Chủ nghĩa đế quốc Mỹ và một thế kỷ đảo chính, lật đổ ở Mỹ Latinh

Cuộc đột kích bất thành ở Venezuela đầu tháng 5/2020 là sự tiếp nối gần một thế kỷ tiến hành các hoạt động đảo chính, lật đổ của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh.

Chủ nghĩa đế quốc Mỹ và một thế kỷ đảo chính, lật đổ ở Mỹ Latinh

Cuộc đảo chính thất bại ở Venezuela

Những kẻ phá hoại được vũ trang đến tận răng, chiến dịch đổ bộ chớp nhoáng và kế hoạch bắt cóc tổng thống, chính quyền Venezuela cáo buộc Washington có liên quan trong nỗ lực buộc ông Nicholas Maduro rời khỏi cương vị nguyên thủ quốc gia.

Chính quyền Caracas tin rằng cuộc xâm lược được tổ chức bởi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, người được lính đánh thuê Mỹ hỗ trợ. Chiến dịch này đã thất bại, nhưng Nhà Trắng vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc lật đổ các chế độ ở Mỹ Latinh và chắc chắn sẽ không chấm dứt việc này.

Bài viết trên trang web của hàng thông tấn Nga Sputnik cho biết, đây chính là cách thức quen thuộc mà Hoa Kỳ áp dụng trong khu vực châu Mỹ latinh.

Những kẻ phá hoại dùng tàu cao tốc xâm nhập Venezuela bằng đường biển. Có khoảng 40 người trong nhóm. Họ lên kế hoạch đổ bộ vào thành phố La Guaira, cách thủ đô Venezuela 30 km, chiếm giữ sân bay thủ đô cho đến khi Nicolas Maduro được đưa tới Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, quân đội đã đẩy lùi cuộc tấn công và bắt hơn 30 người vi phạm biên giới. Tám tay súng bị bắn chết, số còn lại hiện đang ở phía sau song sắt.

Hầu hết những người bị bắt giữ là công dân Colombia, nhưng có 2 người Mỹ trong số họ, đó là nhân viên công ty quân sự tư nhân Silvercorp. Điều này đã được người đứng đầu PMC (một công ty quân sự tư nhân), cựu quân nhân đặc nhiệm Hoa Kỳ Jordan Goodro, xác nhận. Ông thừa nhận mục tiêu chính của cuộc xâm lược là thực hiện đảo chính ở Venezuela.

Ngoài ra, chính quyền Venezuela đã ban hành khoảng hai chục lệnh bắt giữ đối với những người tình nghi khác trong âm mưu thất bại. Người đứng đầu Silvercorp PMC Jordan Goodro, nghị sĩ đối lập Sergio Vergara thuộc phe Juan Guaido và cố vấn chính trị từ Miami Juan Jose Rendon được đưa vào danh sách truy nã quốc tế.

Tờ Washington Post của Mỹ đưa tin, chính trị gia đối lập Juan Guaido có liên quan đến vụ việc. Kể từ tháng 1/2019, chính quyền Hoa Kỳ đã không công nhận ông là tổng thống hợp pháp của đất nước và coi Juan Guaido là người đứng đầu lâm thời của đất nước.

Theo tờ báo này, vào tháng 10 năm ngoái, phe đối lập Venezuela đã ký hợp đồng trị giá 213 triệu USD với PMC Silvercorp và người Mỹ cam kết sẽ tổ chức một cuộc xâm lược đất nước Venezuela và lật đổ Maduro.

Mỹ latinh là “sân sau” của Hoa Kỳ

Bình luận về cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela với Sputnik, cựu tổng thống Honduras, ông Manuel Zelaya đã nhớ lại cuộc đảo chính ở đất nước ông vào năm 2009.

Theo ông, các dịch vụ bí mật của Mỹ can thiệp trực tiếp, củng cố vị thế của họ thông qua các công ty quốc tế khác nhau, giành quyền kiểm soát nhà nước và các nguồn lực của đất nước Honduras. Tình hình hiện nay ở Venezuela cũng vậy, Hoa Kỳ đang thể hiện sức mạnh bá quyền của chủ nghĩa tư bản. Họ hành động từ quan điểm độc đoán, quyền lực, đe dọa chiến tranh.

Trong cuộc xâm lược thất bại ở Venezuela, có thể thấy rõ kịch bản các hoạt động quân sự của Mỹ diễn ra trước đây ở châu Mỹ Latinh, vốn luôn là trọng tâm của Washington.

Theo ông Luis Rodríguez Gamboa – đại biểu Quốc hội thuộc Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela, Hoa Kỳ trong lịch sử luôn coi Mỹ Latinh là sân sau của mình, nơi mà toàn bộ tài nguyên thiên nhiên thuộc về Washington.

Hành động xâm lược của người Mỹ là điều phổ biến trong thế kỷ trước. Chỉ cần nhìn lại các vụ việc ở Cộng hòa Dominican, Cuba hoặc Nicaragua, hay các vụ lật đổ các tổng thống Paraguay và Honduras là có thể hiểu điều đó.

Nếu như tại một quốc gia, những lực lượng chính trị không hợp ý Nhà Trắng lên nắm quyền thì không nên nghi ngờ việc “người hàng xóm phía bắc” sẽ can thiệp. Hiện nay, ngoài áp lực quân sự trực tiếp, còn thêm vào đó hành động của các lực lượng chính trị trong nước do người Mỹ kiểm soát.

Nghị sỹ nhấn mạnh, khu vực này thu hút Washington chủ yếu do tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong lòng đất các quốc gia Mỹ Latinh và Caribean chứa khoảng 14% khoáng chất đất hiếm.

Ông Gamboa nêu ví dụ như Bolivia dẫn đầu thế giới về trữ lượng lithium, điều đó là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ đã thực hiện những nỗ lực lật đổ Tổng thống Evo Morales. Hành động tương tự cũng đã xảy ra ở Brazil hoặc Ecuador, khi giới lãnh đạo các nước này tìm kiếm sự độc lập với Washington, thực thi một chính sách quốc tế tự chủ.

Ngoài ra, chúng ta không được quên về tầm quan trọng chiến lược của châu Mỹ Latinh, không chỉ đối với ảnh hưởng toàn cầu, mà còn về mặt an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, Washington rất chú ý đến tình hình an ninh chính trị ở khu vực này và thực hiện một chính sách cứng rắn, hạn chế mọi hiện tượng nguy hiểm tiềm tàng, ví dụ như việc một nước tăng cường quan hệ với những cường quốc khác cũng sẽ khiến Mỹ khó chịu.

Sử dụng sức mạnh quân sự

Tháng 12/1989, người Mỹ đã xâm chiếm Panama với lý do “bảo vệ công dân Mỹ và khôi phục nền dân chủ”. Đó là mục đích được tuyên bố của chiến dịch quân sự này. Nhưng trên thực tế, mục đích chính thức của Mỹ là việc duy trì quyền kiểm soát động mạch giao thông đường biển quan trọng mang tính chiến lược là kênh đào Panama.

Cần nhắc lại nhà nước có chủ quyền Panama được thành lập với sự tham gia của Hoa Kỳ trước khi khai trương kênh đào.

Năm 1903, phe ly khai Colombia, với sự hỗ trợ của người Mỹ, tách khỏi Colombia và tuyên bố độc lập. Washington ngay lập tức ký kết thỏa thuận với chính phủ quốc gia mới, coi kênh đào Panama và khu vực xung quanh là lãnh thổ Hoa Kỳ hải ngoại. Ngoài ra, người Mỹ tự cho mình quyền gửi quân đội đến để “đảm bảo luật pháp”.

Đầu những năm 1980, Panama do tướng Manuel Noriega lãnh đạo, ông này là người từng làm việc cho CIA. Sau khi nắm quyền lực, ông đã hợp tác với Hoa Kỳ, cung cấp thông tin tình báo, cho phép lập các trạm theo dõi, nghe trộm ở Panama, đưa ra các cải cách theo hướng của Washington. Nhưng mặt khác, vì mức sống người dân giảm mạnh (theo các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), ông cố gắng thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập.

Washington hoàn toàn không thích điều đó. Panama bị tước bỏ sự hỗ trợ tài chính và quân sự. Hoa Kỳ phát động một cuộc chiến tranh thông tin chống lại tướng Noriega, cáo buộc ông ta buôn bán ma túy và yêu cầu nhà lãnh đạo Panama phải rời khỏi đất nước.

Cuối cùng, khoảng 26 nghìn binh sĩ với xe tăng và pháo binh đã tiến vào Panama trong khuôn khổ chiến dịch “Just cause” hồi tháng 12/1989. Máy bay tấn công các thành phố lớn, lính dù đổ bộ xuống sân bay, chiếm giữ đài phát thanh và truyền hình. Trong một tuần, đất nước bị chiếm đóng hoàn toàn.

Tướng Noriega bị tước đoạt quyền lực và kết án ba mươi năm tù. Một nhà lãnh đạo trung thành với Nhà Trắng là Guillermo Endara nhận chức vụ Tổng thống Panama tại một căn cứ quân sự Mỹ.

Một ví dụ nổi bật khác là Chiến dịch “Urgent Fury” ở Grenada. Khi đó, người Mỹ xâm chiếm đất nước này với lý do loại bỏ hậu quả của cuộc đảo chính vũ trang nhưng sự thực là năm 1983, Grenada hướng đến mối quan hệ hợp tác với Liên Xô và Cuba, kể cả trong lĩnh vực quân sự. Washington ngay lập tức bắt đầu nói về sự lây lan của “virus chủ nghĩa Marxism”.

Tổng thống Maurice Bishop quyết định làm dịu tình hình, đàm phán với người Mỹ, dẫn đến sự chia rẽ trong giới cầm quyền. Người đứng đầu nhà nước bị bắt giữ và sau đó đã bị bắn chết cùng với các cộng sự thân cận nhất của mình.

Lầu Năm Góc đã gửi quân tới Grenada để “trấn an tình hình”. Cuộc bầu cử quốc hội nhanh chóng được tổ chức và đảng chính trị thân Hoa Kỳ do Herbert Blaze lãnh đạo lên nắm quyền.

Thành lập các “Đội quân giải phóng lưu vong”

Đầu những năm 1950, ông Jacobo Arbens giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Guatemala.

Vị Tổng thống này đã thực hiện các chính sách chống Mỹ, ví dụ như từ chối gửi binh sĩ sang Triều Tiên để giúp Hoa Kỳ hay hợp pháp hóa hoạt động của Đảng Cộng sản và cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng và hạn chế quyền lực của các công ty nước ngoài.

Washington cáo buộc ông là thân Liên Xô, các biện pháp trừng phạt kinh tế được đưa ra đối với Guatemala và CIA được giao nhiệm vụ đối phó với “vị tổng thống đáng ghét”.

Ở nước láng giềng Honduras, CIA tổ chức một trại lính đánh thuê với tên gọi mỹ miều là “Quân giải phóng Guatemala”. Các giảng viên và quân nhân Hoa Kỳ trực tiếp huấn luyện các chiến binh, còn CIA đảm bảo việc chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự qua biên giới.

Tháng 6 năm 1954, cuộc xâm lược bắt đầu. Lính đánh thuê vũ trang đổ bộ từ biển vào, từ trên không xuống. Một cuộc nổi dậy cũng được chỉ đạo nổ ra, với tuyên bố là “chống lại chế độ độc tài của tổng thống đương nhiệm”. Trong một khoảng thời gian, lực lượng chính phủ đã chặn đứng được phiến quân, ngay cả khi bị máy bay Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, một số sĩ quan cao cấp đã bị CIA mua chuộc, họ đưa ra tối hậu thư cho Arbenz và buộc ông phải từ chức, dưới sự đe dọa trả thù. Và sau đó, chính quyền mới do đại tá thân Mỹ Carlos Armas lên nắm quyền.

Những cuộc đàn áp hàng loạt diễn ra trong nước. Hàng ngàn người có liên hệ với cộng sản bị tống vào tù, nhiều người bị bắn chết. Tất cả các cải cách kinh tế xã hội của Arbenz chấm dứt. Kết quả của cuộc xâm lược này là một cuộc nội chiến kéo dài 36 năm và cướp đi hơn hai trăm ngàn mạng sống.

Chuyên gia trong lĩnh vực địa-chính trị và năng lượng Carlos Andrés Ortiz lưu ý, ở châu Mỹ Latinh luôn có sẵn các cấu trúc xã hội sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ hành động nào chống lại các lực lượng chính trị theo xu hướng quốc gia.

“Họ hài lòng với mô hình phong kiến, trong đó quyền lực tập trung trong tay một nhóm người rất hẹp, kiểm soát mọi nguồn lực. Những tầng lớp này được hình thành do quá khứ thuộc địa của châu Mỹ Latinh, và một thế giới quan như vậy rất phổ biến trong quân đội, đặc biệt là ở Argentina” – ông Andres nói.

Theo ông Andres, người Mỹ luôn có những người như vậy để nương tựa khi chuẩn bị các cuộc đảo chính quân sự tại các quốc gia khu vực này.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , , ,