Đôi lời về văn hóa khoe khoang nhân cơn sốt của trào lưu ‘flex’

Khi ta khoe một điều gì đó chắc chắn ta phải cảm thấy rất tự hào về nó. Chính sự tự hào đó cũng là một chỉ dấu cho thấy ta tôn sùng cái gì, hoặc tạm thời đang tôn sùng cái gì.

Thật tình cờ và thật bất ngờ là khi tôi lục lại “ký ức mạng” của mình từ 3 năm trước thì chuyện tôi chia sẻ năm ấy lại đang là “trào lưu gây sốt” (hot trend) của ngày hôm nay. Trong suốt những ngày qua, mạng xã hội “rạo rực” với cái gọi là “Flex đến hơi thở cuối cùng” đến nỗi bản thân tôi đã đọc được rất nhiều câu hỏi của những người tạm gọi là già rằng “Flex là gì?”.

Nôm na, flex là một từ tiếng lóng xuất phát từ văn hóa hip-hop của Mỹ, với hàm ý “khoe mẽ”, “trưng trổ”. Đa số là khoe những thứ thuộc về bên ngoài như thời trang, những thứ cho thấy chủ thể khoe thuộc diện sành điệu. Và từ cái gốc đó, phong trào “flex” nở rộ ở Việt Nam theo đúng tinh thần “có gì khoe nấy”.

Khi cái phong trào đó dấy lên, bắt đầu là những bài đăng khoe học vấn, khoe thành tích, khoe các trải nghiệm và cũng có rất nhiều những người khoe mà thực ra không khoe, chỉ sử dụng trào lưu kia như một cái cớ để trào lộng mà thôi. Sau những trào lộng, bắt đầu là những nghiêm túc. Có bạn đồng nghiệp kia của tôi đã đăng đàn viết một vài dòng cũng rất đáng suy ngẫm.

Bạn đưa ra vấn đề lật ngược theo kiểu “Liệu những người khoe vật chất, của cải, bằng cấp, vị trí xã hội… có nên được xem là những kẻ khiêm nhường khi mà phía còn lại thường có thói quen từ rất nhiều năm nay rồi là khoe những chuyện riêng tư như: tình cảm vợ chồng; tình mẫu tử; gia đình sum họp các kiểu…”. Những thứ bạn viết khiến tôi cũng giật mình. Ừ nhỉ, bản thân mình có hay khoe khoang không nhỉ?

“Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” là câu thành ngữ đã quá quen với người Việt chúng ta rồi. Cái câu ấy không đơn thuần là cổ xúy cho sự khoe mẽ mà nó mang hàm ý về sự nên giấu mình nhiều hơn. Cũng có lần, một người anh lớn trong nghề từng nói với tôi rất chân thành rằng “Nhược điểm của chú em là không biết giấu mình”. Tôi nhớ mãi lời dặn dò ân cần ấy. Nhưng ghi khắc đấy mà sửa mình thì khó quá, nếu không nói là bất khả. Gần năm chục tuổi đầu rồi, sửa được tính tình là chuyện phi thường.

Chuyện tiếu lâm cổ của Việt Nam cũng nói về cái sự khoe mẽ rất nhiều. “Lợn cưới, áo mới” là chuyện mà chắc ai cũng từng đọc qua. Các cụ cũng từng nói “áo gấm đi đêm” để ám chỉ chuyện những người không biết khoe. Như vậy, thực chất cái sự khoe bản thân nó cũng rất khó có thể được đánh giá một cách chính xác là tích cực hay tiêu cực, nên hay không nên. Nhưng cái nhu cầu khoe thì lại là một thứ nhu cầu có thực. Con người ai chẳng mong có lúc được nở mày nở mặt, được hãnh diện và là tâm điểm khen ngợi của một cộng đồng. Chẳng lẽ, việc sau nhiều năm phấn đấu tích cóp mua được 1 căn nhà nho nhỏ ở giữa nơi phồn hoa đô hội như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh của một người nào đó không xứng đáng được mang ra khoe hay sao? Bao năm vất vả, đồng tiền kiếm ra trong sạch, nay đã có chút thành quả, bản thân phải có quyền tự hào âu cũng là cảm thức rất bình thường của mỗi con người.

Cái sự khoe đầy tính con người đó nếu áp vào thời đại này lại càng cho thấy lắm khi khoe là cần thiết. Quảng cáo của một nhãn hàng nào đó có phải là một kiểu cách khoe hay không? Suy cho cùng, nó cũng là khoe các tính năng tốt của một sản phẩm nhằm lôi kéo khách hàng mà. Chứ cứ ngồi sẵn đó, hi vọng vào hữu xạ tự nhiên hương thì rất dễ sẽ đi một mạch từ khởi nghiệp tới cái đích sạt nghiệp. Và bản thân việc “khoe khoang” ấy cũng sẽ bắt doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí cho sự khoe sao cho hiệu quả nhất. Khi đã tốn phí nghĩa là đồng tiền bắt đầu luân chuyển. Môi trường kinh tế rất cần sự luân chuyển đó của đồng tiền. Thử một năm trời quảng cáo tê liệt xem sao? Chắc chắn, khi ấy cả nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “bại liệt”.

Cuộc sống vốn dĩ đã vô cùng gian nan, vất vả và trong chuỗi ngày dài mưu sinh vật lộn với đời, mỗi chúng ta ai cũng mang trong mình nhiều nỗi niềm và đầy những mỏi mệt. Thế nên, nhiều khi, chính một niềm tự hào nho nhỏ nào đó của bản thân cũng đủ trở thành một động lực mạnh mẽ để ta sống, như một cái phao cứu sinh để ta bấu víu. Từ đó mới có cái chuyện cứ cuối năm học là nhiều phụ huynh lên khoe thành tích học tập của con mình. Cái khoe ấy thật ra cũng chính đáng thôi mà. Chỉ có điều, nhiều khi những người xem được các phần khoe nở rộ đó sẽ bắt đầu có cảm giác phản ứng ngược bởi chỉ trong vài ngày nhìn đâu cũng thấy một kiểu khoe giống nhau. Từ cái cảm giác phản ứng ngược kia, bắt đầu nổ ra công kích để từ đó tranh cãi cũng khởi sinh.

Khi ta khoe một điều gì đó chắc chắn ta phải cảm thấy rất tự hào về nó. Chính sự tự hào đó cũng là một chỉ dấu cho thấy ta tôn sùng cái gì, hoặc tạm thời đang tôn sùng cái gì. Những người ham khoe xe, khoe áo xống chắc hẳn là những người tôn sùng một đời sống hưởng thụ mang tính thời thượng. Những người thích khoe sách thường là những người có đam mê với kiến thức hoặc tôn sùng chính bản thân mình nên nghĩ rằng càng nhiều sách càng chứng tỏ mình sang trọng hơn.

Ngày xưa, thời còn chưa có mạng xã hội, trên bàn nhậu không thiếu người trong cánh mày râu còn khoe lịch sử tình trường. Dấu vết từ nguyên thủy còn kéo dài tới bây giờ chưa mờ vết nằm ở chính cái sự khoe mẽ đó. Giữa một bầy đàn, cá thể nào cũng muốn chứng minh sự ưu trội của mình để phần còn lại phải ngưỡng vọng và cho bản thân mình cảm giác mình có thể trở thành con đầu đàn. Bởi thế, bảo sao mà chỉ trong dăm ba ngày, cái hội nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã thu hút tới gần 1 triệu thành viên trên mạng xã hội. Và ngay cả những người tếu táo muốn sử dụng trào lưu “flex” để trào lộng chứ không phải để khoe gì ra cũng đang khoe mà họ không nhận ra đó thôi. Đó chính là họ khoe khéo cái óc hài hước, dí dỏm của mình. Mà như đời vẫn nói, những ai hài hước, dí dỏm thường là những người thông minh. Ai mà chẳng thích được khen là thông minh. Cái lời khen ấy có khi bằng vạn lời khen “đẹp trai lắm” hay “giàu có lắm”.

Nhắc lại ký ức mạng của tôi cách đây 3 năm về cái sự khoe. Bữa ấy tôi kể trên trang cá nhân về 1 tuần kỳ lạ, 1 tuần mà tôi gặp 2 người bạn một họ Vũ và một họ Võ. Tôi có nói đại ý rằng lần đầu tiên mà tôi nói thẳng cho bạn mình nghe về chính những nhược điểm của bản thân tôi. Rồi sau đó, tôi viết “Ấy nhưng mà lạ cái là tại sao chúng ta lại cứ hay ghét ai hay khoe đến thế. Càng lạ hơn là khi họ khoe cái họ có thực sự cũng vẫn bị ghét như thường. Mình sực nghĩ, chính ra mình còn lao đao là cũng bởi mình không biết “Khoe cái Ngu”. Đa số người thành công mà mình gặp toàn “Khoe cái Ngu” cả. Song không phải là họ ngu thật đâu mà thực chất họ giả vờ ngu và cố tình khoe cái ngu giả vờ ấy. Đấy mới đúng là cao thủ. Chắc phải cố học cách “Khoe Cái Ngu” mới được. Không biết có muộn quá chưa?”. Hôm nay đọc lại, thấy rõ ràng tôi cũng vẫn chưa biết khoe cái ngu dốt của bản thân ra như mình từng tự răn mình.

Tất nhiên, như tôi đã nói ở trên rồi, ở tuổi gần tri thiên mệnh, làm sao thay đổi được tính cách, tính tình để tự dưng một ngày nhu mì hẳn, khiêm nhường hẳn và giả tạo hẳn để lúc nào cũng giả vờ khoe cái ngu mà thực tế mình không có. Nhưng tôi sực nghĩ, dám khoe nhược điểm của mình một cách thẳng thắn, thậm chí tự trào lộng chính bản thân mình về những nhược điểm đó, âu cũng là một cái khoe đáng khoe. Cái khoe đó không phải để thiên hạ nhìn nhận mình như thế nào mà để chính mình nhìn lại bản thân mình. Nhiều khi, chúng ta cứ than vất vả với người mà quên mất rằng, chính những nhược điểm cố hữu của bản thân lại là nguyên do tạo nên những vất vả ấy.

Và tôi không cho rằng chỉ một mình tôi nghĩ thế. Nay mai, kiểu gì trong nhóm theo đuổi trào lưu “flex đến hơi thở cuối cùng” cũng sẽ có những người bắt đầu khoe nhược điểm. Bởi đơn giản, khi muốn khoe những gì mình có, sẽ có lúc ta rơi vào trạng huống tự vấn rằng “liệu những thứ mình có đã là gì so với đời hay chưa?”. Để rồi sau những tự vấn kia, bắt đầu những tự nhìn nhận thực sự và tỉnh thức rằng “ừ, mình còn đầy những tính xấu, những nhược điểm mà nếu khoe ra, có khi sau này lục lại ký ức, nhìn vào đó, mình cảm thấy mình không phải xấu hổ”.

Theo VĂN ĐOÀN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,