Đại dịch COVID-19 và sự thay đổi quan hệ giữa các quốc gia

Đại dịch COVID-19 đặt ra thử thách rất lớn đối với quan hệ giữa các quốc gia. Quan hệ quốc tế thời sau đại dịch sẽ có những thay đổi gì?

Đại dịch COVID-19 và sự thay đổi quan hệ giữa các quốc gia

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới gây ra đã đẩy quan hệ quốc tế vào tình huống và tình trạng trước đó chưa từng thấy. Nó không chỉ làm đảo lộn chương trình nghị sự của chính trị thế giới và của quan hệ quốc tế mà còn báo hiệu về những thay đổi trong thời gian tới và cả trong tương lai xa.

Dịch bệnh này thử thách quan hệ quốc tế trên phương diện quan hệ quốc tế hữu ích hay vô dụng trong việc giúp chính phủ các quốc gia, chính quyền các khu vực ứng phó và dẫn dắt quốc gia hay vùng lãnh thổ ấy vượt qua dịch bệnh.

Dịch bệnh làm phép thử về năng lực quyền biến của chính phủ quốc gia và chính quyền các khu vực với sử dụng và xử lý các mối quan hệ quốc tế phục vụ cho mục tiêu ứng phó dịch bệnh và vượt qua dịch bệnh với cái giá thấp nhất và trong thời gian nhanh nhất.

Bất biến và khả biến

Dịch bệnh này còn dai dẳng chứ chưa thể sớm chấm dứt. Nhưng dù có đến khi nào mới chấm dứt đi nữa và dù có hoành hành còn dữ dội đến như thế nào đi chăng nữa thì dịch bệnh này cũng không thể làm thay đổi được hoàn toàn và cơ bản quan hệ quốc tế.

Nó đặt ra những vấn đề mới liên quan đến nhiều phương diện của quan hệ quốc tế cần phải được giải quyết. Nó đưa lại nhiều gợi mở về công cụ và phương cách mới có thể sử dụng được, thậm chí rất nên sử dụng, để vận hành và xử lý quan hệ quốc tế ở cả thời dịch bệnh chưa hẳn qua đi như hiện tại lẫn ở thời sau dịch bệnh.

Quan hệ quốc tế không bị thay đổi cơ bản về bản chất nhưng sẽ có sự thay đổi về phạm vi nội dung của chương trình nghị sự và thứ tự ưu tiên giữa các nội dung chính trên chương trình nghị sự ấy. Hình thức ngoại giao trực tuyến không phải sẽ thắng thế mà chỉ sẽ được vận dụng nhiều hơn, thường xuyên hơn và hiệu quả thiết thực hơn.

Thời sau đại dịch này sẽ là thời quá trình số hoá được ưu tiên thúc đẩy phát triển ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt trên hai phương diện là phát triển và mở rộng mạng lưới Internet quốc gia và quốc tế cũng như thu hẹp cái gọi là Digital Divide hay Digital Gap trong phạm vi quốc gia và giữa quốc gia với thế giới bên ngoài. Quan hệ quốc tế sẽ được tận lợi từ đấy rất nhiều.

Dịch bệnh này phơi bày rất rõ cái mạnh yếu của quốc gia và đối tác, cho thấy rõ dễ bị tổn thương và lâm nguy ở đâu nhưng đồng thời còn cả tiềm lực nào vẫn luôn ẩn dấu mà chỉ bộc lộ trong tình cảnh đất nước bị khủng hoảng và xã hội bị đe doạ.

Ở thời sau dịch bệnh, các đối tác lớn sẽ phải bớt kiêu ngạo và các đối tác nhỏ sẽ tự tin hơn trong cả các mối quan hệ song phương cũng như đa phương. Việc áp đặt quan điểm và giáo huấn hệ giá trị trong quan hệ quốc tế sẽ bớt đi rất nhiều. Nhu cầu về đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như đa phương sẽ được coi trọng hơn và gia tăng.

Các đối tác lớn và mối quan hệ giữa các đối tác này với nhau vẫn chi phối nhiều nhất quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh. Nhưng vì tất cả các đối tác này dưới tác động của dịch bệnh đều đã không thể che giấu được tính tương đối và không ổn định của sức mạnh và thế mạnh của họ nữa, cũng như đồng thời đã bị phơi bày tính tuyệt đối của những điểm yếu mới của họ nên tuy vẫn cạnh tranh chiến lược với nhau nhưng không dám đi quá xa và quá đà cũng như vẫn phải hợp tác với nhau nhưng sẽ thận trọng và luôn giữ dư địa để lùi.

Vì thế, sau này thì không loại trừ chứ trong thời gian tới, cục diện quan hệ giữa các đối tác lớn sẽ không có đột biến. Dịch bệnh này đã buộc tất cả đều phải nhìn lại chính mình và nhìn đối tác bằng con mắt khác.

Thiếu vắng một “nhạc trưởng”

Dịch bệnh này có động chạm đến nhưng không làm thay đổi cơ bản nền tảng và nguyên tắc cơ bản lâu nay của quan hệ quốc tế. Những vấn đề lâu nay nổi bật trong quan hệ quốc tế rồi sẽ dần trở lại thời sự nhưng những ngày tháng dịch bệnh này sẽ còn ám ảnh quan hệ quốc tế trong thời gian dài.

Các nước và các đối tác rồi sẽ dần đi tới và chấp nhận sự hiểu biết chung rằng, quyết sách của đối tác nào đó trong tình huống khẩn cấp đặc biệt cần phải được hiểu và chấp nhận từ giác độ của sự cần thiết đối với đối tác ấy chứ không phải từ giác độ tính tương thích của nó với những nguyên tắc và nền tảng chung của quan hệ quốc tế.

Dịch bệnh là kẻ thù chung của thế giới và nhân loại. Hiện trên thế giới đã có rất nhiều liên minh và liên kết, tổ chức và khuôn khổ hợp tác. Nhưng ở thời dịch bệnh hiện tại, thế giới thiếu vắng gần như hoàn toàn tổ chức hay thể chế, quốc gia hay thậm chí cá nhân nào có khả năng và bản lĩnh đảm trách vai trò “nhạc trưởng” thôi chứ không nói đến vai trò ‘thuyền trưởng’ đoàn kết tập hợp được cả thế giới cùng đối phó và đẩy lùi dịch bệnh.

Quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh sớm hay muộn rồi cũng sẽ có những chuyển biến nhất định theo hướng tìm kiếm và gây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng chung cho cả thế giới trong trường hợp lại xảy ra khủng hoảng chung đối với cả thế giới trên mọi phương diện chứ không phải chỉ có về dịch bệnh hay thiên tai.

Nếu ví dịch bệnh này là một cú đòn giáng vào quan hệ quốc tế thì cú đòn ấy không gây ra thương tích trên thân thể của quan hệ quốc tế nhưng làm đau đủ mức để tất cả các bên liên quan tự điều chỉnh và thay đổi, cùng nhau chấn chỉnh và phát triển quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh sao cho không còn bị đòn đau nữa.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 

Tags: ,