Dấu hiệu tinh tế về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ

Nhưng sự chuyển hóa xã hội đang diễn ra có phải là dấu hiệu khởi đầu cho sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ?

Dấu hiệu tinh tế về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ

Nguồn: The End Of Capitalism Is Already Starting–If You Know Where To Look / Ellie Anzilotty / Fast Company / 2017/09/18.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Những ngày này, Richard Wolff đang có trạng thái mãn nguyện sau một thời gian dài gắn bó với hoạt động giảng dạy của mình. Hiện ở tuổi 70, Wolff đang giảng dạy tại trường đại học New School ở New York. Trong sự nghiệp gần 50 năm, ông đã trở thành một trong những nhà kinh tế học Marxist lỗi lạc nhất nước Mỹ. Mùa hè này, trong một cuộc đối thoại trên diễn đàn Fast Company, các nhà nghiên cứu về sự bất bình đẳng là Jason Hickel và Martin Kirk đã trình bày lý thuyết cho rằng, hiện nay chủ nghĩa tư bản là tâm điểm nhiều cuộc khủng hoảng kìm hãm thế giới của chúng ta. Đối với Wolff thì đó không phải là điều gì mới. Điều thực sự mới với ông là ông được thấy những ý tưởng giống với những gì mình đã giảng dạy hàng thập kỷ qua. Những ý tưởng này không còn bị coi thường, hoài nghi mà được đón nhận với sự quan tâm nhiệt thành.

Vào năm 2011, năm mà phong trào Chiếm đóng phố Wall đã làm gia tăng sự bất mãn với hệ thống tài chính trong truyền thông chính thống của nước Mỹ, Wolff đã sáng lập Democracy at Work (Dân chủ trong việc làm), một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ hợp tác xã công nhân, cấu trúc kinh doanh mà người lao động cùng sở hữu công ty, chia sẻ quyền ra quyết định về lương, lịch làm việc, và định hướng lợi nhuận. “Nếu tôi phải chỉ ra nơi mà sự chuyển dịch khỏi chủ nghĩa tư bản đang diễn ra ở Mỹ ngay bây giờ, đó chính là các hợp tác xã công nhân”, Wolff nhận xét.

Dù Wolff đang dẫn đầu việc hình thành các hợp tác xã – một hoạt động mới có tính dân chủ triệt để so với cấu trúc kinh doanh tư bản chủ nghĩa từ trên xuống trong nhiều năm qua, chính những sự kiện gần đây như cuộc khủng hoảng 2008 và việc nắm quyền của Donald Trump, nhân vật đại diện cho chủ nghĩa tư bản mục ruỗng, mới là những sự kiện phát động một phong trào chống chủ nghĩa tư bản đặc thù ở Mỹ.

“Người Mỹ đang ngày càng hiểu rõ hơn rằng họ đang sống trong một hệ thống kinh tế không phục vụ cho họ, và cũng không phục vụ cho những đứa trẻ của họ. Ý thức về việc tiền lương không thể theo kịp các phí tổn ngày càng tăng trong cuộc sống đã khiến các thế hệ trẻ hơn tỉnh ngộ về khả năng của chủ nghĩa tư bản trong việc hỗ trợ kế sinh nhai cho họ”, Wolff nhận định. Và với sự chênh lệch tỉ lệ thu nhập giữa CEO và nhân viên có lúc lên đến 800:1, có thể hiểu được sự quan tâm của công chúng sẽ chuyển sang một mô hình lao động với quyền sở hữu được chia sẻ, việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, tiền lương được dân chủ hóa.

Phải thừa nhận như Wolff đã thừa nhận là, một sự bùng nổ nhỏ về số lượng hợp tác xã công nhân ở Mỹ (với tỉ lệ tăng trưởng trong nhiều năm liên tiếp kể từ 2010 luôn là hai con số) đã đưa tổng số hợp tác xã loại này lên tới 350 với số công nhân tham gia là 5.000 người. Con số trên không hẳn là một cuộc cách mạng lớn, nhưng có thể là những tiền lệ về sự thay thế chủ nghĩa tư bản trong lịch sử, điều từng khiến chúng ta kỳ vọng chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc trong những biến động lớn và ấn tượng.

Điều đó lại có nghĩa rằng chúng ta đang tìm kiếm không đúng chỗ. “Tôi không muốn mọi người nghĩ đến Nga và Trung Quốc”, Wolff nói. Theo ông, khi theo đuổi sự thay thế, các nước này đã bỏ qua việc dịch chuyển từ phạm vi rất nhỏ, thay vào đó lại bắt đầu bằng những cải cách trên diện rộng ở cấp nhà nước và bỏ rơi dân chúng của họ khi khó khăn.

Thay vì vậy, điều tích cực là nhìn vào sự chuyển dịch sang chủ nghĩa tư bản và hiểu rằng chính những sự dịch chuyển và làn sóng nhỏ hơn trong cách thực hiện mọi thứ mới là dấu hiệu cho những thay đổi thật sự.

Trước khi chủ nghĩa tư bản trỗi dậy thì châu Âu sống dưới chế độ phong kiến, một hệ thống khác biệt cơ bản mà trong đó cả lao động lẫn đất đai đều không được mua bán, và những người nô lệ nông dân gắn với chúa đất phong kiến như lá cờ buộc chặt trên cột cờ. Sự vô nhân đạo của chế độ phong kiến khác với chủ nghĩa tư bản: Công nhân trong chủ nghĩa tư bản không thể thanh toán tiền thuê nhà và các tiện ích cần thiết chỉ bằng cách làm việc và kiếm tiền, còn người nô lệ dưới chế độ phong kiến phụ thuộc vào các chúa đất để có kế sinh nhai, lịch trình và một mảnh đất cho họ lao động. Sự ổn định của họ lệ thuộc vào sự hào phóng hoặc thiếu thốn của lãnh chúa.

Cũng có lúc, các nô lệ bị bóp nghẹt, Wolff nói. Có thể là thời gian một người nô lệ được phép làm việc trên đất của mình ba ngày mỗi tuần bị cắt giảm còn hai ngày mỗi tuần, và thời gian còn lại phải làm việc cho lãnh chúa, vật lộn để nuôi sống gia đình. Những nô lệ này sẽ bỏ trốn. Họ bỏ vào các khu rừng xung quanh thái ấp của lãnh chúa, nơi họ gặp những người bỏ trốn khác. Nhóm người bỏ trốn này, những người cắt đứt quan hệ với hệ thống phong kiến, sẽ thiết lập làng mạc của riêng họ, được gọi là các công xã. Không cần lãnh chúa quản lý, các cựu nô lệ tự sử dụng đất và nguồn lực của mình. Những người lao động tự do đó sẽ thiết lập một hệ thống sản xuất và thương mại trong các công xã mà cuối cùng sẽ tiến hóa thành chủ nghĩa tư bản hiện đại.

“Hình ảnh của sự dịch chuyển từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản chính là cuộc Cách mạng Pháp. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Sự dịch chuyển thật sự chậm chạp hơn nhiều, không có biến đổi lớn, và được tìm thấy ở những người nô lệ đã bỏ trốn và thiết lập một cái gì đó mới”, Wolff nói tiếp.

Tại Mỹ, các doanh nghiệp đang chuyển sang các mô hình cơ sở cộng tác, hình mẫu tương tự với những nô lệ bỏ trốn đó về mặt chức năng. Những năm gần đây, khoảng 10 thành phố ở Mỹ đã ra mắt những sáng kiến nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của những hợp tác xã công nhân, mô hình đặc biệt có ích trong việc tạo ra công việc và sự ổn định lương ở những thành phố lân cận có thu nhập thấp. Bởi vì công nhân có nghĩa vụ giúp đỡ chính mình và người khác, thay vì giúp cho CEO và ban giám đốc, mô hình này vạch ra những con đường tách khỏi cấu trúc tư bản và ở một số mặt có sự tiến bộ giống với một hệ thống dân chủ thật sự nhiều hơn.

“Đây là khởi đầu cho sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản. Những thí nghiệm, theo cách mà chúng ta phải gọi chúng vào thời điểm này, có chuyển đổi thành một sự chuyển hóa xã hội lớn lao hay không thì tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng, những sự chuyển hóa xã hội lớn lao đã không bao giờ xảy ra mà không có giai đoạn này. Giai đoạn này có thể không làm nên điều gì, nhưng sự thay đổi sẽ không diễn ra mà không có nó”, Wolff nói.

Những sự dịch chuyển tinh tế ra khỏi chủ nghĩa tư bản không chỉ được thấy rõ qua sự phát triển của nhiều hợp tác xã. Năm ngoái, Wolff đã được mời tham gia cuộc gặp gỡ các CEO của các công ty tài chính lớn, những người mà Wolff thấy là đang chuẩn bị cho sự thoái vị của chính mình. Khi các CEO tiếp tục có thu nhập vượt trội một cách không cân xứng với các nhân viên của mình, lời kêu gọi chấm dứt hệ thống đó đã đủ lớn đến mức dường như họ không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải lưu tâm đến. Một cử chỉ khó tin là một số CEO đã phân chia tiền thưởng của mình cho các nhân viên.

“Sự tiến lên mô hình hợp tác xã và thay đổi trong nhận thức mà tôi đã chứng kiến ở các công sở và các sinh viên của tôi là hai cơ chế chuyển hóa mà giờ đây đang bắt đầu diễn ra trên toàn cầu. Và tôi muốn nói rằng, đó là một ước ao hơn là bất cứ cái gì khác, và đã quá trễ để ngăn cản chúng. Cái đẹp chân thật của việc này là không có gì tạo nên nhiên liệu cho phong trào tốt hơn là những rắc rối của chính chủ nghĩa tư bản, và những sự không thoải mái, bất mãn, sợ hãi mà nó tạo ra”, Wolff nói.

Dĩ nhiên, những chuyển biến sâu sắc và một ít sự nở hoa của các mô hình lao động dân chủ là không đủ để thiết lập một hệ thống kinh tế mới. Tất cả những sự phát triển này đang diễn ra bên ngoài hệ thống chính trị: trong Nhà Trắng và Quốc Hội, sự hiện diện của các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa lớn vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng thực tế là các chính quyền địa phương như chính quyền thành phố New York và Austin đã phát động các chương trình “lồng ấp” dành cho các hợp tác xã công nhân, điều đó chỉ ra rằng chúng vẫn tương thích với hệ thống chính trị hiện tại.

Thứ có thể chuyển dịch các hợp tác xã thành một phong trào là tư tưởng chính trị thống nhất mạnh mẽ làm nền tảng cho mỗi sự phát triển mới, mà mỗi bước đi của nó là một bước thoát ly khỏi chủ nghĩa tư bản. Sẽ không đủ cho tất cả những hợp tác xã này dân chủ hóa trong sự cô lập, hay không đủ cho những cuộc đối thoại về các thất bại của chủ nghĩa tư bản xảy ra trong sự cách biệt với bên ngoài. Nếu một hệ thống thay thế chủ nghĩa tư bản đang mở rộng quy mô hơn bao giờ hết, nó cần phải làm điều đó trên toàn đất nước, với sự hỗ trợ chính trị ở cấp liên bang. Trong khi đó, các hợp tác xã công nhân với bản chất dân chủ đang định hướng cho sức hấp dẫn của chúng nhất là vào lúc này, các hợp tác xã đó có thể được biến đổi thành nhiều phần khác nhau của một hệ thống kinh tế chiếm ưu thế.

Liệu hệ thống kinh tế mới có giống như việc mời những người nhận bảo hiểm Medicare và Medicaid vào cơ quan hành pháp quyết định tương lai của việc chăm sóc sức khỏe ở đất nước này? Liệu nó có thể đưa phụ nữ tham gia vào các tiến trình pháp lý quyết định các nguồn lực mà họ có thể tiếp cận để chăm sóc sức khỏe của họ? Một cái gì đó giống như một sở phát triển đô thị và nhà ở được hợp tác xã hóa, đưa tất cả những người mà nó phục vụ vào tiến trình quyết định cách thức tốt nhất để làm như thế?

Hay, việc phát triển hệ thống công lý không phụ thuộc vào việc loại bỏ con người khỏi nền kinh tế chính thức bằng cách bỏ tù hàng loạt mà nhấn mạnh vào việc tuyển dụng hợp tác và đào tạo công việc ở cả hai thời điểm tái hòa nhập và trước khi bắt giam? Kimberly Westcott, trợ lý tư vấn của Community Service Society, tổ chức chống đói nghèo có lịch sử 172 năm đặt trụ sở tại New York, đã bắt đầu một chương trình giảng dạy về công việc hợp tác xã trong các nhà tù thông qua sáng kiến Democracy at Work. Nếu các hợp tác xã có thể hình thành bên trong các nhà tù và có thể hoạt động giống như những hợp tác xã ở bên ngoài, liệu các bức tường có cần thiết nữa không?

>> Kinh tế hợp tác xã – một sự phản kháng trước chủ nghĩa tư bản ở Mỹ
>> Vì sao ngày càng nhiều người Mỹ đi theo tiếng gọi của Karl Marx? 

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , , ,