Krym đã từng trở thành một phần của Đế chế Nga như thế nào?

Ở thế kỷ 18, bán đảo Krym được chuyển từ Đế chế Ottoman sang Đế chế Nga. Quá trình phức tạp này có thể được giải thích qua 9 giai bước dễ hiểu.

1. Krym trước đó là gì?

Hãn quốc Krym từng là một phần của Hãn quốc Kim trướng (Golden Horde). Sau khi Hãn quốc Kim trướng sụp đổ vì xung đột vương triều, Krymn Khanate được thành lập năm 1441. (Hãn trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một tước hiệu có nhiều nghĩa, ban đầu có nghĩa là “thủ lĩnh” một bộ tộc. Một hãn kiểm soát một lãnh thổ gọi là hãn quốc. Đôi khi cũng có thể dịch là hoàng đế – theo Wikipedia).

Năm 1475, các cảng biển quan trọng của Krym là một phần của Đế chế Ottoman (được thành lập bởi các bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ), trong khi toàn bộ Hãn quốc Krym trở thành nhà nước vệ tinh của Đế chế Ottoman. Kể từ đây, Biển Đen được bao quanh bởi Ottoman và các vùng lãnh thổ thuộc Ottoman.

2. Vì sao Nga cần Krym?

Thế kỷ 16, Nga (ở thời điểm đó là Đại công quốc Moskva) bắt đầu mở rộng lãnh thổ sau khi Hãn quốc Kim trướng sụp đổ. Và sau khi chinh phục các hãn quốc Kazan và hãn quốc Astrakhan, Nga chinh phạt xa hơn về phía nam.

Trong khi đó, những người du mục Tatar của Hãn quốc Krym đang cướp phá các vùng ngoại ô của lãnh thổ Nga và gây ảnh hưởng lớn đến thương mại và nông nghiệp ở miền nam nước Nga.

Đầu thế kỷ 18, Nga nhận thấy rõ ràng rằng, để phát triển xa hơn, cần phải tiếp cận Biển Đen.

3. Thời điểm đã đến như thế nào?

Năm 1736-1737, Nga đưa quân đội tới Krym. Nhưng người Nga không thể duy trì đường tiếp vận, vì các vùng lãnh thổ Nga quá xa và tách biệt với Krym bởi vùng Cánh đồng hoang dã rộng lớn – vùng thảo nguyên Pontic của Ukraine, Bắc Biển Đen và biển Azov cũng như phía Nam và Đông Ukraine.

Khả năng tiếp vận hiệu quả cho các lực lượng quân sự ở Krym chỉ xuất hiện vào những năm 1760 và 1770, sau khi một tỉnh đế quốc mới, chính quyền Novorossiya (nước Nga mới) được thiết lập năm 1764.

Với các nguồn cung cấp từ chính quyền mới, khả năng tiến quân về Krym trở nên thực tế hơn nhiều. Điều này được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát của Hoàng thân Grigoriy Potemkin, người bạn thân nhân và là cố vấn quân sự của Nữ hoàng Catherine đại đế.

4. Điều đó có thực hiện bằng vũ lực?

Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ 1768-1774, Krym nhiều khả năng là mục tiêu chính của Nga. Đến năm 1771, người Tatar ở Krym từ chối đứng về phe Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo Ottoman đã không có đủ lực lượng quân sự để bảo vệ Krym. Vì thế, mùa hè năm 1771, Quân đội Nga do tướng Vasily Dolgorukov dẫn đầu, đã chiếm được Krym chỉ trong 16 ngày. Hãn (*) Selim III Giray bỏ chạy tới Constantinople (nay là Istanbul).

Năm 1772, hãn mới của Krym, Sahib II Giray, tuyên bố hãn quốc của ông là một nhà nước độc lập dưới sự bảo hộ của Nga. Tuy nhiên, Đế chế Ottoman không muốn thừa nhận điều này và chiến tranh nổ ra.

5. Thổ Nhĩ Kỳ có rút lực lượng không?

Năm 1774, Đế chế Ottoman đã phải ký Hiệp ước Küçük Kaynarca. Theo đó, Hãn quốc Krym chính thức độc lập khỏi Đế chế Ottoman và Đế chế Nga. Tuy nhiên, Nga lại giành được Kerch (một cảng biển thương mại và quân sự quan trọng). Trong khi đó, Sultan Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo toàn được quyền lực tôn giáo – các hãn của Krym vẫn phải được sultan (vua Thổ Nhĩ Kỳ) chấp thuận.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi Krym, hy vọng rằng cuối cùng thì sultan sẽ có thể tìm cách lấy lại bán đảo này về tay Đế chế Ottoman.

Năm 1776, quân đội Nga tiến vào Krym và chỉ định một hãn khác, Şahin Giray – người đã đồng ý cho triển khai quân đội Nga tại bán đảo Krym.

Hãn Şahin Giray đã cố gắng triển khai các cải cách kiểu châu Âu. Tuy nhiên khi đó người Krym đã bắt đầu nổi dậy. Những người Hồi giáo ở Krym chống lại những người Cơ Đốc giáo hãn thân Nga. Năm 1778, Nga phải cử Tướng Alexander Suvorov tới để trấn áp các cuộc nổi dậy.

6. Người dân Krym đã làm những gì?

Sau các sắc lệnh từ Hoàng thân Grigoriy Potemkin, Tướng Alexander Suvorov giám sát việc tái định cư người Cơ Đốc giáo từ Krym tới đại lục Nga, khu vực duyên hải phía Bắc Biển Đen (từ 1764, những vùng đất này là một phần của Novorossiya). Tổng cộng hơn 30.000 người Armenia, người Hy Lạp và Gruzia (Georgian) được bố trí rời khỏi Krym.

Suvorov ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm lực lượng ở Krym. Đến năm 1779, hầu hết quân đội Nga cũng rút khỏi đây, Alexander Suvorov được chỉ định tới Novorossiya. Tuy nhiên các gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục kích động các cuộc nổi dậy ở Krym với hãn Şahin Giray đã trấn áp các cuộc nổi dậy một cách khắc nghiệt.

7. Quá trình sáp nhập chính thức diễn ra như thế nào

Năm 1782, Hoàng thân Grigoriy Potemkin trình Nữ hoàng Catherine đại đế đề xuất sáp nhập Krym vào Nga, để “chặn đường người Thổ” và đảm bảo sự hiện diện của Đế chế Nga ở Biển Đen. Nữ hoàng đã đồng ý và ban hành Tuyên bố chính thức sáp nhập Krym ngày 19/4/1783.

Trên đường mang bản Tuyên bố tới Krym, Potemkin bất ngờ nhận được tin hãn Şahin Giray đã thoái vị – tầng lớp quý tộc Tatar ở Krym đã công khai chống đối và nước Nga kiểm soát họ một cách chính thức.

Ngày 9/7/1783, Potemkin chính thức công bố Tuyên bố của Catherine Đại đế trên đỉnh núi Aq Qaya. Sau đó, các đại diện của tầng lớp quý tộc Tatar và tầng lớp bình dân chính thức thề trung thành với Catherine Đại đế.

Phải đến đầu năm 1784, Đế chế Ottoman mới miễn cưỡng chấp nhận quy chế mới của Krym như một tỉnh của Nga.

8. Các quốc vương châu Âu phản ứng ra sao?

Sau khi thông tin về việc sáp nhập lan truyền rộng rãi, chỉ có Pháp là gửi công hàm phản đối, nhưng các nhà ngoại giao Nga phản hồi bằng cách nói rằng, Nga không phản đối việc [Pháp] sáp nhập Corsica và kỳ vọng điều tương tự từ Pháp liên quan đến Krym.

Nữ hoàng Catherine cũng nhắc nhở nước Pháp rằng, việc sáp nhập [Krym] được thực hiện là nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới Nga-Ottoman.

9. Hậu sáp nhập?

Năm 1784, Sevastopol trở thành thủ phủ mới của Krym và chính quyền Krym được thiết lập. Dân số ở Krym đã giảm đi đáng kể do phần lớn người Hồi giáo đã bỏ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Potemkin khẳng định rằng, quân đội Nga đã đối xử với người Tatar địa phương với sự tôn trọng. Các gia đình quý tộc Tatar vẫn được đối xử như quý tộc Nga, họ được hưởng nhiều đặc quyền, ngoại trừ quyền sở hữu nông nô theo Cơ đốc giáo.

Kể từ năm 1780, với sự hỗ trợ đáng kể từ Hoàng thân Grigoriy Potemkin, sự phát triển về kinh tế, nông nghiệp chưa từng thấy đã bắt đầu diễn ra ở Krym, dân số dần dần được khôi phục khi những người định cư từ đại lục Nga tới.

Theo VOV / RBTH

Tags: , , ,