Chuyện ông đồ xứ Nghệ được nhà vua phong thần lúc còn sống

Năm 1783, khi Thượng thư Nguyễn Huy Oánh vừa mới được nghỉ hưu, vua Lê Hiển Tông có chiếu triệu về Kinh thành trao chức Tham tụng (Tể tướng) nhưng ông cáo lão để về dạy học ở quê nhà.

Một nhà giáo đam mê với công việc dạy học

Nguyễn Huy Oánh sinh ngày 17/9/1713, trong một gia đình và dòng họ có truyền thống khoa bảng ở làng Tràng Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Lạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông vừa là một đại thần mẫn tiệp, vừa là một tài năng về thơ văn, triết học, lịch sử, địa lý, hội họa … và để lại gần 40 tập sách khác nhau. Xuyên suốt cuộc đời, Nguyễn Huy Oánh vẫn là một nhà giáo tâm huyết, đam mê với sự nghiệp trồng người.

Thủy tổ của Nguyễn Huy Oánh là Ngũ kinh Bác sĩ Quốc Tử giám Nguyễn Uyên Hậu (thế kỷ 15). Tính từ cụ Thủy tổ, suốt 12 đời liên tục, đời nào dòng họ Nguyễn Huy cũng có nhiều người đăng khoa và đời nào cũng có người gắn bó với nghiệp dạy học, trong đó nhiều người giảng dạy ở Quốc Tử Giám.

Chuyện ông đồ xứ Nghệ được nhà vua phong thần lúc còn sống

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: Dân Trí.

Nguyễn Huy Oánh là một trong những hậu duệ của dòng họ đã kế tục xuất sắc truyền thống khoa bảng, dạy học của ông cha, tổ tiên. Năm 1732, sau khi đỗ đầu thi Hương, Nguyễn Huy Oánh được trao các chức Tri huyện, Tri phủ. Tuy nhiên ông không rời bỏ nghiệp dạy học, vẫn cùng với thân phụ là Tham chính, Hương cống Nguyễn Huy Tựu (1690 – 1750), tiếp tục mở rộng quy mô trường lớp ở quê nhà. Cũng từ đó, công việc dạy – học của gia đình ông càng ngày càng quy củ, bài bản. Nhờ vậy, nho sinh càng ngày càng đông đảo.

Kỳ thi Đình năm Mậu Thìn (Cảnh Hưng năm thứ 9 – 1748), Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa, được bổ làm Hàn lâm viện đãi chiếu. Từ đây, Nguyễn Huy Oánh trải qua nhiều chức tước khác nhau, cao nhất là Thượng thư, trong đó có các chức học quan nhiều lần như Giám khảo kỳ thi Hội, thăng Đông các đại học sĩ, Nhập nội thị giảng kiêm Tư nghiệp (Phó hiệu trưởng) Quốc Tử giám, Thượng thư bộ Công kiêm Tế Tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.

Năm 1766, ông nâng cấp Trường Lưu học hiệu thành Trường học Phúc Giang (Thư viện Phúc Giang), với hàng vạn quyển sách. Đây là một trong những tàng thư rất lớn thời bấy giờ.

Năm 1781, Nguyễn Huy Oánh xin về nghỉ nhưng hai năm sau mới được nhà vua chấp thuận. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, vua Lê Hiển Tông xuống chiếu triệu ông về Kinh thành trao chức Tham tụng (Tể tướng), nhưng ông nhất quyết từ chối.

Trong Bài khải từ chối chức Tham tụng (Quyển 2, tuyển tập Thạc Đình Di Cảo), lấy lý do tuổi đã cao, ông tấu trình: “Một lời sai lạc, có khi bốn biển chẳng yên/Một việc lỡ lầm, hại khôn xiết kể… Không tự lượng sức, đó là mưu lấy phú quý vậy” [1]. Ông bày tỏ: “Thần vốn tự biết mình không còn có ích gì cho đất nước nữa. Trên thì phụ lại trách nhiệm được giao phó, dưới thì cản lối những kẻ tài năng. Thành kẻ chẳng làm gì mà cứ chiếm giữ địa vị để ăn không” [2]. Vì vậy: “Điều này có lẽ phải nhờ đến sự soi xét kĩ càng, thỏa đáng của bậc thánh minh.” [3]

Lý do cốt lõi Nguyễn Huy Oánh xin nghỉ hưu và từ chối chức Tham tụng là do ông muốn dành quãng đời còn lại cho công việc dạy học ở quê nhà. Tiếc thay, quãng thời gian đó của Nguyễn Huy Oánh không còn nhiều. Ngày mồng Chín tháng Năm năm Kỷ Dậu (năm 1789), Nguyễn Huy Oánh đã trút hơi thở cuối cùng để về với tổ tiên ở tuổi 77.

Nhà giáo trọn đời với nghiệp dạy học

Suốt quãng đời 30 năm tham gia chính sự, khi đảm trách các chức sắc trong lĩnh vực dạy học cũng như khi đảm trách công việc các lĩnh vực khác về triều chính, kể cả cương vị là một đại thần, Nguyễn Huy Oánh luôn đau đáu với nghiệp dạy học, đến mức xin từ quan và từ chối chức Tham tụng để về quê dạy học.

Ông đã có những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục nước nhà đương thời cả ở Quốc Tử Giám và Trường học Phúc Giang ở quê nhà. Tác phẩm “Nghệ An ký” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) viết về Nguyễn Huy Oánh: “Từ đầu đến cuối, học trò của ông có vài ngàn người, trong đó có hơn 30 người đỗ Tiến sĩ cùng làm quan đồng triều. Còn đỗ Hương cống, được trao chức vụ trách nhiệm không biết bao nhiêu mà kể”. [4]

PGS, TS Trần Thị Băng Thanh, Phó ban Văn học Cổ – Cận đại Việt Nam đánh giá về Nguyễn Huy Oánh: “Một điều ít thấy ở các nhà ‘vi chính’ khác là ngay trong thời kỳ giữ chức trách quan trọng, Nguyễn Huy Oánh vẫn dành nhiều thời gian cho việc biên soạn sách giáo khoa. Trong thời gian tại chức, ông đã ‘toản yếu’ nhiều đầu sách cơ yếu trong chương trình dạy học thời bấy giờ như: Ngũ kinh toản yếu, Tính lý toản yếu (chỉnh lý), Quốc sử toản yếu năm 1758; Sơ học chỉ nam, Tứ thư Toản yếu (năm 1773)”. [5]

Nguyễn Huy Oánh rất đề cao phương châm học gắn liền với hành, phê phán lối học vì mục đích khoa cử. Trong bài tựa Dụ Thế Tập Biên Giải Âm, ông viết: “Ngũ kinh, Tứ thư là sách dạy học khá đầy đủ [mọi nghĩa lí]. Một chữ, một câu trong đó phải thực hành cả đời mà vẫn tự biết là còn thiếu sót. Có lẽ cái học khoa cử đã làm ngăn trở việc thực hành”. [6]

Nguyễn Huy Oánh đã chủ trì tổ chức sản xuất hàng nghìn bản mộc in sách. Vì thời gian và chiến tranh, hiện nay chỉ còn 383 bản do Dòng họ bảo quản và 8 bản trưng bày ở Bảo tàng Hà Tĩnh. Rất may, các bộ mộc bản gồm bản in các tác phẩm Ngũ kinh toản yếu, Tính lý toản yếu, Quốc sử toản yếu vẫn còn nguyên vẹn.

Cho đến nay, theo các tư liệu Hán Nôm đã phát hiện, Trường học Phúc Giang là trường tư thục lớn nhất và là trường tư thục duy nhất ở Việt Nam thời Trung, Cận đại sản xuất được mộc bản để in sách giáo khoa phục vụ công việc dạy – học.

Nguyễn Huy Oánh có vai trò và có công rất lớn trong 3 tư liệu được ghi danh Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO. Đó là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Bộ tư liệu Hán Nôm làng Trường Lư.

Nhà giáo được vua phong thần lúc còn sống

Ngày 26/7/1783 (năm Cảnh Hưng thứ 43), Nguyễn Huy Oánh được vua Lê Hiển Tông phong thần Phúc Giang Thư viện trưởng, Hội khoa tinh đẩu, tòa Nguyên Ân Thai, Trường sinh lộc vị, Uyên tấn, Hoằng dụ Đại vương khi còn sống. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cống hiến to lớn của ông cho nền văn hóa, giáo dục nước nhà.

Đạo sắc của nhà vua phong thần cho Nguyễn Huy Oánh viết: “Núi ni chung đức/Dòng Khổng để thơm ../Dạy dỗ học trò/ Gây rừng gỗ quý/Ơn trạch do dân/Thấm tới mỗi người/Tiếng đồn Phật sống/Thật đáng Phúc thần”. [7]

Đây là trường hợp vô cùng hy hữu khi một đại thần – một nhà giáo được nhà vua phong thần và được thờ lúc còn sống. Và Thư viện Phúc Giang trở thành ngôi đền thờ thần Nguyễn Huy Oánh.

Đến thời Nhà Nguyễn, các đời vua Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh… có tới 6 lần ban sắc ghi công để tri ân Thần Phúc Giang thư viện Uyên bác Nguyễn Huy Oánh.

Năm 1953, máy bay Pháp ném bom làng Trường Lưu, Đền thờ Thư viện Phúc Giang trúng bom, bị phá hủy hoàn toàn. Đây là một tổn thất lớn không chỉ với dòng họ Nguyễn Huy mà quốc gia cũng đã mất đi một di tích lịch sử, văn hóa quý giá.

Để ghi nhận cống hiến của Nguyễn Huy Oánh cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước và nền văn hóa – giáo dục của dân tộc, năm 2006 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng nhà thờ Đại tôn dòng họ Nguyễn Huy gắn với Danh nhân Nguyễn Huy Oánh là Di tích tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.

Năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho UBND huyện Can Lộc làm chủ đầu tư xây dựng Quy hoạch Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Trong đó, phục dựng di sản Trường học và Đền thờ Thư viện Phúc Giang được xác định là hạng mục trọng tâm. Mong rằng, một di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc – đền thờ một danh nhân, một nhà giáo được vua phong thần lúc còn sống sớm được phục dựng.

—————————

Tài liệu tham khảo:

[1], [2],[3]. Thạc Đình Di Cảo, NXB Khoa học xã hội 2014. Tr 356.
[4]. Nghệ An Ký (Quyển 2), NXB Khoa học xã hội 1993. Tr 308, 309.
[5]. Thạc Đình Di Cảo, NXB Khoa học xã hội 2014. Tr 12, 13.
[6]. Sách đã dẫn. tr 422
[7]. Hà Tĩnh Tập biên, ký hiệu A.3228, Viện nghiên cứu Hán Nôm. Tr 38.
[8] Sách đã dẫn. Tr 37,39,40.

Theo VIETNAMNET / NGUYỄN HUY VIỆN

Tags: , ,