COVID-19: Nghĩ về các Nhà nước trong tình huống khủng hoảng quốc gia

Đối phó với dịch COVID-19 đòi hỏi phải nhận diện lại những lằn ranh đỏ trong nhận thức và hành động – điều rất cần thiết lúc này đối với nhà nước, người dân và trong quan hệ giữa các quốc gia.

Gần ba tháng sau khi bùng phát ở Trung Quốc, dịch bệnh viêm phổi cấp VOVID-19 do virus corona gây ra đã lây lan ra mọi châu lục và khu vực của thế giới và lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ nay đẩy cả thế giới vào tình trạng không bình thường, buộc chính phủ và người dân ở các quốc gia trên thế giới phải có những quyết định và hành động lâu nay chưa từng thấy.

Nhân tố quyết định nhất

Dịch COVID-19 buộc chính phủ và người dân ở các quốc gia trên thế giới khi quyết định và hành động phải bước qua những giới hạn đã tự đặt ra cho nhận thức, mưu tính và hành động lâu nay cũng như phải nhận thức lại và xác định lại những giới hạn ấy.

Thực tiễn ứng phó dịch bệnh này ở các nơi trên thế giới thời gian vừa qua cho thấy thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả, kiểm soát được tình hình hay vỡ trận đều phụ thuộc vào nhà nước có hành động quyết liệt và đúng đắn hay không cũng như người dân có đồng hành với nhà nước hay không.

Nhân tố quyết định nhất vẫn là nhà nước và vì thế trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc về nhà nước. Chính trong những tình thế đặc biệt như thế này, người dân lại cần nhà nước hơn bao giờ hết để đảm bảo an toàn cho dân, để dẫn dắt người dân ứng xử và hành động. Chỉ có nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả, đề cao tôn chỉ mục đích hàng đầu là vì người dân và được người dân tin cậy mới có thể đưa đất nước vượt qua được khó khăn như dịch bệnh hiện tại. Nhà nước cần sự đồng hành của người dân và khi nhà nước như trên thì sẽ có được sự tin tưởng và đồng hành của người dân.

Nhận diện lại lằn ranh đỏ

Cho nên mọi quyết sách của nhà nước lúc này đều động chạm đến vận mệnh và tương lai của quốc gia. Hiệu quả thực tế của quyết sách của nhà nước phụ thuộc vào 4 tiêu chí “đúng” là quyết sách đúng đắn, áp dụng đúng mức độ, đưa ra đúng thời điểm và nhằm vào đúng đối tượng. Trong tất cả các tiêu chí này đều đòi hỏi phải trả lời câu hỏi: đâu là lằn ranh đỏ mới?

Ở những nơi ứng phó dịch bệnh thành công đều thấy là các tiêu chí nói trên được đáp ứng và câu hỏi về “lằn ranh đỏ” kia đều được trả lời một cách linh hoạt chứ không sơ cứng, thực tế chứ không giáo điều. Ở tất cả những nơi đó đều thấy có bài học thành công là một khi diễn biến tình hình đòi hỏi thì phải thay đổi và dịch chuyển lằn ranh đỏ để kịp thời có được đối sách thích hợp, khả thi và hiệu quả chứ không phải vì chính những ranh giới lâu nay ấy mà hành động chần chừ, mà trì hoãn những quyết định cần phải có ngay chứ không thể trì hoãn.

Nhà nước phải hành động nhanh chóng và quyết liệt vì người dân. Người dân phải đặt lợi ích riêng xuống dưới lợi ích chung của đất nước và cộng đồng. Đối tác bên ngoài phải tôn trọng và chấp nhận những ưu tiên chính sách mới của quốc gia vì những lợi ích sống còn chính đáng của quốc gia ấy trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Trong những tình huống khủng hoảng như hiện tại, quốc gia nào cũng có quyền chính đáng đòi hỏi các quốc gia và đối tác khác phải hiểu biết và thật sự cảm thông về những quyết sách đặc thù mà chính phủ quốc gia phải đưa ra để đảm bảo sự an toàn cho người dân, cuộc sống bình thường của người dân và tương lai của đất nước ấy.

Cũng chính trong những tình cảnh đặc biệt này cũng bộc lộ rất rõ nét thực chất và tính bền vững của các mối quan hệ song phương cũng như đa phương giữa các quốc gia với nhau và sự hợp tác quốc tế càng thêm quan trọng. Việc thay đổi và dịch chuyển những ranh giới này không phải nhằm để thay đổi bản chất mối quan hệ giữa nhà nước và người dân cũng như không phải để thay đổi thực chất các mối quan hệ quốc tế. Nó chỉ nhất thời nhằm để ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Thay đổi nhận thức và hành động

Các nước trên thế giới, có nước từ rất sớm và có nước khá muộn mằn, đều đã hoặc đang dịch chuyển hay thay đổi những lằn ranh đỏ này. Chẳng hạn như Nga đã làm việc ấy khi đóng cửa biên giới với Trung Quốc hay Đức và Pháp đã làm việc ấy khi cấm xuất khẩu khẩu trang sang nhau. Mỹ và nhiều nước châu Âu đang làm việc ấy khi không chỉ phong toả biên giới mà còn buộc người dân ở trong nhà. Hay như khi áp dụng biện pháp chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chính phủ quốc gia ấy đâu có lưu ý gì nữa đến công dân quốc gia ấy đang ở bên ngoài muốn về nước và công dân nước ngoài ở nước ấy muốn trở về đất nước của họ.

Dịch bệnh COVID-19 đang làm thay đổi rất đáng kể nhận thức và hành động của nhà nước và người dân ở mọi nơi trên thế giới, bất kể nhà nước hay người dân có sẵn sàng thay đổi hay không.

Theo BÁO QUỐC TÊ

Tags: ,