⠀
Chủ nghĩa Marx – Lenin: Thanh bảo kiếm của Việt Nam kỷ nguyên hiện đại
Giữa đêm tối lịch sử, những người cách mạng Việt Nam đã được trao thanh “gươm báu” thần kỳ giúp họ vạch mây mù đi tới bờ thắng lợi.
Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 15, khi đất nước oằn mình dưới ách thống trị của nhà Minh (Trung Quốc), nghĩa quân Lê Lợi nhờ có thanh kiếm “Thuận Thiên” của Đức Long Quân mà đã tập hợp được quần chúng, đánh đâu được đó, cuối cùng “tống cổ” được giặc Minh hung ác ra khỏi bờ cõi Việt Nam.
Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dân chúng nước Việt lại tiếp tục rơi vào cảnh lầm than cơ cực dưới ách ngoại bang không khác thời kỳ giặc Minh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”. Bao cuộc khởi nghĩa anh dũng bùng lên để rồi bị dập tắt. Tình thế vô cùng bế tắc.
Trong bối cảnh ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam – với tư cách một lãnh tụ tập thể – đã ra đời và nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo, nhờ vào một “thanh gươm báu” thuận lòng người và hoàn toàn có thật – đó là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Thực ra từ trước đó nhân dân ta đã thể hiện rõ sức mạnh vĩ đại và tinh thần bất khuất của mình qua số lượng các cuộc khởi nghĩa cũng như việc thực dân Pháp phải chật vật suốt 3 thập kỷ mới bình định xong xứ An Nam. Cái còn thiếu là một lãnh tụ đủ sức đứng ra tập hợp, tổ chức và lãnh đạo toàn thể quần chúng tiến đánh kẻ thù chung.
Sau khi các cuộc khởi nghĩa theo khuynh hướng nông dân và phong kiến thất bại, một số đảng tư sản hoặc tiểu tư sản nhảy lên vũ đài chính trị toan đoạt lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng do bản thân quá non yếu về chính trị và tổ chức, lại phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng về đường lối nên cuối cùng họ đã phải chuốc lấy thất bại thảm hại, bị diệt vong hoặc chỉ tồn tại “vật vờ”. Không ít đảng như thế thậm chí còn biến chất, quay sang làm tay sai cho thực dân đế quốc.
Rốt cuộc chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam với bản lĩnh, bản chất và phương pháp luận của mình mới đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu của đất nước về đường lối giải phóng dân tộc.
Từ khi ra đời, với “thanh bảo kiếm” Marx-Lenin trong tay, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân và phát huy sức mạnh dời non lấp bể của họ, lập nên những kỳ tích chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Trong các chiến công hiển hách thời hiện đại ấy, tư tưởng của Đảng đã thực sự hòa quyện với tinh thần của toàn thể dân tộc.
Vừa chào đời, Đảng đã tuốt gươm xông ra trận tiền với cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh long trời lở đất năm 1930. Kế đó là liên tiếp các dấu son trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn chặt với vai trò lãnh đạo của Đảng: Cao trào dân chủ 1936-1939, Cách mạng tháng Tám 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973, Đại thắng Mùa Xuân 1975, Chiến thắng bè lũ diệt chủng 1979 (giải cứu nhân dân Campuchia), Chiến thắng biên giới phía Bắc 1979, Công cuộc Đổi mới 1986 (với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa)…
Đánh bại các thế lực thực dân đế quốc xâm lược, Việt Nam đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Cái tên Việt Nam không chỉ xuất hiện trở lại trên bản đồ thế giới mà còn trở thành lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, là tấm gương, nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều dân tộc bị áp bức khác trên thế giới. Chính giới học giả phương Tây cũng ghi nhận các thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ 20, bao gồm chiến thắng trước 2 cường quốc phương Tây hàng đầu là Pháp và Mỹ…
Nâng tầm văn hóa dân tộc
Thời trung đại, dân tộc Việt Nam từng đối mặt với các kẻ thù ngoại bang mạnh hơn mình rất nhiều. Nhưng thời đó các bên đều là các nước phong kiến với nhau, cùng một trình độ kinh tế. Tình hình khi đó khác hẳn với cuộc đối đầu lịch sử giữa Việt Nam và các thế lực phương Tây trong thế kỷ 20, khi có sự chênh lệch rất lớn về trình độ kinh tế và khoa học kỹ thuật giữa 2 phe. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Marx-Lenin đã cung cấp cho nước ta các vũ khí tư tưởng để bù đắp lại khoảng cách về kinh tế và công nghệ giữa một bên là Việt Nam nhỏ yếu và một bên là phương Tây giàu mạnh và hiện đại hơn nhiều lần. Cụ thể, học thuyết ấy mang lại cho những người cách mạng Việt Nam tính tổ chức, tính kỷ luật và phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong sự nghiệp của mình.
Nếp nghĩ và lối sống biện chứng vốn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam được bổ sung thêm lối tư duy biện chứng hiện đại của chủ nghĩa Marx-Lenin. Chủ thuyết này thực sự đã bổ sung thêm cho điểm mạnh văn hóa của Việt Nam, nâng tư duy của người Việt lên một tầm cao mới.
Không những vậy, kho tàng Marxist còn cung cấp nhiều bài học cụ thể về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh cách mạng để những người cộng sản Việt Nam có thể vận dụng.
Vì vậy ngay từ đầu, ngoài việc dày dạn kinh nghiệm kế thừa từ các đảng cộng sản khác, Đảng đã xây dựng được tầm nhìn xa trông rộng và đạt được sự linh hoạt cao độ theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” khiến Đảng vượt qua được nhiều thác ghềnh mà kẻ thù không thể ngờ tới.
Như đã nói ở trên, giữa đêm đen nô lệ thực dân, một số đảng tư sản hoặc tiểu tư sản nuôi tham vọng nắm bá quyền lãnh đạo cách mạng nhưng đã đại bại do yếu ớt sẵn về chính trị (giai cấp tư sản dân tộc khi ấy nhỏ yếu và bị tư sản nước ngoài chèn ép), lỏng lẻo về mặt tổ chức (nên thực dân dễ dàng cài gián điệp vào bên trong đội ngũ) cộng với đường lối nhiều sai lầm (không biết thu hút quần chúng, hành động kiểu anh hùng cá nhân, nặng về ám sát…). Tinh thần cách mạng của các đảng phái đó nhiều khi theo kiểu “bốc đồng”, lúc hăng hái quá đà, lúc bi quan quá mức. Khi gặp khó khăn lớn khó vượt qua, họ thậm chí sẵn sàng từ bỏ lý tưởng ban đầu hoặc chia rẽ thành nhiều phe phái… Trường hợp của Việt Nam Quốc dân đảng là một ví dụ tiêu biểu.
Trong khi đó, tổ chức Đảng Cộng sản là một khối chặt chẽ vừa dân chủ vừa có kỷ luật thép và phương pháp hoạt động bí mật, nhờ đó đủ sức vượt qua mọi sự đánh phá của kẻ địch lắm mưu nhiều kế sở hữu nhiều phương tiện kỹ thuật tối tân thời đó.
Phẩm chất của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam khác hẳn người lính dưới chế độ ngụy thời Pháp (“Quốc gia Việt Nam”) và chế độ ngụy thời Mỹ (“Việt Nam Cộng hòa”). Dưới sự rèn giũa của chính đảng Marxist, của hệ thống chính ủy và chính trị viên, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có ý thức giác ngộ cao hơn hẳn, tinh thần chiến đấu và tính kỷ luật cũng lớn hơn.
Cho dù quân đội cách mạng “nghèo” hơn quân đội Sài Gòn (vốn được trang bị “tận răng”, sĩ quan có lương cao đủ nuôi cả gia đình) nhưng công tác đào tạo và học tập trong quân đội cách mạng luôn tự giác và bài bản trên cơ sở điều kiện của mình.
Các đơn vị quân sự (với đảng viên làm hạt nhân) đều tích cực tổng kết sau mỗi trận đánh, tiến hành “phê và tự phê”, và chia sẻ rộng rãi các kinh nghiệm chiến trường. Bài học rút ra được vận dụng ngay vào trận đánh tiếp theo.
Các cấp chỉ huy cũng tích cực rút kinh nghiệm, kể cả từ các thất bại. Như trận Nà Sản (trong chiến dịch Tây Bắc 1952) đã được rút tỉa nhiều bài học xương máu làm tiền đề cho thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhìn chung, Quân đội ta không chủ quan khinh địch, bao giờ cũng nghiên cứu tỉ mỉ lối đánh và công nghệ của đối phương, tìm ra các điểm yếu trong thủ đoạn của đối phương để tìm cách khắc chế chúng, hạn chế tối đa thương vong cho người lính của chúng ta.
Khả năng liên tục tự học, tự điều chỉnh, tự thích ứng này làm nên sức mạnh của quân đội ta.
Trong điều kiện khó khăn, với ý chí kiên cường và chủ trương của Đảng về huấn luyện bài bản (theo hướng chính quy, tinh nhuệ) ngay từ những ngày đầu, đến giai đoạn cuối chiến tranh chống Mỹ, quân đội ta đã xây dựng được nhiều sư đoàn thiện chiến và mở được nhiều chiến dịch lớn theo lối chiến tranh quy ước, có năng lực đánh thọc sâu chia cắt đối phương, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn một cách nhuần nhuyễn theo phong cách hiện đại, chuyên nghiệp.
Rộng ra, các lực lượng vũ trang của ta có chỗ dựa là cả hệ thống chính trị chặt chẽ sâu rộng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể từ trung ương đến địa phương, cả ở hậu phương lớn miền Bắc lẫn tiền phương lớn miền Nam.
Đảng giành được thắng lợi còn nhờ khả năng đưa ra đường lối sáng tạo, biện chứng, uyển chuyển phù hợp với các biến chuyển trong và ngoài nước.
Với sự “cứng rắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo cao độ trong sách lược”, Đảng đã đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, kể cả tư sản dân tộc yêu nước, quy tụ được hiền tài – bao gồm nhiều trí thức giỏi đã bỏ lại đằng sau vinh hoa phú quý ở Pháp, Nhật… để về nước dấn thân vào sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ.
Để tập hợp tối đa lực lượng và tránh sự xuyên tạc của kẻ thù trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc ngay sau Cách mạng tháng Tám, Đảng thậm chí tuyên bố “tự giải tán” vào ngày 11/11/1945 (trên thực tế ta lui vào hoạt động bí mật).
Cũng từ sự linh hoạt biện chứng đó, thời chống Mỹ, chúng ta đã sáng tạo ra chiến lược tiến hành 2 cuộc cách mạng song song (cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam) – đây là một nét độc đáo mà những người cộng sản Việt Nam đóng góp vào kho tàng Marxist thế giới.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tính biến ảo trong trong đường lối của ta lên tới đỉnh điểm với chính sách “phân thân – hai mà một, một mà hai”: Ở miền Bắc ta có Đảng Lao động Việt Nam thì ở miền Nam ta lập Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam (thực chất là đảng bộ miền Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam); ở miền Bắc ta có chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam thì ở miền Nam ta lập tương ứng chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (đều là ta cả nhưng danh nghĩa khác nhau và có cơ cấu tổ chức riêng theo địa bàn).
Chính chiêu thức độc nhất vô nhị rất “hiểm hóc” này đã giúp ta tránh được các hiểu lầm và bác bỏ các xuyên tạc, từ đó tập hợp được đông đảo quần chúng, các lực lượng yêu nước và chống Mỹ-ngụy cũng như bạn bè khắp năm châu.
Bằng con mắt phân tích biện chứng, Đảng phát hiện và khoét sâu mâu thuẫn cơ bản của các cuộc chiến tranh xâm lược là mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng cơ động để tiến công với phân tán để giữ đất. Đảng cũng luôn phân biệt rõ giữa chính phủ nước xâm lược và nhân dân nước đó, để đề ra đường lối ngoại giao thích hợp.
Tư duy biện chứng của bộ thống soái chúng ta còn thể hiện ở chủ trương vừa đánh vừa đàm, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên 3 vùng chiến lược, phát động chiến tranh nhân dân và thế trận tình báo nhân dân, áp dụng chiến tranh du kích biến hóa kết hợp với lối đánh quy ước, luôn nỗ lực giành quyền chủ động trên chiến trường, chủ động lựa chọn địa điểm và thời điểm giao chiến, chủ động phát hiện hoặc tạo lập thời cơ, khi thời cơ đến thì mau lẹ và quyết đoán chớp lấy thời cơ,…
Cũng với tư duy biện chứng duy vật Marxist đó, từ những năm 1960, Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã dự đoán tài tình về một cuộc tập kích tàn bạo bằng B-52 vào thủ đô Hà Nội sau này, và vạch ra chiến lược chiến thuật thích hợp để “chàng David Việt Nam bé nhỏ” có thể đương đầu hiệu quả với sức mạnh sắt thép của “gã khổng lồ Goliath Mỹ” trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.
Ngụy quân và ngụy quyền (cả thời Pháp và thời Mỹ) tuy cũng là người Việt nhưng họ đã thất bại do hai lẽ: Thứ nhất, họ không đại diện cho dòng chảy chung của dân tộc (nên không được toàn dân tộc ủng hộ); thứ hai, họ không vận dụng phương pháp biện chứng duy vật để phát huy truyền thống dân tộc và khai thác sức mạnh của thời đại.
Đã lỗi thời?
Chủ nghĩa Marx-Lenin ưu việt như vậy nhưng vẫn có một số người, qua các trang mạng xã hội, không thừa nhận sự thật mười mươi đó. Nhân sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu trong thập niên 1990 cùng những yếu kém trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới, họ rối rít lên rằng học thuyết Marx-Lenin đã lỗi thời và đã đến lúc phải vứt nó vào sọt rác của lịch sử!
Điểm lại các quan điểm thù địch với chủ nghĩa Marx-Lenin trên các trang mạng tiếng Việt (có server ở nước ngoài) thì thấy có 3 nhóm chính. Nhóm thứ 1 gồm những người nói lấy được, theo kiểu viết bậy chửi xằng, không cần lý lẽ và thực tiễn gì, miễn sao bôi đen chế độ càng nhiều càng tốt. Câu chữ của nhóm này nhiều khi rất thô bỉ và mang màu sắc chợ búa… Nhóm thứ 2, “hàn lâm” hơn thì dùng chiêu ngụy biện, tháo rời rồi lắp rắp lại các tiểu tiết với nhau theo ý đồ của mình, cố tình thoát ly bối cảnh để đưa ra những kết luận sai lệch, không phản ánh đúng bản chất sự vật hiện tượng. Nhóm thứ 3 chuyên tập trung vào các mặt tiêu cực, các yếu kém, thổi phồng lên. Các yếu tố nêu ra không phải là không có cái đúng sự thật, nhưng mục đích của nhóm này là phá hoại, gây chia rẽ, gieo rắc bất hòa chứ không phải là mục đích xây dựng, xuất phát từ cái tâm trong sáng của người phản biện tích cực và đường hoàng.
Có lẽ thực tiễn các năm tháng kháng chiến thần thánh và công cuộc đổi mới của đất nước trong 3 thập kỷ qua là câu trả lời có sức nặng nhất đối với cái lý lẽ cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin đã đến hồi cáo chung.
Trên phương diện lý luận, cần thấy rằng học thuyết này là một học thuyết ngoại nhập, từ chính thế giới văn minh phương Tây (cụ thể là châu Âu) với truyền thống khoa học và phân tích rất ấn tượng. Người Việt nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam không tự nghĩ ra học thuyết Marx-Lenin (mà chỉ vận dụng và phát triển sáng tạo trong hoàn cảnh Việt Nam).
Lý luận Marx-Lenin cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Lý luận đó vừa là sự phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng con người, vừa là kết quả lao động của rất nhiều trí thức, trước hết là các bộ óc vĩ đại như Karl Marx, F. Engels, V. I. Lenin – các nhà tư tưởng và triết học lớn của thời hiện đại, tương tự như các danh nhân Aristotle, Platon của thời văn minh Hy Lạp xán lạn thuở xưa.
Mà Marx và Engels cũng không chỉ sáng tạo đơn thuần. Họ đã kế thừa (có phê phán) tinh hoa trí tuệ từ cổ chí kim của nhân loại nói chung và châu Âu nói riêng, với đóng góp của các nhà triết học cổ điển Đức vĩ đại như Hegel, Kant và Feuerbach, các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh (Adam Smith, David Ricardo), và các nhà XHCN không tưởng Pháp – những vị nổi danh về năng lực tư duy trừu tượng.
Học thuyết Marx-Lenin được xây dựng vững vàng trên nền tảng logic hết sức chắc chắn của phép biện chứng duy vật (ra đời từ sự kết hợp có tính nhảy vọt giữa phép biện chứng đỉnh cao của Hegel với quan điểm duy vật quyết liệt của Feurbach), và trên cơ sở khái quát hóa các thành tựu của khoa học tự nhiên.
Vì vậy nếu ai đó muốn phỉ nhổ (mà không suy nghĩ) vào học thuyết khoa học này thì tức là họ đã chà đạp lên cả văn minh phương Tây ngàn năm, lên các danh nhân nêu trên.
Thực tế ngày nay, từ khi khủng hoảng kinh tế của các nước tư bản phương Tây nổ ra (2008), các bản in cuốn Tư bản luận (Das Kapital) bất hủ của Karl Marx bán khá chạy, trở thành “thời thượng” ở chính phương Tây (để giúp không chỉ giới sinh viên kinh tế, các nhà nghiên cứu mà còn cả các nhà doanh nghiệp phương Tây tìm hiểu ngọn nguồn của các đợt khủng hoảng có tính chu kỳ của nền kinh tế tư bản và tìm cách ứng phó).
Đã có nhiều tổ chức và nhà kinh tế của chính phương Tây khẳng định, có nhóm dân chiếm chỉ 1% tổng dân số thế giới nhưng lại sở hữu tới 50% tổng tài sản thế giới. Riêng tổ chức Oxfam dự báo số 1% dân giàu nhất đó sẽ sở hữu nhiều hơn 50% tổng tài sản thế giới vào năm 2016. Về thu nhập có sự đối lập ngày càng lớn giữa những nhà tư bản và những người làm công ăn lương.
Cuốn sách Tư bản trong thế kỷ 21 của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty (xuất bản lần đầu vào năm 2013) đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và bán được 1,5 triệu bản (tính đến tháng 1/2015, theo nguồn tin France24). Dựa trên sự khảo cứu hết sức kỳ công, cuốn “bestseller” này đưa ra kết luận: Sự bất bình đẳng là nét bản chất của nền kinh tế tư bản, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong chế độ tư bản (từ thế kỷ 18 cho đến nay). Cuốn sách đã củng cố thêm các phê phán trong Das Kapital của Karl Marx.
Chuyên khảo của Piketty dẫn lại sự kiện cảnh sát Nam Phi vào ngày 16/8/2012 (cách đây 3 năm) đã xả súng bắn chết 34 công nhân mỏ khi các công nhân này biểu tình đòi tăng lương, coi đó là một biểu hiện của mâu thuẫn gay gắt giữa tư bản và lao động trong thời hiện đại.
Từ trước năm 2008, cũng ở ngay chính phương Tây, đã có sẵn nhiều website (phổ biến bằng tiếng Anh, sử dụng cả tên miền quốc gia và quốc tế) chuyên lưu trữ và chia sẻ các tài liệu Marxist, bao gồm các tác phẩm kinh điển của những người sáng lập ra chủ nghĩa Marx-Lenin. Các website này thuộc về các chính đảng cánh tả, các nhóm phi chính phủ, hoặc các nhóm hâm mộ và nghiên cứu chủ nghĩa Marx.
Thậm chí khi có nhà xuất bản quyết định rút các bản dịch tiếng Anh các tác phẩm của Marx và Engels ra khỏi một trong các trang chia sẻ như thế (với lý do họ sở hữu bản quyền và muốn thu lợi từ đó), họ đã gặp phải cơn mưa phản đối từ các độc giả khắp toàn cầu.
Như vậy các thế lực phản động không tiêu diệt được tư tưởng của Marx và Lenin trong thế kỷ 21. Họ cũng thất bại trong âm mưu đưa thi hài Lenin ra khỏi lăng trên Quảng trường Đỏ của nước Nga. Tại London (trung tâm tài chính của thế giới tư bản) vẫn sừng sững tượng Marx và Thư viện Tưởng niệm Marx.
***
Nhiều yếu kém hiện nay liên quan đến công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta là do các yếu tố văn hóa bản địa và hoàn cảnh lịch sử (bao gồm các tàn tích từ thời phong kiến phương Bắc cho đến thời kỳ thực dân kiểu cũ và mới), phải từ từ khắc phục.
Nếp nghĩ và tính cách tiểu nông, tiểu tư sản, với các nhược điểm như tùy tiện, manh mún, ăn xổi ở thì, hẹp hòi… rõ ràng còn rất mạnh, đòi hỏi một cuộc chiến khổng lồ dài lâu để loại bỏ chúng. Con người và văn hóa Việt mới chỉ đang trong quá trình chuyển mình từ tĩnh sang động, từ khép kín sang hội nhập quốc tế sâu rộng, từ “amateur” sang chuyên nghiệp.
Sự tồn tại của các yếu kém nói trên không liên quan đến công cụ tư duy rất sắc bén mà chúng ta đã tiếp thu từ chính phương Tây. Ngược lại chính phương pháp luận Marxist giúp chúng ta nhận rõ các điểm yếu trong tâm lý dân tộc, thấy được “người Việt xấu xí” là như thế nào và do đâu mà lại như vậy.
Vấn đề bây giờ không phải là gác học thuyết Marx-Lenin sang một bên, mà là phải học tập nghiêm túc để hiểu thực chất của lý luận đó và phát triển sáng tạo nó trong tình hình mới.
Bài học lịch sử đã chỉ ra, để theo kịp thời đại cần phải thường xuyên “mài sắc thanh bảo kiếm” đó, tránh tình trạng giữ khư khư trong vỏ khiến gươm hoen gỉ. Đồng thời cũng phải tránh bệnh “chém bừa” (gây sứt mẻ gươm) và, nguy hiểm hơn, tình trạng lợi dụng danh nghĩa gươm báu để hãm hại những người hiền tài của đất nước.
Công tác xây dựng Đảng hiện nay đang được đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết, đã trở thành vấn đề sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mỗi đảng viên cần nắm vững nắm chắc vũ khí Marx-Lenin để gột bỏ tư tưởng vị kỷ trong mỗi cá nhân và diệt trừ không chỉ chủ nghĩa cơ hội chính trị mà còn cả các ung nhọt tham nhũng, quan liêu, đặc quyền đặc lợi, vì một xã hội lành mạnh, dân chủ, và văn minh.
Theo TRUNG HIẾU / VOV
Tags: Karl Marx, Vladimir Ilyich Lenin, Đảng Cộng sản Việt Nam