‘Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?’

Quay lại thăm nom con cái, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?

‘Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?’

Tác giả: Nhà nghiên cứu lịch sử Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế.

Ước gì hiểu được trái tim người…

Trong nghiệp sử sinh nghề bạc tóc của tôi, nếu phải chọn một trong 10 nhân vật đã và đang làm cho tôi phải trăn trở nhiều nhất, suy tư nhọc nhằn nhất thì chắc chắn phải có tên Vua Trần Nhân Tông (1258-1308).

Cuộc đời kỳ lạ của ông, những đóng góp to lớn (đạt đến tầm vĩ đại) của ông cho dù đã được 700 năm có lẻ của lịch sử phân định, vẫn chưa có hồi kết; thậm chí vẫn có không ít những khe khắt, dè dặt mà ta không thể hiểu rõ do đâu(!)

Một trong những dẫn chứng có thể thấy rõ nhất là những đường phố mang tên ông trên tất cả mọi thành phố đều là những đường phố nhỏ – nhỏ hơn, ngắn hơn rất nhiều so với đường phố mang tên một vị tướng thuộc quyền như Trần Hưng Đạo…

Nói đến Trần Nhân Tông trước hết là nói đến chữ Nhân. Chữ Nhân như tên ông đã cùng ông đi suốt cả cuộc đời. Ông không màng đến danh lợi, thậm chí đã trốn vào chùa khi hay tin vua cha muốn ông kế nghiệp ngôi vua.

Thế rồi, cũng vì cái lẽ nhân mà Trần Nhân Tông đã ra làm vua trong 15 năm. Một thập kỷ rưỡi đó ông làm được thật nhiều điều. Một trong những chiến công vĩ đại mà không một vị vua đương thời nào có thể làm được là ông đã chỉ huy cả dân tộc hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông (1285 – 1288).

Ở cái thời mà người ta đua nhau ngợi ca vua chúa, quý tộc thì Trần Nhân Tông làm thơ ca ngợi cả một người lính già: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong. Đánh giặc xong rồi, vào thành Thăng Long thấy thư đầu hàng giặc chất đầy mấy rương lớn, Trần Nhân Tông sai đốt hết để khỏi phải truy xét, khỏi phải giết thêm hàng trăm người lầm đường theo giặc. Tất nhiên, đây là điều cần bàn bởi nếu tha hết cho những điều giả trá, lọc lừa thì cái nhân đó cũng gây nên những hậu quả khó lường.

Tuy nhiên, nếu xét tổng thể cả cuộc đời của Trần Nhân Tông thì chúng ta có thể hiểu cách làm ấy của Phật Hoàng là một lẽ tự nhiên. Nếu không có lòng nhân tỏa khắp và sâu sắc thì không thể viết nên hai câu thơ mà 700 năm rồi vẫn làm cho lòng người thổn thức: Số đời một màn kéo Tình người đôi mắt ngân.

Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều than rằng chúng ta đang bỏ quên mất ngôi chùa thiêng liêng nhất của dân tộc là lòng người. Đó là một luận suy chính xác, một tiếng thở dài não nuột. Tại sao cái lòng nhân – “tình người” tha thiết để cho “đôi mắt ngân” mà con cháu của vua Trần Nhân Tông, 700 năm rồi vẫn không chịu biết, chẳng chịu hiểu cho?

“Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”

Cái nhân cao cả nhất của vua Trần Nhân Tông là ông luôn đặt lợi ích của dân, của đất nước, dân tộc lên trên hết thảy. Nhường ngôi cho con (Trần Anh Tông) khi 35 tuổi là điều mà chưa một vị vua nào trên trái đất này làm được – kể từ khi có nhà nước(!)

Ít lâu sau quay lại thăm nom con cái, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?

Tiếng thét đó đã bay qua 7 thế kỷ rồi mà ta vẫn thấy như mới hôm trước, hôm nay. Thì ra, nguyên tắc vì dân của Trần Nhân Tông giản dị lắm: Bộ máy cai trị càng ít, quan lại ít phải điều hành là điều vì dân hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

Chợt nghĩ, dưới triều Nguyễn, cả nước chỉ có chưa đến 3.000 quan chức; thế mà, ngày nay, chỉ riêng thành phố Hải Phòng đã có đến 4.000 công chức ăn lương nhà nước thì quả là điều đáng ngại, đáng lo. Hai trăm năm trước có một vị quan cũng than lên như thế khi thấy gánh nặng nuôi quan đè nặng lên đầu dân, là Ngô Thì Nhậm.

Nói đến Trần Nhân Tông là nói đến tầm nhìn xa, trông rộng. Giặc Nguyên Mông và mối lo canh cánh về hiểm họa từ các triều đại phong kiến phương Bắc đã đưa đến một quyết định phi thường: Ông bằng lòng gả người con gái duy nhất là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để nước Đại Việt có được dải đất từ sông Gianh đến sông Thu Bồn. “Việt điểu sào nam chi” (con chim khôn của Nước Việt phải biết chọn cành phương Nam mà làm tổ) là điều người xưa căn dặn. Trần Nhân Tông hiểu rõ lẽ đó và càng biết rõ hơn rằng khi đứng trên đỉnh Hải Vân, có thể “nhìn” thất mũi Cà Mau!

Rất nhiều bậc danh sĩ, vua chúa trong thời cổ đại (trên toàn thế giới) nói đến chuyện “quốc dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc). Nhưng Trần Nhân Tông là người đầu tiên và hầu như là duy nhất coi tiếng dân, lòng dân, sức mạnh của dân là điều thiêng liêng nhất. Chính vì thế mới có Hội nghị Diên Hồng (12.1284). Ở đây, từ câu chuyện của Diên Hồng, chúng ta thấy vua Trần Nhân Tông nể trọng dân, tin dân đến mức nào!

Điều vĩ đại vô giá của “câu chuyện” này là Trần Nhân Tông thấy rõ những mất mát, đau thương mà người dân phải gánh chịu nếu chiến tranh xảy ra. Ông không muốn tự mình quyết định khi dân không muốn, dân không chịu nổi. Một khi dân đã đồng lòng thì vận nước mới thịnh hưng, thành công mới đến, chiến thắng mới rủ gọi nhau về.

Nhiều vua Trần đã đi tu và các nhà sử học cho rằng đó là thời thịnh Phật. Nếu chỉ dừng lại như thế thôi thì không có nhiều lẽ để bàn. Cái “uẩn khúc” của lịch sử là ở chỗ này: Thời Trần có cuộc chiến tranh 30 năm với 3 lần đánh thắng Nguyên Mông (1258. 1285, 1288); do vậy, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, nhiều thói đời xấu xa lộng hành, nhiều sự ngang ngược (đồng hành của chiến tranh) thao túng nên rất cần phải chỉnh đốn đạo đức, thói tục; rất cần lập lại kỷ cương…

Trần Nhân Tông nói riêng và triều đại Trần nói chung đã khắc phục tất cả những sự đứt đoạn, tắc trách đó của lịch sử, của văn hóa dân tộc bằng cách nương nhờ bóng Phật. Phật ở đây là từ bi hỉ xả; là lòng nhân, là trách nhiệm với đời, bổn phận với người.

Trúc Lâm Yên Tử đã ra đời trong bối cảnh đó. Đó là giáo phái Phật giáo của riêng Việt Nam (duy nhất) do người Việt Nam sáng lập. Nó vừa đáp ứng được sự chấn hưng văn hóa, duy trì dạo đức, cưỡng chế và răn đe dục vọng; vừa là cái bản sắc riêng của Việt Nam, khác nhiều với các giáo phái Phập pháp Bắc Tông (Mahayana) từ phương Bắc dội đến.

Bây giờ ta nói đó là việc làm có nhiều ý nghĩa nhưng thử suy rộng ra sẽ thấy cách nghĩ, tầm nhìn xa của Trần Nhân Tông nó sâu sắc và độc đáo đến mức nào!

Tôi đã “yêu” Trần Nhân Tông đến mức đã từng làm ‘thơ” về ông (để trong ngoặc kép vì nó chưa được đăng bao giờ). Đầu đề là “Ước gì hiểu được trái tim người”. Trong bài đó có những câu như: Bảy thế kỷ chai mòn dĩ vãng/Tìm lại Người đau nhức những khen chê… Ông than nỗi nhiều quan dân khó/Sao ông chẳng ở lại thêm để giúp ích cho đời/ Ông tha hết cho những điều giả trá/Con biết lấy gì để tin nữa ông ơi? Mây Yên Tử dàu dàu dáng núi/Thiền Trúc lâm đau đáu hình Người/ Nhân Tông ơi chuyện đời khó nói/Người lính già thuở ấy, có ham vui?

Trần Nhân Tông yêu tha thiết mùa Xuân. Trong 35 bài thơ ông để lại (tổng cộng 173 câu thơ), Trần Nhân Tông nhắc đến chữ Xuân 18 lần. Mùa Xuân và tình ý trong thơ ông là cái Nhân nồng nàn, cảm động. Chợt giật mình vì mấy hôm nay dư luận đang ồn ào chuyện chúng ta ăn Tết tốn kém quá, lãng phí quá và đây đó còn thiếu văn hóa…

700 năm trước, Trần Nhân Tông đã nhắc nhở điều này: Đừng để tầm thường xuân luống qua… Phải chăng người là một nhà tiên tri?

Theo VIETNAMNET  

Tags: , , ,