Sông nước trong tín ngưỡng dân gian Đông Nam Á

Từ xa xưa, ở phương Đông nói chung và Đông Nam Á nói riêng, sông ngòi luôn là người bạn đồng hành phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người. Theo đó, thủy lợi đã trở thành một trong những yếu tố có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến kinh tế, chính trị, xã hội, mà cả đời sống văn hóa của các quốc gia. Quan điểm tâm linh của cư dân khu vực này trước hiện tượng lũ lụt, hạn hán thất thường thể hiện rõ nét trong các tín ngưỡng dân gian.

Sông nước trong tín ngưỡng dân gian Đông Nam Á

Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 338, tháng 8/2012.

1. Sông – nơi khởi nguồn những nền văn minh Đông Nam Á

Về mặt địa lý tự nhiên, các quốc gia Đông Nam Á thuộc khu vực châu Á gió mùa, có nét tương đồng về cấu tạo địa tầng, cảnh quan tự nhiên, khí hậu, thảm thực vật và quần thể động vật. Thế nhưng, địa hình khu vực lại có sự phân chia thành hai miền rõ rệt: Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, đem lại những thuận lợi tương đối cho chính cư dân nơi đây. Các công trình nghiên cứu về Đông Nam Á đã khẳng định: sự chia cắt đó tạo ra những địa bàn cư trú nhỏ hay những không gian sinh tồn của cư dân Đông Nam Á cổ sống rải rác trong các thung lũng của các con sông lớn. Bên cạnh đó, mưa nhiệt đới cũng “làm thành những vùng nhỏ, xen kẽ giữa rừng nhiệt đới, đồi núi, bờ biển và đồng bằng, tạo nên cảnh quan đa dạng, với độ ẩm khá cao” (1), thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Tìm hiểu lịch sử cổ đại, quả đúng là các quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đã bắt đầu sự hình thành của mình trên những lưu vực sông lớn. Địa bàn của người Việt được hình thành trên lưu vực Hồng Hà, người Khơme cổ thì quần cư trên vùng trung và hạ lưu sông Mê Công; địa bàn cư trú của người Môn, Khơme và sau này là người Thái trên lưu vực sông Mê Nam (Chaophraya). Trên đồng bằng sông Iraoadi là địa bàn cư trú của người Miến, Piao và Môn.

Hồng Hà là con sông lớn của người Việt, có lượng phù sa bồi đắp thật màu mỡ. Suốt tháng 7 và 8, mùa lũ trùng với mùa mưa nên lượng dòng chảy chiếm tới 70 – 80 % gây ra những mối đe dọa với cư dân Việt cổ; nhưng mùa cạn chỉ chiếm từ 20 – 30 % lượng nước cả năm. Cùng với dòng chảy nước, dòng chảy rắn cũng phân bố theo mùa. Hàng năm dòng sông cuốn ra biển tới 120 triệu tấn cát bùn và mang theo tổng lượng phù sa bồi đắp màu mỡ cho châu thổ Bắc Bộ với một lượng đạm lớn (2). Qua đối chiếu so sánh, Hồng Hà được xếp vào loại sông nhiều phù sa nhất thế giới. Nhờ sự bồi đắp của dòng sông và khí hậu ấm áp, ôn hòa, ngay từ buổi ban đầu, người Việt cổ đã biết làm nông nghiệp, trồng lúa nước, các loại cây trồng, hoa màu, ngũ cốc. “Giao chỉ xưa, khi chưa đặt quận, huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng lạc, theo nước triều lên xuống mà làm, dân khẩn lấy ruộng để ăn…”(3).

Muộn hơn người Việt, vào khoảng những năm đầu CN, cư dân Khơme cổ đã định cư trên vùng hạ lưu Mê Công và dựng lên một quốc gia nổi tiếng mà trong lịch sử thường gọi là Phù Nam. Mê Công thuộc loại sông lớn và dài bậc nhất thế giới, khoảng 4500km. Trên đường ra biển, dòng sông đã cuốn theo nhiều đất đai màu mỡ ở thượng nguồn, bồi đắp phù sa để tạo nên miền đồng bằng châu thổ phì nhiêu cho cư dân bản địa.

Nhiều học giả đã nhận định răng, dòng Mê Công chính là tác phẩm hài hòa tuyệt diệu mà trời phú cho để nuôi sống cư dân không chỉ của một mà cả một vùng gồm 5 – 6 quốc gia. Các nghiên cứu cho biết, đoạn Mê Công chảy trên lãnh thổ Lào có chiều dài 1865 km với 17 phụ lưu chính. Người Lào sống thưa thớt trên những địa bàn hẹp, nhưng đa dạng, thích hợp với điều kiện cổ xưa: có nguồn nước đều đặn, có thềm đất cao tránh lũ và có ruộng trồng lúa. Ở phần hạ lưu của sông, nhờ có Biển Hồ điều tiết nên lượng nước mùa lũ cao nhất là 30.000m3/giây và thời kỳ cạn là 1500m3/giây. Nằm ở giữa trung tâm đồng bằng Campuchia, Biển Hồ là bộ phận thấp nhất, được ví như một bể chứa thiên nhiên điều tiết lưu lượng nước, tiếp nhận nước từ vùng núi xung quanh đồng bằng Campuchia, rồi đổ vào Mê Công qua dòng Tonle sáp. Các nhà địa lý học khẳng định: mực nước và diện tích Biển Hồ giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước sông Mê Công, ngăn được những trận lũ lụt lớn có thể xảy ra gây khó khăn cho cư dân bản địa. Ngay từ thời xa xưa, người Khơme đã rất thông minh khi biết lợi dụng nước của những con sông đưa tới trong mùa lũ. Họ đã đào đắp những kênh mương và đập nước, biến những vùng đất khô hạn thành đồng ruộng trù phú và tạo dựng nên một nền nông nghiệp phát triển.

Lưu vực Iraoadi và Xaluen là sự lựa chọn của cư dân Miến cổ trong việc tạo dựng quốc gia sơ kỳ. Hai con sông này nằm giữa các dải núi phía tây và phía đông Myanmar. Xaluen bắt nguồn từ Trung Quốc, đoạn chảy trên lãnh thổ Myanmar dài 1449 km. Dòng sông này có nhiều thác ghềnh, song việc điều tiết cũng thuận lợi bởi có hồ chứa nước lớn, như hồ Inle.

Dời Vân Nam, đặc biệt từ sau biến động chính trị ở quốc gia Nam Chiếu đầu TK XIII, người Thái cũng tạo dựng cuộc sống của mình trên dòng Mê Nam. Con sông này dài 1200 km, được hợp thành bởi bốn nhánh chính là: Nam, Yom, Oang, Ping ở đồng bằng trung tâm. Tại đây, hàng năm sau những trận ngập lụt, các luồng lạch ở hạ lưu sông Mê Nam lại đổi dòng tạo nên vùng châu thổ màu mỡ. Ở Thái Lan hầu như không có bão lụt lớn khiến việc sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Điều kiện khí hậu đó đã tạo thuận lợi cho sự phát triển lúa nước.

Mặc dù có sự khác nhau về đặc điểm những dòng sông trên mỗi vùng, nhưng nói chung điều kiện tự nhiên, đặc biệt là các dòng sông của khu vực Đông Nam Á đã có vai trò rất to lớn đối với sự hình thành và phát triển của người dân cổ đại nơi đây theo hai chiều hướng khác nhau. Một mặt các dòng sông là nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Với một lượng phù sa màu mỡ, các dòng sông đã bồi đắp nên những đồng bằng rộng lớn. Nhờ sự phì nhiêu của lớp đất phù sa đó mà cư dân Đông Nam Á từ thời cổ đại chỉ cần bằng những công cụ thô sơ cũng tạo nên một nền kinh tế nông nghiệp trù phú, làm cơ sở cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước sớm hình thành và phát triển. Mặt khác, bên cạnh những ưu điểm thì tính chất nguy hiểm của các dòng sông cũng không kém, có thể gây ra tai họa cho cư dân nông nghiệp trong mùa lũ. Với lưu lượng nước lớn hàng năm, các dòng sông trở thành mối hiểm họa đối với con người, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để bảo vệ cuộc sống và phát triển kinh tế, ngay từ thuở sơ khai, cư dân Đông Nam Á bền bỉ sử dụng các biện pháp nhằm chế ngự các dòng sông, như đắp đê, khơi ngòi, đào sông, kênh, mương… ngăn nước tràn vào đồng ruộng khi mùa lũ lụt, hoặc tưới nước lúc trời hạn hán. Và như thế, công tác thủy lợi đã gắn bó chặt chẽ với đời sống sản xuất nông nghiệp cư dân Đông Nam Á ngay từ thời cổ đại. Cũng vì lẽ đó, thủy lợi và cả những yếu tố liên quan, tác động đến thủy lợi (mưa, bão, hạn hán) đều thể hiện rõ nét trong tín ngưỡng dân gian của cư dân khu vực này.

2. Sông, nước đối với tín ngưỡng dân gian Đông Nam Á

Việc gắn bó cuộc sống với các dòng sông khiến nền văn hóa cổ truyền của cư dân Đông Nam Á mang đậm màu sắc nông nghiệp lúa nước. Dòng nước hiền hòa làm dịu đi nỗi vất vả của người nông dân khi mang lại mùa màng bội thu, nhưng có lúc lại nổi sóng với những cơn lũ thịnh nộ, xóa đi tất cả ruộng đồng, nhà cửa của họ. Chính vì vậy, đối với người nông dân, sông gần gũi với họ như người mẹ hiền, nhưng cũng có lúc như một hung thần, làm họ khiếp sợ. Để được chở che, tránh những muộn phiền, cư dân bản địa luôn tìm cách làm vừa lòng mẹ nước và tôn vinh người mẹ này như một vị thần. Vậy là dòng sông không chỉ là người bạn thân quen, gần gũi mà còn là vị thần tôn kính của họ. Thần sông, thần nước trở thành vị thần trong tín ngưỡng dân gian nông nghiệp từ lúc nào không hay. Ở đâu làm nông nghiệp thì ở đó có thần sông. Người ta thờ thần sông bên những vị thần khác, như thần mưa, thần gió, sấm, chớp, thần mặt trời, thần lúa…

Từ thuở khai thiên lập địa, người Việt cổ đã tôn thờ vị thần của dòng sông, nơi mang lại cho họ cuộc sống no đủ. Truyền thuyết về con rồng, cháu tiên cho thấy người Việt đương thời đã ý thức rất rõ về sức mạnh của rồng (ở dưới nước), và tiên (ở trên trời). Họ tôn vinh người cha là rồng, mẹ là tiên, có đủ sức mạnh để chở che cho họ trong bước đi đầu tiên tạo lập quốc gia khi 50 người con xuống biển, 50 người con lên non. Trong suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc, việc thuộc lòng truyền thuyết này khiến ngọn lửa đấu tranh luôn âm ỉ trong mỗi cư dân Việt và cuối cùng, năm 938 đã bùng lên thành núi lửa khổng lồ thiêu cháy hết những đêm dài nô lệ. Đó chính là sức mạnh của cha rồng, mẹ tiên truyền đến. Có lẽ vậy, ngay từ thuở xưa người dân nơi đây đã thờ rồng làm vật tổ. Tại Hà Bắc (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang), trước kia có một bộ lạc Dâu rồi có một bộ lạc Trầu gần sông Đuống. Tương truyền có bộ lạc Rồng huyền thoại. Khi nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nhiều học giả đã nhất quán khi cho rằng: rồng chính là biểu tượng của những con sông, đúng hơn là vị thần sông, thần nước. Sự sùng kính vị thần này trong các lễ hội đã biểu thị sự khao khát của người Việt cổ mong có nước, không hạn hán, không lụt lội (4).

Rồng không chỉ là vật tổ, là một vật huyền thoại, mà còn là biểu tượng của thủ lĩnh các dân tộc Bách Việt. Trên tinh thần đó, Lạc Long Quân chính là thủ lĩnh oai hùng của người Việt cổ. Trong lễ hội đầu xuân trang trọng, người Việt thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian, trong đó nổi bật là điệu múa rồng, múa lân. Ngoài ra, người dân nơi đây còn thờ thần rắn, thần núi, thần sông và những thần linh thiêng khác đã phù hộ cho họ, như thần Tản Viên, thần sông Tô Lịch…, cho nên người Việt còn có những lễ cúng hạ điền, thượng điền, mùa về (cúng cơm mới) cầu mưa, cầu nắng… (5).

Ở Campuchia từ thời công xã nguyên thủy, cư dân đã có tục thờ cúng thần linh và tổ tiên. Họ thường cúng một cách phổ biến thần đất và thần nước, biểu tượng của những sức mạnh thiên nhiên. Những sức mạnh đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên đất nước này, nơi mà đất và nước quyết định sự no đói giàu nghèo.

Người nông dân Thái đã thờ cúng những lực lượng tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống của mình, đó là các vị thần đất, thần nước, thần sông, thần lúa. Nữ thần nước sẽ mang lại mùa màng tươi tốt, cây cối ra hoa kết trái.

Vào những năm trời hạn hán, đồng ruộng khô cằn thì người dân lập đàn tổ chức cúng tế cầu mưa. Trên các bờ ruộng thường có những tượng người bằng đất hình nam nữ quấn quýt bên nhau. Hình thức sơ khai ấy chứa đựng một quan niệm về trời đất, về âm dương, về nữ nam; chỉ có trận mưa khi cha trời tưới lên mẹ đất thì mùa màng mới phong phú, thóc đầy vựa, cơm đầy nồi.

Trên dòng Mê Nam, người dân Thái tổ chức nhiều lễ hội gắn với việc thờ thần sông, thần nước và cầu mong mưa thuận gió hòa. Khi hạn hán, người ta làm lễ cầu mưa để mang nước đến cho các dòng sông, để từ đây, nước sẽ tỏa đi khắp các đồng ruộng trên đất nước. Về vấn đề này, người ta sẽ nhắc nhiều đến lễ Băngrung. Đây là lễ chọi voi và cũng là một trò chơi dân gian được nhân dân Thái Lan ưa thích. Truyền thuyết về đức Phật kể rằng: ngài đầu thai vào một gia đình một vị vua hiền ở Ấn Độ và chọn voi trắng làm con vật để xuống trần gian. Người Thái cho rằng, tiếng sấm chính là tiếng ngà voi chạm vào nhau và báo hiệu một trận mưa rào sẽ ập xuống. Nếu làm lễ băngrung rồi mà vẫn còn ít mưa, người ta làm tiếp lễ băngrung satra. Họ đem phơi nắng những tượng thần Balamôn để các giáo sĩ Balamôn làm lễ cầu mưa.

Nếu mưa nhiều, nước sông dâng tràn các cánh đồng, ruộng bị úng lụt thì người ta làm lễ đuổi nước. Người dân Thái lên chùa, tốc mái của nhà chùa để mưa làm ướt các tượng phật. Đồng thời, để các vị thần khỏi mất lòng, họ vẫn dâng đồ cúng và niệm cầu các vị thần, phật làm cho trời hết mưa. Giải thích về những hành động của người dân nơi đây, tác giả Quế Lai cho biết: “Người Thái Lan đã bắt các vị thần phải chịu những điều kiện không có lợi như nắng mưa như họ đã phải chịu để các vị nhanh chóng thông cảm với nỗi ước mong của họ” (6).

Kết thúc mùa màng là một lễ hội lớn vào tháng 11 – 12, gọi là loi krathong. Đêm trăng sáng cả làng ra bờ sông thả xuống nước những cái chén bằng lá thắp nến có hoa, trầu cau, đồng xu… Theo các học giả, loi là thả trôi đi, krathong là một loại đồ vật để đựng, như một cái bát hoặc cái chén làm bằng lá (7). Nhưng dần dần, krathong được cách điệu hóa thành những chiếc thuyền nhỏ hình hoa sen, có khi là cả một thuyền lớn trang hoàng rực rỡ. Nhà nào cũng chuẩn bị một krathong đẹp đẽ để bày tỏ lòng cảm ơn nữ thần nước đã tưới cánh đồng đem lại mùa màng bội thu. Vào dịp này, Thái Lan như một bức tranh thật đẹp và nên thơ: “Dưới ánh trăng đêm, các dòng sông đều lung linh ánh nến, lòng người hoan hỉ reo hò tạo nên sự giao hòa giữa con người và cảnh vật, giữa dòng sông và cánh đồng, giữa mặt đất mênh mông và bầu trời lồng lộng” (8).

Ở Lào, người ta thờ các vị thần có ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ, bên cạnh thần núi, thần lửa, thần rừng… còn có thần sông, thần đất là vị thần bảo hộ, phù trợ cho nông nghiệp. Theo Phạm Đức Dương, người Lào có “ma rừng, ma núi, ma sấm, ma đất… còn có ma suối, ma sông, ma nước, ma thuồng luồng… những loại phi (ma) này là biểu hiện của các thế lực siêu nhiên trực tiếp tác động đến con người trên lĩnh vực sản xuất kiếm ăn và tính mệnh, sức khỏe”(9).

Người Lào trồng lúa và hoa màu ở các vùng đồng bằng ven sông và các thung lũng, làm nương rẫy ở vùng rừng núi. Nói chung, đó vẫn là nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Một năm Lào chỉ sản xuất một vụ lúa màu vào mùa mưa. Do hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nên những lễ hội nông nghiệp chính của người Lào là lễ cầu mưa, cầu phồn thực. Khi mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người Lào làm lễ tạ ơn thần đất và thần lúa đã cho một mùa màng bội thu.

Ở Lào có nhiều lễ hội dân gian liên quan tới nước. Đầu tiên phải kể tới là bun pi may hốt nặm vào tháng 4 dương lịch (tháng 5 lịch Lào), có nghĩa là hội té nước năm mới. Lễ hội diễn ra trước khi bước vào mùa mưa, cầu mưa xuống nên hoạt động chính của ngày hội là té nước. Vào tháng 5 dương lịch (tháng 6 lịch Lào) người Lào lại tổ chức bun bẵng phay (lễ hội đốt pháo tre) để cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt. Lễ hội này được người Lào tổ chức trước khi bước vào một vụ mùa, vì vậy còn có tên gọi là lễ hội xuống đồng. Nếu như ở bun pi may hốt nặm người ta chỉ cầu mưa thì ở bun bẵng phay sự cầu mưa còn mạnh mẽ hơn với việc đốt pháo, đánh trống. Tiếng pháo và tiếng trống đồng nghĩa với tiếng sấm, như hành động dọa ông trời phải cho mưa xuống (10).

Một vụ lúa đã hoàn thành và mùa khô cũng sắp đến, người Lào tổ chức lễ hội bun xuồng hừa nhằm tiễn đưa nước, đón mùa khô; và đó cũng chính là hội đua thuyền. Hàng năm vào ngày 15-11, nhân dân tụ tập đông đúc ở bờ sông, làm lễ tế thần, tổ chức các cuộc vui chơi, nhất là đua thuyền và thả mảng. Người ta kết bè, thả mảng bằng cây chuối, trên đặt đèn dầu vật vờ cháy sáng. Đèn được làm bằng một đoạn ống tre nứa, đặt bấc bằng sợi bông. Đây là một lễ hội rất lớn và được cả vùng tham gia… Có nhiều kiến giải khác nhau về nguồn gốc của lễ hội này. Có tác giả cho rằng “ma quỷ đã sống hòa thuận với người trong suốt mùa trồng tỉa, giờ đến lúc theo con nước cuối cùng đi ra biển”(11). Phạm Đức Dương lại có cách giải thích khác, cũng rất thuyết phục: “Do biết ơn nước đã mang no ấm cho con người nên khi nước ra đi, con người vô cùng lưu luyến tiễn đưa”(12). Nhiệm vụ tiễn đưa đó được giao cho các con thuyền đua. Do nhiệm vụ của con thuyền nặng nề như vậy nên nơi ở thường xuyên quanh năm của con thuyền là chùa. Mỗi khi ngày rằm, mồng một, phi (linh hồn của con thuyền) cũng được phần bổng lộc của nhà chùa dâng tặng. Trong ngày hội, vào sáng sớm vẫn là lễ đọc kinh và dâng thức ăn cho sư ở chùa. Sau đó là cuộc đua thuyền diễn ra náo nhiệt trên sông với sự đua tài của các trai bản. Lễ hội đua thuyền đã kết thúc một năm nông lịch.

Cũng là cư dân nông nghiệp, đối tượng thờ phụng chính của người Myanmar là các vị thần nông nghiệp, như thần đất, thần núi, thần sông, thần lúa. Họ cũng có những lễ hội đón mừng mùa mưa, cầu mong cho mưa thuận gió hòa để thần sông Iraoadi phù hộ cho họ thuận lợi trong sản xuất.

Thingyan là ngày hội mở đầu năm mới của cả nước, được tiến hành vào mùng một tết âm lịch Miến (tương đương với tuần thứ hai của tháng 4 dương lịch). Người Myanmar quan niệm rằng, khi xuống hạ giới, nếu Ngọc Hoàng cầm ngọn giáo thì năm đó có chiến tranh, nếu cầm bình nước thì năm đó sẽ mưa nhiều, cầm bó đuốc và chiếc gậy thì sẽ được mùa, cưỡi Naga thì sẽ mưa lớn, cưỡi rồng Ga lông thì sẽ bão to, cầm đèn thì năm đó sẽ nóng.

Các nhà nghiên cứu về văn hóa Myanmar cho biết, thingyan là nhiều hoa, nhiều trò vui, những tiếng cười. Trong ngày đó, người dân Myanmar mong ước những điều tốt lành và điều tất nhiên là nhiều nước. Trong ngày hội nước, không ai lẩn trốn vì họ quan niệm rằng: quần áo càng ướt bao nhiêu thì sẽ càng được may mắn bấy nhiêu. Nước sẽ rửa sạch tội lỗi và những nhọc nhằn trong năm cũ, chờ đợi hạnh phúc và những trận mưa quý giá đem đến mùa màng bội thu (13). Trong ngày đầu năm mới, họ thường tiến hành phóng sinh. Người dân mở cửa các lồng chim, thả cá xuống sông; ngoài đồng, người ta tháo cày cho những con trâu già… Họ làm nhiều việc thiện, ban phát những điều tốt lành cho những sinh linh.

Tín ngưỡng dân gian Đông Nam Á phản ánh rõ nét đời sống sản xuất của cư dân nơi đây. Mỗi lễ hội, trò chơi dân gian đều thể hiện quan điểm về việc chế ngự những hiện tượng thiên nhiên, trong đó có các dòng sông để thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dù đang bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng những tín ngưỡng dân gian vẫn không vì thế mà nhạt phai trong đời sống văn hóa các quốc gia Đông Nam Á.

—————————-

Chú thích:

1. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.11.
2. Huy Vu, Vài nét về đê điều, thủy lợi ở làng xã Việt Nam thời trước, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3-1978.
3. Lê Trắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa, 2002.
4. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.54.
5. Sáu mươi lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1995.
6, 7, 8. Quế Lai (chủ biên), Thái Lan, truyền thống và hiện đại, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1998, tr.68-69.
9, 12. Phạm Đức Dương, Ngôn ngữ và văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.200.
10, 11. Viện Đông Nam Á, Lịch sử Lào, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.184-186, 188.
13. Brown R.Grant, Burma as I saw it 1889, London, Mathuen & Co. 1926.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: , ,