⠀
Cơn ác mộng của người Pháp ở Điện Biên Phủ
Những khẩu pháo bắn chính xác như đặt và những chiến hào như vòi bạch tuộc quấn lấy cứ điểm là những điều mà người Pháp ám ảnh nhất ở Điện Biên Phủ.
Những khẩu pháo lợi hại
17h ngày 13/3/1954, pháo binh Việt Nam bắt đầu phát hỏa bắn vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 40 khẩu pháo từ 75 đến 120 mm đồng loạt bắn vào cứ điểm Him Lam. Trận pháo kích kéo dài 2 giờ liền với 2.000 quả đạn. Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Nam bắn nhiều pháo đến như vậy.
Trong cuốn sách Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, Erwan Bergot viết về cảm giác của lính Pháp dưới làn đạn pháo của đối phương: “Pháo chuẩn bị tiến công của Việt Minh bắn vào Beatrice lúc 17 giờ 15 phút, kéo dài suốt hai giờ. Lính lê dương không còn gì để mô tả ngoài từ “hỏa ngục”. Nhưng danh từ này vẫn chưa đủ mức nói hết…”. Tài liệu này cũng chứng thực rằng ngay trong loạt pháo bắn chuẩn bị đó, viên thiếu tá Pégot và ban tham mưu tiểu đoàn đóng ở Him Lam đã chết hết vì hầm chỉ huy trúng một viên đạn pháo.
Sau Him Lam, các cứ điểm còn lại ở phân khu Bắc tiếp tục bị tấn công và chịu chung số phận. Pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt. Chỉ mới đến ngày 15/3, họ đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của đối thủ. Ngược lại họ đã bị mất 2 khẩu 105 mm và 1 khẩu 155 mm.
Piroth bắt đầu hốt hoảng khi đã giở hết cách mà vẫn không tài nào bắt được pháo của Việt Minh “câm họng”. Viên chỉ huy pháo binh Pháp đã dành trọn một đêm để quan sát hỏa lực pháo binh của đối phương. Ông ta dần nhận ra rằng pháo của đối phương bắn chính xác kinh khủng nhưng không tài nào biết được các khẩu pháo ấy nằm ở đâu để bắn trả.
Sáng 15/3, Piroth đã tự tử trong hầm của mình. Viên đại tá Tơrăngca, chỉ huy phân khu Bắc, bạn thân của Piroth kể lại: sau trận Gabriel, Piroth khóc và nói: “Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với De Castries và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi”.
Piroth không thể ngờ rằng, lính pháo Việt Minh tuy kinh nghiệm còn ít nhưng vô cùng thông minh. Với vốn liếng ít ỏi, họ đã chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ pháo rất chu đáo. Biết rằng Pháp có máy bay trinh sát, có lực lượng pháo mạnh nên bộ đội Việt Nam đã đào hầm vào lòng núi để làm công sự cho pháo khi chiến đấu. Nóc hầm được ghép bằng các thân cây gỗ có đường kính từ 20 cm trở lên rồi đổ đất đá lên trên, đảm bảo chống được sức công phá của bom, pháo địch. Bên ngoài trận địa được ngụy trang kỹ lưỡng, không để lộ một dấu vết. Do đó, khi các khẩu pháo đã yên vị trong công sự, nòng hướng vào cứ điểm của Pháp trong thung lũng mà các máy bay Pháp không hề hay biết.
Thông thường các khẩu pháo được đặt theo từng cụm gồm vài khẩu đặt một chỗ thành một trận địa. Nhưng ở Điện Biên, quân ta đã đặt các khẩu pháo 105 mm rải rác khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể có khi bị địch phản pháo.
Tuy pháo đặt phân tán nhưng pháo binh ta lại đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể bắn trúng mục tiêu đó. Lối đánh này được nêu thành phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Bên cạnh đó, cùng lúc pháo bắn, tại các trận địa giả, quân ta cho nổ bộc phá tạo ra các ánh chớp khiến quân địch lầm tưởng là chớp lửa đầu nòng của pháo. Với những cách làm như thế, pháo binh Việt Nam đã đè bẹp được pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ mà không hề bị thiệt hại dù cho các chỉ huy pháo binh Pháp không phải những kẻ bất tài.
Chiến tranh chiến hào
Trong ký ức các cựu binh Pháp từng tham chiến ở Điện Biên, có lẽ những tiếng cuốc đất thình thịch của đối phương còn ám ảnh họ nhiều hơn cả những tiếng pháo. Sau đợt tiêu diệt các cứ điểm ở phân khu Bắc, quân ta phải vượt địa hình trống trải khi đánh vào các cứ điểm ở phân khu trung tâm. Để hạn chế hỏa lực của địch, tướng Giáp ra lệnh cho bộ đội đào hào để tiếp cận đồn địch.
Chiều dài chiến hào được vạch ra trên bản đồ ước tính khoảng 100 km. Trong thực tế chiến đấu sau đó, chiến hào còn tiếp tục kéo dài mãi ra. Quân ta đã đào một hào trục bao quanh toàn bộ các cứ điểm ở phân khu trung tâm của địch. Chiến hào này dùng để cơ động đội hình bộ đội lớn và các loại pháo, cối nên có đáy rộng 1,2m, cao 1,7m. Đường hào trục này đã cắt đứt sự liên lạc giữa phân khu Hồng Cúm với khu Mường Thanh. Bên cạnh đó là các đường hào của bộ binh chạy từ trong rừng ra, cắt ngang đường hào trục và đâm thẳng vào các căn cứ địch.
Binh lính Pháp đứng trước chiến thuật vây lấn bằng chiến hào của Việt Minh, tỏ ra rất sợ hãi bởi vì họ biết không còn đường chạy thoát. Ngày ngày, bộ đội Việt Minh từ các chiến hào dùng súng bắn tỉa khiến quân Pháp không dám đi lại trên mặt đất. Con đường xuống sông Nậm Rốn lấy nước cũng trở thành con đường chết chóc với mỗi thùng nước phải đổi bằng máu. Binh lính Pháp không có cách nào hơn là ngồi chờ bị tấn công.
Trong sách Võ Nguyên Giáp của Georges Boudarel, tác giả đã viết về sự nguy hiểm của chiến thuật đào hào vây lấn này: “Những đường hào tiến từ trên núi cao bao quanh xuống chia cắt lòng chảo Mường Thanh tạo nên những vùng song song đều đặn như những luống cày. Những hầm hào này tỏa ra rồi chụm lại tạo nên vòng vây nghiệt ngã Sở chỉ huy trung tâm chẳng khác nào chiếc kìm thứ 2 cơ động hơn ở thế tiến công đang bóp nghẹt chiếc thứ nhất… Lính Pháp ra sức chống trả nhưng vô ích. Họ bịt kín các đường hào ban ngày thì đêm bộ đội Việt Minh lại đào. Cứ thế trận địa chiến hào của bộ đội Việt Minh giống như cái dây thòng lọng mỗi ngày lại thít chặt vào cổ quân Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ”.
Trong lúc đó, tình hình lương thực ngày càng căng thẳng. Nguồn tiếp tế duy nhất của cứ điểm Điện Biên là bằng máy bay. Nhưng ngay từ đầu, đường băng đã nằm dưới sự khống chế của pháo binh ta. Trong khi đào hào vây lấn, quân ta đã đào một chiến hào cắt ngang qua sân bay Mường Thanh. Từ đây, đường băng hoàn toàn bị chấm dứt hoạt động. Việc tiếp tế hoàn toàn trông đợi vào việc thả dù. Nhưng với sự lợi hại của các trận địa chiến hào, phần lớn dù của Pháp thả xuống đều rơi vào tay quân ta.
Cuốn Nhật ký chiến sự của Jean Ponget ghi nhận: “ Ngày 1/4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6/4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9/4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được… 6 tấn”. Cứ như vậy, chiến hào càng vào sát bao nhiêu thì hiệu quả của việc thả dù tiếp tế càng thấp.
Đến lúc này, tướng Cogny – tư lệnh chiến trường Bắc Bộ đã phải thú nhận với một số nhà báo: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta”. Tuy nhiên, bây giờ, dù có mọc cánh, quân Pháp ở Điện Biên cũng không thể chạy thoát trước thế trận lợi hại của quân ta.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Kháng chiến chống Pháp, Chiến dịch Điện Biên Phủ