Chuyên gia WWF nói về tấn thảm kịch của động vật hoang dã ở Việt Nam

Đặt bẫy tận diệt những loài thú lớn, buôn bán trái phép động vật hoang dã, nuôi nhốt thú rừng trong điều kiện tồi tệ… là những vấn nạn đang xảy ra tại không ít địa phương của Việt Nam.

Chuyên gia WWF nói về tấn thảm kịch của động vật hoang dã ở Việt Nam

Trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp thì những vấn nạn trên là nguy cơ lớn, đe dọa đến an toàn sức khỏe của cộng đồng.

Báo Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF – Việt Nam, (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) về vấn đề này.

Thưa ông, thời gian vừa qua đã có nhiều ý kiến phản đối của người dân cũng như các chuyên gia về việc nuôi nhốt động vật trong các vườn thú ở những thành phố lớn. Tiêu biểu như tại Hà Nội đó là vườn thú Thủ Lệ, hay Thảo Cầm Viên tại TP HMC.

WWF Việt Nam có quan tâm tới câu chuyện này không, và đã bao giờ WWF có khuyến nghị với nhà chức trách về việc nuôi nhốt thú tại Việt Nam? Chúng ta không thể tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên, muông thú khi ngay tại thủ đô việc nuôi nhốt thú đang diễn ra, với những điều kiện rất thiếu thốn về không gian, môi trường sống. Đã có thời gian, ngay tại vườn thú giữa thủ đô Hà Nội, các cá thể voi bị xích chân để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan?

Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh: Chúng tôi – WWF không ủng hộ việc nuôi nhốt bất kỳ loài động vật hoang dã nào mà không vì mục đích bảo tồn hay nghiên cứu khoa học.

Các nghiên cứu khoa học phải có mục đích rõ ràng theo các công ước mà Chính phủ đã cam kết với quốc tế. Cách bảo tồn tốt nhất đối với các loài hoang dã là đảm bảo cho chúng một sinh cảnh sống an toàn và đầy đủ  trong tự nhiên phù hợp với tập tính của chúng.

WWF chỉ ủng hộ hoạt động vườn thú được đánh giá và công nhận bởi tổ chức quốc tế như World Association of Zoos and Aquariums  (WAZA), bởi khi đó, vườn thú cũng là một công cụ hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn, giáo dục và nghiên cứu.

Vấn đề nuôi nhốt thú và đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của động vật nơi nuôi nhốt có thể tham khảo ý kiến của các tổ chức phúc lợi động vật như HSI, AAF là những tổ chức hoạt động mạnh ở Việt Nam.

– Cũng liên quan đến việc nuôi nhốt thú phục vụ du lịch. Tại Việt Nam buôn Đôn rất nổi tiếng, có rất nhiều cá thể voi đang được sử dụng làm “nhân viên” phục vụ du lịch. Tôi đã thử đi một lần và rất ám ảnh với việc người quản tượng dùng búa, roi sắt để ra hiệu lệnh cho voi. Tôi không biết, trên thế giới hiện nay có quốc gia nào đang phát triển du lịch với cách thức như vậy không? Ông bà có ý kiến, quan điểm như thế nào về việc này?

– Đắk Lắk là địa phương có số lượng voi nhà lớn nhất Việt Nam, nhưng quần thể này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi voi bị sử dụng làm dịch du lịch quá tải. Riêng năm 2016, có tới 5 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk bị chết, phần nhiều cũng do bị làm việc quá sức. Có các tổ chức về phúc lợi động vật như AAF đã và đang nỗ lực chấm dứt các hình thức bạo hành voi, trong đó có việc voi bị bóc lột làm du lịch.

WWF là tổ chức bảo tồn thiên nhiên, tập trung bảo tồn các quần thể voi trong tự nhiên. Theo WWF, bảo tồn voi hoang dã trong chính sinh cảnh của chúng là biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất và bền vững nhất thông qua việc tăng cường tuần tra rừng để bảo vệ an toàn cao nhất cho cuộc sống của voi, đảm bảo hành lang di chuyển tự nhiên của voi, và bổ sung các khoáng chất cần thiết cho voi.

Bảo tồn voi bằng việc gây nuôi sinh sản tốn kém, nhiều bất trắc và chưa phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Hai cá thể voi nhà mang thai và sinh sản trong 5 năm trở lại đây đều không thành công vì hầu hết voi mẹ có tuổi đời khá cao. Trong khoảng 40 năm qua, chưa có cá thể voi nào sinh ra và lớn lên trong môi trường nuôi sinh sản ở Việt Nam.

– Người Việt Nam dùng các vật phẩm trang trí liên quan đến voi rất nhiều. Và hiện nay những sản phẩm từ ngà voi được bán tràn lan trên mạng. WWF đã có những chiến dịch truyền thông như thế nào để từng bước thay đổi điều này?

– Trong khi Trung Quốc vẫn là nước tiêu dùng ngà voi lớn nhất, Việt Nam nổi lên như là một thị trường tiêu dùng đáng lo ngại. Ngà voi và các sản phẩm từ voi (răng, đuôi, xương) được sử dụng ở Việt Nam để thể hiện đẳng cấp, vị thế và quyền lực xã hội (các sản phẩm trạm khắc trưng bày trong phòng khách), để làm đồ trang sức cho cả nam giới và nữ giới (vòng tay, nhẫn, lược, châm cài đầu); mang lại sự may mắn và trừ tà ma dựa trên niềm tin về về văn hóa phương Bắc đã có từ hàng ngàn năm (nhẫn lông đuôi voi, các sản phẩm xương voi).

Việc buôn bán diễn ra công khai tại nhiều khu du lịch, tại các thành phố lớn như Buôn Ma Thuột, Bản Đôn, Đắk Lắk, TP. HCM, Hà Nội. Tỷ lệ người phạm tội bị bắt giữ còn thấp, tỷ lệ tội phạm bị kết án còn thấp hơn.

Nhằm giải quyết tình trạng này, WWF đã có một sáng kiến toàn cầu về đóng cửa thị trường ngà voi ở châu Á, tập trung vào giảm cầu và hỗ trợ thực thi các lệnh cấm buôn bán ngà voi tại Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia vùng sông Mekong với những nỗ lực được ghi nhận ở Việt Nam như là một mắt xích quan trọng.

Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ hợp tác với ngành du lịch là ngành có khả năng chuyển đổi du lịch ở khu vực Mekong mở rộng thành ngành du lịch có trách nhiệm và không liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, chúng tôi xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông thay đổi hành vi xã hội để xác định các thông điệp, các kênh truyền thông, và những người ảnh hưởng xã hội tham gia vào quá trình chuyển đổi Việt Nam thành nơi không tiêu thụ và là điểm đến du lịch không liên quan đến buôn bán động vật hoang hoang dã trái phép.

Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp với các đối tác bảo tồn, những nơi voi hoang dã còn sinh sống, để truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân sống xung quanh khu vực có voi, giảm thiểu xung đột voi-người; giảm nhu cầu mua bán như tại các địa điểm du lịch của Đắk Lắk (thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, v.v).

– Nhiều người Việt Nam rất thích dùng thú rừng để ngâm rượu. Họ tin rằng những loại rượu ngâm này có tác dụng về sức khoẻ. Vì mong có sức khoẻ từ rượu ngâm kiểu này, người ta đã góp tay tận diệt thú rừng. Tình trạng này tới nay đã được hạn chế hay chưa? Theo ông/bà, nhà chức trách Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông, phổ biến pháp luật cho người dân trong lĩnh vực này?

– Có rất nhiều thói quen và nét văn hóa không còn phù hợp cần được thay đổi, trong đó có việc ngâm rượu các loài hoang dã. Thói quen sử dụng này kích cầu thị trường động vật hoang dã, thúc đẩy việc săn bắt trái phép và cạn kiệt các loài từ các Vườn Quốc Gia, Khu Bảo tồn để bán. Buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã như thế này là nguyên nhân chính đẩy các loài hoang dã đến tuyệt chủng chỉ sau nguyên nhân mất sinh cảnh.

Dịch COVID-19 đã dóng hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng sinh thái do các loài hoang dã bị mất sinh cảnh, bị khai thác cạn kiệt để buôn bán đã làm gia tăng sự tiếp xúc của con người với các loài hoang dã. Khoa học đã chứng minh rằng trong điều kiện mất vệ sinh, nuôi nhốt đa loài chật hẹp, các loài virut vốn có trên các vật chủ là các loài chim, loài thú dễ dàng phát triển thành các chủng vi rút mới truyền nhiễm giữa con người với con người, tạo ra các bệnh dịch như H5N1, Ebola, HIV, SAR 2002 và giờ đây là COVID-19. Đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của gần một triệu người với gần 30 triệu người mắc bệnh, làm đảo lộn cuộc sống kinh tế, xã hội toàn cầu, nhưng con số này vẫn chưa dừng lại.

Việc ăn thịt thú rừng, ngâm rượu thú rừng như hiện nay ở Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng. Bằng chứng từ các nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy khi động vật hoang dã di chuyển dọc theo chuỗi cung ứng, từ địa điểm bắt giữ đến các chợ đầu mối, nhà hàng, thì sự phổ biến và đa dạng của corona virus gia tăng, cho thấy nguy cơ lây truyền dịch bệnh và sự xuất hiện của chủng virus mới tăng theo từng chuỗi mắt xích thương mại động vật hoang dã.

Đóng cửa các chợ, nhà hàng, quán xá mua, bán các loài động vật hoang dã đặc biệt là các loài mang nhiều mầm bệnh truyền nhiễm như chim rừng, thú rừng là việc cần phải làm ngay để ngăn chặn tận gốc nguy cơ bùng phát các đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Đã đến lúc cần phải thay đổi những thói quen tiêu dùng có hại cho môi trường, cho sức khỏe cộng đồng.

– Mới đây, WWF VN đã thống kê và đưa ra con số, tại Việt Nam có khoảng 5 triệu bẫy thú rừng thường xuyên tồn tại. Con số này nếu đem “xếp hạng” thì VN đang đứng ở vị trí nào trên “bản đồ bẫy thú” trên thế giới? Nó có tác động như thế nào tới muông thú tại các cánh rừng của VN?

– Chúng tôi uớc tính, có ít nhất 12 triệu bẫy thú trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Khu vực này có thể được coi là điểm nóng về đặt bẫy thú ở châu Á, nguyên nhân do nhu cầu lớn về các sản phẩm từ động vật hoang dã ở các trung tâm đô thị.

WWF có các đội tuần tra rừng đi gỡ bỏ các loại bẫy tại một số khu rừng quan trọng nhất ở Việt Nam với hơn 10.000 bẫy được tháo gỡ mỗi năm. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để loại bỏ hết mối đe dọa này và hầu hết các khu bảo tồn không thể có mức độ đầu tư như thế này.

Nghiên cứu của WWF và các đối tác đã chứng minh rằng việc đặt bẫy là nguyên nhân thúc đẩy những cánh rừng trong khu vực trở thành “những khu rừng im lặng”. Các khu rừng này có vẻ như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tất cả những loài động vật hoang dã to lớn đã biến mất. Một “khu rừng im lặng” là một trong những nơi đáng buồn nhất mà một nhà sinh vật học có thể đến thăm.

Việt Nam đã mất đi loài hổ vì nạn đặt bẫy thú và hầu hết các loài thú lớn khác cũng đang ở trên bờ vực tuyệt chủng do tình trạng này. Chúng tôi đang cố gắng phát triển và thực hiện các biện pháp có hệ thống nhằm giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn

– Tất nhiên tại Việt Nam có khá nhiều bất cập trong công tác bảo tồn, phát triển thiên nhiên. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những điểm tích cực, đáng ghi nhận. Theo ông, những điểm tích cực đó là gì? Việt Nam cần làm gì để duy trì thành quả đã đạt được trong việc bảo vệ thiên nhiên?

– Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong khu vực, nhưng kèm theo đó là cái giá phải trả cho môi trường vô cùng lớn. Những năm gần đây, tỷ lệ rừng bị mất đã tương đối ổn định, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do tăng cường công tác trồng rừng chứ không phải do phục hồi và tăng diện tích rừng tự nhiên. Các quần thể động vật hoang dã ở Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu về thịt rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã khác.

Phải nói rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi, giai đoạn mà sự đảo ngược của các xu hướng này có thể bắt đầu xảy ra. Các chính sách bảo vệ mạnh mẽ hơn và các hình phạt đi kèm đã được đưa vào luật, dấu hiệu cho thấy việc thực thi, bắt giữ và truy tố đối với hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã đang gia tăng.

Các cam kết của chính phủ ở cấp độ cao về các vấn đề môi trường cũng rất đáng khích lệ và tạo cơ sở cho những tiến bộ trong các vấn đề này. Ví dụ, Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển bền vững và tăng khả năng thích ứng với Khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Chỉ thị 29 gần đây của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường và Quản lý buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cho thấy mức độ nhận thức và cam kết ở cấp độ cao đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

– Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo NGÀY NAY

Tags: