Để gió cuốn đi – triết lý Phật giáo phía sau một lời ca

Đức Phật dạy khi qua được bờ rồi thì quên chiếc bè, buông hết cho nó nhẹ. Buông đi, cuốn đi; qua sông buông bè; “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.

Để gió cuốn đi – triết lý Phật giáo phía sau một lời ca

Có những câu hát thật bình dị, chân chất, không cao siêu hoa mỹ ngôn từ, nhưng lại đi vào lòng người và ở lại rất lâu. Một trong những câu hát đó là: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

Đây là câu hát Trịnh trong ca khúc nổi tiếng vượt thời gian đi qua năm tháng Để gió cuốn đi. Người ta chỉ cần nhớ 9 chữ thôi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Vâng, ai cũng cần có một tấm lòng để đối xử tử tế, vui vẻ với nhau.

Tôi viết thư pháp đã khá lâu, ngồi tổng kết lại những câu chữ đã viết, thấy rằng câu hát trên tôi đã viết cho khách hàng nhiều nhất. Ngay trong xóm nhỏ của tôi, nhà nào cũng cố gắng kiếm lấy một câu treo ở phòng khách, đủ biết rằng con người ta quý cái tấm lòng biết dường nào!

Câu hát tuy đơn giản nhưng là một câu rất lãng mạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà lại rất thực vì tấm lòng là có thực. Tấm lòng hay còn gọi là tâm, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều),chữ tâm của đạo Phật, tâm từ bi, hỷ xả, vị tha…

Chữ tâm hiển lộ lên bằng sự nhiệt tình năng nổ của hàng trăm tình nguyện viên trong các chương trình tiếp sức mùa mùa thi, các khóa tu mùa hè, rồi đến những quán cơm từ thiện… Chữ tâm còn được thể hiện ở rất nhiều lãnh vực quanh ta, trong đời sống hàng ngày với những việc làm bình dị nhất cho đến vĩ đại nhất. Ở những nơi đó tấm lòng làm nên nhân cách con người rất đẹp, để cho chúng ta càng tin yêu con người hơn.

Dù cho trong thực tiễn đời sống xã hội đã xảy ra một vài câu chuyện không hay của những cá nhân có tâm địa xấu mà báo đài đã đưa tin. Như một bà già có nhà lầu, nhưng hóa trang thành bà lão ăn mày đi xin tiền, được nhiều người cho tiền, bà lấy số tiền xin được đem đi đánh đề, đứa con biết được rất đau lòng vì không biết làm sao khuyên bảo bà mẹ nghiện cờ bạc này. Rồi những người lười biếng và gian dối đã giả trang làm nhà sư khất thực để lấy tiền tiêu xài đã khiến không ít Phật tử đau lòng. Một câu chuyện khác, bà nhân viên của Hội Chữ thập đỏ ở Nghệ An lấy bớt áo quần từ thiện đem bán cho người ta lau xe v.v…

Những hiện tượng xã hội trên tuy không nhiều nhưng cũng gây ra tổn thương đến lòng tự trọng của con người, nhất là thế hệ trẻ, các em có cảm giác bị lừa dối, trở nên dè chừng cảnh giác và có một chút do dự hoài nghi khi muốn sử dụng tấm lòng tốt với ai đó. Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không mở rộng tấm lòng. Tấm gương Thiền sư Ryokan (1758-1831) hiến tặng cho kẻ đạo chích chiếc áo choàng duy nhất của ngài vì nhọc sức viếng thăm mà ngài lại chẳng có gì. Mình trần ngồi ngắm trăng, ngài còn mở lòng: Ước gì ta có thể tặng cho hắn vầng trăng tuyệt đẹp này! Gương hiến tặng ấy của ngài vẫn còn sáng mãi.

Nên, sống thì hết lòng với người mà không hề kể lể hay mong cầu đền ơn. Sống tốt với mình và với đời thì tâm mình an vui. Đã vui rồi mà hỷ xả thì an vui thêm nữa.

Đức Phật dạy khi qua được bờ rồi thì quên chiếc bè, buông hết cho nó nhẹ. Buông đi, cuốn đi; qua sông buông bè; “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn).

Đó chính là sự lãng mạn của câu hát Trịnh. Hãy suy gẫm lại xem?

Theo GIÁC NGỘ ONLINE

Tags: , ,