con người chỉ cần khoảng 20 năm xây đập, hút cát, xây đê ngăn lũ, xây cống, vân vân… đã gây ra ảnh hưởng rất lớn”, chuyên gia Đoàn Văn Bình nói.

Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều đang kêu gọi hành động nhanh chóng từ chính phủ và các tác nhân, tổ chức, và nhà đầu tư liên quốc gia như Ủy hội sông MeKong, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Mọi đề án phát triển trên sông MeKong đều cần xem xét tác động tổng thể toàn vùng, thay vì chỉ tập trung vào các đánh giá bền vững ở từng dự án và lĩnh vực. Nghị quyết 120 của chính phủ để cứu vùng đồng bằng là một điểm sáng, nhưng đến nay vẫn chủ yếu đóng vai trò tấm bản đồ chỉ đường. “Đồng bằng đang mất đất ngày càng nhiều hơn”, một chuyên gia nhắc lại, dự báo viễn cảnh đen tối phía trước nếu không khẩn trương, “như lửa đã cháy tới nhà mình rồi”.

Ông Hải sau hai lần “chết hụt”, quyết định sẽ tiếp tục sống trong ngôi nhà ven sông của mình. “Tuổi này làm ăn gì được nữa mà dám vay tiền mua đất mới,” ông Hải nói. “Mình ở cách sông có vài mét, không biết khi nào rớt xuống nước, mà chịu thôi”.

Ở phía cuối mũi đất, ông Lợi cũng phập phồng lo có ngày bị “trôi” đi. Phương án của ông và vợ cũng tương tự gia đình ông Hải. “Nước lên thì mình lên cao hơn”, ông nói, “tới đâu hay tới đó chứ tính tương lai gì”. Ông nói, nhấp một ngụm cà phê đá bên mép nước biển cuộn sóng.

————————–

Tài liệu tham khảo: 

[1] Xử lý sạt lở đồng bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long
[2] Linking rapid erosion of the Mekong River delta to human activities
[3] ĐBSCL chỉ còn tồn tại 80 năm?
[4] Evaluation and analysis of sediment data from the Lower Mekong River. Phnom Penh, Unpublished report for the Mekong River Commission.
[5] 2500 years of changing shoreline accretion rates at the mouths of the Mekong River delta
[6] SEA of Hydropower on the Mekong Mainstream
[7] Changes to long-term discharge and sediment loads in the Vietnamese Mekong Delta caused by upstream dams
[8] Sediment-related impacts due to upstream reservoir trapping, the Lower Mekong River
[9] Dams on the Mekong: Cumulative sediment starvation
[10] Thuỷ điện Trung Quốc làm gia tăng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long
[11] Trích sách “The World in a Grain”, Vince Beiser, Apple Books.
[12] Recent morphological changes in the Mekong and Bassac river channels, Mekong delta: The marked impact of river-bed mining and implications for delta destabilisation
[13] Sạt lở bờ biển, bờ sông – một nguy cơ đang lớn dần
[14] Thủ tướng nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL

Theo NHUNG NGUYỄN & VÕ KIỀU BẢO UYÊN / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , , ,