Đã bao nhiêu lần Mỹ muốn ném bom nguyên tử Việt Nam?

Trước thất bại rõ ràng trên chiến trường Việt Nam sau tết Mậu Thân, ngày 27/10/1969, 18 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí nguyên tử được lệnh xuất kích hướng về phương Đông, trong nhiệm vụ tối mật nhằm cứu vãn thể diện của Mỹ trên bàn đàm phán.

Đã bao nhiêu lần Mỹ muốn ném bom nguyên tử Việt Nam?

Và đây không phải lần đầu tiên vũ khí nguyên tử được giới chức Mỹ nhắc tới trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Vài tuần trước khi hạ lệnh leo thang ném bom miền Bắc, trong cuộc điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger ngày 25/4/1972, Tổng thống Nixon một lần nữa yêu cầu nghiên cứu giải pháp dùng bom nguyên tử, để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán, mở ra lối thoát danh dự cho Mỹ trong cuộc chiến.

Trong những đoạn băng ghi âm được Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ giải mật 30 năm sau đó, Nixon đã đề nghị Kissinger cân nhắc sử dụng bom nguyên tử, sau khi vị cố vấn đưa ra một loạt lựa chọn để leo thang chiến tranh tại miền Bắc, gồm ném bom các nhà máy điện và bến cảng.

“Tôi thích dùng bom nguyên tử hơn”, Nixon nói.

“Việc đó, theo tôi, là quá nhiều”, Kissinger đáp lại.

“Bom nguyên tử. Nó khiến ông bận tâm sao?”, Nixon hỏi lại. “Tôi chỉ muốn ông nghĩ đến những chuyện lớn”.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1985 khi đã không còn là Tổng thống, Nixon thừa nhận đã tính tới “giải pháp hạt nhân”.

Trước đó, ngay từ năm 1959 và 1968, không quân Mỹ từng hai lần đề xuất ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, các hồ sơ được giải mật khẳng định.

Năm 1959, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, Tướng Thomas D White, đã lựa chọn vài mục tiêu tại miền Bắc để yêu cầu ném bom nguyên tử. Tuy nhiên, đề xuất này bị các quan chức quân sự khác của Mỹ bác bỏ.

“White muốn đánh gục quân giải phóng và các tuyến đường tiếp tế của họ bằng cách tấn công vào những mục tiêu được chọn ở miền Bắc Việt Nam, bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân”, một hồ sơ khẳng định.

“Mặc dù báo cáo của White đề nghị sẽ cảnh cáo giới chức miền Bắc Việt Nam trước khi tấn công, các quan chức khác đã bác bỏ việc này, có thể do vũ khí hạt nhân được đề cập đến. 7 tháng sau, đề xuất này bị rút lại”, báo cáo viết.

Đến năm 1968, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân giải phóng vào các căn cứ Mỹ tại miền Trung, Tướng William Westmoreland, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Việt Nam cũng đã đề xuất sử dụng “vũ khí hạt nhân hoặc hóa học” để giúp giải vây cho các căn cứ Mỹ.

“Cuối tháng Giêng, tướng Westmoreland đã cảnh báo rằng nếu tình hình gần DMZ (khu phi quân sự) và tại Khe Sanh xấu đi nghiêm trọng, vũ khí hạt nhân hoặc hóa học có thể phải được sử dụng”, một báo cáo dài 106 trang, có tiêu đề “Không quân tại Đông Nam Á: Hướng tới việc ngừng ném bom, 1968”, từng được gắn nhãn “tối mật” viết.

“Việc này đã khiến (tham mưu trưởng không quân) tướng McConnell hối thúc Bộ tổng tham mưu cho phép yêu cầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuẩn bị một kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân cấp thấp, để ngăn chặn tổn thất ghê gớm cho các căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ”, báo cáo khẳng định. Dù vậy đề xuất này sau đó cũng bị bác bỏ.

Ngày 27/10/1969, 18 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, mang theo vũ khí nguyên tử được lệnh xuất kích hướng về phía Đông, đích đến là Moskva nhưng mục tiêu thực sự là gây sức ép để lãnh đạo Liên Xô dừng những hậu thuẫn trên chiến trường, khiến Hà Nội phải nhượng bộ trên bàn đàm phán hòa bình tại Paris.

Trước đó, theo tờ Wired, trên bàn đàm phán năm 1969 tại Paris, phái đoàn Việt Nam cũng tuyên bố sẽ ngồi đó mà không nhân nhượng “cho đến khi cái ghế này mục ra” cũng không.

Kế hoạch được triển khai trong bối cảnh Nixon vừa đắc cử Tổng thống tháng 1/1969, với ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam càng nhanh càng tốt, với các điều khoản có lợi nhất có thể cho Mỹ

Sau nhiều cân nhắc, đến giữa năm 1969, Nixon và Henry Kissinger tin rằng, một chiến lược kết hợp ngoại giao quốc tế với những đe dọa và hành động vũ lực có thể khiến chính phủ miền Bắc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Tại nhiều cuộc gặp trong các tháng 7 và 8 năm đó, bộ đôi trên cùng các phụ tá đã phát đi những cảnh báo nhắm tới lãnh đạo tại Mátxcơva và Hà Nội rằng, nếu tới 1/11, chính quyền miền Bắc không chấp thuận nhượng bộ theo các điều khoản của Mỹ, Nixon sẽ thực hiện “các biện pháp gây hậu quả lớn”.

Trong trường hợp chiêu “võ mồm” này thất bại, bước hai sẽ được triển khai bao gồm hành động leo thang quan sự, bằng các chiến dịch tấn công đa dạng nhắm vào miền Bắc.

Một kế hoạch quân sự mang mật danh “Duck Hook” được vạch ra, trong đó một nhóm chuyên viên đặc trách được giao nhiệm vụ đánh giá những lựa chọn quân sự. “Tôi không tin rằng một chính phủ nhỏ bé như Bắc Việt Nam lại không có điểm yếu”, Kissinger nói.

“Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu lựa chọn về một đòn quyết định, dữ dội nhắm vào Bắc Việt Nam”. Tổng thống, Kissinger nói với các thành viên trong nhóm, muốn một “kế hoạch quân sự được thiết kế để tạo ra tác động lớn nhất vào năng lực quân sự của đối phương”, để “nhanh chóng kết thúc” cuộc chiến.

Là một trong những chiến dịch quân sự bí mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, kế hoạch này bao gồm một loạt các chuyến bay huấn luyện nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, cảnh báo mặt đất của Bộ chỉ huy không quân chiến lược, tăng cường các hoạt động của hải quân, giám sát chặt các tàu của Liên Xô trên đường tới miền Bắc Việt Nam, và “phô trương sức mạnh” của các “pháo đài bay” B-52 mang vũ khí hạt nhân.

Thế nhưng cuối cùng kế hoạch đồ sộ được chuẩn bị kỹ lưỡng này của Washington đã không thể khiến Liên Xô cũng như Việt Nam nhượng bộ trước thời hạn 1/11 mà Mỹ đưa ra.

Theo báo giới Mỹ, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết khả năng chính quyền Nixon có thể bỏ bom nguyên tử xuống miền Bắc, nhưng vẫn không lùi bước.

Tại một cuộc đàm phán ở Paris, ngày 4/12/1972, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, ông Lê Đức Thọ tuyên bố với Kissinger rằng: “Chúng tôi đôi lúc nghĩ rằng các ông có thể dùng vũ khí nguyên tử bởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, phó Tổng thống Nixon đã đề xuất sử dụng vũ khí nguyên tử…

Nếu chúng tôi không đạt được mục tiêu trong đời mình, con cháu chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh…Chúng tôi đã phải chịu hàng chục triệu quả bom và đạn pháo. Chúng tương đương với 600 quả bom nguyên tử… Sự thật đơn giản đó là chúng tôi sẽ không chấp nhận và cam chịu làm nô lệ. Do đó những đe dọa và việc phá vỡ lời hứa của các ông, theo chúng tôi, không phải một cách nghiêm túc để tiến hành đàm phán”, ông Lê Đức Thọ nói.

Theo DÂN TRÍ

Tags: , ,