Chuyện đi bơi ở Hà Nội thời thuộc địa

Khi người Pháp xây tòa lãnh sự ở khu vực Đồn Thủy (nay tương ứng với đầu phố Tràng Tiền, phố Phạm Ngũ Lão, Bệnh viện quân đội 108) năm 1876, họ cũng cho xây bể bơi trong lãnh sự. Đây là bể bơi theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Hà Nội.

Những điều ít ai biết về chuyện đi bơi ở Hà Nội thời thuộc địa

Hồ Trúc Bạch ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.

“Tiểu Đồ Sơn” tại Hà Nội

Hà Nội là thành phố sông hồ. Hà Nội có nghĩa là bên trong dòng sông. Sông Tô Lịch là chi lưu của sông Hồng qua các phố Hàng Buồm, ngõ Gạch ra Hàng Đường, Hàng Lược vòng theo chân thành ra hồ Tây. Không chỉ có sông, khu vực nội đô Hà Nội còn có rất nhiều hồ lớn. Phía bắc có hồ Mã Cảnh (hay hồ Cổ Ngựa, nay tương ứng với Hàng Đậu, Hòe Nhai, Hàng Than), phía dưới có hồ Thái Cực (tương ứng với Hàng Bè, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hiện nay), hồ này có con lạch nối thông với hồ Hoàn Kiếm.

Đầu thế kỷ 20, phía đông nam vẫn còn hồ Hữu Vọng (khu vực phố Hàng Chuối hiện nay). Phía nam có hồ Vọng, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Trung Tự; phía tây có hồ Giảng Võ, Kim Mã, Thủ Lệ; tây nam có Thành Công và tây bắc có hồ Tây rộng mấy trăm héc ta. Còn ao thì rất nhiều, làng nào cũng có hàng chục ao trở lên. Theo bản đồ lập năm 1890, khu vực nội đô và các làng vùng ven tổng cộng có hơn 400 hồ ao lớn nhỏ. Hồ ao không chỉ nuôi cá, nơi rửa rau vo gạo, tắm rửa hằng ngày mà hồ ao Hà Nội còn là nơi tích nước trong mùa mưa tránh úng ngập cho thành phố. Vào mùa hè nóng bức, nhiều hồ ao trở thành bể bơi tự nhiên cho người lớn và trẻ con bơi lội.

Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Une campagne au Tonkin, Paris 1896), về bơi ở hồ Gươm mùa hè, tác giả Hocquard viết: “Những đứa trẻ cả trai lẫn gái trần truồng bơi trong màu nước đục bẩn”. Bể bơi tự nhiên lớn nhất chính là hồ Tây. Do hồ rất sâu nên nhiều người từ nơi khác đến và cả dân quanh hồ bơi bị đuối nước. Trong chùa Trấn Quốc có nhiều bia của các gia đình mất người gửi ở đây.

Năm 1883, công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội là Bonnal đã cho quy hoạch để mở mang thành phố. Sông Tô Lịch bị lấp để xây chợ Đồng Xuân. Nhiều hồ ao nội đô dần bị lấp đồng nghĩa các bể bơi tự nhiên không còn. Khi quân viễn chinh Pháp đến Hà Nội ngày càng đông, để có nước sạch cho binh lính ăn uống, tắm giặt, đồng thời tránh bị bệnh ngoài da, người Pháp đã khoan giếng lấy nước ngầm, xây bể lọc, đồng thời họ cũng xây bể trong thành cho binh lính bơi vào mùa hè. Và bể bơi trong thành là bể thứ hai sau Đồn Thủy. Xung quanh bể được ốp gạch, có cầu nhảy. Tuy nhiên quân thì đông mà bể bơi thì ít nên binh lính Pháp vẫn bơi ở ao hồ. Cũng trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Hocquard mô tả lính Pháp đóng ở khu vực phía đông hồ Gươm tắm truồng ở hồ đã bị dân chúng Hà Nội phản đối.

Khi quân đội Pháp xây dựng sân bay Bạch Mai (nay thuộc P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân), họ cũng xây bể bơi dành cho binh lính và sĩ quan. Đầu những năm 1930, Cao ủy thể thao Đông Dương đưa ra chủ trương “vui vẻ trẻ trung” đã dấy lên tinh thần thể thao ở các đô thị. Những người Pháp sống tại Hà Nội đã thành lập câu lạc bộ bơi lội ở đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), có bơi thuyền và bơi trên mặt nước. Câu lạc bộ này chỉ dành cho người Pháp nên người Việt không được vào. Bất bình trước sự phân biệt, đối xử, một người Việt làm đơn xin phép đốc lý thành phố mở bên hồ Trúc Bạch một mô hình tương tự của người Pháp và đặt tên là “Tiểu Đồ Sơn”. Tuy nhiên do hồ nông, lại có nước nóng thải ra từ Nhà máy điện Yên Phụ nên mùa hè nước ở “Tiểu Đồ Sơn” đã nóng lại nóng thêm vì thế không thu hút được người đến bơi. Thêm chuyện cô Nghĩa (nhà ở phố Trúc Lạc), một trong những người tham gia “nhóm tiểu thư đi bộ Hà Nội – chùa Trầm” bị chết đuối ở đây nên câu lạc bộ vắng người phải đóng cửa. Năm 1932, một người Việt khác làm đơn xin chính quyền thành phố mở bể bơi ở hồ Quảng Bá. Được chấp thuận, ông cho đổ cát, làm nhà thay quần áo và nhà tắm. Thời gian đầu bơi ở đây chỉ có nam thanh niên, con gái không dám vì mặc quần áo bơi hở hang sợ bị thiên hạ móc máy, chê cười. Được các báo phụ nữ cổ súy, nhiều chị em đã mạnh dạn lên đây bơi. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng, mùa hè những năm 1940, ông thường xuyên bơi ở đây và không ít lần ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô Tân (mẹ ca sĩ Khánh Ly) trong bộ đồ tắm.

Muốn bơi phải có “thẻ tắm”

Năm 1933, đốc lý Eugène Guillemail ra quyết định xây dựng Ấu Trĩ viên (có nghĩa là vườn trẻ) trên phần đất của câu lạc bộ Thống Nhất (dân quen gọi là Xéc Tây – nơi giải trí dành cho sĩ quan Pháp nay là Cung thiếu nhi Hà Nội). Công trình khánh thành ngày 15.6.1935. Ấu Trĩ viên có sân rộng để chơi bóng rổ, có bể bơi và dãy nhà một tầng làm nơi dạy các bài hát bằng tiếng Pháp. Ấu Trĩ viên không dành cho trẻ em nghèo, trong quy chế do đốc lý ban hành thì “chỉ những người ăn mặc sạch sẽ mới được vào” và muốn vào đây “phải mua vé với giá 10 xu”. Nội quy của Ấu Trĩ viên rất khắt khe, nhất là vấn đề vệ sinh, “cấm trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, cấm trẻ có triệu chứng ốm yếu”; muốn bơi ở bể phải có “thẻ tắm” do bác sĩ cấp.

Cùng với các bể bơi công cộng, một số tư sản người Việt và người Pháp cũng xây bể bơi trong khuôn viên biệt thự, trong đó phải kể đến bể bơi của cô Tư Hồng (người trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894) ở ngõ Hội Vũ; bể vừa rộng vừa dài, vừa sâu. Sau năm 1954, một phần đất có bể bơi của biệt thự này giao cho Mặt trận Tổ quốc VN xây nhà nên bể bị lấp. Biệt thự của nhà quý tộc Pháp De Montpezat ở góc Phan Đình Phùng – Hùng Vương cũng có bể bơi (nay là bể bơi 115 phố Quán Thánh). Sau năm 1954, chính quyền mới đã xây bể bơi ở Tăng Bạt Hổ, khu đất vốn trước đó là bãi cát để trống nhiều năm. Bể bơi dành cho thiếu niên này trở thành trung tâm bơi lội thu hút rất đông thiếu niên Hà Nội mỗi dịp nghỉ hè. Từ 5 giờ sáng cho đến 9 giờ tối bể đông nghẹt trẻ em. Đây từng là nơi tổ chức giải bơi lội thiếu niên toàn quốc thời kỳ chống Mỹ.

Thời bao cấp Hà Nội cho xây nhiều bể bơi mới ở khu vực nội thành, tuy nhiên một vấn đề các bể bơi gặp phải là thiếu nguồn nước sạch, vì thế có bể nhưng không có nước. Và hồ ao vẫn là nơi bơi lội yêu thích của nhiều người Hà Nội.

Theo NGUYỄN NGỌC TIẾN / THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,