Chuyện ‘David và Goliath’ trong Chiến tranh Việt Nam

“David đã sử dụng cái đầu khi chiến đấu với Goliath. Người Việt Nam chúng tôi cũng làm như thế khi phải chiến đấu với người Mỹ”.

Chuyện ‘David và Goliath’ trong Chiến tranh Việt Nam

Bài viết của Neil Sheehan, tác giả của A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam, cuốn sách được trao giải Pulitzer và giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm phi hư cấu năm 1988. Ông cũng là người đã thu được Hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ The New York Times vào năm 1971.

Nguồn: Neil Sheehan, “David and Goliath in Vietnam,” The New York Times, 26/05/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Có những sự kiện chỉ có thể hiểu được từ góc nhìn thời gian. Cuộc chiến ở Việt Nam là một trong số đó.

Ngày 21 tháng 6 năm 1989, tôi có dịp phỏng vấn một con người vóc dáng nhỏ bé nhưng có bốn sao trên cầu vai áo đồng phục màu xanh đậm. Chúng tôi trò chuyện tại nơi từng là dinh thự của một vị toàn quyền Pháp ở Hà Nội. Người mà tôi phỏng vấn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự của Việt Nam, người đã đưa đất nước ông đến chiến thắng, đầu tiên là trước nỗ lực tái lập chế độ thuộc địa của Pháp sau Thế chiến II, tiếp đó là trước sức mạnh vô song của Mỹ khi họ muốn chia cắt vĩnh viễn Việt Nam và lập ra một nhà nước phụ thuộc ở Sài Gòn.

“Lính Mỹ rất dũng cảm, nhưng can đảm chưa đủ,” Tướng Giáp nói. “David không giết được Goliath chỉ vì dũng cảm. Anh ta nhìn lên Goliath và nhận ra nếu anh đấu kiếm với hắn, Goliath sẽ giết chết anh. Nhưng nếu nhặt một hòn đá và đặt vào cái ná cao su của mình, anh có thể bắn trúng đầu Goliath, khiến hắn ngã xuống và giết hắn. David đã sử dụng cái đầu khi chiến đấu với Goliath. Người Việt Nam chúng tôi cũng làm như thế khi phải chiến đấu với người Mỹ”.

Đối thủ của Tướng Giáp, Tướng William C. Westmoreland, đã tự tin mình nắm được công thức chiến thắng ở Việt Nam. Tướng Westmoreland dường như là tất cả những gì mà chúng ta có thể mong chờ ở một vị tướng chỉ huy. Ông cao ráo, điển trai, và có tài ăn nói. Ông đã lãnh đạo một trung đoàn không quân chiến đấu xuất sắc trong Chiến tranh Triều Tiên, và thu hút được sự chú ý của vị tướng được Tổng thống John F. Kennedy yêu mến, Tướng Maxwell D. Taylor, và dưới sự bảo trợ của Tướng Taylor, Tướng Westmoreland đã giành được quyền chỉ huy ở Việt Nam.

Tướng Westmoreland đã huênh hoang rằng ông sẽ khiến người Việt Nam phải đổ máu bằng cỗ máy giết người khổng lồ mà ông đang triển khai ở nước này. Đội quân bộ binh và thủy quân lục chiến được đào tạo bài bản của Mỹ sẽ áp đảo lính Việt Nam khi các đội trực thăng vận tải nhanh chóng đưa họ từ chiến trường này sang chiến trường khác với sự cơ động chưa từng có. Khi hạ cánh, họ sẽ được bảo vệ bởi đội trực thăng thứ hai là đội trực thăng chiến đấu được trang bị súng máy có tốc độ bắn cao, điều khiển bằng điện, và tên lửa không đối đất đường kính 70 mm gắn ở hai bên thân. Họ cũng mang cả pháo bên mình, những khẩu lựu pháo 105 mm lắp dưới trực thăng chở hàng “Chinook” CH-47 mà Quân đội Mỹ mới phát triển.

“Westy,” cái tên mà Westmoreland thích được gọi, đã xây dựng sân bay ở khắp nơi. Một khi đã xuống đến trận địa, binh lính có thể tiến hành các đợt tấn công không giới hạn bằng các máy bay ném bom phản lực ngay trên đầu, chứa đầy bom, napalm và phốt pho trắng, chất có thể cháy xuyên qua da thịt con người. Không có giới hạn nào về lượng chất nổ mà lính Mỹ sẽ dùng để chống lại người Việt. Những chiếc pháo đài bay B-52 tám động cơ của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược, vốn được chế tạo để hủy diệt Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân, giờ đây sẽ phá huỷ Việt Nam với mức độ tàn phá tương đương bom hạt nhân nhưng bằng những quả bom thông thường – 20 tấn loại bom 500 pound được thả chỉ bằng một chiếc máy bay chiến đấu ở độ cao 30.000 feet (hơn 9 km). Khi B-52 tấn công, mặt đất sẽ rung chuyển hàng dặm theo khắp mọi hướng.

Người Việt Nam đã tìm đến pháo đài tự nhiên là mảnh đất của họ. Trong những năm 1960, bàn tay con người gần như chưa chạm đến dãy Trường Sơn, trải dài từ miền Bắc xuống Tây Nguyên. Trường Sơn khi ấy còn là vùng đất nguyên sơ với những ngọn núi đơn độc và những rặng núi cấm. Rừng mưa lá rộng xanh quanh năm và rừng gỗ tếch và gỗ dái ngựa che phủ tất cả, chỉ trừ các lũy tre và các khoảnh đất trống trong những thung lũng đầy cỏ voi cao ngồng. Tán cây cao tới hơn 18 mét, dưới tán là những cây thân cột có độ cao trung bình, và dưới cùng là bụi rậm.

Dưới rừng cây đó, quân đội Việt Nam đã tiến hành xây dựng nhiều khu hầm trú ẩn kiên cố. Các hầm trú ẩn chính, nơi đặt bộ chỉ huy, được bảo vệ kỹ càng – cứ một lớp gỗ lại đến một lớp bùn, xen kẽ cho đến khi đạt tới độ cao khoảng 8 đến 9 feet (2,4 đến 2,7 mét). Để phá hủy hầm trú ẩn này cần phải cho nổ trực tiếp một quả bom loại 250 pound, một điều hiếm thấy trong thực tế. Các hầm nhỏ hơn có lớp bảo vệ mỏng hơn nhưng vẫn vừa đủ, và tất cả đều được nối với nhau bằng các chiến hào hình dích dắc (một mô hình cho phép lính Việt Nam có thêm chỗ trú ẩn) đủ sâu để họ có thể đứng trong đó và chiến đấu với lính Mỹ, vốn không hề biết kẻ địch của mình trú ẩn ở đâu. Đường bắn được dọn quang nhưng còn lại bụi rậm được giữ lại để ngụy trang.

Từ trực thăng nhảy xuống, lính Mỹ sẽ phải đối đầu với một người lính được trang bị tương đương, có lẽ còn tốt hơn anh ta. Bộ binh Việt Nam sử dụng những khẩu súng trường tấn công tốt nhất – AK-47. Vũ khí này là công trình của nhà thiết kế súng thiên tài người Liên Xô Mikhail Kalashnikov. Nó hoàn toàn tự động và hiếm khi kẹt đạn, trái với khẩu M-16 của Mỹ vốn đòi hỏi phải làm sạch liên tục để ngăn ngừa kẹt đạn. Chỗ hài hước ở khẩu AK-47 là nếu bạn đánh rơi nó vào vũng bùn thì chỉ việc nhặt nó lên, đập đập vào thân cây để rũ sạch, và cứ thế bắn tiếp.

Súng phóng lựu B-40 là một sản phẩm khác trong kho vũ khí của Liên Xô mà binh lính Việt Nam sở hữu. Đầu nổ hình quả dứa ở cuối ống phóng có sức nổ lớn và có tác động phân mảnh. Người Việt Nam cũng không cần đến các loại súng máy nặng hơn và phải vận hành theo tổ đội.

Thường thì mất ba ngày không lực và pháo binh Mỹ mới làm lộ ra được các hầm trú ẩn bằng cách phá huỷ cây cối và các lớp che phủ khác bên trên. Đến lúc đó thì những người Việt còn sống sót đều đã trốn thoát, mang theo phần lớn số người chết và bị thương đi cùng. Bất chấp sự bảo vệ của hệ thống hầm trú ẩn, binh lính Việt Nam vẫn phải chịu thương vong nghiêm trọng. Nhưng họ đã giảm nhẹ được thiệt hại nhờ vào việc nắm bắt và tận dụng sáng kiến này. Các nghiên cứu cho thấy trong khoảng 80 đến 90% thời gian, người Việt chứ không phải người Mỹ mới là bên gây chiến hoặc quyết định chiến đấu vào một ngày khác. Nhưng không ai có thể chịu đựng được tất cả những bạo lực mà người Mỹ đem đến mà không bị thương. Tuy nhiên, người Việt đã sẵn sàng chấp nhận những thương vong này. Họ đấu tranh vì sự thống nhất và độc lập của tổ quốc, trong khi lính Mỹ nhập ngũ thì một nửa bị cưỡng chế, một nửa tình nguyện chiến đấu cho một cuộc chiến tranh đế quốc cách xa quê hương hàng ngàn dặm.

“Các trận đánh trên đồi” bắt đầu nổ ra trong suốt năm 1967 khi Tướng Giáp lùa Tướng Westmoreland vào hết trận đánh này đến trận đánh khác. Trận đánh kinh hoàng nhất diễn ra vào cuối tháng 11 năm 1967 gần căn cứ Đắk Tô ở phía Bắc tỉnh Kontum ở Tây Nguyên. Trận này được gọi là “Trận đồi 875” (Cao điểm 875) theo truyền thống quân sự là đặt tên cho một chiến trường theo chiều cao tính bằng mét. Đại tá Jonathan Ladd, thường gọi là Fred, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt ở Việt Nam năm 1967 và là bạn tôi từ những năm ông còn là cố vấn cho một sư đoàn bộ binh Nam Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã kể cho tôi chuyện xảy ra.

Fred có một doanh trại ở Đắk Tô. Đột nhiên nó bị pháo cối tấn công. Lúc bấy giờ Lực lượng Đặc biệt đã được thành lập, gồm lính đánh thuê từ các bộ tộc trên núi, do các hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm và khôn ngoan của quân đội Mỹ dẫn đầu. Fred bay lên Đắk Tô từ trụ sở chính ở Nha Trang và điều lính tuần tra để xác định xem pháo cối bắn ra từ đâu. Họ phát hiện ra người Việt Nam đã xây dựng một cái “bẫy người” khác trên đồi 875 và các dãy đồi liền kề. Đợt pháo cối là một lời mời rùng rợn mời người Mỹ tham gia trận đánh giành hệ thống hầm trú ẩn. Tướng Westmoreland khi ấy đang ở Washington, được một Lyndon Johnson đầy lo lắng gọi về nhà để lấy lại sự ủng hộ của công chúng dành cho cuộc chiến vốn đã lung lay bởi con số thương vong cao. Vị tướng kêu gọi lòng kiên nhẫn. Ông đang giành được chiến thắng. “Hồi kết của cuộc chiến đang đến,” ông trấn an đất nước trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington.

Các thuộc hạ của Tướng Westmoreland biết ông muốn gì. Lữ đoàn Không vận 173 đã được gửi đến Đắk Tô, cùng với các tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ dưới quyền chỉ huy của Trung tướng William R. Peers, một sĩ quan đáng kính. Ngay khi được Fred thông báo tình hình, Tướng Peers tuyên bố ông sẽ tiến hành một cuộc tấn công bằng trực thăng vào khu hầm trú ẩn. Fred đã cầu khẩn ông đừng làm như vậy. “Lạy Chúa, Trung tướng, đừng đưa người của ta vào đó,” Fred nói. “Đó chính là điều họ muốn chúng ta làm. Họ sẽ làm thịt người của ta. Nếu họ muốn chiến đấu với chúng ta, hãy để họ xuống đây, nơi chúng ta có thể giết họ.”

Tướng Peers từ chối lắng nghe, vì ông đã bị nhồi nhét chủ thuyết “Tìm, chốt, đánh, và diệt” của Westmoreland. Các lính dù hét “Airborne all the way” (khẩu hiệu của Sư đoàn dù 82) trong khi chiến đấu ngược lên triền dốc. 287 lính dù và lính bộ của Sư đoàn 4 đã tử trận. Hơn 1.000 người bị thương. Và như mọi khi, khi trận đánh kết thúc, người Việt Nam lại biến mất không dấu vết.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , , ,