Tướng Giáp và ba bức chân dung trên bìa tạp chí Time

Trong lịch sử tồn tại của mình, Tạp chí Time – tạp chí tin tức hàng tuần nổi tiếng của Mỹ – đã ba lần đưa hình ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên trang bìa cùng những bài viết gắn với các thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của ông.

1. Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện lần đầu tiên trên trang bìa tạp chí Time vào ngày 17/6/1966, một năm sau khi Mỹ đưa một lực lượng lớn quân vào tham chiến trên bộ ở miền Nam Việt nam.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang bìa tạp chí Time ngày 17/6/1966.

Bài viết cho trang bìa đã dành nhiều dòng để kể về thân thế và sự nghiệp của tướng Giáp, với điểm nhấn là chiến thắng trước 12.000 quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng này khiến ông từ một vị tướng hầu như “vô danh” trên bản đồ quân sự thế giới trở thành vị chỉ huy hiện đại đầu tiên của một nước châu Á đánh bại đội quân xâm lược của thực dân châu Âu.

Trở lại với tính hình chiến trường miền Nam Việt Nam, để đối phó với chiến dịch “Tìm – diệt” của Mỹ, vào tháng 10/1965, tướng Giáp đã phát động một cuộc tấn công vào trại Lực lượng đặc biệt biên giới tại Plei Me, nằm cách Pleiku 30 dặm về phía Nam. Trong trận chiến kéo dài một tháng sau đó, quân đội của tướng Giáp đã giữ vững trận địa và kháng cự mãnh liệt, đưa số lính Mỹ chết lên đến 240 người trong một tuần, mức cao nhất từ khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam tới nay. Bên cạnh đó, sự truy kích của quân Mỹ cũng gây nhiều tổn thất cho quân Giải phóng.

Bài báo đưa ra nhận địch, so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cuộc chiến hiện tại của tướng Giáp đang gặp nhiều khó khăn hơn bởi sự tham chiến của lực lượng “Kỵ binh bay” của Mỹ, với chiến thuật tấn công bằng các phi đội trực thăng có sức hủy diệt khủng khiếp. Điều này đã khiến một số nhà quan sát tự hỏi liệu tướng Giáp sẽ đưa lựa chọn nào cho cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam.

2. Chân dung tướng Giáp xuất hiện lần thứ hai trên bìa tạp chí Time vào ngày 9/2/1968, 10 ngày sau khi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 được phát động.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang bìa tạp chí Time ngày 9/2/1968.

Tiêu đề của ảnh trang bìa là “Những ngày chết chóc ở Việt Nam” với bài viết chính thuật lại nỗi kinh hoàng của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam, khi hơn 36.000 chiến binh Giải Phóng tấn công đồng loạt hàng trăm địa điểm, trải dài từ Quảng Trị cho đến đảo Phú Quốc ngoài khơi bờ biển đồng bằng sông Cửu Long.

Bài báo viết, “Không có mục tiêu nào là không thể, kể cả Tòa đại sứ Mỹ và trụ sở chính MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ) của tướng William Westmoreland tại Sài Gòn. Họ tiến công trong bộ đồ ngủ của nông dân lẫn  đồng phục quân đội Bắc Việt cùng lúc tại gần 40 thành phố lớn và thị xã”.

Chuẩn tướng John Chaisson thừa nhận: “Đây là thực tế chiến đấu trên chiến trường… Cuộc tấn công rất thành công này được phối hợp tốt đáng ngạc nhiên”. Người Mỹ đã bị sỉ nhục trong cuộc đột kích vào Đại sứ quán Mỹ bởi điều này chứng minh rằng gần ba năm bị truy lùng và bình định, quân Giải phóng vẫn có thể tấn công ở bất cứ nơi nào tại miền Nam Việt Nam.

“Một nước cờ ấn tượng. Không nghi ngờ gì về chiến lược đằng sau cuộc tấn công của Cộng sản là của Bộ trưởng Quốc phòng của Miền Bắc Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người đã đánh gục quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Cuộc tấn công nói chung mang tất cả các dấu hiệu không thể nhầm lẫn của một vị tướng tài năng”, bài báo nhận định.

3. Lần thứ ba tướng chân dung tướng Giáp xuất hiện trên bìa tạp chí Time là vào ngày 15/5/1972. Bài viết cho trang bìa mang tiêu đề “Nam Việt Nam: bước đi táo bạo cho chiến thắng của Hà Nội”.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang bìa tạp chí Time ngày 15/5/1972.

Bài viết mở đầu bằng cảnh hoảng loạn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Huế sau khi Quảng Trị thất thủ trong chiến dịch mở màn cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1972 của quân Giải phóng.

Bài báo viết: “Cách Quảng Trị 24km về phía Nam, tại thành phố Huế chật cứng người di tản, các cuộc tháo chạy đã trở thành bạo loạn. Quân nhân thiếu ăn trong hai ngày đã cướp phá các cửa hàng vào giữa ban ngày. Vào ban đêm, các nhóm lính đào ngũ nồng nặc hơi men đụng độ và xả súng vào nhau ngay trên đường phố.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt được một chiến thắng dễ dàng ở Quảng Trị. Chỉ sau 5 ngày chịu pháo kích, thành Quảng Trị đã bị các sĩ quan bỏ rơi. Những người lính chỉ đơn giản là tan vỡ và tháo chạy, để lại đằng sau xe tăng, xe thiết giáp và pháo cối của mình. Ngay lập tức, những người Cộng sản thiết lập một chính quyền cách mạng trong thành phố”.

Trong bối cảnh Mỹ chỉ còn 65.000 quân ở miền Nam Việt Nam và chỉ giữ vai trò phòng thủ, bài báo đặt ra câu hỏi về chính sách xây dựng quân đội miền Nam Việt Nam của Mỹ, với chi phí khổng lồ về nhu yếu phẩm và quân trang để tự mình chiến đấu với quân Giải phóng. Tổng thống Thiệu, và thậm chí cả sự hiện diện của Mỹ cùng ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam cón thể tồn tại được bao lâu nếu hứng chịu thêm một thất bại tương tự?

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,