⠀
Chuyện về 9 đại sứ Mỹ ở Sài Gòn thời chiến tranh Việt Nam
Từ tháng 6/1950 đến cuối tháng 4/1975, đã có 9 quan chức Mỹ lần lượt thay nhau làm đại sứ tại miền Nam Việt Nam, trong đó ông Henry Cabot Lodge hai lần làm đại sứ.
Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trước 1975.
Và mặc dù tất cả những vị đại sứ này đều ra sức “hà hơi thổi ngạt” cho chính quyền Sài Gòn nhưng cuối cùng, đội quân được xếp vào hạng lớn thứ 4 trên thế giới với 1.350.000 sĩ quan, binh lính, cảnh sát, 1.783 máy bay mà trong đó số máy bay trực thăng đứng thứ 3 so với không quân các nước cùng hơn 1.600 chiến hạm, giang thuyền vũ trang đã sụp đổ chỉ trong có 50 ngày…
1. Ngày 29/6/1950, Donald R. Heath là đại sứ Mỹ đầu tiên đến nhận nhiệm sở ở Sài Gòn trong bối cảnh “Quốc gia Việt Nam” do Bảo Đại làm Quốc trưởng, Trần Văn Hữu làm thủ tướng, đang chuẩn bị ký với thực dân Pháp bản “Hiệp định thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam” bằng cách đặt một số đơn vị lính Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của “Quốc gia Việt Nam” nhưng các hoạt động quân sự của “Quốc gia Việt Nam” vẫn thuộc quyền chỉ huy của Ủy ban quân sự mà tư lệnh là một tướng Pháp.
Vai trò của Donald R. Heath trong giai đoạn này hầu như khá mờ nhạt. Đến ngày 25/6/1952, Joseph L. Collins thay Heath làm đại sứ. Mang hàm trung tướng, chỉ huy Quân đoàn 7 đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, trong Thế chiến 2, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, Collins là viên đại sứ thiên về quân sự.
Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo đã bắt đầu bước vào giai đoạn quyết định. Nhận thấy người Pháp sẽ đại bại và Mỹ sẽ thay thế Pháp, theo chỉ đạo của những quan chức đứng đầu Chính quyền Mỹ, Collins chọn ra một nhân vật có khả năng đứng đầu Việt Nam Cộng hòa sau này, và nhân vật được Collins chọn là Ngô Đình Diệm.
Tháng 7/1954, Hiệp định Geneve ra đời, Việt Nam bị chia đôi, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến. Căn cứ vào tinh thần của bản Hiệp định thì cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được tổ chức 2 năm sau đó. Theo ý kiến của Collins, Ngô Đình Diệm không ký vào bản hiệp định để có cớ không thi hành điều khoản hiệp thương tổng tuyển cử. Bên cạnh đó, Collins yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ cho Diệm nhằm xây dựng một Việt Nam Cộng hòa đủ mạnh để “Bắc tiến”.
Ngày 14/11/1954, Collins mãn nhiệm kỳ, về nước. Người thay thế ông ta là G. Frederick Reinhardt, nhận nhiệm sở ngày 20/4/1955. Đây là giai đoạn mà mối quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và chính quyền Mỹ nồng ấm nhất. Trong 2 năm làm đại sứ ở Sài Gòn, tiên đoán việc miền Bắc sẽ chi viện cho phong trào du kích ở miền Nam khi Diệm từ chối tổng tuyển cử, Reinhardt đã cho thành lập “Nhóm Tư vấn hỗ trợ quân sự” đồng thời mở rộng mạng lưới tình báo nhằm thu thập thông tin về những cán bộ Cộng sản được cài cắm lại ở miền Nam. Bên cạnh đó, Reinhardt cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam, và những việc cần làm khi Mỹ thay chân Pháp.Ngày 10/2/1957, Reinhardt về Mỹ. Kế tục ông ta là Elbridge Durbrow, nhậm chức hôm 14/3/1957. Lúc này ở miền Nam Việt Nam, người Mỹ đã có một nhóm cố vấn nhỏ và những toán biệt kích “mũ nồi xanh”, hoạt động bí mật ở Tây Nguyên, trong vùng người dân tộc thiểu số – chủ yếu là lực lượng Fulro để xây dựng nền móng cho những toán “dân sự chiến đấu” về sau.
Khi đã nghỉ hưu, Durbrow cho biết ông đã có một thời gian khó khăn trong vai trò đại sứ: “Tôi phải thường xuyên chứng kiến những cách hành xử độc tài của Ngô Đình Diệm. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng đã khiến việc hoạch định các chính sách bằng tiền viện trợ Mỹ không mang lại kết quả như mong muốn, chưa kể nhiều viên chức cao cấp trong không quân còn tổ chức các đường dây buôn lậu ma túy từ Lào về Sài Gòn. Một số sĩ quan và những người đứng đầu các giáo phái bất mãn với chế độ “gia đình trị” của Diệm đã cố gắng thuyết phục tôi tham gia các nhóm chống Diệm, nhưng tôi phải từ chối vì Chính phủ Mỹ vẫn ủng hộ Diệm”.
Ngày 11/11/1960, lính dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông làm đảo chính, âm mưu lật đổ anh em Diệm, Nhu. Durbrow nhớ lại: “Đảo chính thất bại, tôi bị Ngô Đình Nhu cáo buộc là đã ủng hộ Nguyễn Chánh Thi mà nguyên nhân là khi vụ việc đang diễn ra, tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi yêu cầu tôi phải thuyết phục Diệm đầu hàng, hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công vào dinh tổng thống”. Xin chỉ thị từ Nhà Trắng, Durbrow được lệnh đứng ngoài biến cố này.
2. Tháng 4/1961, khi vừa được bầu làm Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy đã thành lập một ủy ban để đánh giá tình hình chính trị, quân sự và kinh tế của miền Nam Việt Nam nhằm vạch ra những chiến lược mới, giúp chính quyền Ngô Đình Diệm đối phó với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Thành tích nổi bật nhất của Durbrow được biết đến qua việc mời Robert Thompson, chuyên gia chống du kích người Anh – đã từng giúp Chính phủ Philippines và Malaysia đàn áp phong trào nổi dậy của những người Cộng sản ở hai quốc gia, đến Sài Gòn nghiên cứu. Kết quả là các “khu trù mật”, “khu dinh điền”, “ấp chiến lược”, “ấp tân sinh” lần lượt mọc lên theo chiến lược của Robert Thomson: “Tát nước ra khỏi cá”.
Ngày 3/5/1961, Durbrow mãn nhiệm kỳ. Frederick E. Nolting Jr. được Tổng thống Kennedy cử sang thay. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, có bằng đại học môn lịch sử, bằng thạc sĩ và tiến sĩ triết học ở cả hai Đại học Virginia, Harvard, Nolting rất nhiệt tình ủng hộ Diệm. Trong bài diễn văn đọc vài ngày sau khi nhậm chức, viên tân đại sứ nêu rõ quan điểm của mình trước sự tố cáo Diệm, Nhu độc tài: “Những nỗ lực quân sự chống lại Cộng sản ở miền Nam Việt Nam quan trọng hơn là cải cách chính trị”.
Đến năm 1962, một lần nữa Nolting lại tuyên bố: “Sẽ là một biến đổi kỳ diệu xảy ra ở đất nước này nếu tất cả những người chỉ trích Chính phủ Ngô Đình Diệm lại quyết định cộng tác với ông Diệm vì mục tiêu chung là chống Cộng”. Bên cạnh đó, Nolting còn cực kỳ ác cảm với một số tờ báo Mỹ, có phóng viên thường trú tại Sài Gòn – những tờ báo thường đăng tải bài viết mô tả sự kỳ thị của Diệm đối với Phật giáo.
Ông gọi họ là “những kẻ chưa trưởng thành và chưa có kinh nghiệm” bởi lẽ theo ông: “Chính phủ Ngô Đình Diệm đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chống du kích Cộng sản vào những năm 1960/1963, nhưng thành tích của Diệm đã bị bóp méo bởi báo chí Mỹ”.
Khi trận Ấp Bắc nổ ra vào tháng 4/1963, Nolting đã chỉ trích đại tá John Paul Vann, cố vấn trưởng của Quân đoàn 4, quân đội Việt Nam Cộng hòa: “Điều tồi tệ nhất đã xuất hiện khi đại tá Vann cho rằng sự thất bại của quân đội Nam Việt Nam là do họ bất chấp những gì người Mỹ đã đào tạo và cung cấp cho họ, rằng họ chỉ là những tên lính hèn nhát, không thể giành được chiến thắng…”. Khi anh em Diệm, Nhu bị giết, Nolting đã gọi việc giết Diệm là “ngu ngốc và đê tiện”.
Ngày 1/8/1963, Henry Cabot Lodge Jr. thay thế Nolting làm đại sứ. Chỉ một thời gian ngắn, Cabot Lodge đã nhận thấy sự chống đối của người dân miền Nam – đặc biệt là của giới tu sĩ Phật giáo và tín đồ Phật tử với chế độ Diệm, Nhu. Thời điểm này, quân đội Việt Nam Cộng hòa được bố trí thành 4 vùng chiến thuật với 9 sư đoàn bộ binh, 4 không đoàn không quân tác chiến và yểm trợ, 1 liên đoàn nhảy dù gồm 7 tiểu đoàn, 1 lữ đoàn lực lượng đặc biệt, 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 6 trung đoàn pháo binh cùng lực lượng hải quân gồm nhiều tàu chiến và lực lượng giang thuyền, tất cả hoạt động bằng tiền viện trợ Mỹ, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ.
Thế nhưng, một đạo quân hùng hậu như vậy mà lại thất bại trước sự tiến công của Quân Giải phóng qua các trận Ấp Bắc, Đồng Xoài, đã khiến Cabot Lodge phải tính đến chuyện tìm một con bài mới, giữa dòng thay ngựa.
Ngày 8/5/1963, một chỉ thị của Chính phủ Ngô Đình Diệm cấm treo cờ tôn giáo ở những nơi công cộng. Dựa vào chỉ thị này, cảnh sát đã không cho phép treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật Đản, dẫn đến việc các tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định đấu tranh chống lại chính quyền.
Đỉnh điểm là khi Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo rồi tiếp theo là một loạt các cuộc tự thiêu khác của Phật tử, đã làm chấn động dư luận trong nước và thế giới, vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ Diệm
3. Sáng ngày 1/11/1963, đảo chính nổ ra. 3 tiếng sau đó, Ngô Đình Diệm điện thoại cho đại sứ Cabot Lodge. Chẳng cần rào đón gì cả, Diệm hỏi ngay: “Ngài có biết lực lượng nào đang nổ súng vào dinh tổng thống hay không?”. Vờ như không biết, Cabot Lodge trả lời: “Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo đầy đủ tin tức để có thể trả lời câu hỏi của ngài. Tôi có nghe thấy tiếng súng nổ nhưng chẳng rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4 giờ 30 phút sáng tại Washington nên chính quyền Mỹ chưa thể đưa ra ý kiến về vấn đề này”.
Khá cáu kỉnh, Diệm nói gằn từng tiếng: “Nhưng chắc chắn ngài cũng phải có những nhận định về những chuyện đang xảy ra chứ, vì dẫu sao tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm tròn tất cả bổn phận…”.
Không để cho Diệm nói hết, Cabot Lodge ngắt lời: “Dĩ nhiên ngài đã làm tròn bổn phận của ngài. Như tôi đã nói với ngài lần đầu tiên khi tôi đến miền Nam Việt Nam với cương vị đại sứ, tôi khâm phục sự can đảm của ngài và khâm phục sự đóng góp to lớn của ngài đối với quê hương ngài. Không ai có thể lấy đi công lao của ngài đối với tất cả những gì ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn của bản thân ngài. Tôi được báo rằng những kẻ đang chỉ huy cuộc nổ súng đã đề nghị để cho ngài và em ngài bình yên đi ra ngoại quốc nếu ngài đồng ý từ chức. Ngài có nghe nói điều đó không?”.
Câu trả lời của Cabot Lodge đã khiến Ngô Đình Diệm hiểu ra tất cả. Lặng đi một chút, Diệm trả lời: “Không” rồi sau vài giây Diệm hỏi: “Ngài biết số điện thoại khẩn cấp của tôi?”. Qua ống nghe, giọng của Cabot Lodge nhẹ như gió thoảng: “Vâng. Nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn của bản thân ngài thì xin ngài cứ gọi”. Diệm đáp: “Tôi đang cố gắng lập lại trật tự. Hy vọng ngài hiểu được điều này”.
Và đó cũng là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Ngô Đình Diệm với đại sứ Cabot Lodge. 8 giờ 30 phút sáng ngày 2/11/1963, anh em Diệm, Nhu bị bắn chết trên một chiếc xe bọc thép M113 khi đang trên đường từ nhà thờ cha Tam ở Chợ Lớn về Bộ Tổng tham mưu để gặp các tướng lĩnh trong “Hội đồng quân nhân cách mạng”…
Cũng cần nói thêm rằng ngày 27/10/1963, William Colby, trùm CIA ở Sài Gòn gửi cho Kennedy một báo cáo, nội dung Colby đã gặp gỡ hai viên tướng Nam Việt Nam. Một tướng cho biết tình hình của cuộc đảo chính là thuận lợi và dự báo nó sẽ diễn ra trong vòng một tuần. Hai ngày sau đó, Kennedy gửi cho Cabot Lodge một bức điện: “Đồng ý ủng hộ kế hoạch đảo chính nhưng tuyệt đối giữ bí mật bức điện này”…
4. Ngày 1/7/1964, Maxwell D. Taylor nhận quyết định do Tổng thống Johnson bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Là thiếu tướng chỉ huy Sư đoàn Dù 101, Mỹ, trong Thế chiến 2 và là Hiệu trưởng Học viện quân sự West Point từ năm 1945 đến 1949. Sau đó, Taylor là Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từ 1955 đến 1959 nên ông ta có khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Việt Nam.
Khi Taylor đến Sài Gòn thì chính trường miền Nam Việt Nam đang trong cơn hỗn loạn. Đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm xong, Nguyễn Ngọc Thơ làm thủ tướng, Dương Văn Minh nắm quân đội. Hai tháng sau đó, Nguyễn Khánh tiến hành một cuộc chỉnh lý rồi thay Dương Văn Minh làm tổng tham mưu trưởng nhưng chỉ được sáu tháng, dưới sức ép của Hội đồng tướng lĩnh, Nguyễn Khánh thực hiện cuộc cải tổ. Gọi là “cải tổ” nhưng khôi hài thay, lần này Khánh vừa chỉ huy quân đội, vừa nắm luôn chức thủ tướng.
Tháng 10/1964, Nguyễn Khánh ban hành một hiến chương, thường được gọi là “Hiến chương Vũng Tàu” để cho ra đời cái gọi là “Thượng Hội đồng quốc gia”, trong đó ông ta nhường chức thủ tướng cho Trần Văn Hương còn mình vẫn nắm quân đội. Đến ngày 27/1/1965, Chính phủ Trần Văn Hương giải tán, “Thượng Hội đồng quốc gia” được thay bằng “Hội đồng quân lực” do Nguyễn Khánh làm chủ tịch còn thủ tướng là Phan Huy Quát. Ngày 14/6/1965, “Hội đồng quân lực” giải tán, Nguyễn Khánh buộc phải đi lưu vong khi Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lên nắm Ủy ban lãnh đạo quốc gia và Ủy ban hành pháp trung ương.
Trước khi Kennedy bị ám sát và trước khi Taylor trở thành đại sứ tại Sài Gòn thì một thời gian ngắn sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Kennedy đã cho mời Taylor đến Nhà Trắng rồi đề nghị ông giữ chức vụ cố vấn quân sự cho Kennedy. Tại buổi gặp gỡ, Kennedy nói: “Trong các vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay mà tôi thừa hưởng từ cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower là tình hình Việt Nam ngày càng xấu đi. Đây là điều tồi tệ nhất mà chúng ta phải giải quyết”.
Nhằm tìm ra chiến lược đối phó với Quân Giải phóng, Kennedy cử Taylor đến Sài Gòn. Khi gặp Diệm, Taylor hỏi ông ta có đồng ý chấp nhận một lực lượng lính Mỹ làm nhiệm vụ y tế, thông tin, kỹ thuật và giữ gìn an ninh ở những khu vực trọng yếu hay không? Thoạt đầu, Diệm chần chừ, chỉ muốn người Mỹ tăng viện trợ để có thể bắt thêm 120.000 thanh niên vào lính nhưng mặt khác, Diệm lại sợ người Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, cả hai thống nhất rằng bước đầu, sẽ có từ 6.000 đến 8.000 lính Mỹ đến Sài Gòn trong vai trò cố vấn .
5. Ngày 1/7/1964, Maxwell D. Taylor nhận nhiệm vụ đại sứ. Lúc này, số “cố vấn” Mỹ ở miền Nam đã tăng lên 20.000 người. Chỉ vài tháng sau đó, với sự phối hợp của các chuyên gia quân sự, Taylor đã thảo ra một bản kiến nghị, được gọi là “Kế hoạch chiến tranh đặc biệt Staley-Taylor”, gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, trong đó ông ta nhấn mạnh “tăng cường năng lực quân sự cho Quân đoàn 4, phụ trách vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quân đoàn 1, phụ trách vùng giới tuyến để mỗi đơn vị từ cấp đại đội trở lên đều có thể tiến hành độc lập tác chiến liên tục trong 20 ngày, thực hiện chiến lược “chiếm và giữ” thay vì “tìm và diệt” vì nó không hiệu quả.
Mở rộng và củng cố các ấp chiến lược, nhất là ở những vùng sản xuất lúa gạo lớn, tăng cường các chiến dịch tung biệt kích sang Lào và miền Bắc, tiến hành các cuộc ném bom không giới hạn trên đường mòn Hồ Chí Minh, ném bom các cơ sở quân sự, kho tàng, đường sá, cầu cống ở miền Bắc…”.
Tháng 12/1964, Quân Giải phóng làm nên chiến thắng lẫy lừng ở Bình Giã rồi sau đó là Ba Gia, An Lão. Có những nơi như tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre, vùng giải phóng chiếm đến 60% diện tích. Biết rằng không thể trông chờ vào quân đội Việt Nam Cộng hòa mà đám chỉ huy cao cấp còn bận đấu đá nhau để tranh giành quyền lực, Taylor với tướng Hawkins, Tư lệnh Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn cùng ký một văn bản, đề nghị Tổng thống Johnson chính thức gửi quân tác chiến sang Nam Việt Nam.
Tháng 3/1965, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc “chiến tranh cục bộ”. Và mặc dù viện trợ Mỹ dành cho Chính quyền Sài Gòn lên đến hơn 1 tỉ USD/năm nhưng vẫn không thể nào “bình định” được. Ngày 30/7/1965, Maxwell D. Taylor về nước, Henry Cabot Lodege quay lại làm đại sứ lần thứ hai. Trong hơn 20 tháng ở Sài Gòn, với biệt danh “đại sứ đảo chính”, Cabot Lodege chỉ biết ngồi đọc những bản báo cáo từ các nơi gửi về, thống kê số lính Mỹ thương vong và những vùng đất đã lọt vào tay Cộng sản trong cái nhìn đầy nghi kỵ của những nhân vật chóp bu chế độ Việt Nam Cộng hòa!
Ngày 5/4/1967, Ellsworth Bunker trở thành đại sứ Mỹ thứ 8 tại miền Nam Việt Nam. Được báo chí Mỹ gọi là “con diều hâu trong chiến tranh Việt Nam”, “Ông già tủ lạnh”, “Quan thái thú”, Bunker chủ trương “đánh đến cùng”. Trong suốt 6 năm làm đại sứ, Bunker đã góp phần đẩy cuộc chiến tranh xâm lược lên đến đỉnh điểm qua trận ném bom 12 ngày đêm ở Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành khác, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng.
Tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ chi cho cuộc chiến là 32 tỉ USD/năm, chiếm hơn 40% tổng ngân sách quốc phòng Mỹ, huy động sang Việt Nam 60% số tàu sân bay, hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, tập trung hơn 1 triệu lượt quân, trong đó hơn nửa triệu quân thường trực tác chiến trên các chiến trường từ Quảng Trị đến Kon Tum, từ Tây Ninh đến Rạch Giá. Thế nhưng, Bunker cũng là người phải chứng kiến người Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân về nước.
6. Ngày 21/6/1973, Graham A. Martin trình quốc thư bổ nhiệm đại sứ lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù lính Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng vẫn còn có hơn 5.000 người trong lớp áo dân sự, hoạt động từ Huế đến Cà Mau. Tại Đại sứ quán ở Sài Gòn, ngoài Martin, còn có một công sứ đặc mệnh toàn quyền mang hàm đại sứ, ba tham tán công sứ, 6 lãnh sự và phó lãnh sự.
Riêng Phòng tùy viên quân sự có hơn 3.700 sỹ quan, trong đó 3 sỹ quan mang hàm cấp tướng – và đây được xem là phòng tuỳ viên quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Mặc dù viện trợ Mỹ chỉ còn 700 triệu USD, nhiều quan chức cao cấp Mỹ đã tiên đoán về sự sụp đổ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhưng Martin vẫn tin rằng Sài Gòn sẽ đứng vững.
Ngày 28/4/1975, sau khi đã giải phóng toàn bộ các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, Quân giải phóng áp sát Sài Gòn, chuẩn bị tung ra cuộc tấn công cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng đại sứ Martin vẫn còn nuôi hy vọng. Sáng 29/4, Martin theo cánh cửa ngách nối giữa Sứ quán Mỹ và Sứ quán Pháp, sang gặp Mérillon, đại sứ Pháp. Sau cái bắt tay, trao đổi mấy câu chào hỏi xã giao, Martin hỏi Mérillon: “Có khả năng nói chuyện hòa bình với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không?”
Ngần ngừ một lát, Mérillon trả lời: “Không! Không có gì cả”. Martin nhìn đăm đăm vào mặt Mérillon rồi hỏi tiếp: “Ông có thể thu xếp cho tôi một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời được không?”. Mérillon đáp: “Vâng, tôi sẽ cố nhưng chưa dám hứa”.
Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi chạy đi Đài Loan, Trần Văn Hương lên làm tổng thống nhưng đến ngày 28/4/1975, ông Hương cũng từ chức, Dương Văn Minh lên thay. 11 giờ trưa ngày 28/4, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu tất cả mọi người Mỹ phải rút khỏi Sài Gòn trong vòng 48 giờ thì Martin hiểu rằng mọi sự đã chấm hết.
14 giờ 20 phút ngày 29/4, Martin lại sang Sứ quán Pháp gặp Mérillon. Theo Mérillon, Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Tân Sơn Nhất không đồng ý gặp đại sứ Mỹ. Nghe xong Martin nhún vai, có lẽ muộn quá rồi. Cộng sản cương quyết giành chiến thắng.
Gần 24 giờ khuya, Martin mặt trắng bệch bước ra sân sứ quán khi nghe một nhân viên kiểm thính cho biết Đài Phát thanh Giải phóng vừa phát đi bản thông báo rằng cuộc tiến công vào Sài Gòn đã bắt đầu. Ở Washington, Kissinger nóng ruột, nổi giận vì cuộc họp báo để thông tin về “chiến dịch di tản người Mỹ ở Sài Gòn đã thành công” sắp sửa bắt đầu mà Martin vẫn chưa chịu ra đi. Cuối cùng, Kissinger quyết định hoãn cuộc họp báo đến 17 giờ (giờ Washington – 5 giờ sáng, giờ Sài Gòn) sau khi đã gọi cho Martin: “Tôi mong nhìn thấy ông trong chuyến bay sắp tới”.
3 giờ 45 phút sáng ngày 30/4, giờ Sài Gòn, Martin bước ra sân sứ quán, tay xách vali, vẻ mặt mệt mỏi, nói với những người đứng xung quanh chiếc trực thăng CH 53: “It’s over. Lets go – Xong hết rồi. Đi thôi!”.
Chiến tranh kết thúc, quá khứ khép lại. Nhiều năm sau đó, Việt Nam và Mỹ thiết lập bang giao trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau để cùng phát triển. Tiếp theo, các ông Pete Peterson, Raymond Burghardt, Michael W. Marine, Michael W. Michalak, Virginia E. Palmer, David B. Shear và Ted Osius lần lượt trở thành đại sứ Mỹ tại Việt Nam, mở ra một chương mới cho cả hai dân tộc…
Theo AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, Chiến tranh Việt Nam