Công nghệ sinh học – chiến trường mới trong cạnh tranh Mỹ – Trung

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung đã phát triển theo nhiều chiều hướng mới, không chỉ dừng lại ở cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế – thương mại, mà đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó tiêu biểu là công nghệ như cạnh tranh về mạng 5G, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Gần đây công nghệ sinh học là một lĩnh vực quan trọng nổi lên trong cạnh tranh – đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy tại sao lại là lĩnh vực công nghệ sinh học? Mỹ và Trung Quốc có chiến lược và tầm nhìn gì trong lĩnh vực này, và liệu cuộc đua này sẽ gây nên những hệ quả gì?

Công nghệ sinh học – chiến trường mới trong cạnh tranh Mỹ – Trung

Nguồn gốc của cuộc cạnh tranh

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung đã phát triển theo nhiều chiều hướng mới, không chỉ dừng lại ở cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế – thương mại, mà đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó tiêu biểu là công nghệ như cạnh tranh về mạng 5G, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Gần đây công nghệ sinh học là một lĩnh vực quan trọng nổi lên trong cạnh tranh – đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai cường quốc đều đã có những tính toán và bước đi chiến lược để giành lấy lợi thế về phía mình.

Vậy tại sao lại là công nghệ sinh học? Một số nguyên nhân chính có thể kể đến là do sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang đe dọa đến vị trí số một của Mỹ và mối liên kết giữa sinh học và an ninh – quốc phòng đang tạo ra những nghi ngờ, lo ngại và cả những toan tính đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Cụ thể:

Thứ nhất, trong thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã ngày càng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực y sinh nói chung và công nghệ sinh học nói riêng. Theo dữ liệu do Nhà kinh tế Qianzhan công bố, từ năm 2014 đến năm 2020, quy mô thị trường của ngành dược phẩm sinh học của Trung Quốc đã tăng từ 116 tỷ Nhân Dân Tệ (NDT) lên 387 tỷ NDT, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 18%, vượt tốc độ tăng trưởng toàn cầu 7.7% so với cùng kỳ[i]. Các chuyên gia dự báo rằng quy mô thị trường của ngành công nghiệp dược phẩm sinh học của Trung Quốc sẽ vượt 1000 tỷ NDT vào năm 2027. Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ 2 thế giới và với sự phát triển nhanh chóng của nước này đã khiến Daxue Consulting dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vòng 10 năm tới để trở thành ngành công nghiệp dược phẩm lớn nhất thế giới[ii]. Trong khi đó, ngành công nghiệp sinh học Mỹ dù được đánh giá là dẫn đầu thế giới, lại đang chịu sự phụ thuộc về nguyên liệu và sản xuất từ nước ngoài, trong đó Mỹ đang phải nhập khẩu nhiều loại dược liệu và thuốc được sản xuất từ Trung Quốc. 75% thuốc kháng sinh, vitamin và các loại thuốc khác trong chuỗi công nghiệp liên quan của Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Mặc dù khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ của Trung Quốc kém hơn Mỹ, nhưng cơ sở hạ tầng và trình độ quy trình của Trung Quốc không thua kém Mỹ[iii]. Chính vì điều này, Mỹ ngày càng lo ngại về vị trí số 1 của mình và ngày càng chú ý việc hạn chế sự phát triển của ngành này tại Trung Quốc.

Theo The Journal of Gene Medicine, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có số lượng thử nghiệm lâm sàng trị liệu tế bào gen chỉ đứng sau Mỹ, chiếm 7.8% các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu và đóng một vai trò quan trọng trên thị trường thế giới[iv]. Năm 2020, nền tảng phân tích dữ liệu công nghiệp kỹ thuật sinh học – EB Insights đã công bố “50 công ty sinh học tổng hợp đáng chú ý nhất thế giới”, trong đó các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 20% với sự hiện diện của 9 doanh nghiệp[v].

Thứ hai, hệ sinh thái gồm nhiều công ty Trung Quốc chuyên về phân tích gen, phân tích dược phẩm và bệnh tật đã phát triển mạnh mẽ ở nội địa và mở rộng phạm vi hoạt động sang Mỹ. Nhiều tập đoàn Trung Quốc có chi nhánh tại Mỹ như BGI, Wuxi NextCode đã xây dựng thư viện lưu trữ dữ liệu các bộ gen, đồng thời xây dựng các máy giải trình gen tiên tiến ngay trên nước Mỹ[vi]. Mỹ đối mặt với việc lộ bí quyết công nghệ giải trình DNA do các nhà sản xuất nội địa làm chủ, từ đó dấy lên lo ngại về an ninh, rò rỉ dữ liệu y tế và bản quyền sở hữu trí tuệ của nước Mỹ. Rõ ràng, dữ liệu sinh học cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu sức khỏe cá nhân và cả cộng đồng, nghiên cứu vi-rút học, thuốc kháng sinh… Mỹ cho rằng, những dữ liệu của công dân Mỹ khi nằm trong tay các công ty Trung Quốc sẽ không chỉ là một rủi ro mà là mối đe dọa.

Thứ ba, sự xuất hiện của Vi-rút COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh đến các quan chức Mỹ, và càng khẳng định mối quan tâm và lo ngại của Mỹ về ngành công nghiệp sinh học của Trung Quốc. Mỹ cho rằng vi rút Corona có thể đã bị thoát ra từ các phòng thí nghiệm sinh học của Trung Quốc tại Vũ Hán. Trong khi Trung Quốc cùng Mỹ và 181 quốc gia khác đã ký kết Công ước Vũ khí sinh học (CWC năm 1993) về việc cấm phát triển, thử nghiệm và sử dụng vũ khí sinh học. Phía Mỹ nghi ngờ về sự tuân thủ của lực lượng quân y Trung Quốc đối với việc nghiên cứu và phát triển các loại vi khuẩn gây bệnh.

Củng cố cho những lo ngại về sự phát triển ngành sinh học có thể đi vào con đường cực đoan vũ khí sinh học là giải Nobel năm 2020 được trao cho việc phát hiện một hệ thống enzyme được gọi là CRISPR-Cas9. Enzyme này cho phép chỉnh sửa bộ gen của sinh vật sống với độ chính xác cao, là bước đột phá trong lĩnh vực sinh học với sự hứa hẹn trong việc phát triển các phương pháp điều trị cho các bệnh chưa thể chữa từ trước tới nay, tuy nhiên, nó cũng mở ra một con đường đến một thế hệ vũ khí sinh học chết người hoàn toàn mới[vii]. Trong khi đó, theo báo cáo “Emerging Topics in Life Sciences (2017) (tạm dịch: Các chủ đề mới nổi trong Khoa học Đời sống), Trung Quốc là quốc gia đóng góp lớn nhất trong việc nghiên cứu hệ thống CRISPR[viii]. Sự liên kết giữa lĩnh vực sinh học và an ninh nhân loại nói chung và an ninh quốc gia của hai nước Mỹ – Trung nói riêng trở thành một phần lý do của cuộc chạy đua về công nghệ sinh học.

Nhận thấy những nguy cơ về sự xói mòn vai trò thống trị trong ngành công nghệ sinh học với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ đang thực hiện các bước đi để đảm bảo được vị thế người dẫn đầu của mình. Tổng thống Joe Biden đã từng phát biểu rằng “Chúng tôi thực sự dẫn đầu trong lĩnh vực này, nhưng chúng tôi có nguy cơ tụt lại phía sau, như trong lĩnh vực bán dẫn”.

Cạnh tranh công nghệ sinh học giữa Mỹ và Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã và đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung.

Về phía Mỹ

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, năm 2018, Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu Hoa kỳ có hiệu lực đã tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu công nghệ nền tảng và công nghệ mới nổi của Mỹ sang các quốc gia đối thủ. Đối với các trường hợp liên quan đến công nghệ sinh học, đặc biệt là các công nghệ mới nổi như sinh học tổng hợp, tái tổ hợp gen… xuất khẩu từ Mỹ đòi hỏi phải nộp đơn xin phép và được sự chấp thuận từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Do đó, Mỹ đã hạn chế khá hiệu quả dòng chảy của các công nghệ chiến lược như công nghệ sinh học ra ngoài. Ngoài ra, Mỹ không chỉ dần dần tích hợp các công nghệ lõi và công nghệ mới nổi vào phạm vi kiểm soát của luật pháp mà còn tích cực trong việc kiểm soát đa phương. Mỹ tích hợp các công nghệ lõi và công nghệ mới nổi vào kiểm soát đa phương thông qua cơ chế sắp xếp Wassenaar. Điều này khiến các công ty Trung Quốc không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ từ Mỹ mà còn khó khăn trong việc tiếp cận từ các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, để duy trì vị trí hàng đầu về khoa học, công nghệ và kinh tế của Mỹ trong sinh học tổng hợp, cuối năm 2019, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật Sinh học 2019, hướng dẫn Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ thực hiện một chiến lược nghiên cứu quốc gia về kỹ thuật sinh học.

Với mục tiêu đảm bảo vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, không phụ thuộc vào bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, đồng thời tạo việc làm và giảm giá thành cho chính người dân nước Mỹ. Đạo luật Made in America đã được ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất mở rộng sản xuất trong lĩnh vực y sinh tại Mỹ đồng thời giảm phụ thuộc của Mỹ về nguyên liệu và sản xuất từ Trung Quốc. Mỹ ngày càng ý thức và lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng lớn của nước này vào nguyên liệu, dược phẩm được sản xuất ở nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, nhiều loại dược phẩm bao gồm các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, thuốc kháng sinh… đã được chuyển từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản sang Trung Quốc theo sự phân chia lao động toàn cầu. Do đó, các chuyên gia y tế và quan chức Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào thuốc Trung Quốc sẽ trở thành một vấn đề lớn cũng như việc tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận các nguyên liệu hóa chất quan trọng, công nghệ chủ chốt, Quốc hội Mỹ nhiều lần đề cập điều này có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Từ đại dịch COVID-19, Mỹ đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vũ khí sinh học và an ninh y tế. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh vai trò quan trọng của công nghệ sinh học và sản xuất sinh học trong việc phát triển các chẩn đoán, phương pháp điều trị và vắc xin bảo vệ người Mỹ và cả thế giới. Mỹ đã tiến hành các cuộc điều tra và cáo buộc vi-rút Corona là sản phẩm do Trung Quốc tạo ra trong quá trình nghiên cứu vũ khí sinh học. Mỹ đã thành công trong việc phát triển hai loại vaccine mRNA chống COVID-19, đây được coi là một minh chứng cho việc Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Hai loại vaccine của Mỹ đều mang lại hiệu quả cao với 95%, trong khi đó vắc-xin Sinovac của Trung Quốc chỉ đạt 50% và kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các bệnh nhân chuyển nặng[ix]. Bên cạnh đó, an ninh y tế và cơ sở hạ tầng y tế đã được Mỹ đặt là 1 trong 4 lĩnh vực trọng tâm trong chương trình “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn B3W” với G7, nước này cho rằng cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng y tế công cộng toàn cầu với một nền quản trị quốc tế trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt để phát hiện và phản hồi về các trường hợp khẩn cấp như đại dịch, từ đó bảo vệ nước Mỹ khỏi các thảm họa y tế.

Chính phủ Biden đặc biệt coi trọng lĩnh vực y sinh và tạo điều kiện để Mỹ tiếp tục phát triển và dẫn đầu lĩnh vực này thông qua phân bổ tài chính, lựa chọn nhân lực, ban bố các dự luật… Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, Tổng thống Biden đã có kế hoạch cho sự phát triển dài hạn của công nghệ sinh học như một ưu tiên để ứng phó với sự vươn lên của Trung Quốc. Ông cam kết đầu tư 1.9 nghìn tỷ USD[x] sau khi nhậm chức để giải quyết khủng hoảng dịch bệnh, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học trong tương lai để nâng cao lợi thế của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, trong đó 30 tỷ USD đã được chi cho nghiên cứu và phát triển vaccine.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ trong các lĩnh vực liên quan, ngăn chặn chuyển giao công nghệ và tiết lộ dữ liệu nghiên cứu sinh học, nhất là đối với Trung Quốc. Tháng 6 năm 2021, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đổi mới và Cạnh Tranh Hoa Kỳ 2021 (The United States Innovation and Competition Act of 2021, USICA), trong đó đề cập “công nghệ sinh học, công nghệ y tế, gen và sinh học tổng hợp” là những lĩnh vực chủ chốt mà Mỹ cần phải ưu tiên nhằm tiếp tục dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y sinh và cạnh tranh với Trung Quốc. Đạo luật này cũng đưa ra các rào cản để hạn chế Trung Quốc tiếp cận với công nghệ lõi và công nghệ mới nổi của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Trong đó nổi bật là quy định kiểm soát xuất khẩu về việc xuất khẩu các mặt hàng sử dụng kỹ thuật y sinh, bao gồm cả việc chuyển hóa vật chất và vật liệu sinh học. Ví dụ như việc di chuyển một số mầm bệnh của con người, động – thực vật, xuất khẩu độc tố, động vật biến đổi gen, lò phản ứng sinh học,… ngoài ra việc xuất khẩu các dữ liệu kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật cho các đối tượng không phải là người Mỹ hoặc doanh nghiệp Mỹ cũng bị kiểm soát.

Tháng 5 năm 2021, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Florida Marco Rubio đã giới thiệu Đạo luật Bảo mật Dữ liệu Genomics, cấm Viện Y tế Quốc gia tài trợ cho các tổ chức liên kết với Trung Quốc. Tháng 9 sau đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Arkansas Tom Cotton và Hạ nghị sĩ Wisconsin Mike Gallagher đã kêu gọi đưa các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vào “danh sách đen” vì lo ngại họ có thể đang cố gắng thu thập dữ liệu y sinh (DNA) về công dân Hoa Kỳ cho các mục đích bất chính. Chỉ vài tháng sau, tháng 12 năm 2021, 12 viện nghiên cứu và 22 công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Bộ thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen và bị cấm xuất khẩu hoặc chuyển giao công nghệ Mỹ, trong đó có Viện Hàn Lâm Khoa học Quân Y Trung Quốc[xi].

Tháng 9 năm 2022, Nhà Trắng đã tổ chức “Hội nghị cấp cao Chương trình Công nghệ Sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia”, tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh để đầu tư nhiều tiền hơn vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học của Hoa Kỳ. Ngày nay, nhiều công ty sinh học Mỹ sản xuất ở nước ngoài do thiếu cơ sở hạ tầng và chi phí nhân công cao, kế hoạch này sẽ thiết lập và hồi sinh cơ sở hạ tầng quốc gia cho sản xuất sinh học, đồng thời hỗ trợ đầu tư và tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nhiên – vật liệu, hóa chất cần thiết. Theo kế hoạch, khoảng 2 tỷ USD sẽ được phân bổ cho chương trình, trong đó 1 tỷ USD sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp sinh học trong nước. “Lệnh hành pháp về thúc đẩy đổi mới công nghệ sinh học và sản xuất sinh học Mỹ” đã được ban hành với mục tiêu bảo vệ nền kinh tế sinh học của Mỹ khỏi các đối thủ chiến lược nhất là việc sử dụng các phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp để có được công nghệ và dữ liệu của Mỹ, đồng thời duy trì sự lãnh đạo về công nghệ và khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ. Lệnh hành pháp này nêu rõ Mỹ sẽ tăng cường và điều phối đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của công nghệ sinh học và sản xuất sinh học. Mỹ sẽ thiết lập dự án “Dữ liệu cho Sáng kiến Kinh tế Sinh Học” để đảm bảo các bộ dữ liệu sinh học chất lượng cao được lưu trữ, nghiên cứu một cách an toàn và bảo mật. Lệnh hành pháp cũng đưa ra yêu cầu phối hợp giữa các Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và cả Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Quốc Gia (NASA) để cùng phát triển chiến lược mở rộng năng lực sản xuất sinh học trong nước cho các sản phẩm trên toàn diện các lĩnh vực y tế, năng lượng, nông và công nghiệp, từ đó giảm thiểu rủi ro do sự tham gia của các đối thủ nước ngoài vào chuỗi cung ứng sản xuất sinh học, tăng cường an toàn sinh học và an ninh quốc gia.[xii]

Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã mở rộng chương trình I-Corps, một chương trình đào tạo khởi nghiệp về công nghệ sinh học. Tháng 3 năm 2022, USDA đã tuyên bố đầu tư 68 triệu USD thông qua “Sáng kiến nghiên cứu Nông nghiệp và Thực Phẩm” để đào tạo thế hệ nghiên cứu và giáo dục tiếp theo trong ngành công nghệ sinh học[xiii]. Các sinh viên ngành sinh học cũng được hỗ trợ kết nối với các công ty dược phẩm sinh học và định hướng sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Cùng với đó, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy sự phát triển năng lực kỹ thuật sinh học, nâng cấp các quy trình và công nghệ sản xuất sinh học và tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu sinh học. Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch đầu tư vào Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia để nâng cấp công nghệ đo lường, các tiêu chuẩn của nền kinh tế sinh học thông qua các dự án nghiên cứu công nghệ sinh học. Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng cũng có kế hoạch khởi động một dự án về an toàn sinh học để cải thiện khả năng dự đoán, phát hiện, đánh giá và giảm thiểu rủi ro trong công nghệ và sản xuất sinh học.

Về phía Trung Quốc

Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu cho việc phát triển nền kinh tế sinh học là đến năm 2025, kinh tế sinh học trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển của nền kinh tế quốc gia, nâng cấp sức mạnh toàn diện của khoa học và công nghệ và đảm bảo an toàn sinh học quốc gia. Đến năm 2035, sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới với trình độ kỹ thuật hàng đầu và sức mạnh công nghiệp mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, có khả năng tự chủ nguồn tài nguyên cho ngành và kiểm soát rủi ro an ninh tốt. Từ đó, Trung Quốc đã đưa ra các chủ trương, chính sách và tạo điều kiện để phát triển nền kinh tế sinh học của mình.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và kế hoạch Made in China 2025, Trung Quốc đã đưa ngành công nghiệp y sinh lên tầm cao chiến lược là “Ngành công nghiệp ưu tiên của Quốc gia”, coi y dược sinh học và thiết bị y tế cao cấp là một trong những lĩnh vực tiên tiến, chiến lược của sự đổi mới và đột phá của quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Chính phủ Trung Quốc về công nghệ sinh học đã nêu rõ: “thúc đẩy đổi mới, hội nhập công nghệ sinh học và công nghệ thông tin; đẩy nhanh sự phát triển của y sinh học, chăn nuôi sinh học, vật liệu sinh học, năng lượng sinh học và các ngành công nghiệp liên quan khác để phát triển nền kinh tế sinh học Trung Quốc lớn hơn và mạnh mẽ hơn”. Kế hoạch này đã xác định bốn lĩnh vực chính của nền kinh tế sinh học Trung Quốc là (1) “lấy sức khỏe là trung tâm” – phát triển y học hướng tới sức khỏe của con người, (2) phát triển nông nghiệp sinh học theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, (3) phát triển các hệ sinh thái xanh và carbon thấp, và cuối cùng (4) là tăng cường phòng ngừa và kiểm soát rủi ro an toàn sinh học quốc gia.[xiv]

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp y sinh thông qua tài trợ tài chính, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cấp quy trình quản lý và hệ thống y tế. Từ năm 2016-2020, số lượng các công viên nghiên cứu khoa học sinh học ở Trung Quốc đã tăng từ khoảng 400 lên 600, thể hiện sự ưu tiên của chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực này[xv].

Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích đầu tư công và tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan. Trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc ước tính đã đầu tư hơn 100 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học[xvi]. Năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một kế hoạch 5 năm mới cho ngành công nghệ sinh học, hứa hẹn nâng giá trị ngành này lên mức 22 nghìn tỷ NDT, tương đương khoảng 3.2 nghìn tỷ USD[xvii] trong khi thị trường hiện có giá trị khoảng 382 tỷ USD (Theo báo cáo của McKinsey). Trong năm 2019, đầu tư tư nhân Trung Quốc vào nền kinh tế sinh học đạt 14.4 tỷ USD, nhiều hơn so với con số 10.4 tỷ USD của Mỹ[xviii]. Thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này cũng tiếp tục tăng nhanh, 16.6 tỷ USD là số vốn các công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc đã được huy động trong năm 2021, tăng mạnh so với 11.2 tỷ USD năm 2020.

Khung chính sách của Trung Quốc về công nghệ sinh học đã được điều chỉnh ngày càng ưu tiên xây dựng năng lực nội tại. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc nhấn mạnh việc trao đổi và hợp tác quốc tế và hỗ trợ các tiểu ngành công nghệ sinh học truyền thống như biến đổi gen cây trồng. Hiện tại, chính sách của Trung Quốc là tập trung hỗ trợ phát triển các cong ty có khả năng cạnh tranh toàn cầu và công nghệ sinh học tiên tiến như giải mã gen, công nghệ tế bào,… Trung Quốc đã nhận thấy nhiều rào cản từ Mỹ và các nước phương Tây và không muốn phụ thuộc quá nhiều vào các nước này trong lĩnh vực y sinh. Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các công ty nước ngoài, hiện tại, Trung Quốc đã tự đầu tư cho chính mình trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Điều này cũng thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc trở thành bên tham gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học toàn cầu.

Ngoài ra, Trung Quốc đã nới lỏng quy trình phê duyệt thuốc vào năm 2015 để tạo điều kiện cho ngành công nghệ sinh học của nước này phát triển, chẳng hạn lượng thời gian cần thiết để đơn đăng ký thử nghiệm lâm sàng được chấp thuận ở Trung Quốc đã giảm từ 31 tháng vào năm 2011 xuống còn hai tháng vào năm 2018[xix].

Trung Quốc coi trọng việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế sinh học. Các chương trình tài năng, chương trình đào tạo nhân tài, học bổng đã được đẩy mạnh trong ngành công nghiệp sinh học để thu hút sinh viên. Ngoài ra Trung Quốc cũng chủ động thu hút nhân tài về nước, sau hơn 20 năm “chảy máu chất xám”, chính quyền Trung Quốc từ trung ương đến địa phương đã đưa ra nhiều chương trình nhằm thu hút nhân tài trở về. Trong thập kỷ qua, 80% nhà khoa học Trung Quốc sống ở nước ngoài đã về nước và thúc đẩy nghiên cứu trong nước[xx]. Nhiều nhà sinh học nổi tiếng tại các đại học hàng đầu tại Mỹ như Harvard, Yale, Princeton… đã trở về Trung Quốc và tiếp quản các vị trí quan trọng trong việc đào tạo và nghiên cứu sinh học tại Trung Quốc, từ đó thúc đẩy nghiên cứu chuyên nghiệp tại Trung Quốc.

Điểm yếu của ngành công nghiệp sinh học Trung Quốc trước đây là công nghệ, bên cạnh tự nghiên cứu phát triển, Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để tiếp cận và khai thác các công nghệ đã có ở nước ngoài. M&A (Mua lại và sáp nhập) là công cụ đắc lực của Trung Quốc trong việc tiếp cận công nghệ cao của nước ngoài. Hoạt động M&A của Trung Quốc trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học đã diễn ra nhanh chóng kể từ năm 2014, từ 1,5 tỷ USD năm 2015 tăng lên hơn 3.5 tỷ USD năm 2017. Tính riêng tại Mỹ, các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học đã tăng lên nhanh chóng và đến năm 2018, công nghệ sinh học đã trở thành lĩnh vực đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào Mỹ, vượt qua cả bất động sản. Trong đó, 67% vốn đầu tư từ Trung Quốc là dùng để mua lại các công ty công nghệ sinh học của Mỹ[xxi]. Thông qua việc mua lại doanh nghiệp và tiến hành kinh doanh tại Mỹ, Trung Quốc thuận lợi tiếp cận nguồn dữ liệu sinh học này cũng như các công nghệ chuyên ngành tại quốc gia này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng phương pháp mua lại bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ để sở hữu các bí quyết công nghệ trong ngành. Trung Quốc cũng đặt các trụ trở nhiều công ty sinh học tại các cơ sở R&D ở Mỹ, thường tập trung tại các trung tâm công nghệ sinh học lớn như Boston, San Francisco hoặc Bắc Carolina. Thành lập các trung tâm R&D tại Hoa Kỳ là một chiến lược mà các công ty Trung Quốc có thể sử dụng để tiếp cận với các công nghệ mới và vô vàn kiến thức chuyên ngành mà chỉ Mỹ mới có mà sau đó họ có thể mang về đại lục.

Rõ ràng, Trung Quốc rất cố gắng tiếp cận lĩnh vực công nghệ sinh học của Mỹ, tuy nhiên ở chiều ngược lại, Trung Quốc rất gắt gao trong việc ngăn chặn các công ty và tổ chức nước ngoài truy cập dữ liệu sinh học của quốc gia này. Năm 2016, dữ liệu y sinh nhà nước Trung Quốc được công bố là “tài nguyên chiến lược quốc gia” và việc xuất khẩu dữ liệu đó được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố “cấm mọi hoạt động sử dụng dữ liệu y sinh của Trung Quốc ở nước ngoài mà có thể gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia[xxii]. Quy định năm 2019 về quản lý nguồn gen của Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức nước ngoài phải xin phép nhà nước mới được phép truy cập dữ liệu y sinh của Trung Quốc.

Tổng kết lại, cuộc cạnh tranh về phát triển công nghệ sinh học giữa Mỹ và Trung Quốc đã ngày càng rõ ràng và trở nên quan trọng trong chính sách của cả hai nước. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có điểm chung trong chiến lược của mình là nâng cao năng lực sản xuất sinh học tại chính quê nhà và bảo vệ dữ liệu sinh học trước đối thủ. Ngoài ra, Mỹ có lợi thế hơn về mặt công nghệ và đang cố gắng bảo vệ những công nghệ nền tảng cùng công nghệ mới nổi của mình khỏi sự ăn cắp chất xám từ Trung Quốc. Bên phía Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy nghiên cứu chuyên ngành nhờ việc phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tài trợ kinh tế.

Tương lai của cuộc chiến công nghệ sinh học Mỹ – Trung

Cuộc đua công nghệ Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt và trở thành một lĩnh vực chiến lược trong cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa hai nước. Công nghệ sinh học là một phần quan trọng trong sự cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vì nó chuyển đổi các lĩnh vực từ y học sang sức mạnh quân sự, liên quan đến an ninh quốc gia và được hai bên ưu tiên phát triển để giành lấy lợi thế. Trong thế kỷ 20, việc làm chủ vật lý đã dẫn đến năng lượng hạt nhân mà nguy hiểm nhất là vũ khí hạt nhân. Do đó, trong thế kỷ 21, sinh học cung cấp một nền tảng tương tự cần phải đề phòng.

Trong tương lai, Mỹ chắc chắn sẽ áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đối với Trung Quốc để ngăn chặn lộ bí quyết công nghệ cũng như dữ liệu sinh học. Không chỉ vậy, Mỹ cũng sẽ tăng cường kiểm soát đa phương nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận những lợi thế này từ nguồn thứ 3. Cùng với đó, Mỹ sẽ tập trung xây dựng lại hệ sinh thái sinh học tại nước Mỹ để đảm bảo sự chủ động của quốc gia và hạn chế việc phụ thuộc về nguyên liệu cũng như sản xuất từ nước khác. Về phía Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã bước đầu thành công trong việc xây dựng nền tảng cho lĩnh vực công nghệ sinh học bằng chính năng lực nội tại của mình. Nhờ đó, dù sẽ gặp những khó khăn từ phía Mỹ, công nghệ sinh học tại Trung Quốc vẫn sẽ có những bước tiến mới nhất là về gen và chuẩn đoán phân tử. Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chuyên ngành trong nước và tích cực hoạt động M&A để nâng cao năng lực đồng thời tận dụng những thành tựu của các quốc gia đi trước.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn và có nhiều chuyển biến phức tạp hơn trong tương lai. Cuộc đua này sẽ mang đến những tác động tới tình hình kinh tế – thương mại, khoa học – công nghê, an ninh – quốc phòng của toàn thế giới. Sự ngăn cấm của Mỹ có thể tạo động lực và đẩy nhanh sự phát triển tự lực của công nghệ sinh học Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng vượt lên những sự ngăn cản của Mỹ và các đồng minh phương Tây về hệ thống công nghiệp với sự phát triển mạnh mẽ về sản xuất công nghiệp, ngoài ra còn tự phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao với những thành tựu đáng nể như 5G, trạm vũ trụ, đường sắt cao tốc, trí tuệ nhân tạo… Sự tự thúc đẩy lẫn nhau giữa hai quốc gia cũng sẽ tạo động lực cho các quốc gia khác như Israel, Singapore hay Ấn Độ và các quốc gia khác trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học để không bị thụt lại phía sau. Sự tiến bộ nói riêng của hai quốc gia và nói chung của các quốc gia khác sẽ mở ra những cơ hội về tương lai của con người trong việc nâng cao chất lượng sức khỏe, hiệu quả kinh tế và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, giả sử sự vươn lên của Trung Quốc tạo ra thế lưỡng cực trong ngành, và nếu cả hai cùng giữ quan điểm bảo thủ về các kết quả tiến bộ và không chia sẻ hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới, đây sẽ là hạn chế lớn nhất của cuộc cạnh tranh, bởi chính sự độc quyền của của hai quốc gia này sẽ tạo ra áp lực và rủi ro an ninh cho các nước khác nhỏ hơn trên thế giới. Đặc biệt là trong viễn cảnh tiêu cực nhất, khi cuộc đua của hai quốc gia phát triển theo chiều hướng quân sự hóa.

Nhìn lại thế kỷ 20, trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã dùng chất làm rụng lá tetrachlorodibenzo-p-dioxin (chất độc màu da cam – TCDD), đây là một chất độc khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ gây tử vong hoặc gây ra các bệnh khác nhau, dị tật bẩm sinh, thừa hoặc thiếu các bộ phận cơ thể, tổn thương thần kinh không thể phục hồi và di truyền qua nhiều thế hệ. Hơn 4.8 triệu người Việt Nam đã bị bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân trực tiếp và hàng trăm ngàn người của thế hệ thứ hai và ba đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của chất độc này[xxiii]. Với trình độ tiên tiến và nguồn lực vững mạnh, nếu Mỹ hoặc Trung Quốc đi theo con đường này, việc thành công phát triển nên một vũ khí sinh học là chuyện sớm muộn. Do vậy, bất kể quốc gia nào đi theo con đường phát triển vũ khí sinh học đều sẽ là mối đe dọa không chỉ quốc gia còn lại nếu tính riêng hai nước, mà còn là mối đe dọa hủy diệt của toàn nhân loại.

———————–

Tài Liệu Tham Khảo:

[i] 走出去智库 (2021), 中国生物医疗产业面临美国出口管制的困境与应对策略
[ii] 小果果 (2022), 刚刚!美国发布完整生物技术投资计划,20多亿美元投入冲击中国CXO、合成生物学
[iii] 长安街知事 (2022), 拜登签署的新政令,预示美对华技术限制从芯片、能源扩大到生物领域
[iv] 生物技术行业发展研究|千际报告 (Báo cáo liên ngành: Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp công nghệ sinh học)
[v] 合生基因 入选 CB Insights「全球最值得关注的 50 家合成生物学企业」
[vi] Eleonore Pauwels, Apratim Vidyarthi (2017), Who Will Own The Secrets In Our Genes? A U.S. – China Race in Artificial Intelligence and Genomics
[vii] Scott Moore (2021), In Biotech, the Industry of the Future, the U.S. Is Way Ahead of China, The Lawfare Institute
[viii] Stratfor – Global Intelligence Analysis, Battlefield Biotech: The Rising Competition Between China and the U.S., Financial Sense
[ix] Scott Moore (2021), In Biotech, the Industry of the Future, the U.S. Is Way Ahead of China, The Lawfare Institute
[x] Jim Tankersley and Sheryl Gay Stolberg, Biden’s $1.9 Trillion Challenge: End the Coronavirus Crisis Faster, The New Your Times
[xi] Conor Finnegan and Luke Barr (2021), US accuses Chinese tech firms, research institutes of weaponizing biotechnology, creating ‘brain-control weaponry’, ABC News
[xii] The White House (2022), Executive Order on Advancing Biotechnology and Biomanufacturing Innovation for a Sustainable, Safe, and Secure American Bioeconomy
[xiii] The White House (2022) FACT SHEET: The United States Announces New Investments and Resources to Advance President Biden’s National Biotechnology and Biomanufacturing Initiative | The White House
[xiv] 高技术司 (2022), 国家发展改革委印发《“十四五”生物经济发展规划, China National Development and Reform Department
[xv] Alexander Chipman Koty (2021), Investment Prospects in China’s Biotech Industries, China Briefing
[xvi] Scott Moore, Abigail Coplin (2022), Closing the U.S. to Chinese Biotech Would Do Far More Harm Than Good, Center on U.S. – China Relations at Asia Society
[xvii] 小果果 (2022), 刚刚!美国发布完整生物技术投资计划,20多亿美元投入冲击中国CXO、合成生物学
[xviii] John Cumbers (2020), 中国对全球生物经济中的投资比美国多30%, Forbes China
[xix] Alexander Chipman Koty (2021), Investment Prospects in China’s Biotech Industries, China Briefing
[xx] Melanie Senior (2021), China at the threshold. Nature Biotechnology 39, 789–795 (2021).
[xxi] Report prepared for the U.S.-China Economic and Security Review Commission (2019) China’s Biotechnology Development: The Role of US and Other Foreign Engagement
[xxii] Scott Moore (2020), China’s role in the global biotechnology sector and implications for U.S. policy
[xxiii] Linh Hương (2021), Thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam: Nỗi đau và trách nhiệm, Báo Vietnamplus (TTXVN)

Theo THI THI / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , ,