Điều ít người biết về thời ‘mạt pháp’ của Phật giáo cuối thời Lý

Năm 1198, Đàm Dĩ Mông nói với vua rằng: “Ngày nay tăng đồ so với dịch phu chiếm một nửa. Chúng tự kết bạn bè, lập bậy thầy trò, tụ nhóm đàn lũ làm nhiều việc ô uế. Hoặc ở nơi giới trường tinh xá mà ngang nhiên rượu thịt. Hoặc ở thiền phòng tịnh viện mà riêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, giống như cáo chuột”.

Điều ít người biết về góc khuất của Phật giáo thời Lý

Các nhà sư đã có công rất lớn trong việc giúp Thái Tổ Lý Công Uẩn trung hưng đất nước, nên Phật Giáo rất được các vua Lý trọng vọng. Đối với nhà Trần, bản thân nhiều vị vua còn trở thành các thiền sư. Tuy nhiên, giữa Phật Giáo thời Lý và Phật Giáo thời Trần có nhiều khác biệt.

Đại Việt sử ký toàn thư một mặt nêu bật công lao của Lý Công Uẩn đối với đất nước, mặt khác phê phán ông khá nặng nề xung quanh việc lãng phí trong xây dựng chùa chiền:

“Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”.

Nhận định về đoạn trên của sử thần Lê Văn Hưu, thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng không thể nói là Lê Văn Hưu đứng trên quan điểm Nho giáo để phê phán Phật giáo. Bởi vì Lê Văn Hưu viết bộ Đại Việt sử ký (sau này được nhập chung trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư) là theo lệnh của vua Trần Thánh Tông, vốn là một Phật tử. Theo thầy Thát, thật ra Lê Văn Hưu, cũng như các Phật tử thời Trần, kể cả các vua Trần, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm quan niệm thiền của Lý Cao, một thiền sư của Trung Quốc (772-814). Là một Phật tử, nhưng ông Lý Cao này từng lên án việc làm chùa to đúc Phật lớn và quá trọng vọng tăng nhân: “Những môn đồ đạo Phật không chăn tằm mà quần áo đầy đủ, không cày bừa mà ăn uống sung túc, ngồi rỗi mà kẻ phục dịch có đến mấy nghìn trăm vạn người. Suy ra đủ biết tất có bao nhiêu người đói rét”. Còn việc dựng chùa đúc Phật, ông cho rằng “Đó há chẳng phải đều lấy từ nhân tài vật lực của trăm họ mà ra sao?” (dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 3 và Trần Thái Tông toàn tập).

Cuốn sử cổ nhất của nước ta còn truyền bản là Đại Việt sử lược còn viết :

“Năm Mậu Ngọ Thiên Tư Gia Thụy thứ 13 (1198), Đàm Dĩ Mông nói với vua rằng: ‘Ngày nay tăng đồ so với dịch phu chiếm một nửa. Chúng tự kết bạn bè, lập bậy thầy trò, tụ nhóm đàn lũ làm nhiều việc ô uế. Hoặc ở nơi giới trường tinh xá mà ngang nhiên rượu thịt. Hoặc ở thiền phòng tịnh viện mà riêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, giống như cáo chuột. Chúng làm bại tục thương giáo, dần dần thành thói. Nếu mà không cấm, thì lâu càng lắm’. Vua đồng ý với lời tâu. Dĩ Mông triệu tập tăng đồ trong nước, giữ lại ở kho thóc, độ cho vài chục người có tiếng tăm làm tăng, số còn lại đều in dấu vào tay, bắt hoàn tục”.

Lời của Đàm Dĩ Mông không được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ xác nhận bằng một câu sơ lược: “Mùa xuân tháng giêng vua xuống chiếu sa thải tăng đồ theo lời của Đàm Dĩ Mông”.

Bình luận về chuyện này, thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng, có lẽ do Lê Văn Hưu với tư cách là một Phật tử, đã cảm thấy bị xúc phạm khi đọc lời tấu của Đàm Dĩ Mông, do vậy mà ông đã không lưu lại nguyên văn lời tấu đó trong Đại Việt sử ký. Từ đó mà Ngô Sĩ Liên, có lẽ quan điểm về Phật giáo cũng giống như Lê Văn Hưu, đã lướt qua luôn lời tấu này trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Đàm Dĩ Mông, làm chức Thái phó dưới triều Lý Cao Tông, là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đề nghị sa thải tăng đồ. Nhân thân cái ông Đàm Dĩ Mông này cũng có lắm chuyện, song theo thầy Thát thì “lời tâu của Đàm Dĩ Mông không phải là không xác minh được qua lời nói của một loạt các vị thiền sư đồng thời với Mông”.

Điều thú vị là thiền sư Lê Mạnh Thát, một sử gia đương đại, đương nhiên cũng là một Phật tử, đã nhắc lại lời tấu nói trên của Đàm Dĩ Mông ít nhất là hai lần trong 2 tác phẩm: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 3” và “Trần Thái Tông toàn tập”.

Khác với thời Lý phô trương chùa chiền sư sãi, các Phật tử thời Trần, đặc biệt là Trần Nhân Tông, mà chúng ta gọi là “Phật hoàng”, đã coi Phật giáo chỉ là “con đường”, không phải là mục đích tự thân. Vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đều chủ trương “cư trần lạc đạo”, đưa Phật Giáo “trở về” với đời sống, không câu nệ là tăng hay tục, coi mọi “pháp” đều là “Phật pháp”. Thiền sư Lê Mạnh Thát đã viết về quan niệm Phật giáo của Trần Nhân Tông như sau : “Phật giáo là gì, nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý. Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm chính ngay ở giữa lòng cuộc sống. Nói một cách hình ảnh như trong kinh Kim Cương, mà Phật giáo đời Trần coi như một bộ kinh cơ bản, thì giáo lý Phật giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người sang sông. Cho nên, ngay cả giáo lý Phật cũng phải buông bỏ, mới có thể giác ngộ được”.

Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI

Tags: , , ,