Dân thành thị Việt Nam còn muốn ngồi ăn trên đống rác bao lâu nữa?

Các chuyên gia có thể mổ xẻ khái niệm “bộ mặt đô thị” thành rất nhiều thứ, như quy hoạch, quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn giao thông. Nhưng rác dường như là vấn đề then chốt nhất.

Dân thành thị Việt Nam còn muốn ngồi ăn trên đống rác bao lâu nữa?

Ảnh: Lao Động Trẻ.

Bà xã tôi có thời gian làm việc cho một tổ chức tình nguyện quốc tế. Nhiệm vụ chính là lo hậu cần cho các tình nguyện viên trẻ quốc tế đến Việt Nam. Vì tình nguyện viên hầu hết là các bạn ở tuổi sinh viên, có bạn mới tốt nghiệp phổ thông, lại đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, và có nguyện vọng được tình nguyện trong các lĩnh vực khác nhau, nên đủ thứ rắc rối có thể xảy đến. Có lúc các bạn lúng túng làm hỏng việc (của ngôi trường các bạn dạy tiếng Anh, của cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi bạn giúp đỡ), cũng có bạn hư ăn nhậu hát hò đêm khuya (thanh niên mà), cũng có khi các bạn chành chọe nhau trong nhà tập thể (vì đa quốc tịch, đa văn hóa). Nhưng có một dạng tình huống khó xử nhất trong các năm tháng ấy, khiến bà xã tôi thường xuyên bối rối và bó tay: các bạn sợ bẩn.

Hà Nội nhiều chỗ cũng bẩn thật chứ không phải vọng ngoại rồi kỳ thị Việt Nam. Chỗ trông bẩn nhất: dưới gầm bàn các quán ăn. Có bạn tình nguyện viên nữ, đến Việt Nam được một ngày, đến buổi tối được dắt đi ăn vịt nướng, ngồi giữa quán khóc tu tu không chịu ăn uống gì, đòi về luôn. Dưới gầm những cái bàn nhựa, là một đại dương giấy ăn trắng xóa, xương vịt, dầu mỡ, rau cỏ được vứt la liệt. Nếu quán đông, có thể cả ngày nhân viên chỉ đi lùa cái chổi một hai lần – còn lại thì người ta sẽ ngồi ăn trên một bãi rác theo đúng nghĩa đen.

Tưởng tượng rằng cả đời bạn sống ở những nơi mà một vết sốt McDonalds rớt xuống sàn cũng không chấp nhận được, ngồi ăn ở cái đại dương giấy trắng đó thì cảm giác đáng sợ đến thế nào.

Rác ở đó nếu có được lùa lại cũng sẽ được vun dưới một cái gốc cây ngay trước quán, tức là cũng chỉ xa chỗ ăn của thực khách thêm được hai mét. Nó sẽ nằm đấy cả ngày, ngay mặt tiền, cạnh cái lò than nướng vịt để chờ hệ thống thu gom rác đi qua.

Nếu bạn đã từng đến các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, bạn sẽ nhận ra một điểm mấu chốt của “bộ mặt đô thị”, là rác. Tại Bangkok, Busan, Hong Kong, đặc trưng hình thành của các đô thị châu Á cũng tạo ra những con ngõ quanh co, nhà cửa lố nhố, chuồng cọp, cơi nới, những lối đi một người và những bức tường rêu khuất nẻo. Không phải nơi nào cũng được quy hoạch thẳng băng như Singapore. Nhưng khung cảnh ở đó vẫn có một vẻ tươm tất – của những mặt đường không bóng rác, những vỉa hè chỉ có lá rụng, và những quán ăn mà sàn nhà trông giống cái… sàn nhà.

Các chuyên gia có thể mổ xẻ khái niệm “bộ mặt đô thị” thành rất nhiều thứ, như quy hoạch, quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn giao thông. Nhưng rác dường như là vấn đề then chốt nhất.

Những túi rác của các quán ăn đã làm bạn tình nguyện viên Tây khóc thét, không dừng cuộc diễu hành ở cửa quán. Nó được thu gom, mỗi ngày một lần, bởi một lực lượng công nhân vệ sinh mỏi mệt. Rất nhiều người trong số đó không có hợp đồng lao động: họ là “công nhân nước 2”. Những công nhân thực sự có biên chế của các công ty môi trường, đã bỏ việc vì lương thấp, bán suất lao động của mình cho những người nhập cư nghèo hơn, lấy một chút tiền chênh lệch và vẫn giữ sổ bảo hiểm xã hội. Những công nhân vệ sinh thực sự đi gom rác này không tồn tại trên giấy tờ. Họ không được bảo vệ, không có chế độ đãi ngộ gì tử tế (vốn từ công nhân nước một đã chẳng tử tế lắm), và họ vẫn thu gom rác theo cách mà Tố Hữu mô tả từ 60 năm trước, bằng tiếng chổi tre.

Bạn tình nguyện viên Tây sẽ bắt gặp các xe rác chất cao như núi này, hơn một lần trên những con đường Hà Nội. Bạn sẽ phải tránh nó trên đường đi về nhà tập thể – nó được tập kết cách quán vịt nướng kia không xa. Ngày hôm sau, khi đã quyết tâm ở lại Hà Nội để hoàn thành sứ mệnh, bạn có thể bắt gặp lại nó một lần nữa trên những con đường quê, khi bạn về các trung tâm bảo trợ xã hội để làm nhiệm vụ – trên đường quê, là những bãi rác lộ thiên tràn xuống mương cống, mù mịt muỗi nồng nặc mùi.

Ở đó, trong bức tranh, có những người hưởng lợi. Các quán ăn bày biện trên vỉa hè kia, theo lời một vị lãnh đạo công an nổi tiếng từng nói, “có chống lưng”. Các cán bộ hưởng lợi từ việc mắt nhắm mắt mở cho bà con mưu sinh. Những công nhân nước 2 kia cũng không hẳn là tàng hình. Chỉ là hệ thống có thói quen ứng xử tồi với công nhân vệ sinh trong suốt nhiều năm: công nhân thu gom rác, công nhân thủy lợi (cũng nghề chính là thu gom rác dưới kênh mương) bị nợ lương tràn lan và thậm chí có những nhóm công nhân hàng nghìn người, chỉ riêng tại Hà Nội, bị nợ lương tới vài năm. Các gói thầu vệ sinh môi trường đô thị đã được vận hành theo một cách bí ẩn nào đó, tạo ra lợi tức ở nơi bí ẩn đâu đó ngoài chính… nơi có rác.

Đó là một hiện trạng cũ. Nhưng chính vì nó cũ, nên chúng ta cần đặt câu hỏi rằng tại sao ngành quản lý đô thị Việt Nam vẫn được tiếp tục sống như cách nó đã sống suốt nửa thế kỷ qua. Câu trả lời cũng không khó khăn gì: chính người dân cũng được hưởng lợi từ việc đó, nhưng là cái lợi trước mắt, cái lợi của sự thuận tiện, của việc bày bàn ghế và ném rác đầy vỉa hè kinh doanh, của việc quăng phịch cái túi ra bất kỳ đâu trên đường với phí vệ sinh rẻ mạt. Cái hại lâu dài không thể đo đếm được, với hình ảnh đô thị, với sức khỏe các thế hệ. Nhưng cái lợi thì nhìn thấy ngay. Không thể nói rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người “bảo kê”.

Nếu có một cuộc cải tổ bộ mặt đô thị, có lẽ thứ tự ưu tiên sẽ dành cho việc xem lại các nhà cao tầng, bãi đỗ xe, rồi cây xanh,… chứ không phải dành cho rác và nguồn cơn của rác. Bởi vì có những miếng bánh dày hơn, nhiều lợi ích kinh tế hơn và cái thiệt hơn của người dân có vẻ to. Bây giờ xem xét lại một cái bãi đỗ xe thì đơn vị tiền tệ đo lường toàn tính bằng tiền tỉ – từ ông chủ bãi đỗ đến chủ những chiếc xe. Rác thì rẻ quá. Trong một vụ bảo kê vỉa hè bị phát hiện tại TP Hồ Chí Minh cách đây vài năm, giá của một tiệm chi cho ông trật tự chỉ có 3 triệu đồng. Và có lẽ nó rẻ, nó nhỏ, nên “ăn” rác sẽ là thứ thuận tiện cho nhiều bên.

Câu hỏi cuối: Chúng ta, một trong những nền kinh tế đứng thứ 23 toàn cầu nếu xét theo GDP sức mua – tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới, sẽ còn muốn ngồi ăn trên đống rác bao lâu nữa?

Theo ĐỨC HOÀNG / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,