⠀
Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung
Trong không gian chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ và “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Việt Nam đều chiếm một vị trí quan trọng.
Tổng hợp và phân tích: Tấn Anh.
Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã là tâm điểm của các mối quan hệ quốc tế. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền vào năm 2017 đến nay, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong những năm qua, với việc coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số một, Mỹ đã lần lượt phát động các cuộc chiến tranh như: chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh dư luận với Trung Quốc, đưa mối quan hệ giữa hai nước chuyển sang giai đoạn mới, đối đầu khốc liệt hơn.
Trong không gian chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ và “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Việt Nam đều chiếm một vị trí quan trọng. Làm thế nào để cân bằng được mối quan hệ giữa hai nước lớn, mở rộng không gian chiến lược và phát triển của mình đã trở thành bài toán khó cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam kiên trì nguyên tắc trung lập “không chọn bên” của mình, tránh trở thành “vật hy sinh” trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương[1].
Vị trí của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung
Việt Nam là một quốc gia vừa và nhỏ, tiềm lực quốc gia vẫn còn hạn chế, điều này đã quyết định cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Lịch sử đối ngoại của Việt Nam cho thấy rằng, căn cứ vào vị trí địa – chiến lược đặc thù, ngoại trừ những trường hợp bắt buộc đặc thù như là trong Chiến tranh Lạnh, thì đối sách hợp lý nhất trong quan hệ với nước lớn đó là chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa; đồng thời linh hoạt trong chính sách ‘cân bằng động’ khi quan hệ với các nước lớn. Điều Việt Nam theo đuổi, cũng như nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam từ khi Đổi Mới năm 1986 đó là lợi ích quốc gia.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Việt Nam đều giữ vai trò rất quan trọng. Từ góc độ địa – chiến lược, Việt Nam nằm ở “vị trí then chốt” trong cả hai chiến lược của hai nước lớn này. Vào đầu tháng 3 năm 2021, “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” do chính quyền Biden công bố tuyên bố rằng “họ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để đạt được các mục tiêu chung”.
Bởi vì vị trí địa lý và ý thức hình thái, Việt Nam có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới cuộc đua Mỹ – Trung, thậm chí còn được 1 số học giả cho rằng là ‘vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ là một mắt xích quan trọng đối với vấn đề an ninh của họ mà còn là cầu nối để chiến lược “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” tiến vào các nước ASEAN. Đối với Mỹ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam từng là chiến tuyến để Mỹ đối đầu với Trung Quốc và Liên Xô. Nhờ những hoạt động ngoại giao hiệu quả, vị thế và vai trò của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao. Việt Nam có quan hệ tốt với nhiều nước đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… Đồng thời, Việt Nam còn có mỗi quan hệ tốt với cả những nước mà Mỹ coi là ‘đối thủ’ trong khu vực như là Trung Quốc, Nga. Cả Trung Quốc, Mỹ đều hi vọng Việt Nam có thể làm sâu sắc và mở rộng hợp tác với mình trên các lĩnh vực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi công nghiệp do mình xây dựng.
Về ý thức hình thái và giá trị quan: Là một trong những nước xã hội chủ nghĩa ít ỏi còn sót lại trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh, điều này làm cho quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam càng thêm xích gần nhau hơn, cùng chung tay gắng sức xây dựng xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi các diễn biến hòa bình của phương Tây. Nếu như Mỹ lôi kéo được Việt Nam đứng về phía mình, vậy thì Mỹ có thể cân bằng được lực lượng ở châu Á, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng như ASEAN, tạo thành thế bao vây Trung Quốc. Chính vì vậy, trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, việc giành được sự ủng hộ của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên.
Chiến lược “cân bằng nước lớn” của Việt Nam
Nguyên tắc ngoại giao của Việt Nam
Từ khi tiến hành Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng về tư tưởng và tư duy ngoại giao. Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 20/5/1988, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” là văn kiện mang ý nghĩa nền tảng cho chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa”; đồng thời thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển từ tư duy bạn – thù rõ ràng, sang vừa đấu tranh, vừa hợp tác cùng tồn tại hòa bình. Việt Nam tuyên bố kiên trì mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, linh hoạt, chủ động, sáng tạo mở rộng nhận thức chung với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, thực hiện cân bằng lợi ích.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng XII, Việt Nam đã nêu rõ phương châm, nhiệm vụ, mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới. Mục tiêu đối ngoại là “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Qua đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Thứ nhất, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất; thứ hai, lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi; thứ ba, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại; thứ tư, mục tiêu của mọi hoạt động đối ngoại là phải bảo đảm một cách tối cao lợi ích quốc gia – dân tộc[2].
Nhiệm vụ đối ngoại là “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[3].
Có thể chia chính sách đối ngoại của Việt Nam thành 4 tầng hàm nghĩa: Một là, bảo vệ tính tự chủ chiến lược, không bị các nước lớn thao túng, khống chế, thực hiện các kế hoạch chiến lược một cách rành mạch, rõ ràng. Thứ hai, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ yếu là chủ quyền biển đảo. Thứ ba, đảm bảo sự ổn định của chính quyền, ngăn chặn các thế lực thù địch nước ngoài cấu kết với các thế lực phản động trong nước. Thứ tư, theo đuổi lợi ích phát triển của đất nước.
Để theo đuổi lợi ích cốt lõi của đất nước, không bị các nước lớn thao túng và khống chế, Việt Nam đã đưa ra những nguyên tắc chiến lược đó: Thứ nhất, các hoạt động đối ngoại phải bảo đảm một cách tối cao lợi ích quốc gia – dân tộc. Lợi ích quốc gia – dân tộc khi được xác định là mục tiêu tối thượng của đối ngoại thì tự nó trở thành nguyên tắc cao nhất của mọi hoạt động đối ngoại. Thứ hai, các hoạt động đối ngoại phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Để duy trì và thực hiện được chính sách “cân bằng nước lớn”, Việt Nam đã xây dựng một loạt những chính sách cụ thể và hoàn thiện. Điều đó thể hiện ở những điểm sau:
Đầu tiên đó là chính sách “Bốn không”: Năm 2019, Việt Nam phát hành Sách Trắng Quốc phòng, nhắc đến những nguyên tắc của mình trong quan hệ quốc tế. Ngoại trừ nguyên tắc “ba không” nổi bật trong những bản Sách Trắng Quốc phòng năm 2009, bản Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 còn có thêm một chính sách nữa. Những chính sách này bao gồm: Không tham gia liên minh quân sự; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại các nước khác; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế[4]. Những chính sách này đã thể hiện rõ phương châm ngoại giao độc lập, tự chủ và trung lập của Việt Nam.
Thứ hai là hợp tác và đấu tranh: Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa hiện thực, cho rằng nước lớn hoặc nước mạnh là chủ thể thống trị trong chính trị khu vực và quốc tế. Trong trạng thái xã hội quốc tế vô chính phủ, an ninh là mục tiêu cao nhất của quốc gia, chỉ có dưới điều kiện sự tồn tại được bảo đảm, đất nước mới có thể theo đuổi các mục tiêu như an toàn, phúc lợi và quyền lực. Trên cơ sở “bảo vệ lợi ích quốc gia”, Việt Nam đã đề ra quan điểm về “đối tượng – đối tác”, theo đó cần phải vừa “hợp tác” vừa “đấu tranh”. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”[5].
Thứ ba là duy trì sự cân bằng giữa các nước lớn: Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong đó, Việt Nam xác định rõ định hướng duy trì thế cân bằng chiến lược với các nước lớn, nghĩa là “cần tạo ra lợi ích chiến lược đan xen giữa Việt Nam với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, cô lập, phụ thuộc”. Có thể thấy rằng Việt Nam hy vọng duy trì sự cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chính sách cân bằng với Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam
Đối với Trung Quốc – tăng cường hợp tác kinh tế, kiềm chế bất đồng
Từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước 1991, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Nga,Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN[6]. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ nhập siêu cao. Chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có những tín hiệu tích cực khi giá trị được cải thiện dần qua các năm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á và là quốc gia đầu mối quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời là cầu nối liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á.
Đối với Mỹ – gác lại quá khứ, hướng đến tương lai
25 năm sau khi thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Mỹ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực, toàn diện, đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia các quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi; tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ – Việt Nam ký kết năm 2013 – đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương; và các Tuyên bố chung do lãnh đạo hai nước ban hành vào các năm 2015, 2016, và tháng 5, tháng 11 năm 2017[7].
Việt Nam được Mỹ xác định là một trong các quốc gia trung tâm trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Cùng với đó với vị trí địa kinh tế và địa chính trị thuận lợi của mình, Việt Nam – Mỹ không thể không hợp tác về quốc phòng, an ninh để bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông, khu vực và quốc tế. Hợp tác quốc phòng, an ninh được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải. Tháng 12/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sang thăm Mỹ và tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sang thăm Việt Nam. Hai bên đã có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011; tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 – 2020. Trong những năm gần đây, Mỹ và Việt Nam đã tổ chức 11 cuộc đối thoại về an ninh nhằm thảo luận về hợp tác an ninh song phương. Những cuộc đối thoại này đã thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa hai quốc gia, đồng thời phản ánh cam kết chung của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở[8].
Vào tháng 5 năm 2016, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải – bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa và quỹ Hỗ trợ tài chính Quân sự Đối ngoại. Mỹ đã bàn giao các tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam vào năm 2017 và 2020 để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi luật hàng hải. Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua hỗ trợ Việt Nam lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan vào năm 2018[9].
Như vậy có thể thấy được, mỗi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang được mở rộng hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, Mỹ điều chỉnh chính sách hướng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương (từ thời chính quyền Trump gọi là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương), trong đó lựa chọn Đông Nam Á là bước khởi đầu cho sự quay trở lại của mình và Việt Nam là một mắt xích quan trọng.
Tích cực thiết lập mối quan hệ ngoại giao đa phương
Để cân bằng và giữ vị thế trung lập trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, một trong những chính sách quan trọng của Việt Nam đó là phát triển mối quan hệ ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam không ngừng nâng cao quan hệ hợp tác với các nước phát triển khác trong và ngoài khu vực như là Nhật, Hàn, Nga, EU; đồng thời tích cực thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất, hợp tác của ASEAN, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Là tổ chức khu vực của các quốc gia vừa và nhỏ, từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, phát huy được sức mạnh đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương càng thêm gay gắt đã tạo cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á những cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc phòng, quân sự và đảm bảo an ninh quốc gia, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an ninh và chiến lược phát triển của các nước.
ASEAN cung cấp một cơ chế quan trọng cho Việt Nam trong chiến lược cân bằng nước lớn. Thông qua ASEAN, Việt Nam có cơ hội nâng cao vị thế, sức mạnh của mình trên quốc tế, bảo vệ lợi ích trên Biển Đông. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tận dụng nhiệm kỳ Chủ tịch để tổ chức Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMMRetreat), Hội nghị Lãnh đạo Tình báo quân sự ASEAN (AMIM-17) và Hội nghị Chỉ huy tác chiến ASEAN (AMOM) đặt ra các vấn đề liên quan đến khu vực ra sức lợi dụng sức mạnh của khối ASEAN để mưu cầu lợi ích riêng.
Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực mở rộng mối quan hệ song phương và đa phương với các nước phát triển trong khu vực và ngoài khu vực. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 4/5 thành viên thường trực Liên Hợp Quốc: Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc. Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam ở mức độ 2, chỉ xếp sau Trung Quốc, những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước về kinh tế, an ninh quốc phòng ngày càng phát triển. Trong khi đó, Nga vẫn là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và là nhà cung cấp vũ khí quân sự chính của Việt Nam. Nhật Bản là nước viện trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam, quan hệ hai nước không chỉ đa dạng hóa về kinh tế, an ninh chính trị, mà còn tăng cường giao lưu phi chính phủ giữa hai nước.
Triển vọng chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam
Tầm ảnh hưởng và uy tín đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được mở rộng. Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 186/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, hợp tác kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, thiếp lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có 17 đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với các nước trên thế giới. Việc cả Mỹ và Trung đều coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều không gian để Việt Nam phát huy vai trò của mình. Theo Viện Nghiên cứu Lowy (Australia), năm 2020, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngoại giao Việt Nam xếp thứ 9 tại khu vực châu Á, tăng 3 bậc so với năm 2019 và đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á[10].
Trong không gian cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ, Việt Nam với vị trí “then chốt” có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực đất nước. Sự điều chỉnh của các chuỗi giá trị và cung ứng công nghệ toàn cầu mang lại cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cơ hội nắm bắt và tham gia vào các chuỗi này. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí sản xuất hợp lý, mạng lưới hội nhập quốc tế sâu rộng với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nếu thu hút được các nhà máy sản xuất máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị điện tử…[11] Có thể nói, Việt Nam đang đối diện với bối cảnh mới với những cơ hội “vàng” trong chiến lược FOIP của Mỹ, điểm then chốt trong Sáng kiến một vành đai một con đường của Trung Quốc. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu như một số nước trong khu vực đã tận dụng các cơ hội giống như cơ hội hiện nay của Việt Nam.
Vừa qua sự kiện tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đến thăm Việt Nam sau chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của tàu USS Carl Vinson hai năm trước. Nếu chuyến thăm nói lên điều gì, thì đó chính là việc quyết định của Việt Nam đón tiếp tàu sân bay trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung không ngừng gia tăng cho thấy sự tự chủ chiến lược cũng như tư thế chiến lược ngày càng trưởng thành của Việt Nam. Chuyến thăm cũng giúp Việt Nam gửi những tín hiệu nhất quán tới cả hai cường quốc: Với sự cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa hai cường quốc, Việt Nam có lợi ích trong việc duy trì sự cân bằng giữa hai bên. Đối với Mỹ, Việt Nam tiếp tục coi trọng quan hệ chiến lược song phương và Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ ở Biển Đông nếu các can dự đó phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, thông điệp là nếu Trung Quốc tiếp tục không tôn trọng các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông thì điều đó có thể gây tác dụng ngược, đẩy Việt Nam xa hơn về phía Mỹ cho dù Việt Nam có coi trọng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc đến mức nào đi chăng nữa[12].
Kết luận
Qua những tổng hợp, phân tích trên có thể thấy chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam hiện tại vẫn đang đạt được hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt thì suy cho cùng, điều mang ý nghĩa quan trọng và quyết định nhất là Việt Nam phải bằng mọi cách, mọi biện pháp, huy động mọi nguồn lực để trước hết gia tăng nội lực, sức mạnh quốc gia tổng hợp (cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”), để sao cho phát huy tối đa mặt thuận lợi, tận dụng tối ưu những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn, đẩy lùi những nguy cơ có thể đến từ quan hệ với Mỹ và Trung. Nói cách khác, chỉ có thể bằng hiệu quả hoạt động của các nhân tố chủ quan thì Việt Nam mới khắc phục được những khó khăn, đẩy lùi hoặc triệt tiêu được những nguy cơ và mới biến những cơ hội thuận lợi trong quan hệ với Mỹ và Trung thành hiện thực.
———————–
Tài liệu tham khảo:
[1] Võ Hải Minh, Đinh Công Hoàng (2021), “Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 03/2021, tr. 15
[2] Nguyễn Hùng (2016), Lợi ích quốc gia-dân tộc là nguyên tắc tối cao của hoạt động đối ngoại (Bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý), VOV, https://vov.vn/chinh-tri/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-nguyen-tac-toi-cao-cua-hoat-dong-doi-ngoai-543351.vov
[3] Phạm Bình Minh (2017), “Những điểm mới và nội dung cốt lõi của đường lối đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/nhung-diem-moi-va-nhung-noi-dung-cot-loi-cua-duong-loi-doi-ngoai-trong-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang-3468
[4] Bộ Quốc phòng Việt Nam (2019), Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 25.
[5] Trần Thái Bình (2014), “Một số nội dung cơ bản của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/mot-so-noi-dung-co-ban-cua-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-trong-tinh-hinh-moi/5731.html
[6] Tô Minh (2023), “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/quan-he-viet-nam-trung-quoc-duy-tri-xu-the-phat-trien-post759101.html
[7] Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Quan hệ Mỹ – Việt Nam, https://vn.usembassy.gov/vi/our-relationship-vi/policy-history-vi/us-vietnam-relations-vi/
[8] Thân Văn Thương, Dương Văn Toàn (2022), “Quan hệ Việt Nam – Mỹ hiện tay”, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-he-viet-nam-hoa-ky-hien-nay-101164.htm
[9] Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Quan hệ Mỹ – Việt Nam, https://vn.usembassy.gov/vi/our-relationship-vi/policy-history-vi/us-vietnam-relations-vi/
[10] Trần Khánh (2022), “Không gian chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/825861/khong-gian-chien-luoc-cua-viet-nam-trong-boi-canh-moi.aspx#
[11] Nguyễn Việt Lâm (2020), “Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc và một vài đề xuất tham chiếu cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/815933/view_content
[12] Lê Hồng Hiệp (2020), “Hàm ý chiến lược từ chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt”, Nghiên cứu quốc tế, ngày 05.3.2020.
[13] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại hội XII và những điểm mới về đường lối đối ngoại, https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/nr140319210702/ns160904093015
[14] Minh Quân (2021), “Có gì sau Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của Mỹ?”, Báo Quốc tế, https://baoquocte.vn/co-gi-sau-huong-dan-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-tam-thoi-cua-my-138488.html
[15] Nguyễn Cơ Thạch (1990), “Những chuyển biến trên thế giới và tư duy của chúng ta”, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số 1, tháng 1-1990.
[16] Lê Văn Phong (2015), Quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, Tạp chí Điện tử Lý luận chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/915-qua-trinh-bo-sung-hoan-thien-duong-loi-doi-ngoai-thoi-ky-doi-moi.html
[17] Hà Mỹ Hương, Chính sách của Việt Nam với Mỹ và quan hệ Việt Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI: Thực trạng và triển vọng, Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
[18] Lê Hồng Hiệp (2019), “Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam lại gần Mỹ hơn”, Nghiên cứu quốc tế, ngày 26.7.2019.
Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Việt Nam và quốc tế, Quan hệ Việt - Trung, Quan hệ Việt - Mỹ